TIN MỪNG CÓ THỂ DẠY CHÚNG TA BÀI HỌC GÌ KHI XIN GIÚP ĐỠ
Jaime L. Waters
Bài đọc Tin mừng của Chúa nhật XXIV Thường niên hôm nay nói về lòng thương xót và sự tha thứ. Khi dùng dụ ngôn về người đầy tớ không biết tha thứ, thánh Matthêu dạy chúng ta một số nguyên tắc hữu ích trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, chính dụ ngôn, ngay cả những nhận thức từ đó, có thể gây khó hiểu.
Bài Tin mừng bắt đầu với việc thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu về số lần nên tha thứ cho người khác trong cộng đoàn như thể là thắc mắc này có thể trả lời bằng việc đưa ra một con số. Phêrô đề nghị bảy lần, nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến bảy mươi bảy lần, muốn cho thấy rằng về tha thứ thì không có giới hạn nào. Phản ứng của Chúa Giêsu cho thấy tầm quan trọng của lòng thương xót liên lỉ và Ngài đã dùng một dụ ngôn để minh họa vấn đề này.
Tuy nhiên, dụ ngôn bắt đầu với một hình ảnh khó hiểu, gây thắc mắc. Nước Trời được ví như tương quan của vị vua với những người đầy tớ mắc nợ tiền. Thiên Chúa được xem như một vị vua triều đình, và con người là những người đầy tớ mắc nợ. Dụ ngôn phản ánh thực tế xã hội vào thời của thánh Mattthêu, trong đó việc nô lệ và nợ nần là những thực hành được chấp nhận. Độc giả hiện nay có thể thấy những dụ ngôn gây khó chịu và thất vọng như vậy là cách phản ánh mối tương quan của nhân loại đối với Thiên Chúa, nhất là dụ ngôn được xây dựng dựa trên sự tàn ác vô nhân.
Khi nhà vua (Thiên Chúa) được thông báo về các khoản nợ to lớn của người đầy tớ, ban đầu ông ra lệnh bán người đàn ông, vợ, con và tài sản của ông như là đầy tớ để có tiền trả nợ. Hãy hình dung là chúng ta đọc dụ ngôn trong bối cảnh mà việc nô lệ là hợp pháp. Trong Tin mừng của Chúa nhật hôm nay việc chiếm giữ và chiếm hữu đầy tớ mới để gia tăng sự giàu có của con người là việc đương nhiên. Thật không may, các văn bản Kinh thánh như vậy đã ảnh hưởng đến các chủ đầy tớ, nô lệ ở châu Âu, những người biện minh cho hành động của họ dựa trên sự tin tưởng vào uy thế của người da trắng và vào thần quyền.
Dù có nghiêng về việc bắt cả gia đình làm đầy tớ, nhà vua (Thiên Chúa) vẫn tha cho người đầy tớ và tha nợ cho anh ta vì ông chạnh lòng lòng thương khi người đầy tớ nài xin sự khoan hồng và sự kiên nhẫn của nhà vua. Nhưng khi người đầy tớ đó gặp một người đầy tớ khác trong hoàn cảnh tương tự, anh lại không bắt chước cách hành xử của nhà vua, và bắt bỏ tù con nợ của mình.
Các bạn đầy tớ đau khổ nên kể lại với vua về sự nhẫn tâm của anh ta. Nhà vua khiển trách tên đầy tớ rằng: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn người như ta đã thương ngươi?”. Sau đó, nhà vua đã ra lệnh tra khảo người đầy tớ này cho đến khi anh ta trả được nợ. Chúa Giêsu kết luận bằng cách tuyên bố rằng Chúa Cha sẽ tra khảo con người nếu họ không tha thứ cho nhau.
Khó có thể nghĩ đến hình ảnh Thiên Chúa như là người tra khảo cho đến đời đời, dù hình ảnh này phù hợp với cái nhìn về ngày cánh chung của thánh Matthêu mà chúng ta đã đọc thấy trong các dụ ngôn vào các Chúa nhật trước. Một vấn đề khó khăn khác là yêu cầu người đầy tớ đầu tiên phải hành xử giống hệt như cách nhà vua (Thiên Chúa) đã làm. Trong khi đây là một ví dụ về tình yêu vị tha (Hy lạp là Agape) thì ứng xử này là một vấn đề gây khó hiểu theo những điều kiện kinh tế được giả định trước trong dụ ngôn. Việc giả định rằng người đầy tớ sống trong cảnh nô lệ nợ nần có thể hoặc nên cư xử như vị vua giàu có, không nhận ra sự bất cân xứng rõ ràng trong tình trạng kinh tế và xã hội của họ. Trong sự khắt nghiệt của người đầy tớ đầu tiên thì yêu cầu đòi nợ của anh đối với bạn mình chắc chắn sẽ bức thiết hơn yêu cầu đời nợ của vị vua giàu có.
Tuy nhiên, đọc kỹ dụ ngôn này sẽ mang lại một số nhận thức có ý nghĩa. Dụ ngôn dạy về tầm quan trọng của lòng thương xót, yêu cầu giúp đỡ và trợ cấp những người đang cần. Câu chuyện cũng gợi ý rằng những người có phương tiện, như nhà vua, nên công bằng, thực thi chính nghĩa và quảng đại vì sự giàu có của họ. Dụ ngôn thách thức những người có ít điều kiện hơn thể hiện lòng tốt đối với những người có hoàn cảnh tồi tệ hơn mình. Những khái niệm này có giá trị, nhất là khi đề ra những chính sách, luật pháp và chương trình để giúp đỡ những người sống trong nghèo đói, đặc biệt là nơi các hệ thống kinh tế có sự chênh lệch và bất bình đẳng.
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2020/08/21/what-gospel-can-teach-us-about-asking-help
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển.