Tin Mừng mời gọi chúng ta cổ võ cho tình thương và công lý
Jaime L. Waters
Nếu bạn thường tập trung vào hành vi và hạnh phúc của riêng mình mà không quan tâm đến hành động của người khác, các bài đọc của Chúa nhật XXIII Thường niên hôm nay đặc biệt dành cho bạn. Bài đọc thứ hai là lời nhắc nhở yêu thương tha nhân, bài đọc thứ nhất và bài Tin mừng mời gọi chống lại việc đồng lõa với sự hư hỏng.
Trong Thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô trích một phần của Mười điều răn vốn mời gọi hành vi cư xử đạo đức (Xh 20,13-17; Đnl 5,17-21). Ngài nói rằng các tín hữu chu toàn lề luật khi “yêu mến người khác như chính mình”, một lệnh truyền trong sách Lêvi mà trong Tin mừng Chúa Giêsu cũng trích lại. Thông thường, ở đây từ sử dụng cho tình yêu (Agape) được nhấn mạnh như một hành động quên mình, mô phỏng theo tình yêu Thiên Chúa dành cho các thụ tạo. Lời mời gọi yêu thương “như chính mình” cũng rất quan trọng. Nó thêm sự tương tác qua lại cho “phương trình tình yêu”, đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh phương cách đối xử với người khác theo cách chúng ta muốn được đối xử. Điều này nhắc nhớ chúng ta suy nghĩ đến cách thức những hành động của mình ảnh hưởng đến người khác. Như các sự kiện trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều người đã bị đối xử với sự khinh miệt và coi thường hơn là với tình yêu. Nếu chúng ta không muốn bị đối xử như vậy, chúng ta cũng không nên cư xử với người khác theo cách đó; hơn nữa, chúng ta không nên chọn lựa những người lãnh đạo công khai cổ võ sự thù ghét hơn là yêu thương.
Trong bài đọc thứ nhất trích từ sách ngôn sứ Êdêkien, vị ngôn sứ được nhắc bảo để cảnh báo mọi người về cuộc sống giữa như hư hỏng. Thiên Chúa hướng dẫn Êdêkien nói cho những kẻ gian ác phải lo sửa chữa hành vi của họ. Nếu ông đã cảnh báo, mà họ vẫn không chịu thay đổi, thì người gian ác sẽ phải chịu kết tội do hành động của họ. Nhưng nếu Êdêkien từ chối lên tiếng chống lại kẻ ác, thì Thiên Chúa khiển trách cả ông và những người gian ác.
Bài đọc này nắm giữ một vật quý báu quan trọng: sự thất bại khi chống lại sự hư nát khiến bạn trở thành người thụ động tham gia vào sự hư nát. Nếu bạn thấy các nhà lãnh đạo hư hỏng về mặt đạo đức mà bạn vẫn chọn lựa họ vì lợi lộc ích kỷ cá nhân, vì thiển cận hoặc ngây ngô có chủ ý, thì bạn đã góp phần vào sự hư hỏng trong xã hội. Chúa Giêsu cũng khẳng định một sứ điệp tương tự trong Tin mừng.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ về cách họ nên phản ứng trước hành vi tội lỗi của những người trong cộng đoàn. Thay vì phớt lờ, họ phải đề cập và cố gắng sửa chữa sự hư hỏng. Nếu gặp phải một người phạm lỗi chống lại họ, thì các môn đệ Chúa Giêsu phải đối diện với những kẻ phạm tội ấy. Nếu người đó từ chối thay đổi, Chúa Giêsu khuyên nên có một nhóm hai hoặc ba người để đối chất với người đó, một biện pháp pháp lý kêu gọi các nhân chứng tham gia và giúp tạo áp lực cho hành vi đạo đức. Nếu người đó vẫn không có động lực để thay đổi, thì Chúa dạy cần có cộng đoàn nhiều người hơn để lên tiếng về sự hư hỏng này. Sau đó, Chúa Giêsu trao quyền cho cộng đoàn, khi nói rằng “những gì con cầm buộc dưới đất,thì trên trời cũng cầm buộc; và những gì con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ”.
Trong bài Tin mừng của Chúa nhật XXI Thường niên, quyền năng này được trao cho Phêrô khi ông lãnh nhận chìa khóa Nước Trời, điều này được hiểu là trao quyền lãnh đạo cho Phêrô. Trong bài đọc Chúa nhật hôm nay, toàn bộ cộng đoàn được trao quyền để các thành viên nắm vấn đề và sửa chữa những hành vi sai trái. Tin mừng cho chúng ta biết rằng chúng ta có bổn phận đối với những sai lỗi đạo đức của người khác: kêu gọi họ hoán cải và tránh thông đồng với tội lỗi của họ. Điều đó thôi thúc chúng ta lên tiếng cổ võ tình thương và công lý trong xã hội, đồng thời yêu cầu những nhà lãnh đạo cũng làmnhư vậy.
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2020/08/21/gospel-calls-us-promote-love-and-justice
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển.