Kinh Thánh có thể giúp nhận biết những nhà lãnh đạo tốt hay không?
Jaime L. Waters
Các bài đọc của Chúa nhật XXI Thường niên tuần này và tuần tới rất hợp với thời đại hiện nay, tập trung vào ơn gọi lãnh đạo và những sai lầm của các nhà lãnh đạo. Đây là thời điểm tốt để suy ngẫm về quan điểm của Kinh thánh đối với quyền bính và quyền lực. Hy vọng các bài đọc này có thể thôi thúc chúng ta chọn ra những người lãnh đạo khôn khéo, liêm chính, hiểu biết, cởi mở với những ý tưởng phê bình.
Bài đọc thứ nhất trích sách ngôn sứ Isaia nói về quan cai đền thờ Sobna lạm dụng quyền hành để làm giàu và kiếm lợi cho cá nhân và gia đình (Is 22, 15-18). Đoạn văn cổ xưa này có vẻ có những nét tương đồng kỳ lạ với một số nhà lãnh đạo xã hội thời nay. Thiên Chúa phán với vị ngôn sứ và chỉ thị cho ông lên án hành vi của quan Sobna như sau: “Ta sẽ trục xuất người ra khỏi địa vị ngươi”. Việc Thiên Chúa hứa thay thế quan Sobna cho thấy Thiên Chúa cam kết ủng hộ những người lãnh đạo chính trực và đạo đức.
Sau khi lên án hành vi bất chính của Sobna, ngôn sứ Isaia xác nhận vị lãnh đạo mới là người lãnh nhận “chìa khoá nhà Đavít…: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được”. Những lời này thông truyền sức mạnh và quyền lực cho Eliaqim là người sẽ thay thế Sobna, và nó vẫn còn vang vọng trong bài Tin mừng hôm nay khi Chúa Giêsu trao quyền cho Phêrô.
Trong Tin mừng Mátthêu, Phêrô chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình qua lời tuyên xưng Chúa Giêsu là Đức Kitô và là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu đánh giá cao sự hiểu biết của Phêrô về thiên tính của Đức Giêsu, và giải thích lời tuyên xưng của Phêrô như là một mặc khải. Chính do đức tin và nhận thức của Phêrô mà Chúa Giêsu đã trao cho ông quyền bính đặc biệt: “Thầy sẽ trao cho con chìa khoá Nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.
Như trong bài đọc thứ nhất, bài Tin mừng hôm nay cũng đề cập đến chìa khoá như là hình ảnh về quyền bính theo nghĩa đen và biểu tượng. Hơn thế nữa, tuyên bố về sự “cởi mở và cầm buộc” thường được giải thích như là việc trao quyền giảng dạy cho Phêrô. Cụm từ này cũng có nghĩa là trao cho Phêrô quyền tương tự như quyền của chính Chúa Kitô, chẳng hạn quyền tha tội, trừ quỷ và cho phép gia nhập vào cộng đoàn, những quyền này cũng được nhắc đến ở những nơi khác trong Tin mừng, dù không chỉ dành riêng cho Phêrô. Bài Tin mừng hôm nay thường được giải thích như luận chứng Kinh thánh về quyền huynh trưởng của Phêrô giữa các tông đồ. Một cách thích hợp, nơi con dấu và huy hiệu của các giáo hoàng thường có hai chiếc chìa khoá như một biểu tượng cho quyền giáo hoàng.
Ngoài hình ảnh chìa khoá như là tượng trưng cho quyền của thánh Phêrô và các vị giáo hoàng tương lai, Chúa Giêsu còn có lý do đặc biệt quan trọng khi trao chìa khoá cho Phêrô. Bởi vì Phêrô có thể hiểu và tuyên bố rõ ràng Chúa Giêsu là ai, Chúa xác nhận ông được chúc phúc, và chỉ khi đó Ngài mới trao quyền cho ông. Trên hết, Phêrô cần phải chứng tỏ mình hiểu biết về Chúa Giêsu trước khi ông đón nhận chìa khoá.
Khi suy nghĩ về ơn gọi lãnh đạo, chúng ta cần mạnh dạn chọn lựa những người có nhận thức và hiểu biết về nhiệm vụ sẽ lãnh nhận. Giống như ông Sobna, những ai lạm dụng quyền hành thì cần phải loại bỏ. Ngay cả thánh Phêrô cũng đã có nhiều lần vấp ngã như Tin mừng cho thấy. Cho dù họ có thể sẽ thất bại, chúng ta nên tìm kiếm chọn lựa những người lãnh đạo biết cởi mở, có nhận thức và chuẩn bị để thành công trong các công việc được giao phó.
Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2020/07/17/gospel-message-everyone?fbclid=IwAR2-_QBa5zWScBItvtLr1RMeeDyaB-xd3A2zMsInYocjguTFGkq78eo9h4w
Chuyển ngữ: ĐCV Sao Biển