Suy Niệm Thánh Vịnh 144 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ tư - 16/09/2020 22:24  729
Suy Niệm Thánh Vịnh 144
Khi Ngài rộng mở tay ban là muôn sinh vật muôn vàn thỏa thuê

1          Ngợi khen. Của vua Đa-vít.
            Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
            con nguyện tán dương Chúa
            và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
2          Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
            và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
3          CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
            Người cao cả khôn dò khôn thấu.
4          Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
            và truyền tụng những chiến công của Ngài,
5          tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
            kể lại rằng : Ngài thực hiện những kỳ công,
6          bảo cho nhau : sức mạnh Ngài đáng sợ,
            loan truyền rằng : Ngài cao cả lắm thay !
7          Nhắc nhở luôn : Ngài nhân ái vô cùng,
            hoan hô Ngài công chính.
8          CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
            Người chậm giận và giàu tình thương.
9          CHÚA nhân ái đối với mọi người,
            tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
10        Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
            kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
11        nói lên rằng : triều đại Ngài vinh hiển,
            xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
12        để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
            và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
13        Triều đại Ngài : thiên niên vĩnh cửu,
            vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
            Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
            đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
14        Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
            kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
15        Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
            và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
16        Khi Ngài rộng mở tay ban,
            là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
17        CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
            đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
18        CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
            mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
19        Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
            nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
20        CHÚA gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
            nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.
21        Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi CHÚA,
            chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
            đến muôn thuở muôn đời !


Cùng Đọc Với dân Israel
Đây là một Thánh Vịnh theo mẫu tự ABC, mỗi câu bắt đầu bằng một chữ cái, diễn tả ước muốn ca tụng Giao Ước một cách toàn vẹn… Người Do Thái đọc Thánh vịnh này mỗi ngày vào giờ kinh sáng: ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa… Đức Giêsu chắc cũng đã đọc Thánh vịnh này hàng nghìn lần. Từ ngữ diễn tả tâm tình ca tụng thật súc tích: tán dương, chúc tụng, ca ngợi, ca tụng, tuyên bố, kể lại rằng, xưng tụng… Tác giả Thánh vịnh không thể không chúc tụng vinh quang đức vua của ông, chính là Thiên Chúa. Ông kể ra vinh quang của Ngài, vinh hiển, kỳ công, uy quyền… là những phẩm tính vương giả. Ông còn ca tụng lòng nhân ái, từ bi nhân hậu, tình thương, thành tín, công minh, gần gũi…, những phẩm tính của một người cha. Thiên Chúa là Vua! Nhưng không phải là một Vị quyền năng bá chủ và xa cách: Ngài nhìn đến tạo vật của Ngài và thông ban sự sống.

Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Tin Mừng minh chứng rằng Đức Giêsu là người luôn quy hướng về Thiên Chúa. Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến. Ngài không có ước muốn riêng: Ngài đến để thi hành công trình của Cha. Lòng nhân ái của Thiên Chúa mà Thánh vịnh 144 nói đến, chính Đức Giêsu là hiện thân sống động. Nhờ Ngài mà “ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên”. Của ăn ban thoả thuê cho các sinh vật chính là bánh mỗi ngày mà Đức Giêsu khuyên ta xin Chúa Cha, và cũng chính là bánh hằng sống nhiệm mầu trong bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu thường nói nhiều về Nước Thiên Chúa: Thiên Chúa là Vua. Rất nhiều dụ ngôn nói về Vương quốc đó và chính Đức Giêsu là Đấng dẫn ta vào. ‘Tôi là Vua, nhưng vuơng quốc tôi không thuộc về thế gian này’.

Cùng Đọc Với Người Thời Nay      
Thế giới hiện nay, tiêm nhiễm bởi tư tưởng vô thần, nên thường phủ nhận những gì siêu nhiên…Trong viễn ảnh đó, con người và vũ trụ tự thỏa mãn với chính mình. Tuy vậy, ngay cả những người vô thần sáng giá nhất cũng phải thú nhận rằng số phận của con người thật là bi đát. Và một vài người trong họ đã thử tái định nghĩa về con người, một sinh vật chỉ có thể hoàn thiện chính mình tùy thuộc vào một Đấng khác. Chính Malraux đã nhận điều này: chắc là đối với một người theo thuyết bất khả tri, vấn nạn lớn nhất của thời đại ta là: “có thể có hiệp thông với siêu nhiên không, và nếu không, con người sẽ dựa vào đâu để đặt nền tảng cho những giá trị cao siêu? Dựa vào sự trổi vượt không được mặc khải nào mà con người có thể thực hiện sự hiệp thông? Tôi lại nghe lời thì thầm của ngày xưa: cần gì phải lên mặt trăng, nếu chỉ là để tự sát”?
Cuối cùng, Thánh vịnh đã tham gia vào cuộc chiến chủ lực này: phải tìm xem con người có thể được định nghĩa chỉ bằng những cái gì “tức thời”, đối tượng của nhu cầu, của sản phẩm và của khoái lạc… hoặc bằng một sự mở ra cho một Thực Tại Hoàn Toàn Khác và không tùy thuộc con người: Thiên Chúa.
Trong bối cảnh Kitô giáo do thái, Thiên Chúa là Đấng Khác, Đấng Siêu Việt. Chúa là Thiên Chúa. Ta bập bẹ nói như thế về Người. Giả như tôi hiểu được Thiên Chúa một cách hoàn toàn, vậy thì Ngài đâu có lớn hơn bộ óc của tôi. Thiên Chúa không thuộc trật tự của tạo vật. Tác giả Thánh vịnh đã nói lên điều đó khi khi ông diễn tả vẻ huy hoàng, vinh quang và sự cao cả của Người. Đúng thế! Như cái vô hạn không cùng một bình diện với cái hữu hạn. Thời đại chúng ta là thời giao lưu các nền văn hóa, chúng ta cần học tập sự cảm nhận nhạy bén của Đông phương về sự bé nhỏ của con người, về sự hòa tan cái ngã của ta trong cái vô ngã siêu việt. Tuy nhiên, cần phải chống lại quan niệm “niết bàn” toàn diện, cái hư vô hóa toàn diện. Bởi vì Thiên Chúa muốn ta hiện hữu trước mặt Ngài.
Trong bối cảnh kitô giáo do thái, Thiên Chúa cũng là Đấng thật gần, Đấng hiện diện khắp nơi, Đấng ở với chúng ta, Thiên Chúa của giao ước. Cái viễn ảnh đó cũng thấy bàng bạc trong Thánh vịnh. Nếu chúng ta cùng nắm bắt được cả hai đầu của sợi dây, chúng ta sẽ có một lối suy nghĩ quân bình, đúng đắn mà chỉ duy mình Đức Giêsu đạt đến sự trọn hảo: Người - Thiên Chúa.
Ca tụng, chúc tụng, tuyên xưng, tạ ơn. Theo như tập quán của hội đường nếu ta thường xuyên đọc Thánh vịnh này, ta sẽ dần dần thủ đắc một cung cách sống: luôn luôn “chúc tụng”. Trước mặt Chúa, ta thường có thái độ của những người xin ơn. Các kinh nguyện của ta thường chỉ là lời cầu xin, có nguy cơ biến Thiên Chúa thành một “động cơ phụ” bổ túc cho những thiếu thốn của ta: khi mọi sự đều tốt, ta chẳng cần đến Chúa… khi có điều không ổn ta lại van xin Ngài… Nào cùng đọc lại Thánh vịnh này xem, ta sẽ khám phá ra một hình thức cầu nguyện mới. Không có lấy một lời xin ơn. Ngược lại toàn dày đặc những từ ngữ diễn tả tâm tình chúc tụng: tán dương Chúa, chúc tụng Thánh Danh, truyền tụng những chiến công, đề cao sự nghiệp Ngài, kể lại những kỳ công, loan truyền rằng Ngài cao cả, nhắc nhở luôn Ngài nhân ái vô cùng, hoan hô Ngài công chính… Rồi tác giả lại thêm biết bao nhiêu những phẩm tính đặc biệt của Thiên Chúa: Ngài cao cả, quyền năng, vinh hiển, oai phong, nhân ái,  công chính, nhân hậu, vĩnh cửu, thành tín, gần gũi, yêu thương, giải cứu…Vâng, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ được biến đổi nếu ta thường xuyên đón nhận cái cung giọng tích cực của lời chúc tụng này, thay vì mãi miết trong những lời xin ơn, mà tự thâm sâu là quay về chính mình và bắt Thiên Chúa phục vụ mình!
Hãy nói cho tôi biết bạn cầu nguyện ra sao, tôi sẽ cho biết bạn là người thế nào. Chúng ta thường gặp nhiều người hay nói yêu thương kẻ khác, nhưng thực sự họ chỉ yêu chính mình họ, ngôn ngữ, thái độ của họ đều nhằm lợi dụng người khác, chứ không nhằm phục vụ kẻ khác. Thường chúng ta cũng xử với Chúa một cách trục lợi và ích kỷ như vậy. Dù đọc mỗi ngày kinh Lạy Cha, “Ý Cha thể hiện…” nhiều khi ta lại muốn ý của mình được thực hiện. Cầu nguyện thường xuyên Thánh vịnh này giúp ta có được ngôn ngữ thật tình đối với Chúa, hướng về Ngài, thay vì hướng về mình. Bạn nói cho tôi xem kinh nguyện của bạn có phải là chiêm ngắm, ca tụng không, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn có yêu Ngài đích thực không. Bạn nói cho tôi xem bạn có chấp nhận mất giờ vì Chúa không, thì tôi sẽ nói cho bạn biết bạn có yêu Ngài thật không. Bạn nói cho tôi xem bạn có để suốt ngày trò chuyện với Ngài và lắng nghe Ngài không, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn có yêu Ngài thật không.

Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập40
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay11,660
  • Tháng hiện tại659,465
  • Tổng lượt truy cập53,644,500

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây