Suy niệm về Lễ Giỗ thứ 120 của “Cố Đề” 1900 - 6/9 - 2020 - Lm Gioan Phan Tiến Dũng
Thứ tư - 02/09/2020 04:38
1026
Suy niệm về Lễ Giỗ thứ 120 của “Cố Đề” 1900 - 6/9 - 2020
Mục tử Tiên khởi Khả kính của Tấn Tài–Dinh Thủy, Ân nhân Vĩ đại của Ninh Thuận
“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”.
Nhìn lại cuộc đời và sứ vụ mục tử của Cố Đề, cũng không ngần ngại để gọi Ngài là một “kiệt tác” mà Thiên Chúa đã tạo dựng để ban cho Giáo hội và Xã hội. Ngày 15/2/1858 tại miền cao nguyên Vosge của Nước Pháp, Chúa đã tạo dựng nên một “hạt giống” đầy tiềm năng và tốt lành. “Hạt giống” này đã được chăm sóc, gìn giữ rất chu đáo trong một gia đình nông dân chất phát, và trong Hội Thừa Sai Paris, cho đến năm 1881 thì được đem đi và được gieo vào trong mảnh đất của miền Ninh Thuận–Việt Nam. Mặc cho thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của Tỉnh Ninh Thuận, nơi chỉ có cát, đá, nắng và gió, nhưng “hạt giống” này đã không trơ trọi một mình.
Với ơn Thánh của Chúa và nhiệt huyết của của người Tông đồ, khởi đầu từ năm 1882, từ mảnh đất Dinh Thủy-Tấn Tài, qua sứ vụ được ủy thác từ Đức Cha Galibert, Giám mục Tông Tòa Qui Nhơn “hạt gống” này đã phát huy hết tiềm năng và khả năng của mình để đem lại sức sống đầy xanh tươi, mát mẻ và trù phú cho cả miền truyền giáo Ninh Thuận.
Đúng với phẩm chất của một “hạt giống” tốt, chỉ với 42 tuổi đời, sau 18 năm trong thiên chức và sứ vụ mục tử, cùng với sự tài ba lỗi lạc của một vị kinh sư, nhưng Ngài lại phải trải qua không biết bao nhiêu là gian khổ, hy sinh, và ngay cả đối diện với bệnh tật và cái chết; ngày 6 tháng 9 năm 1900 đang vào đỉnh cao của mùa gặt, Chúa đã cho Ngài được mục nát, tiêu tan đi, để mang lại cho một cánh đồng bội thu hơn với biết bao công đức và tài năng của Ngài. Cố Đề đã an nghỉ ngàn thu giữa đàn chiên của Ngài trong cung thánh của Ngôi Thánh Đường được chính Ngài hết lòng tôn kính xây dựng.
Trong cả miền truyền giáo Ninh Thuận, từ Ngôi Thánh Đường và Nhà Xứ cổ của Giáo xứ Tấn Tài-Dinh Thủy, đến đập nước Lâm Cấm, Nha Trinh, mương nước Ông Cố… làm sao kể cho hết những hoa trái và công phúc mà Chúa đã cho trổ sinh từ chỉ một hạt giống tốt. Thật đúng như những gì được trích trong bài điếu văn của Thánh lễ an táng của người Cha khả kính: “Không chỉ muốn cứu vớt phần linh hồn mà thôi, Cha Villaume còn ao ước giúp đỡ phần xác cho các cư dân đã được trao phó cho Ngài. Bằng nghị lực và lòng khát khao mãnh liệt, Cha đã hiến dâng tất cả cho công trình vĩ đại này. Ngài muốn chiến đấu chống lại sự nghèo đói, đem lại hạnh phúc cho cả những người từ chối đón nhận Tin Mừng. Ngài đã vĩnh viễn ra đi ngay trên công trường khi công việc sắp hoàn thành để đem lại sự phồn vinh cho xứ sở này.”
Cảm tạ Chúa, tri ân các đấng bậc và những ân thân nhân của Cố Đề cũng như biết bao nhiêu người đã đi ngang qua cuộc đời dấn thân phục vụ của Ngài. Tất cả là hồng ân, tất cả là hoa trái của của sự hy sinh vì Tin mừng của Chúa và vì lòng mến dành cho tha nhân.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, là con cháu và là những người thụ hưởng những ơn phúc và công đức mà người Cha tiên khởi - khả kính để lại, chúng ta hãy suy nghĩ và xem lại chính sứ vụ mà Chúa trao cho chúng ta, cũng như những cung cách và thái độ sống của chúng ta. Chúng ta đã và đang làm gì với hạt giống cuộc đời và sứ vụ của chúng ta?
Lạy Chúa, xin cho Cố Đề được vui mừng chiêm ngưỡng thánh nhan Chúa; chúng con tin qua lời chuyển cầu và phù hộ của Cố Đề, xin Chúa cũng cho mỗi người chúng con, biết tận dụng những ơn phúc mà chúng con đã lãnh nhận được, để làm cho Tin mừng tình yêu và ơn cứu độ của Chúa lan tỏa trên quê hương xứ sở chúng con, nhờ đó mà mọi người cũng nhận biết và tôn vinh danh Chúa. Amen.
Lm Gioan Phan Tiến Dũng