KÍNH TRỌNG THỂ
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
CHẾT VÌ CHÚA LÀ SỐNG TRONG BÌNH AN
“Ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống”
(Kn 3,3 // Lc 9,24)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Kn 3,1-9)
Sự dữ, đau khổ và cái chết luôn là những câu hỏi mang tính thời sự vì nó thường làm cho con người lo âu khắc khoải. Bằng ngôn ngữ và suy tư của văn hóa Hy Lạp, tác giả sách Khôn ngoan đã muốn trình bày cho thế giới Hy Lạp thấy niềm tin của Do Thái giáo về những vấn đề này:
1. Đau khổ và sự chết không thể làm gì được những người công chính vì linh hồn họ luôn ở trong tay Chúa.
2. Thân xác các ngài, trong con mắt người đời, dường như đã chết hay đi vào cõi tiêu diệt; nhưng thật sự các ngài đang sống trong bình an.
3. Khổ nhục chỉ là những thử thách giúp các ngài lập công phúc để trở nên sáng chói và chiếu tỏa như ánh lửa chiếu qua bụi lau.
4. Chính niềm tin vào Chúa đã dẫn các ngài đến việc hiểu biết chân lý và trung thành với Chúa trong tình yêu.
2. Bài đọc II (Gc 1,2-4.12)
Đâu là ý nghĩa của những thử thách trong cuộc sống? hay tại sao lại phải chịu thử thách? Những câu hỏi hóc búa này đang được nhiều người trong cộng đoàn Kitô hữu, nơi tác giả thư Giacôbê đang sống, phải đối diện. Tác giả đã nêu ra hai ý tưởng chính để soi sáng cho vấn đề này:
1. Kiên nhẫn chịu thử thách chính là phương thế làm cho đức tin được trở nên hoàn hảo, nhờ đó người tín hữu cũng được nên hoàn hảo, không còn đáng trách hay thiếu sót điều gì.
2. Vì thế, theo tác giả, kẻ biết kiên trì chịu thử thách - ấy là phúc thật, vì nó sẽ giúp họ được Thiên Chúa yêu mến và đáng lãnh nhận triều thiên sự sống.
3. Bài Phúc âm (Lc 9,23-26)
Sau khi tiên báo cuộc thương khó lần thứ nhất, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho mọi người thấy ba điều kiện ắt có và đủ cho những ai muốn theo Đức Giêsu: 1) Phải từ bỏ chính mình; 2) Vác thập giá mình hằng ngày; 3) Bước theo Ngài.
Chúa Giêsu còn chỉ ra cho mọi người thấy đâu là khôn ngoan đích thực khi suy tính để biết thế nào là ‘được – mất’ và ‘lời lãi – thua thiệt’ trong tư cách là người muốn theo Chúa: chỉ có một điều làm cho kẻ đã ‘mất mạng’ lại ‘được sống’ đó chính là họ đã dám ‘mất mạng vì Chúa’. Và nếu có kẻ nào vì muốn ‘lời lãi cả thế gian’ mà liều mình chấp nhận mất sự sống đời đời thì việc lời lãi thế gian của nó lại trở nên một sự thua thiệt của kẻ dại dột.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Làm sao để có thể hiểu biết các chân lý về Chúa? Làm sao để có thể trung thành với Chúa trong tình yêu? Theo gợi ý của tác giả sách Khôn ngoan, chính niềm tin vào Chúa sẽ dẫn con người đến việc hiểu biết chân lý và trung thành với Chúa trong tình yêu. Như thế, niềm tin chính là cửa ngõ dẫn con người đi kiếm tìm và yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, việc lắng nghe tiếng Chúa nói trong mỗi ngày sống và việc nỗ lực diễn tả tình yêu đối với Chúa trong mỗi hành động bác ái cụ thể sẽ là cách thức rõ nét nhất để diễn tả niềm tin.
2. Thử thách chỉ mang lại lo âu, khổ đau cho con người, nhưng khi vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, điều đó sẽ mang lại niềm vui cho người Kitô hữu. Thế nên, vấn đề không phải là chịu thử thách, nhưng chính là chịu thử thách vì Chúa. Nghĩa ban đầu của thuật ngữ ‘Martus’ (μάρτυς) không phải là ‘tử đạo’, mà là ‘chứng nhân’. Do vậy, mỗi Kitô hữu vẫn có thể sống ý nghĩa của việc tử đạo, đang khi nỗ lực trở nên chứng nhân cho Chúa ngay trong những thử thách của môi trường sống và làm việc của mình.
3. Rao giảng chân dung người môn đệ Chúa Kitô với những đòi hỏi có vẻ quá khắt khe: ‘từ bỏ chính mình’, ‘vác thập giá’ để ‘bước theo’ Đức Giêsu khổ nạn - trong một xã hội đang bị tục hóa và duy hưởng thụ dường như đang là một thách đố lớn cho người môn đệ hôm nay. Do vậy, lời rao giảng có sức thuyết phục hơn cả cho con người thời đại vẫn luôn là nỗ lực không mệt mỏi để rập khuôn đời mình theo những đòi hỏi này: ‘từ bỏ chính mình’, ‘vác thập giá’ để ‘bước theo’ Đức Giêsu khổ nạn.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Cùng họp nhau hôm nay để tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã hiến dâng mạng sống cho Chúa và gieo mầm đức tin cho con cháu, chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Cầu cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, các Đức Giám mục và hàng giáo sĩ. Xin cho các ngài luôn nhiệt thành và can đảm loan báo Tin Mừng, tận tình chăm sóc hướng dẫn đoàn chiên, cùng nỗ lực cho sự hiệp nhất của Dân Chúa.
2. “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.” Xin cho những ai đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo đói, chán chường, và tuyệt vọng; luôn xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ ruồng bỏ, mà vẫn hiện diện để chia sẻ mọi niềm vui và nỗi đau của họ.
3. “Không có tình yêu nào cao qúy hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu.” Xin cho mọi Kitô hữu, cách riêng là các bạn trẻ biết tránh xa lối sống vô cảm, luôn dấn thân quên mình vì bổn phận và trách nhiệm, nêu cao tinh thần bác ái tốt đẹp của Kitô giáo.
4. Máu các Thánh Tử Đạo làm nảy sinh hạt giống đức tin. Xin cho tất cả chúng ta luôn ý thức trân trọng di sản đức tin được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, biết can đảm làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con ca ngợi tình thương và sức mạnh của Chúa đã thể hiện nơi sự yếu đuối mỏng giòn của các Thánh tử đạo Việt Nam. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn trung thành với đức tin và gương sáng tiền nhân để lại. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Ban Mục vụ Phụng tự
Nguồn: tgpsaigon.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn