Is 63,16b-17.19b; 64,2b-8; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
Chủ đề: TỈNH THỨC CHỜ ĐÓN CHÚA ĐẾN
“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”.
(Mc 13,33)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Mùa Vọng theo tiếng Latin là “adventus” có nghĩa là “đến”: “Chúa đến”. Để chờ đợi (vọng) Chúa đến, trong mùa này các Kitô hữu sống ba tâm tình: 1) chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa đã đến lần thứ nhất với loài người; 2) hướng lòng trông đợi Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để phán xét và ân thưởng trong ngày tận thế; giữa hai tâm tình đó, còn có một tâm tình khác 3) sống tốt giây phút hiện tại với thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay thúc đẩy các Kitô hữu sống tốt ba tâm tình Mùa Vọng đã nêu trên.
1. Bài đọc I (Is 63,16b-17.19b; 64,2b-8):
Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã tha thiết cầu nguyện xin Đức Chúa đến để cứu Dân Người khỏi tội lỗi, vì tin tưởng vào ân sủng hải hà của Thiên Chúa. Đoạn văn mở và kết thúc bằng cách nại vào tình thương mà Đức Chúa đã dành cho tổ tiên của Israel trong thời xuất hành, thời mà Đức Chúa đã chọn các chi tộc Israel làm gia nghiệp của riêng Người. Đây vừa là lời khẩn nguyện với Chúa nhưng cũng là lời nhắc nhở Dân về cội nguồn của mình. Trong hoàn cảnh hiện tại, ngôn sứ Isaia thúc giục dân thú nhận tình trạng tội lỗi của họ. Ông nhắc cảnh báo để Dân biết rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ vì họ đã phạm tội và xa lìa Thiên Chúa. Họ đã trở nên như người nhiễm uế, khác nào chiếc áo dơ, cuộc sống của họ héo tàn như lá úa, và tội ác họ đã phạm tựa cơn gió cuốn họ đi. Chính tội lỗi làm cho dân lạc xa đường lối Thiên Chúa và vì thế Thiên Chúa đã quay mặt với họ bằng việc bắt họ phải đi lưu đày ở Babylon. Họ thực sự đáng bị Thiên Chúa trừng phạt như thế, nên lúc này họ cần phải thú nhận tội lỗi để dược Chúa đến cứu thoát.
Với đoàn dân từ đất lưu đày hồi hương, Isaia (đệ III) thấy Giêrusalem bị hoang tàn đổ nát, nên ông cầu xin Thiên Chúa “xé trời mà ngự xuống” để cứu Dân. Khi kêu cầu như thế, vị ngôn sứ biết rằng trong thực tế Thiên Chúa đã luôn kêu gọi Dân trở về mà cầu khẩn danh Chúa để được phục hồi nhưng vì họ đã không lắng nghe. Nếu Dân biết sống theo thánh ý Thiên Chúa, đặt mình vào bàn tay Chúa như “đất sét trong tay người thợ gốm” thì chắc chắn sẽ được Chúa làm cho họ nên hoàn hảo, nghĩa là được cứu thoát. Đây cũng chính là tâm tình thứ 1 mà Giáo Hội muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng: dọn lòng sám hối, ăn năn trở về, xưng thú các tội lỗi của mình để chuẩn bị mừng kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa làm người để cứu thoát chúng ta.
2. Bài đọc II (1Cr 1,3-9):
Ngay trong phần đầu của thư gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô cổ võ các Kitô hữu trung thành với Đức Giêsu cho đến cùng. Ngài nhấn mạnh rằng nơi Ðức Kitô Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho họ ân huệ phong phú về mọi phương diện: nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người, khiến họ không thiếu một ân huệ nào. Tuy nhiên trên thực tế, người Côrintô đã không đáp lại ân huệ đó của Thiên Chúa, khi họ sống chia rẽ, bè phái, kiện tụng, sống theo xác thịt, suy đồi luân lý... Chính vì thế, Thánh Phaolô nhắc họ nhớ lại ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã ban cho họ và khuyên họ sống xứng đáng hơn với những ân huệ của Thiên Chúa trong khi chờ đợi ngày trở lại của Đức Giêsu Kitô. Nhờ vậy họ sẽ được vững chắc đến cùng, không ai chê trách được điều gì trong Ngày phán xét của Chúa. Đó chính là tâm tình thứ 2 mà Giáo Hội muốn chúng ta sống trong Mùa Vọng: hướng lòng trông đợi Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để phán xét và ân thưởng trong ngày tận thế, bằng cách rời bỏ lối sống xác thịt theo kiểu người đời mà sống xứng đáng với những ân huệ mà Chúa đã ban cho mỗi người.
3. Bài Tin Mừng (Mc 13,33-37):
Bài Tin Mừng hôm nay, thuộc phần Bài giảng về thời cánh chung trong Mc 13. Đoạn Tin Mừng hôm nay làm nổi bật tinh thần tỉnh thức sẵn sàng chờ đón ngày Chúa đến, vì ngày ấy đến rất bất ngờ, không người nào biết trước được. Trong bài Tin Mừng, hình ảnh ông chủ trẩy phương xa ám chỉ việc Đức Giêsu đã rời thế gian mà đi về với Chúa Cha, và hình ảnh ông chủ trở về ám chỉ việc Đức Giêsu sẽ lại đến trong ngày quang lâm. Giữa hai thời điểm này là quãng thời gian chờ đợi, nhưng cần chờ đợi cách tích cực. Nếu khi ông chủ trẩy phương xa đã để nhà lại, trao cho các đầy tớ mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức, thì họ vừa chờ đợi vừa phải làm trọn công việc bổn phận của mình, trong tinh thần sẵn sàng đón chủ nhà, vì họ không biết khi nào chủ sẽ trở về.
Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, khi họ nghĩ rằng Chúa sẽ đến nay mai. Vì thế, xảy ra hai trường hợp: hoặc là thụ động, không còn thực hiện các nghĩa vụ trần thế nữa mà chỉ chờ Chúa đến; hoặc ngược lại, vì chờ lâu quá nên chán nản và lơ là, không còn sẵn sàng tỉnh thức nữa.
Tin Mừng nhắc lại cho các Kitô hữu tiên khởi và cũng cho mọi người chúng ta hôm nay rằng Chúa sẽ đến nhưng không ai biết được giờ nào. Chính vì thế, cần có một thái độ tích cực trong việc chờ đón này. Đó là sống chủ động, bằng cách vẫn chu toàn các bổn phận của mình, đồng thời phải nghĩ tới yếu tố Chúa đến bất ngờ, để có thái độ và lối sống xứng đáng, trong tư thế sẵn sàng. Đó chính là tâm tình thứ 3 mà Giáo Hội muốn chúng ta thực hiện trong mùa vọng: sống tốt giây phút hiện tại với thái độ canh thức.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Lạy Đức Chúa,…xin Ngày mau trở lại. Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 1 của Mùa Vọng. Khi dân Israel đang sống trong tình cảnh bi đát của thời lưu đày, và ngay cả khi hồi hương, họ không con gì để bám víu, ngôn sứ Isaia đã giúp Dân sống tâm tình sám hối, nhìn nhận lỗi lầm của mình để được Chúa thương “xé trời ngự xuống” mà cứu thoát họ. Chúng ta có ý thức rằng để đón mừng Con Thiên Chúa từ trời xuống thế, chúng ta cần phải có thái độ ăn năn, dứt bỏ đường tà, đi theo đường lối Chúa? Chúng ta có sẵn sàng để Chúa tác động, như người thợ gốm uốn nắn cục đất sét để trở nên tác phẩm của ông, nghĩa là để Chúa tác động làm cho chúng ta trở nên người con Chúa hay không?
2. Lời chứng về Ðức Kitô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Ðức Giêsu Kitô. Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 2 của Mùa Vọng. Quả thật, Mùa Vọng là mùa giúp chúng ta hướng về ngày Đức Kitô đến lần thứ hai trong vinh quang để mặc khải vinh quang của Người và làm cho ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta được viên mãn. Chúng ta đã nhận được ơn huệ phong phú từ Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô nhưng chưa đáp lại ân huệ đó cách xứng đáng, khi còn sống theo xác thịt: sống chia rẽ, bè phái, kiện tụng, suy đồi luân lý... Chúng ta có ý thức rằng chuẩn bị đón Chúa đến trong ngày lễ Giáng Sinh không chỉ bằng những hình thức bên ngoài như những hoạt cảnh công phu, hang đá nguy nga, đèn sao lộng lẫy, cây thông cao vút, quà cáp ngập phòng…, nhưng mà còn và quan trọng hơn là cần chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng để không ai có thể trách cứ chúng ta điều gì trong ngày Ðức Giêsu Kitô quang lâm?
3. Trong Ðức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người. Trong năm “Tân phúc âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến” 2015 này, chúng ta có để cho “Lời Chúa mà chúng ta đã được nghe” thấm nhập vào môi trường của các giáo xứ và dòng tu, đến với mọi thành phần trong các giáo xứ và dòng tu? Chúng ta có ý thức rằng mỗi người phải tự canh tân và để cho lời Chúa tác động mình trước khi giúp người khác thay đổi và làm cho Tin Mừng bén rễ nơi họ hay không?
4. Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. Lời này giúp chúng ta sống tâm tình thứ 3 của Mùa Vọng. Như các đầy tớ không biết lúc nào ông chủ đi xa trở về, thì chúng ta cũng không biết khi nào Chúa sẽ lại đến. Do đó, cần có thái độ tích cực là sống chủ động trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng, bằng cách vẫn chu toàn các bổn phận của mình trong cuộc sống hiện tại. Chúng ta có ý thức rằng khi nghĩ về ngày tận thế, cũng như nghĩ về cái chết đến bất ngờ sẽ giúp chúng ta biết cách sống thế nào cho phải lẽ, luôn tỉnh thức và sẵn sàng chứ không ngủ mê trong lối sống xác thịt và tội lỗi, hầu có thể kịp thời ra đón Chúa và được Chúa cho nhập đoàn với Người hay không?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Giáo Hội cử hành Mùa Vọng hằng năm nhằm nhắc nhở người kitô hữu chúng ta phải luôn có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng chào đón Chúa. Trong tâm tình hân hoan chờ mong Chúa đến, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện:
1. “Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn nêu cao tinh thần tỉnh thức sẵn sàng, hầu chu toàn tốt đẹp mọi trách vụ đã được Thiên Chúa ủy thác.
2. Ngôn sứ Isaia cầu khẩn: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhiều người trong thế giới hôm nay đang ngủ quên trong lối sống bon chen hưởng thụ biết nhận ra các nhu cầu tâm linh và khát khao tìm kiếm chân lý.
3. “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu, luôn ý thức chu toàn các bổn phận làm con cái Chúa qua các cử hành phụng vụ, tuân giữ lề luật Chúa và thực thi công bình bác ái.
4. “Trong Đức Giêsu Kitô, anh em được tràn đầy mọi ơn.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm “Tân phúc âm hóa đời sống cộng đoàn” này, không ngừng canh tân đời sống và tích cực góp phần xây dựng cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng hằng hữu, xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, và giúp chúng con luôn biết tỉnh thức sống tư cách là con cái Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Ban Mục vụ Phụng tự
Nguồn: tgpsaigon.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn