1.1. Hôn nhân
Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; tự bản chất, giao ước ấy hướng về thiện ích đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái (đ. 1055§1).
a- Sự thành lập hôn nhân: Kết ước
Hôn nhân được thành lập bởi một “kết ước” hay một “giao ước” giữa một người nam và một người nữ. Sự kết ước này phải được thực hiện bởi sự "ưng thuận" của đôi bạn với ý chí tự do.
Giáo Luật xác định đó là một kết ước giữa hai người khác phái, chứ không giữa hai người đồng phái.
Sự kết ước này là vĩnh viễn, bất khả thu hồi, là hình ảnh hay Bí Tích của Giao Ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5, 25-26).
b- Đối tượng hay nội dung của kết ước hôn nhân
Đôi bạn kết hôn là để thực hiện cuộc sống chung mà họ sẽ hiệp thông thân mật với nhau trọn cả cuộc sống. Công Đồng Vaticano II, diễn tả ý nghĩa nội dung hôn nhân là: "sự hiệp thông thân mật của đời sống và tình yêu (intima communitas vitae et amoris coniugalis)" (GS, 48).
"Tự bản chất", hôn nhân hướng về thiện ích đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái. Giáo Hội xác nhận những thiện ích đôi bạn, thiện ích con cái… thuộc về chính bản tính tự nhiên của hôn nhân, chứ không chỉ là mục đích riêng của con người.
c- Tình yêu trong hôn nhân
Giáo thuyết Công Giáo xác định yếu tố "tình yêu" trong sự hiệp thông của đời sống hôn nhân: "sự hiệp thông thân mật của đời sống và tình yêu" (x. GS, 48). "Tình yêu" là yếu tính của sự kết hợp nam nữ trong hôn nhân. Tuy nhiên, chữ "tình yêu" đã không được đưa vào khoản luật xác định sự thành lập hôn nhân, vì tình yêu là yếu tố tâm lý khó mà xác định được trong phạm vi pháp lý. Giáo luật, xác định sự thành lập hôn nhân bằng sự "kết ước" với ý chí tự do của mỗi người.
Hôn nhân vẫn được thành lập dù thiếu vắng tình yêu. Nói cách khác, không có tình yêu, hôn nhân vẫn được kết ước hữu hiệu về mặt pháp lý. Tuy nhiên, Giáo luật vẫn trung thành với ý nghĩa của hôn nhân mà Công Đồng Vaticano II diễn tả, đã dùng những từ ngữ hàm chứa yếu tố tình yêu. Một trong những thuật ngữ đáng chú ý là "totius vitae consortium" đã được đưa vào trong chính khoản luật có tính định nghĩa hôn nhân.
Chữ consortium được cấu tạo bởi hai chữ: con = cùng, sors = vận mệnh. Cụm từ "totius vitae consortium" được dịch là "sự hiệp thông trọn cả cuộc sống" cũng chưa diễn tả đủ, vì chưa nói lên được sự chung chia cả vận mệnh hay sự đồng số phận của đôi bạn.
Thiện ích hôn nhân, bonum coniugum, là một khái niệm tương đối mới, thêm vào ba thiện ích hay điều "tốt" (bonum) của hôn nhân theo Thánh Augustino vốn đã được đón nhận trong giáo thuyết truyền thống. Ba điều thiện ích ấy được kể là:
Bonum prolis: thiện ích con cái. Hôn nhân tự bản chất hướng đến sinh sản và giáo dục con cái.
Bonum sacramentum: thiện ích bí tích. Hôn nhân là dấu hiệu, là bí tích, của sự thánh thiện và sự kết hợp yêu thương vững bền, bất khả phân ly, giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5, 25-26).
Bonum fidei: thiện ích của sự trung thành, chung thủy, một vợ một chồng.
Thiện ích thứ tư Bonum coniugum: thiện ích đôi bạn, đặt trên cơ sở đôi bạn kết ước hôn nhân sẽ "trao ban cho nhau chính bản thân mình". Đôi bạn sẽ yêu thương, hy sinh cho nhau, để xây dựng hạnh phúc gia đình.
Đã có sự tiến bộ lớn trong cái nhìn về bản chất của hôn nhân trong giáo thuyết Công Giáo. Đối tượng kết ước hôn nhân của hôn nhân không còn được xác định như là một sự trao ban cho nhau về "quyền trên thân xác" (ius in corpus) một cách tuyệt đối và vĩnh viễn, hướng đến việc sinh sản con cái.[1] Hôn nhân cũng không còn được coi như có mục đích đệ nhị là "trợ giúp lẫn nhau và phương thuốc chữa trị tình dục" (mutuum adiutorium et remedium concupiscentiae), như bộ Giáo Luật cũ 1917 diễn tả.[2]
Khái niệm tình yêu hôn nhân mà tình dục là một yếu tố bản chất chỉ mới được nhận ra vào khoảng đầu bán thế kỷ 20, và được Công đồng Vaticano II xác nhận. "Quyền trên thân xác" được chuyển dịch sang cách hiểu nhân vị hơn, là yêu thương trao ban chính bản thân mình. Vợ hay chồng thực hiện nghĩa vụ trao ban cho nhau một cách tự nguyện, chứ không bó buộc lẫn nhau quyền trên thân xác. Án lý tòa án hôn phối, căn cứ trên điều 1055§1 về bản chất của hôn nhân khi xác nhận hôn nhân vô hiệu trong những trường hợp kết ước hôn nhân với ý muốn loại trừ hoặc coi thường "thiện ích hôn nhân" (bonum coniugum), "thiện ích con cái" (bonum prolis), "thiện ích chung thủy đơn nhất" (bonum fidei), hoặc "thiện ích bất khả phân ly" (bonum sacramentum).
Sự loại trừ thiện ích hôn nhân thường thấy ở những hành vi như: coi vợ như nô lệ; kết hôn vì mục đích xa lạ như chỉ để thỏa mãn tình dục, lợi dụng tài sản, quyền lực, lạc thú… hoặc ngay cả chỉ để có con cái mà coi người bạn đời hay chính hôn nhân như là phương tiện.
Loại trừ thiện ích con cái thể hiện ở sự không muốn sinh con, không muốn chu toàn nhiệm vụ nuôi dưỡng giáo dục con cái.
1.2. Bí tích hôn nhân
Chúa Kitô nâng giao ước hôn nhân giữa hai người được Rửa tội lên phẩm giá bí tích (đ. 1055§1).
a- Phẩm giá bí tích
Hôn nhân là một cơ cấu tự nhiên do Thiên Chúa thiết lập và nhờ Đức Kitô nâng lên phẩm giá bí tích (to the dignity of a sacrament), tức lên hàng thánh thiện, được thông phần dồi dào ân sủng. Trong hôn nhân, tính bí tích là một phẩm giá thánh thiện đặc biệt, nhưng không là yếu tính hay bản chất của hôn nhân hiểu theo tự nhiên.
Hôn nhân Công Giáo, giữa hai người được rửa tội, đương nhiên là bí tích. Giáo luật xác định: giữa hai người đã được Rửa Tội (Vd. Công Giáo – Công Giáo, Công Giáo – Tin lành) không thể có khế ước hôn nhân thành sự, nếu đồng thời không phải là bí tích (đ. 1055§2).
Tuy vậy, không nên hiểu rằng: bất cứ hôn nhân nào không là bí tích thì không là hôn nhân thật sự. Giáo Hội nhìn nhận những hôn nhân không có phẩm tính bí tích vẫn thật sự là hôn nhân cùng với những đặc tính đơn nhất và bất khả phân ly. Những hôn nhân đó có thể kể là hôn nhân khác đạo, nghĩa là, hôn nhân giữa một người Công Giáo và một người lương, hôn nhân ở tôn giáo khác, hay hôn giữa hai người lương.
b- Bí Tích Hôn Phối và Thánh Lễ
Phẩm giá bí tích của hôn nhân không tùy thuộc vào việc cử hành trong hay ngoài Thánh Lễ, nhưng tùy thuộc vào sự kiện hai người được rửa tội kết hôn. Tất nhiên, khi được cử hành trong Thánh Lễ, hôn nhân được tăng phần thánh thiện, đón nhận được nhiều ân sủng hơn. Nếu hai người được rửa tội cử hành kết hôn ngoài Thánh Lễ, thì hôn nhân của họ vẫn là bí tích.
Điều trên được thấy rõ trong trường hợp nguy tử, hôn nhân có thể cử hành mà không có linh mục chứng hôn. Tuy chỉ có hai giáo dân làm chứng cho sự ưng thuận kết hôn giữa hai người được Rửa tội, ngoài Thánh Lễ, hôn nhân vẫn thành sự và đồng thời vẫn là bí tích (đ. 1116§1). Ngoài ra, hôn nhân với "phép giao" của hai người được rửa tội, ngoài Thánh Lễ, vẫn là hôn nhân bí tích.
c- Phép giao là gì?
"Phép giao", theo ngôn ngữ thông thường ở Việt Nam, được dùng để chỉ một cử hành kết hôn ngoài Thánh Lễ. Phép giao thật sự là một kết ước hôn nhân của hai người nam nữ để trở nên vợ chồng, chứ không phải một kết hôn nữa vời.
Một hôn nhân cử hành theo "phép giao" cũng có thể là bí tích hay không là bí tích, vì phẩm giá bí tích tùy thuộc vào Rửa Tội của đôi bạn kết hôn đã lãnh nhận, không tùy thuộc vào việc kết hôn trong hay ngoài Thánh Lễ.
d- Kết hôn tự nhiên hay kết hôn theo luật lệ
Những kết hôn ngoài phạm vi chi phối của Giáo Luật, ví dụ như hôn nhân dân sự giữa hai người lương, giữa hai người Tin Lành, nên được gọi là hôn nhân "theo luật lệ", vì hôn nhân này được thành lập do kết ước theo luật hay lệ dân sự hay tôn giáo.
Đôi khi hôn nhân này được chúng ta gọi là hôn nhân "tự nhiên". Gọi như vậy cho dễ, thật ra cũng không đúng, vì nếu hiểu "tự nhiên" là tính chất của những điều Thiên Chúa tạo dựng, khác với "nhân tạo" thì một hôn nhân Công Giáo cũng là một hôn nhân tự nhiên.
Giáo Hội công nhận giá trị dây hôn phối của hôn nhân theo luật lệ ngoài Công Giáo.
e- Theo đạo sau kết hôn
Vì Giáo Hội công nhận giá trị dây hôn phối của hôn nhân theo luật lệ ngoài Công Giáo, nghĩa là, đôi bạn kết hôn là vợ chồng với nhau thật sự. Một khi họ đã là vợ chồng rồi, thì sau đó, cho dù một hay cả hai người lương đó theo đạo, không được cử hành kết hôn một lần nữa.
Nếu cả hai họ trở lại đạo thì hôn nhân trước đây của họ không là bí tích sẽ tự động được nâng lên phẩm giá bí tích. Nếu một người trong họ theo đạo, thì hôn nhân không được nâng lên phẩm giá bí tích.
1.3. Đặc tính chính yếu
Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là sự đơn nhất và bất khả phân ly. Những đặc tính này có một sự vững bền đặc biệt trong hôn nhân Kitô giáo, vì lý do bí tích (đ. 1056).
Hai đặc tính chính yếu của hôn nhân là đơn nhất - một vợ một chồng, và bất khả phân ly - không thể ly dị. Những đặc tính này không chỉ có ở hôn nhân bí tích mà còn ở cả hôn nhân không bí tích. Tuy nhiên, đối với hôn nhân bí tích thì những đặc tính này có sự vững bền đặc biệt, không thể được tháo gỡ bởi một quyền lực nhân loại nào. Hôn nhân không là bí tích có thể được tháo gỡ nhờ bởi những đặc ân, như đặc ân Thánh Phaolô (đ. 1143), đặc ân thánh Phêrô (đ. 1148, 1490), đặc ân Đức Tin.[3]
Một kết hôn hữu hiệu theo luật lệ dân sự mà không ai trong đôi bạn là người Công Giáo, cho dù đôi bạn đã ly dị ở tòa án dân sự, dây hôn phối vẫn còn và gây ngăn trở tiêu hôn cho hôn nhân với người Công Giáo sau đó.
Hiện nay, trong ý tưởng của giáo dân, vẫn có sự lầm lẫn, cho là dây hôn phối giữa hai người lương được hủy bỏ sau khi họ đã ly dị ở tòa án dân sự. 1.4. Sự ưng thuận
Chính sự ưng thuận của đôi bên được biểu lộ cách hợp pháp giữa những người có năng cách pháp lý làm nên hôn nhân và không một quyền lực nào của loài người có thể thay thế được sự ưng thuận ấy (đ. 1057§1).
a- Yếu tố chính yếu của kết ước hôn nhân
Theo Giáo Luật, ba yếu tố chính yếu làm nên kết ước hôn nhân:
1- sự ưng thuận;
2- sự ưng thuận đó phải được biểu lộ hợp pháp;
3- và được thực hiện bởi người có năng cách pháp lý.
Thiếu một trong ba yếu tố nói trên, hôn nhân không được thành lập, nghĩa là hôn nhân không hữu hiệu hay vô hiệu.
b- Sự hữu hiệu của "ưng thuận" kết hôn
Sự "ưng thuận" là hành vi của ý chí tự do, nhờ đó hai người nam nữ trao ban và lãnh nhận nhau qua một giao ước bất khả thu hồi để làm nên hôn nhân (đ. 1057§2).
Sự ưng thuận kết hôn được công nhận hữu hiệu dựa theo những biểu lộ ra bên ngoài (lời thề ước, cử chỉ nắm tay, trao nhẫn…) một cách chính thức và được công nhận, nghĩa là được biểu lộ bằng những thể thức theo luật lệ dân sự hay tôn giáo.
Một khi việc kết hôn được cử hành theo những thể thức, hôn nhân được coi là thành sự. Giáo Luật quy định: "Hôn nhân được luật ưu đãi, vì thế khi hồ nghi, hôn nhân vẫn được coi là thành sự cho đến khi có chứng cớ ngược lại" (đ. 1060).
Khi hôn nhân bị vô hiệu được chứng minh rõ như bị ngăn trở tiêu hôn hay do thiếu thể thức, hôn nhân vẫn có thể được thành sự hóa nếu đôi bạn muốn tiếp tục duy trì hôn nhân. Nếu họ muốn huỷ bỏ hôn nhân, phải có sự xác nhận hôn nhân vô hiệu bởi giáo quyền. Trừ một vài trường hợp quá rõ ràng, các xác nhận hôn nhân vô hiệu của giáo quyền, nhất là đối với các trường hợp vô hiệu do hà tỳ ưng thuận (Vd. do bị ép buộc, sợ hãi, lừa dối…) phải được thực hiện qua môt tiến trình thủ tục của tòa án hôn phối giáo phận.
c- Sự ưng thuận được biểu lộ theo thể thức hợp pháp
Nói chung trong cả phạm vi đạo và đời, sự ưng thuận kết hôn, phải được biểu lộ hợp pháp, tức là phải biểu lộ theo một thể thức công (public) theo luật hay lệ quy định, mới được công nhận là hữu hiệu.
Trong Công Giáo, Giáo Luật quy định thể thức kết hôn riêng, gọi là thể thức giáo luật (forma canonica), được tóm tắt như sau: hai người nam nữ biểu lộ sự ưng thuận kết hôn trước mặt vị chứng hôn là linh mục hay phó tế và hai nhân chứng (đ. 1108§1).
Kết ước hôn nhân ngoài Công Giáo có thể được thực hiện theo nhiều thể thức khác nhau, nhưng phải là thể thức chính thức, nghĩa là, phải có đặc tính "công" (public) chứ không phải là tư (private).
Những nghi thức cử hành "công", tức là những nghi thức được công nhận hay hình thành theo luật hay lệ, nghĩa là theo truyền thống văn hóa (lệ), hay luật của tôn giáo, quốc gia, hay dân tộc.
Kết ước hôn nhân theo thể thức "tư" (private), có nghĩa là, kết ước không theo luật hay lệ nào cả. Kết ước tư thì không tạo nên một hôn nhân hữu hiệu, không được công nhận bởi xã hội dân sự.
Ở Việt Nam, một trong những hình thức kết ước như sau, được coi là công, cũng đủ làm nên dây ràng buộc hôn nhân:
- đăng ký kết hôn ở cơ quan chính quyền và đã được chính quyền công nhận (theo luật quốc gia).
- kết ước thành vợ chồng trước mặt cha mẹ hai bên theo phong tục tập quán;
- kết ước thành vợ chồng trước bàn thờ tổ tiên với sự chứng giám của bà con họ hàng theo theo phong tục tập quán.
Người đã đăng ký kết hôn ở cơ quan chính quyền và khi đã được chính quyền công nhận họ đã thành vợ chồng thì đủ để xác định người này đã có dây hôn phối, cho dù sau đó họ không có thực hiện nghi thức kết hôn theo truyền thống khác hay không có làm đám cưới.
Hôn nhân chỉ được kết ước ở cơ quan chính quyền như trên cũng đủ để tạo thành ngăn trở dây hôn phối. Nếu tín hữu muốn tiêu hủy hôn ước này, với lý do là chỉ làm giấy tờ theo hình thức pháp luật để đối phó với hoàn cảnh xã hội (kết hôn giả để được bảo lãnh…) thì phải có sự xác nhận hôn nhân là vô hiệu bởi tòa án hôn phối giáo phận.[4]
Trong thực tế, trong tiến trình thủ tục chuẩn bị cho người lương được kết hôn với người Công Giáo, phải xác định dây hôn phối, là đã có hay không, của người lương đó. Nếu người lương đã có một cuộc sống chung mà không có kết hôn thì dây hôn phối chưa được thành lập. Tuy nhiên, nếu có hồ nghi về sự hữu hiệu của hình thức kết hôn nào đó, thì cần điều tra kỹ lưỡng.
Để xét định sự hữu hiệu của một hôn nhân ngoài Công Giáo, cần xét đến thể thức cử hành kết hôn của họ. Thể thức đó phải là thể thức "công" hay không (xem ở trên, số 1.4.c).[5] Khi đã kết hôn theo một thể thức công nào đó thì đã đủ tạo thành dây hôn phối, cho dù họ không có hay chưa có kết hôn theo luật quốc gia. Khi có hồ nghi, nên hỏi ý kiến của nhà chức trách có thẩm quyền, trước khi cho kết hôn, theo quy tắc của điều 1085§2:
Dù hôn nhân trước bất thành hoặc được tháo gỡ vì bất cứ lý do nào, thì không vì đó mà được phép kết hôn lần nữa, trước khi thấy rõ cách hợp thức và chắc chắn rằng hôn nhân trước đã bất thành hoặc đã được tháo gỡ (đ. 1085§2). Có năng cách pháp lý để kết hôn có nghĩa là có đủ những tư cách mà Giáo luật quy định để có thể kết hôn thành sự. Mười hai ngăn trở tiêu hôn, được Giáo Luật quy định, nếu mắc phải, được coi là thiếu năng cách pháp lý để kết hôn hữu hiệu.
Nên ghi chú rằng, ngoài những ngăn trở tiêu hôn, còn có những luật ngăn cản kết hôn hay cấm kết hôn. Nếu vi phạm những luật ngăn cản hay cấm kết hôn này, hôn nhân bị bất hợp luật, nhưng vẫn hữu hiệu.
e- Hôn nhân chưa hoàn hợp
Hôn nhân thành sự giữa hai người đã được Rửa Tội mới chỉ là hôn nhân thành nhận, nếu chưa có sự hoàn hợp; hôn nhân được gọi là thành nhận và hoàn hợp, nếu hai người phối ngẫu đã thực hiện hành vi vợ chồng với nhau theo cách thức hợp với nhân tính, mà hành vi này tự nó có khả năng dẫn tới sinh sản là mục tiêu tự nhiên của hôn nhân và do hành vi đó mà hai vợ chồng trở nên một xương một thịt (đ. 1061§1).
Hôn nhân, theo bộ luật 1983, được xác định là hoàn hợp khi đôi bạn đã thực hiện hành vi vợ chồng trong cách thức "hợp nhân tính" (in umano modo). Hành vi vợ chồng, vì vậy, phải được thực hiện trong ý thức và tự do ưng thuận. Đây là điều mới trong khái niệm về sự hoàn hợp hôn nhân. Trong luật cũ, sự hoàn hợp chỉ xét theo phương diện thể lý.
Theo luật mới, sự hoàn hợp phải xét đến cả phần tâm lý. Nếu hành vi vợ chồng được thực hiện với cưỡng ép thể lý hay tâm lý hoặc dưới sự mê man, thì hôn nhân vẫn được coi là chưa hoàn hợp.
Hôn nhân chưa hoàn hợp có thể được tháo gỡ bởi Đức Giáo Hoàng:
Hôn nhân chưa hoàn hợp giữa những người đã được Rửa Tội hay giữa một người đã được Rửa Tội và một không được Rửa Tội, có thể được Đức Giáo Hoàng Rôma tháo gỡ vì một lý do chính đáng, do lời thỉnh cầu của cả hai người hoặc của một người mà thôi, mặc dầu người kia không bằng lòng (đ. 1142).
Sau khi đã cử hành hôn nhân, nếu đôi bạn đã sống chung với nhau, thì hôn nhân được suy đoán là đã hòa hợp cho đến khi có chứng cớ ngược lại (đ. 1061§2).
1.5. Quyền kết hôn
Tất cả mọi người không bị luật cấm đều có thể kết hôn (đ.1058).
Mọi người đều có quyền tự nhiên để kết hôn. Quyền này lại có cơ sở trên bản chất xã hội của con người. Vì vậy, quyền kết hôn phải hòa hợp với lợi ích chung xã hội và bị chi phối bởi luật dân sự và tôn giáo.
Giáo luật đưa ra những quy định ngăn cản hay cấm kết hôn, được kể như:
- Ngăn trở tiêu hôn (đ. 1083-1094): Khi bị mắc ngăn trở tiêu hôn thì kết hôn vô hiệu. Một số ngăn trở tiêu hôn có thể được miễn chuẩn, ví dụ như ngăn trở hôn nhân khác đạo, hôn nhân đang mắc lời khấn dòng. Một số ngăn trở khác, như dây hôn phối, thì không thể được miễn chuẩn, vì vậy, hôn nhân bị cấm cử hành.
- Buộc phải có phép kết hôn (đ. 1071): kết hôn hỗn hợp Công Giáo và Tin Lành, chưa đủ tuổi kết hôn (theo luật dân sự)… Khi không xin phép thì việc kết hôn bất hợp luật nhưng vẫn thành sự.
- Giáo quyền cấm kết hôn: Đấng Bản Quyền có thể cấm kết hôn trong vài trường hợp riêng biệt, có giới hạn trong một thời gian khi lý do nghiêm trọng còn tồn tại (đ. 1077§1). Cha sở không có quyền cấm kết hôn, cho dù trong một thời gian.
Để giúp việc kết hôn được hoàn chỉnh, Giáo luật quy định: "Trước khi cử hành bí tích Hôn Nhân phải biết chắc không có gì cản trở việc cử hành bí tích thành sự và hợp pháp" (đ. 1066).
1.6. Giáo luật chi phối
Hôn nhân của những người Công Giáo, cho dù chỉ có một bên là Công Giáo, bị chi phối không những bởi luật Chúa mà còn bởi luật Giáo Hội nữa (đ. 1059).
a- Ý nghĩa
Bị chi phối bởi luật, tức là bị luật tác động hay bị buộc phải tuân theo luật.
Hôn nhân, nếu có một bên là người Công Giáo thì bị chi phối bởi Giáo Luật (đ.1059). Những luật chi phối tín hữu kết hôn chính yếu là những quy định về ngăn trở tiêu hôn, cấm hôn và việc cử hành kết hôn theo thể thức giáo luật.
Ví dụ: Hôn nhân giữa một người Công Giáo với người lương, bị luật quy định là có ngăn trở tiêu hôn, nếu không có miễn chuẩn ngăn trở này, thì hôn nhân vô hiệu. Hôn nhân khác đạo còn phải được thực hiện theo thể thức giáo luật, nếu không, hôn nhân cũng vô hiệu, cho dù họ có kết hôn theo thể thức dân sự.
b- Nhìn nhận về hôn nhân ngoài Công Giáo
Hôn nhân của hai người không được Rửa Tội, ví dụ như hôn nhân của hai người lương, hay của hai người thuộc tôn giáo khác không bị chi phối bởi Giáo Luật, nên không bị buộc phải cử hành thể thức giáo luật để thành sự.
Theo nguyên tắc chung, Giáo Hội công nhận các hôn nhân được cử hành theo luật dân sự hay tôn giáo khác. Những hôn nhân này vẫn tạo thành dây hôn phối bất khả đoạn tiêu và gây ngăn trở tiêu hôn cho hôn nhân sau đó.
Trong trường hợp, một hay cả hai người lương của một đôi vợ chồng theo đạo, cha sở không được làm thêm một nghi thức kết hôn nào nữa cho họ, vì họ đã thực sự đã trở nên vợ chồng rồi.
---------------------------------------------
Bài được trích từ quyển:
LÊ NGỌC DŨNG, Cẩm Nang Mục Vụ Giáo Luật Bí Tích Hôn Nhân, NXB Tôn Giáo, Nha Trang 2017.