CẨM NANG: 10: LY THÂN MÀ DÂY HÔN PHỐI VẪN CÒN - JB. Lê Ngọc Dũng
Theo nguyên tắc chung, vợ chồng có bổn phận và có quyền bảo vệ đời sống chung, trừ khi vì một lý do hợp pháp họ được phép ly thân (đ. 1151).
Cha sở phải thiết tha khuyên nhủ người phối ngẫu vì đức bác ái Kitô giáo và vì ích lợi của gia đình, đừng từ chối tha thứ cho bên ngoại tình và đừng cắt đứt đời sống chung vợ chồng, tuy nhiên, nếu họ đã không minh nhiên hay mặc nhiên tha thứ lỗi lầm cho bên kia, thì họ có quyền cắt đứt đời sống chung vợ chồng, trừ khi họ đã chấp nhận việc ngoại tình, hoặc họ đã gây ra nguyên nhân của tội ngoại tình, hoặc họ cũng đã phạm tội ngoại tình (đ. 1152§1).
Nếu sau khi biết có tội ngoại tình, người phối ngẫu vô tội vẫn tự nguyện sống chung đời vợ chồng với người phối ngẫu kia thì được suy đoán là có sự tha thứ mặc nhiên (đ. 1152§2). Nếu người phối ngẫu vô tội tự ý cắt đứt đời sống chung vợ chồng, thì trong vòng sáu tháng phải đưa vụ án ly thân ra trước nhà chức trách Giáo Hội: sau khi đã xem xét tất cả mọi hoàn cảnh, nhà chức trách Giáo Hội phải thẩm định xem có thể làm cho người phối ngẫu vô tội tha thứ lỗi lầm và không kéo dài mãi cảnh ly thân hay không (đ. 1152§3).
Nếu người phối ngẫu này gây nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho người kia hoặc cho con cái, hay nếu bằng cách nào khác làm cho đời sống chung trở nên nặng nề, thì bên nọ tạo cho bên kia một lý do hợp pháp để ly thân (đ. 1153§1).
Khi có lý do hợp pháp ly thân như trên, Bản Quyền địa phương có thể cho phép ly thân bằng một sắc lệnh. Tuy nhiên, nếu có nguy cơ khi phải chờ đợi được ban sắc lệnh bên nạn nhân cũng có quyền được ly thân trước khi nhận được sắc lệnh (đ. 1153§1).
Một số các trường hợp có lý do hợp pháp ly thân, theo thực tế, có thể kể như: Chồng ngoại tình rồi về hành hạ hoặc mắng chưởi vợ con; chồng rượu chè đánh đập vợ con thường xuyên; chồng mê cờ bạc, gây nợ nần nghiêm trọng hoặc chồng sống băng đảng khiến xã hội đen đe dọa người vợ.
Ở các nước mà quyết định của nhà chức trách Giáo Hội có hiệu lực dân sự, thì rõ là sắc lệnh của Bản Quyền cho phép ly thân cũng có hiệu lực dân sự. Bên nạn nhân không còn bị bên kia bách hại vì quan hệ vợ chồng theo luật dân sự bị hủy bỏ. Tất nhiên, đối với Giáo Luật, dây hôn hôn phối của họ vẫn còn; họ không được tái hôn.
Tại Việt Nam, nơi mà quyết định của nhà chức trách Giáo Hội không có hiệu lực dân sự, Giám Mục Giáo Phận khi ra sắc lệnh cho phép ly thân cũng có thể cân nhắc để cho phép đưa vụ ly thân ra toà án dân sự (đ. 1692§2). Việc cho phép này không những là hợp pháp mà còn là vấn đề mục vụ cần phải làm để bảo vệ cho nạn nhân.
Vì vậy, trong thực tế, khi một bên có lý do hợp pháp để có quyền ly thân, như trường hợp người phối ngẫu kia gây nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho mình hoặc cho con cái (đ. 1153§1), Giám Mục Giáo Phận nên cho phép đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự, bằng một sắc lệnh (đ. 1692§2).[1] Toà án dân sự sẽ tuyên bố cắt đứt quan hệ vợ chồng và xét xử việc phân chia tài sản và nuôi dưỡng con cái. Nhờ đó, bên tín hữu bị nạn được bảo vệ.
Đức Giám Mục cũng có thể trao vụ án ly thân cho tòa án giáo phận xét xử và được giải quyết bằng một bản án (đ. 1692) và tòa án giáo phận có thể quyết định cho phép họ đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự nếu thấy cần thiết. Hiện nay ở Việt Nam, theo luật địa phương hay lệ đã có lâu đời, tín hữu ly dị ở tòa án dân sự bị vạ tiền kết, không được lãnh nhận bí tích Giải Tội và Thánh Thể hoặc bị vạ cấm chế, không được lãnh nhận các bí tích. Phần lớn các giáo phận vẫn còn duy trì luật phạt này với dụng ý răn đe, ngăn ngừa sự ly dị. Tuy nhiên, vạ tiền kết này (gần như là vạ tuyệt thông đối với giáo dân) cũng cần được xem xét lại cho hợp lý và hợp với tinh thần mới của Giáo Hội. Ngược lại, một sự điều hành không còn phù hợp với cái nhìn mới sẽ gây tác hại nhiều hơn là lợi ích.
Luật Giáo Hội năm 1983 không hề áp đặt một vạ tiền kết cho những người ly dị ở tòa án dân sự. Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Rio đến Roma năm 2013 đã xác định: "Những người ly dị được phép rước lễ, chính những người ly dị và tái hôn mới không được phép."
Đối với việc ly dị ở tòa án dân sự, Sách Giáo Lý Công Giáo cũng có nói: "Nếu sự ly dị tòa đời là cách duy nhất để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, để lo cho các con hoặc để bảo vệ di sản, thì có thể được dung thứ và không tạo thành một lỗi phạm nào về luân lý" (GLCG 2383).
Bộ luật 1983 còn kể là có lý do hợp pháp cho phép ly thân đối với bên nạn nhân bị bách hại. Nạn nhân cũng được quyền tự ý ly thân trước nếu có nguy hại khi phải chờ đợi được thẩm quyền Giáo Hội ban phép (đ. 1153§1). Điều này cũng được hiểu là, nếu sự cho phép ly thân của giáo quyền không có hiệu lực dân sự thì nạn nhân cũng được quyền ly thân ở tòa án dân sự trước mỗi khi có nguy hại nếu phải chờ đợi giáo quyền ban phép.
Vì vậy, nếu luật địa phương quy định tất cả những ai ly dị ở tòa án dân sự, bị phạt vạ mà không kể vì lý do gì, là không phù hợp với Giáo Luật (đ. 1152, 1153, 1692§2). Ngược lại, để phù hợp với tinh thần của Giáo Luật cần phải xét định từng trường hợp một. Nên cho phép tín hữu đưa vụ ly thân ra tòa án dân sự mỗi khi cần thiết để họ được bảo vệ khỏi những sự bách hại nguy hiểm cho tinh thần hay thể chất cho mình hoặc cho con cái.
[1] Thay vì một ra sắc lệnh, Giám Mục giáo phận có thể ký chấp nhận vào đơn xin của nạn nhân. Trong đơn có nêu sự kiện bị bách hại và được cha sở chứng thực và góp ý.
Nguồn: giaoluatconggiao.com