DÁM LỘI NGƯỢC DÒNG
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Nếu nói về khát khao, ước mong muốn theo thầy Giê-su, thiết nghĩ hầu như ai trong chúng ta cũng có, dù ít hay nhiều. Nhưng theo thầy Giê-su thật sự là thế nào thì không nhiều người biết. Và chính vì không nhiều, nên ít người thật sự bước theo thầy Giê-su!
Trong bài Tin mừng hôm nay, chẳng ngẫu nhiên mà Đức Giê-su đưa ra điều kiện như một khuôn mẫu hầu trở nên môn đệ của Ngài, đó là “Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16, 24). Dường như thứ tự này không thể đảo lộn: ước muốn làm môn đệ Giê-su, từ bỏ mình, vác thập mình, bước theo thầy Giê-su.
Mặc định, hầu hết chúng ta đều ước ao trở nên môn đệ Chúa. Như vậy, trước hết, chúng ta cùng nhau tìm hiểu hành động từ bỏ mình. Như chúng ta biết, bỏ mình không phải đánh mất chính mình, đánh mất chính ‘bản ngã’ (ego) mà chạy theo làm hài lòng ‘trăm họ, vạn người’, cũng chẳng phải đánh mất căn tính, bản chất con người nơi mình, để cứ thay đổi theo thời thế, xu hướng, xã hội và người khác…Thật ra, chính nhờ ‘bản ngã’ đúng mực, ta mới có thể nói: tôi là ai, tên gì, làm gì, v,v…, và nhờ đó phân biệt được ‘người khác với tôi’, xác nhận ‘tôi khác biệt với muôn loài cây cỏ’ trong thế giới này. Tuy nhiên, nếu ‘cái tôi’ này thai nghén, và dần dần lớn lên to tướng thì có thể khiến chúng ta sẽ không nhận ra Thiên Chúa, Đấng dựng nên ta, không nhân ra tha nhân, và hơn thế, không nhận ra chính bản thân thật sự của mình! Giống như đứa trẻ không được đến trường gặp gỡ bạn bè, học biết sẻ chia, yêu thương, nhường nhìn…, mà cứ được bảo bọc trong bốn bức tường, thậm chí có đủ mọi thứ đồ chơi thô sơ đến hiện đại, thì nó sẽ chỉ biết thế giới này dường như tồn tại một mình nó, và nhỡ ai bước vào thế giới ấy, đụng vào thứ gì đó thì nó cũng cảm thấy khó chịu!
Vậy từ bỏ mình như Chúa mời gọi là sao? Hình ảnh tiên tri Giê-rê-mi-a và Phê-rô cho chúng ta lời giải đáp rõ ràng. Như lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Vì lời Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chịu chế giễu suốt ngày” (x. Gr 20, 8), chúng ta nhận biết: bỏ mình chính là chịu thiệt thua vì Chúa, vì Lời Chúa, vì Giáo hội, vì lý tưởng sống với tư cách người môn đệ Chúa, với tư cách con cái Chúa. Người ta thường nói “ở đời này, hiền quá sẽ bị bắt nạt, bị thiệt thân thôi!”. Nếu chúng ta ‘hiền lành’ như thầy Giê-su, như Cha chúng ta trên trời thì nên tự hào, thay vì sợ thiệt thòi, hay bị bắt nạt chứ! Hơn nữa, từ bỏ chính mình cũng như lời quở trách Phê-rô của Đức Giê-su “tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (x. Mt 16, 23). Thay vì can ngăn như Phê-rô - người chỉ nhìn theo lối suy nghĩ con người, bao gồm cả suy tính, thành kiến, quan điểm sai lạc, những đinh ninh cảm tính bất động, suy đoán cá nhân…, thì bỏ mình là lúc chúng ta mở lòng đón nhận Thánh ý Chúa nơi bản thân, qua đời sống, qua biến cố hằng ngày, qua mọi người bất kể thích hay không thích, yêu thương hay ganh ghét, hợp gu hay không, cùng thuộc một nhóm hay không…Trong tiến trình bỏ mình hằng ngày không thiếu những lúc chúng ta buông xuôi, nhục chí, hay bỏ mặc dù trong suy nghĩ như ngôn sứ Giê-rê-mi-a “tôi tự nhủ rằng: sẽ không nhớ đến Ngài nữa, sẽ không nhân danh Ngài mà nói nữa…” (x. Gr 20, 9); nhưng thật ra, chúng ta không ‘đơn thân độc mã’, tự thân vật lộn với ý hướng ‘bỏ mình’ đâu, trên hết Thiên Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ, khuyến khích ta qua ơn thánh của Ngài như lời tự nhủ của tiên tri Giê-rê-mi-a “…lúc ấy lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (x. Gr 20, 9)
Một khi đã bỏ mình để trở thành người môn đệ của Chúa, chúng ta tiếp tục nỗ lực thực hiện hành động tiếp theo, đó là: vác thập giá mình. Ở đây, Chúa muốn chúng ta vác lấy chính thập giá của mình trước khi nghĩ đến thập giá của người khác, kể cả vợ chồng, người thân, hội đoàn, cộng đoàn. Thực tế, chúng ta thường xem người khác là thập giá nặng nề của bản thân, điển hình khi cuộc sống vợ chồng không được hạnh phúc “vợ/chồng là thập giá mà tôi phải vác dài dài, có khi cả đời”, rồi trong gia đình “con cái là thập giá nặng nề của bố/mẹ”, và trong cộng đoàn giáo xứ, hội dòng. Thập giá mà được đề cập ở đây có lẽ theo nghĩa rộng, chính là: những gì khó khăn, vất vả, gian nan, khốn khó, những điều trái ý ngược lòng chúng ta, những thử thách trong đời sống đạo, những giới hạn bản thân, những yếu đuối cá nhân đã biết hoặc chưa biết. Như vậy, vác thập giá mình là chấp nhận sự yếu hèn bản thân, đồng thời khiêm tốn đón lấy lời răn dạy, hướng dẫn của Chúa qua Kinh Thánh, qua giáo huấn Giáo hội, qua các thừa tác viên có chức thánh. Hơn nữa, vác thập giá mình cũng chính là biết cảm thông với tha nhân như Chúa hằng cảm thông, biết quan tâm đến anh chị em như Ngài luôn chăm sóc, nuôi dưỡng chúng ta mỗi ngày qua Lời và Thánh Thể, biết đồng hành với mọi người như Chúa đồng hành với ta luôn mãi như cảm nghiệm sâu sắc của Thánh Phao-lô qua lời khuyên nhủ giáo đoàn Rô-ma: “vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12, 1).
Sau cùng, chúng ta bước theo Chúa Giê-su. Một khi cất bước ra đi làm môn đệ Giê-su, chúng ta đã phải từ bỏ mình hằng ngày, và vác thập giá mình mọi lúc. Ra khỏi con người ương hèn, ích kỷ, xu hướng đổ lỗi, than phiền, cũng như dám bỏ ‘căn phòng chăn ấm nệm êm’ cũng biết bao tiện nghi, thoải mái trong đời mình, là lúc chúng ta can đảm lội ngược dòng của một xã hội không dám bỏ cái tôi, bám víu vào lợi danh, chức tước, địa vị, tiền tài…; và cũng là lúc chúng ta dám trở nên khác biệt vì đức tin, đối lại một thế giới lẫn tránh ‘thập giá’, phê phán tha nhân chỉ vì ngôn ngữ, sắc tộc, màu da, hay không giống với triết lý sống của mình. Có thể chúng ta sẽ cảm nhận được như những gì ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã từng thốt lên “…suốt ngày tôi trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi” (x. Gr 20, 7); nhưng sâu thẳm trong ta, nơi tiếng lòng ta, Chúa hằng khuyến dụ và dẫn dắt ta. Vì vậy, khi bước theo Chúa, chúng ta không thể quên những lời mà Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ giáo đoàn Rô-ma: “…đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo” (Rm 12, 2). Thánh ý Chúa, những gì đẹp lòng Chúa và hoàn hảo không gì khác hơn đã được viết trong phần cuối của đoạn Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?” (Mt 16, 25-26).
Chúng ta cùng dừng lại thinh lặng chốc lát, và cùng nhau thầm nguyện rằng:
Lạy Chúa, bao lần con muốn theo Chúa
Nhưng cũng bấy nhiều lần con chưa từ bỏ mình.
Những lúc con muốn từ bỏ bản thân theo Chúa
Con lại chần chừ, chưa sẵn sàng vác thập giá mình.
Thoáng chốc con nhủ lòng vác thử thánh giá
Thế mà đôi chân cứ bất động chẳng bước theo Ngài.
Xin giúp con một lòng khát khao
Nên môn đệ tín trung chứ không thất tín
Nên người bỏ mình chứ không bỏ Chúa
Nên người can đảm vác thập giá chứ không than trách
Nên người hân hoan bước theo Chúa, chứ không chần chừ. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng