Suy Niệm Tuần XXVI TN C - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê.

Chủ nhật - 29/09/2019 05:01  1122
Thứ Hai tuần XXVI Tn
Thánh Hiêronimô. Kho tàng kinh thánh
Cảm tạ Thiên Chúa vì ơn huệ lớn lao qua quyển Kinh Thánh: là hồng ân yêu thương của Thiên Chúa, một ân huệ vừa cũ xưa lại vừa luôn luôn mới mẻ mang nhiều lợi ích cho đức tin chúng ta. Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu bảo kho tàng chúng ta vừa cũ lại vừa mới. Mỗi thời đại được mời gọi để vào trong kho tàng không bao giờ vơi này để tìm gặp những của cải mới, và đã gặp thấy thực sự. Cách thức học hỏi Thánh Kinh hiện nay không giống như cách ngày xưa: chúng ta khám phá những khía cạnh mới, giúp ta cảm nếm tốt hơn sự đa dạng và phong phú. Như thế đổi mới không ngừng hương vị và ích lợi trong việc học hỏi Thánh Kinh.
Ta biết rằng Kinh Thánh chỉ có thể học biết trong đức tin. Phaolô viết cho Timôthêô: ‘Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô’. Tìm hiểu Kinh Thánh nhờ đức tin hướng dẫn. Để có đức tin trước tiên cần phải hiểu đôi chút về Kinh Thánh, bởi lẽ nếu không hiểu gì về lời loan báo ơn cứu độ, không có thể gắn bó, nên để tin cũng cần một chút liên quan đến việc tri thức. Đàng khác để đào sâu kinh thánh, cần phải có niềm tin.
Người hiểu ý nghĩa của các sự thiêng liêng, cũng hiểu cách sâu xa Kinh Thánh cho dù người đó không có học thức, vì niềm tin soi sáng đôi mắt tâm hồn họ và sự soi sáng này đáng quý hơn mọi phương cách tri thức khác, chỉ chiếu soi vào những bình diện thứ yếu, chứ không soi thấu vào chính tâm điểm, là đức tin.
Đừng xem thường việc tìm tòi vất vả của những nhà nghiên cứu, vì các nỗ lực của họ cần thiết để đem đức tin vào mọi ngóc ngách của cuộc sống qua mọi thời đại. Nhưng Thiên Chúa mạc khải kho tàng thánh kinh, không chỉ cho người thông minh, nhưng còn cho cả những người ít học thức nữa, qua đức tin, ánh sáng thần linh.
Cám ơn Chúa vì kho tàng mà chúng ta sử dụng, vì những nghiên cứu giúp khám phá những điều mới mẻ, giúp ta hiểu kinh thánh hơn, và còn giúp ta sống thánh nữa.
+++
Huynh đệ đích thực
Tin mừng hôm nay nhắc ta những điều kiện của tình huynh đệ chân chính. Điều kiện thứ nhất là lòng khiêm nhượng: không tranh luận xem ai là người lớn nhất. Là vấn nạn rất thực tế nơi các tông đồ nên Đức Giêsu thường quay lại vần đề này. Thật là điều hết sức tự nhiên, không phải là điều xấu: chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã đặt để trong chúng ta sự khao khát ‘làm lớn’ đó, để chúng ta tìm thấy sự cao cả đích thật. Chúa không trách chúng ta tìm kiếm nó, ngược lại Ngài còn chỉ dạy ta con đường. ‘Ai nhỏ bé nhất trong anh em, là người lớn nhất trong anh em’, Ngài phê chuẩn ước muốn của ta và chỉ cho ta biết chúng ta sai lầm biết bao khi chúng ta so sánh người này người kia với nhau và muốn nâng mình lên trên người khác: sự cao cả đích thực nằm ở nơi phục vụ. Phục vụ, không cần ai biết đến, có thể bị xem thường, thì cao cả hơn là được phục vụ, được trọng vọng trên những người khác. Chúa dạy chúng ta cách sống bằng cách biết đón nhận những kẻ bé mọn. Không phải chỉ làm người bé mọn mà còn sẵn sàng phục vụ những kẻ bé mọn nữa. Chính Chúa đã làm gương cho ta trong bữa tối cuối cùng, Ngài cho thấy ý nghĩa của cuộc khổ nạn cận kề của Ngài: Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ như một người tôi tớ. Ngài đã hạ mình cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế Phaolô viết cho các tín hữu Philíphê rằng Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu trên muôn loài muôn vật.
Nếu ý tuởng của ta về sự ‘làm lớn’ giống như kiểu mẫu của Chúa, tình huynh đệ của chúng ta sẽ chân thực và Chúa ở giữa chúng ta trong sự khiêm cung và cao cả. Đoạn thứ hai trong tin mừng dạy chúng ta một đặc tính khác của tình huynh đệ đích thực: lòng khoan dung. ‘Lạy Thầy, có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không thuộc về chúng ta’. Đức Giêsu không đồng ý cách xử sự đó: Đừng ngăn cản họ. Đừng tưởng rằng đi theo Chúa thì mọi người cùng bước đi một cách thức như nhau: đó chỉ là cái vẻ bình đẳng bên ngoài thôi, cần để ý đến tình huynh đệ là ơn gọi riêng biệt không lập lại của mỗi người chúng ta. Chúa nói một câu rất đặc biệt: ‘Ai không chống lại các con là thuận với các con’. Một nơi khác Ngài còn nói: ‘Ai không thuộc về Ta thì nghịch với Ta’, xem chừng có vẻ mâu thuẫn với nhau. Không phải thế, vì ở đây không đề cập đến Chúa, mà đề cập đến các môn đệ và cách thức họ theo Thầy. Các môn đệ phải cảm thấy vui lòng khi nhiều người khác theo Đức Kitô, dù với cách thức khác.
Cầu xin Chúa cho ta biết mở rộng lòng, để nơi mỗi cộng đoàn kitô, lòng khiêm tốn, sự phục vụ và khoan dung với nhau xây dựng tình huynh đệ đích thực.
Thứ Ba tuần XXVI Tn
Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Một thiếu nữ chết vào tuổi 24, năm mươi năm sau trở thành mẫu gương cho toàn giáo hội. Đức Thánh Cha Piô XI rất sùng kính thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, đã đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo, cho dù đời sống ngắn ngủi của Chị chỉ diễn ra giữa vùng Alenon và Lisieux và sau năm mười lăm tuổi không rời khỏi tu viện.
Thông thường Đức Giêsu cho thấy những tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của chúng ta, đường lối của Ngài không phải là đường lối của chúng ta. Tư tưởng của chúng ta xuất phát từ lòng kiêu căng, còn tư tưởng của Thiên Chúa từ sự khiêm cung; đường lối của chúng ta là nỗ lực để trở nên lớn lao, còn đường lối của Thiên Chúa đi theo con đường trở nên bé nhỏ. Người muốn đi về phía Bắc, thì buộc phải đi theo chiều ngược với hướng Nam, cũng thế để đi trên con đường của Thiên Chúa chúng ta cần phải đi theo hướng nghịch lại với hướng mà lòng kiêu căng thúc đẩy chúng ta.
Têrêxa có tham vọng và khát vọng thật lớn lao: Chị muốn vừa là người chiêm niệm vừa hoạt động, là tông đồ, là tiến sĩ, là nhà truyền giáo và tử đạo, và Chị viết rằng chị muốn tất cả mọi hình thức tử đạo. Chúa cho chị hiểu rằng chỉ có một con đường làm vui lòng Chúa: khiêm nhượng và làm người bé mọn, yêu mến Thiên Chúa với lòng đơn sơ, chân thành và phó thác như em bé đối với cha nó. ‘Tôi không đi tìm nhiều điều to lớn vượt quá sức tôi. ‘Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui’. Thánh vịnh 130 được áp dụng từng chữ một cho cuộc đời của Têrêxa.
Như thế cô thiếu nữ trẻ tuổi này mang lại sức sống cho giáo hội, một tinh thần phúc âm tinh tuyền nhắc nhớ một chân lý thiết yếu: trước khi ta dâng gì cho Thiên Chúa, cần phải biết đón nhận. Chúng ta thường thích để ý đến điều chúng ta làm cho một ai đó; Têrêxa đã hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu luôn sẵn sàng ban phát và chúng ta lãnh nhận tất cả từ nơi Ngài. Kẻ muốn đặt sự quảng đại của mình lên trên lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa, là một người kiêu ngạo; kẻ đón nhận điều Thiên Chúa ban cho với lòng đơn sơ của một trẻ thơ, đạt đến sự thánh thiện: bằng lòng với việc chẳng biết làm gì và đón nhận tất cả từ nơi Thiên Chúa. Là một thái độ thiêng liêng và cũng là một ân huệ của Thiên Chúa, thật khác với sự thụ động. Têrêxa tự dâng mình như hy lễ anh hùng và đã sống cơn đau bệnh và thử thách với tất cả nghị lực và sức lực của một người khổng lồ: sức mạnh của Thiên Chúa được tỏ hiện trong sự yếu hèn của Chị, tin tưởng phó thác trong tay
Thiên Chúa. Như thế chị đạt được một cách diệu kỳ biến đổi thập giá thành yêu thương, một thánh giá nặng nề. Chính chị nói vào lúc cuối đời rằng chị không tin rằng chị đã có thể chịu đau khổ được đến như thế.
Hãy học bài học của lòng tin tưởng, của sự bé nhỏ, của niềm vui và cầu xin chị thánh Têrêxa giúp chúng ta như chị bước đi trong tinh thần khó nghèo và khiêm nhượng trong lòng. Chúng ta cũng sẽ giống như chị, được dòng sông an bình chảy chan hòa trong lòng.
+++
Lời ngôn sứ Dacaria mà ta đọc hôm nay thật đẹp: ‘Trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo một người Giuđa mà nói: Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em’. Đây là hình ảnh của Giáo Hội.
Trong Giáo hội mọi kitô hữu đều phải là những người có khả năng làm cho dân chúng hiểu rằng chính nơi họ có điều gì đó khác thường: có sự hiện diện của Thiên Chúa, làm biến đổi toàn thể cuộc sống. Ai nhìn thấy chúng ta phải cảm thấy ước mong ở với chúng ta, cần phải được thu hút, ngay cả khi chúng ta sống hững hờ, nhờ lối sống bác ái, hân hoan, nghĩa là ở trong Chúa.
Để điều này được thực hiện các kitô hữu cần sống thực tinh thần của Tin Mừng. Và đây ta có thể nhận được bài học từ đoạn tin mừng hôm nay. Các môn đệ tức giận vì dân làng Samaria không đón tiếp Thầy của họ, đang trực chỉ lên Giêrusalem, và các ông muốn có hình phạt giáng xuống ngay cho dân làng này: ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không’? Là một vấn đề về công bằng: ai không đón nhận Đức Giêsu thì không xứng đáng ân sủng của Thiên Chúa và cần phải bị trừng phạt. Có lẽ các tông đồ đang có trong đầu về tình cảnh của ngôn sứ Êlia, trong khi nhiều người tin rằng Đức Giêsu chính là Êlia trở lại. Khi vua Ocozia sai quân lính đến bắt vị ngôn sứ, vị ngôn sứ đã xin lửa từ trời xuống thiêu hủy dân đối nghịch. Nên hình như không sai lầm khi cho rằng Thiên Chúa cũng muốn diễn tả sự công bằng của Ngài bằng những hình phạt nhãn tiền: các tông đồ có lẽ nghĩ rằng họ đang nói theo Thần Khí của Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu không nghĩ như thế, nên Ngài đã quở trách các ông. Ngài biết rằng con người bị đe dọa bởi hình phạt nếu không đón nhận đức tin, nhưng bây giờ là thời gian của lòng thống hối và thời điểm phán xét là vào ngày sau cùng. Trong thời gian của lòng thống hối, ưu tiên lòng nhân hậu, lòng thương xót, lòng nhẫn nại của Thiên Chúa. Chúng ta đang sống trong thời gian lòng nhẫn nại của Thiên Chúa (x.2 Pr 3,9tt) và chúng ta cần biết lợi dụng sự nhẫn nại này.
Đức Giêsu cho ta bài học về lòng nhẫn nại của Thiên Chúa, mà nếu không có thì không thể có bác ái đích thực. Ta cần phải học bài học này trong những việc lớn nhỏ để nên khiêm nhu trong lòng như Thầy của chúng ta. Như thế chúng ta sẽ khơi lên nơi người khác ước muốn đến với ta, vì Thiên Chúa ở với ta
+++
Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời cũng như đêm đã báo: Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!
Phụng vụ Chúa nhật vừa qua cho ta thấy trước một chút vấn đề hôm nay: chủ đề về sự tự phụ trước mặt Thiên Chúa và về sự trình bày sai lạc nơi ta qua sách Gióp, như chủ đề về ý nghĩa đau khổ, về điều ta cho mình ít nhiều là công chính.
Đoạn sách hôm nay là lời xúc phạm chống lại sự sống mà sách Gióp diễn tả, trong lúc bất ưng toàn bộ đời sống của con người công chính đổ vỡ, chóng qua và biến mất. Nhưng cũng như trong các thánh vịnh, biến cố này chỉ nhằm nêu rõ tính tàn nhẫn của thực tế, sự phản ứng chống lại và mở lòng ra cho sự thật. Gióp quả thật là một người công chính trước mặt Thiên Chúa. Ông không nghĩ Thiên Chúa như một chiếc máy phân phối tự động những điều thiện hảo, những điều thiện ấy xảy ra nếu ông đưa vào những đồng tiền đúng mệnh giá và sẽ chẳng xảy ra nếu ông làm điều ngược lại. Ông cũng không nghĩ Thiên Chúa như một người yêu thích đau khổ, vui mừng khi thấy sự mong manh của thuộc hạ mình. Gióp là một chứng nhân của một nhân loại được Thiên Chúa yêu thương, sống giữa cuộc đời với tất cả trách nhiệm. Nhưng cùng với tất cả những xúc cảm, khao khát và những khả năng giới hạn của mình.
Ông khóc khi con cái chết, khi của cải mất, ông muốn phải chi mình đừng bao giờ được sinh ra để không phải nhìn thấy tất cả những điều này…nhưng rồi ông hồi tâm trước mầu nhiệm của Thiên Chúa và để Chúa dẫn dắt mình vào một hành trình tưởng tượng của một vũ trụ trong đó ông được phép tái  định chiều kích mọi đau khổ, mọi khát vọng của ông…cho một ý nghĩa mới và một phong nhiêu mới cho tương lai của ông.
Lạy Chúa, cũng như Gióp chúng con muốn dừng lại trước mặt Ngài, trước công trình sáng tạo của Ngài và học nhìn điều mọi sự sẽ trở thành, gặp được năng lực để hành động trong điều thiện, hy vọng để xây dựng tương lai, sức mạnh để chiến đấu chống mọi bất công.
+++
Làng Samaria không tiếp đón Chúa
Đức Giêsu khởi đầu hành trình sau cùng của Ngài lên Giêrusalem. Đích mà Ngài nhắm đến là đồi Calvê nơi Ngài sẽ tự hiến làm hy lễ. Từ làng này sang làng khác Ngài tiếp tục sứ vụ mình là loan báo Nước Thiên Chúa và mời gọi mọi người sám hối ăn năn. Các môn đệ được sai đi trước Ngài, để chuẩn bị dân chúng nơi ngài sắp đến. Họ từ khước tiếp đón và lập tức các Tông đồ tức giận. Những vị hăng hái nhất xin một trừng phạt lập tức từ trời: ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không’? Đức Giêsu quở mắng các ông. Sự hăng hái của các ông là giả tạo. Không được có sự trả thù. Chính Thiên Chúa tự định nghĩa mình là đấng ‘chậm giận và giàu lòng yêu thương’.  Chính con người của Đức Giêsu là hiện thân của sự tha thứ và lòng thương xót.
Nếu nghĩ rằng Thiên Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa của lòng thương xót và tha thứ thì tất cả chúng ta sẽ bị phạt cách đáng thương ngay sau khi phạm tội đầu tiên. Các Tông đồ là những chứng nhân tận mắt những thái độ mà Đức Giêsu thực hiện đối với những tội nhân: họ đã chứng kiến sự hối cải của ông Giakêu, của Lêvi người thu thuế. Họ đã thấy Thầy của họ để cho không những các người phong cùi chạm đến mà cả cô gái điếm nữa. Một vài người lấy làm kỳ chướng về điều đó. Cần phải nhìn lại: thập giá, sự sống lại và việc lên trời. Cần có Thánh Thần để hiểu hơn rằng Chúa chúng ta là Chúa của lòng thương xót, như thánh vịnh gia ca tụng.
Thứ Tư tuần XXVI Tn
Các thiên thần bản mệnh
Các bản văn phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa và ý thức rằng chính trên nền tảng này mà chúng ta xây dựng tình huynh đệ đích thực.
Bài đọc thứ nhất, là đoạn văn sách Xuất Hành, nói đến việc sứ thần Thiên Chúa đi trước đoàn dân như người bảo vệ và dẫn đường. ‘Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để gìn giữ ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn. Trước mặt người, hãy ý tứ và nghe lời người’. Những lời này gợi lên sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng bối cảnh kinh thánh cho biết là sự hiện diện của sứ thần minh chứng mối liên hệ của dân với Thiên Chúa vẫn chưa hoàn hảo. Thiên Chúa không thể tự bày tỏ mình cách trọn vẹn, dân không thể liên hệ trực tiếp với chính Ngài vì đây là dân tội lỗi, chống đối. Họ chỉ mới ở giai đoạn đầu cuộc hành trình dài dẫn đến đất hứa, dẫn đến gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa. Sứ thần là vị trung gian giúp ta lắng nghe tiếng Thiên Chúa; theo kinh thánh, sự hiện diện của ngài bên cạnh chúng ta không có mục đích nào khác ngoài việc giúp ta liên kết với Thiên Chúa. Và Thiên Chúa phán: ‘Hãy nghe lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng; người sẽ không tha lỗi cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người’.
Nếu chúng ta lắng nghe tiếng nói nội tâm, tiếng của Thiên Chúa, dần dần chúng ta sẽ được dẫn vào cuộc sống kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa, tượng trưng bằng hình ảnh thánh kinh là đi vào đất hứa, nơi chảy sữa và mật, nơi Thiên Chúa chuẩn bị mọi phúc lộc của ơn cứu độ.
Tin mừng hôm nay cũng nói đến mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa: ‘Anh em hãy coi chừng, chớ khinh khi một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời’. Chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta biết muốn sống mối quan hệ với anh em mình trong sự tôn trọng thực sự, cần phải nghĩ đến mối liên hệ của họ với Thiên Chúa. Đến gần bất cứ một anh em nào, chúng ta cần nghĩ rằng Thiên Chúa yêu người ấy, có những dự tính cho người ấy và trợ giúp để người ấy thực hiện. Nếu chúng ta suy nghĩ cách nghiêm túc như vậy, thái độ chúng ta sẽ tích cực hơn nhiều: chúng ta sẽ nhẫn nại hơn, thông cảm hơn và yêu thương họ hơn.
Một trong những vị tu sĩ tiên khởi dòng Tên, chân phước linh mục Phêrô Fabre, đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người, cả những vị lãnh đạo chính quyền trong cuộc chiến đấu chống lại các bè rối tin lành, rất có lòng sùng kính đối với các thiên thần. Khi ngài đến một thành phố nào, để chuẫn bị gặp một ai đó, thì ngài cầu nguyện với vị thiên thần bổn mạng của thành phố đó, của những người đó, và ngài đã nhận được nhiều ơn lạ lùng. Đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, và sự hiện diện của Ngài sẽ chiếu sáng trên những người khác. Nếu ta noi gương sáng này, mọi quan hệ của ta sẽ thực sự phản ánh sự sáng của Chúa, dù chúng ta yếu hèn và bất toàn. Chúng ta sẽ luôn luôn tiến tới trong ân sủng của Chúa.
+++
Là môn đệ của Đức Giêsu nghĩa là chia sẻ số phận của Ngài, hoàn cảnh sống của Ngài, mà thoạt nhìn không mấy hấp dẫn: bất an và nghèo khó, nghĩa là hy sinh và từ bỏ. Quả thật nhiều lần ta nhận thấy trong tin mừng lời hứa hạnh phúc mà Đức Giêsu dành cho những ai đi theo Ngài. Nhưng ngay đời này, sống với Đức Giêsu đòi hỏi ta phải sống trong con đường ngay chính. Những người làm việc với Đức Giêsu để xây dựng nước Ngài thường gặp khó khăn. Như người thứ ba mà tin mừng nói đến hôm nay. Biết bao người, trong vườn nho của Chúa, đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại sau lưng, bỏ ơn gọi của mình…
Nhưng vẫn có không ít người tiếp tục hy sinh chính mình vì nước Thiên Chúa, làm việc nghiêm túc để bảo vệ nước Chúa. Dân Croát nhiều thế kỷ trước đã phải đối diện với xâm lăng của các dân tộc lúc bấy giờ đối nghịch kitô giáo, đã hy sinh mạng sống và những tử đạo kitô, để bảo vệ Âu châu kitô giáo khỏi sự tàn phá, thật đáng mọi người kính phục (được Đức Giáo Hoàng Lêo X gọi là thành lũy kitô giáo). Dân Croát là dân tộc đầu tiên giữa các dân Xlavơ lãnh nhận bí tích thánh tẩy và chính trong những năm này, họ đã mừng kỷ niệm XIII thế kỷ kitô giáo của họ. Mỗi người và mỗi dân tộc được kêu mời theo Đức Giêsu vô điều kiện, cho dầu phải hy sinh…
+++
Quả thật tôi biết rõ thế này: trước nhan Thiên Chúa, phàm nhân cho mình là công chính thế nào được?
Ông Gióp đã kiên nhẫn lắng nghe ba người bạn của ông. Mỗi người bạn có những điều khôn ngoan để nói cho ông về Thiên Chúa và tìm cách giải thích những điều xảy ra cho ông.
Gióp thật sự đã lắng nghe và giải thích điều ông nghĩ về Thiên Chúa, như hiện ông đang sống. Ông khẳng định với các bạn hữu mình công chính trước mặt Thiên Chúa: lời thỉnh cầu (kháng án). Có những điều con người chúng ta biết ngay tức khắc, có những điều cần phải có thời gian, có những điều chúng ta chẳng bao giờ hiểu được. Vô ích, nhất là về những điều sau cùng, tìm kiếm hoặc tự cho mình có trách nhiệm, có tội, hầu như để thuyết phục mình rằng điều này sẽ làm giảm bớt phần nào đau khổ, lấp đầy những thiếu sót. Vô ích ngay cả khi tự cho mình có trách nhiệm. Điều duy nhất cần thiết là khẩn cầu. Hãy giữ đối thoại với mầu nhiệm, tìm cách hiểu, làm quen với mầu nhiệm. Sự tha thứ chân thực không phải là quên điều đã xảy ra. Nhưng là nhớ không phải trong sự oán hận, là giữ một ký ức thanh sạch, được biến đổi do tình thương. Sự cầu xin mang lại điều này và các thánh vịnh dạy ta làm như thế. Điều ấy ban cho ta những đôi mắt mới để nhìn thấy thực tế của ta và đặt trong lòng và trên môi miệng ta những lời mới để tụng ca, cảm tạ và thuật lại cho người khác về Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin hướng dẫn con sống theo lời nguyện cầu của nữ thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu: ‘Trong lòng Giáo hội, là mẹ con, con sẽ là tình yêu’.
Thứ Năm tuần XXVI Tn
‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít’. Dân số thế giới hơn khoảng 7 tỉ rưỡi người. Với một mùa gặt mênh mông như thế, số các thợ gặt quả là ít oi, nhất là khi ta nghĩ đến các linh mục. Nên ta phải xin Chúa sai thợ gặt đến cánh đồng của Ngài, xin Ngài soi chiếu đường đi cho những kẻ mà Ngài kêu gọi và ban cho họ sức mạnh để đáp trả.
Bài đọc thứ nhất nói về việc nghiên cứu Kinh Thánh (ít là cách gián tiếp) giúp ta hiểu thấu sứ điệp của Thiên Chúa. Từ lưu đày trở về người ta nhận thấy rằng dân này không được học biết lề luật Chúa. Khó khăn không ít, khó khăn cả về ngôn ngữ, vì trong thời gian lưu đày họ nói tiếng Aram trong khi lề luật Môsê viết bằng tiếng Hípri. Không những cần phải đọc và chuyển dịch mà còn phải tìm một hệ thống giúp dân chúng hiểu được lề luật. Và đây: ‘Các thầy Lêvi giải thích lề luật cho dân…Họ đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc’. Dân chúng vui mừng: ‘Bấy giờ toàn dân đi ăn uống, rồi gởi các phần ăn và liên hoan tưng bừng, vì họ đã hiểu rõ lời lẽ mà người ta vừa cho họ biết’.
Khi có một tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa, Lời Chúa sẽ mang lại niềm vui và sự sống cho toàn dân. Các nhà nghiên cứu Kinh Thánh có bổn phận làm cho con người cảm thấy được niềm vui, sức sống này. Bổn phận của họ khác với bổn phận của những nhà giảng thuyết là những người nói trực tiếp với dân. Còn họ, họ chuẩn bị cho việc rao giảng bằng cách giải thích rõ ràng Lời Chúa để việc rao giảng trung thành với Lời Chúa và như thế sẽ mang lại hoa quả. Như thế họ góp phần vào việc huấn luyện dân chúng, tạo cho họ niềm vui và giúp họ sống đích thực căn tính kitô của họ.
Nơkhêmia nói với dân chúng: ‘Niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em’. Sức mạnh và niềm vui từ Lời Chúa là lương thực và ánh sáng quý giá nhất và là nguồn an ủi lớn lao nhất ta có được trên trần gian này.
Thứ sáu Tuần XXVI Tn
Thánh Phanxicô Assidi
Thánh Phanxicô đã thực hiện tin mừng mà phụng vụ tuyên bố trong ngày lễ: ngài đã đón nhận mạc khải của Đức Giêsu với tấm lòng của một em bé, đón nhận mọi lời của Đức Giêsu. Nghe đoạn tin mừng Đức Giêsu mời gọi các môn đệ loan báo Nước Trời, thánh nhân đã nghe những lời này và đã lấy đó làm chuẩn thước cho cuộc đời mình. Và cho cả những người theo ngài, ngài cũng không cũng không có những lời nào khác ngoài lời của Tin mừng, vì đối với ngài tất cả chứa đựng trong tương quan với Đức Giêsu, trong tình yêu của Ngài. Các thánh tích mà ngài được thích trên thân xác vào lúc cuối đời là dấu chỉ của tương quan mật thiết này, nên một với Đức Kitô. Phanxicô luôn sống nhỏ bé, muốn luôn bé nhỏ trước mặt Thiên Chúa và đã không nhận thánh chức linh mục để luôn mãi là người anh em đơn sơ, bé nhỏ với mọi người, cho tình yêu của Chúa.
Nơi thánh nhân những lời của Đức Giêsu được thực hiện: ‘Ách của ta thì êm ái và gánh của ta thì nhẹ nhàng’. Tâm hồn của Phanxicô thật vui biết bao, nghèo tất cả và giàu tất cả, ngài đã đón nhận mọi tạo vật với tâm hồn của một người anh em, trong tình yêu của Chúa ngài cảm thấy dịu dàng, cả những đau khổ. Đối với ta cũng thế, ách của Chúa sẽ nhẹ nhàng, nếu ta đón nhận chúng từ đôi tay của Chúa.
Trong thư gởi tín hữu Galata, thánh Phaolô cho ta khả năng hiểu hơn vài khía cạnh của cái ách này bằng hai biểu thức hình như đối nghịch nhau nhưng bổ túc cho nhau. Biểu thức thứ nhất: ‘Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, anh em sẽ chu toàn lề luật của Đức Kitô’. Những gánh nặng của kẻ khác: là gánh nặng của Chúa. Thánh Phanxicô đã hiểu ngay khi ngài cải hối trở về. Ngài đã kể lại vào lúc cuối đời: sống trong tội lỗi, quá cay đắng dường như tôi nhìn thấy các người phong cùi, nhưng chính Chúa dẫn đưa tôi đến giữa họ và tôi bày tỏ lòng thương xót đối với họ. Đây là ách nặng, mang lấy gánh nặng của kẻ khác. Và thánh nhân nói tiếp: khởi đầu thực hiện điều này, điều mà tôi cảm thấy cay đắng giờ biến nên ngọt ngào trong lòng và trong thân xác của tôi’. Đối với người được mang gánh nặng, gánh nặng trở nên nhẹ nhàng.
Vài dòng sau đó ta đọc thấy câu thứ hai của thánh Phaolô: ‘Mỗi người hãy mang lấy gánh nặng của mình’. Hình như đối nghịch với câu thứ nhất, nhưng trong bối cảnh này, ý nghĩa thật rõ ràng: đang nói về việc xét đoán kẻ khác, cần phải thông cảm mọi người, không áp đặt kẻ khác những lối suy nghĩ và thực hiện của mình, nên nhìn những khiếm khuyết của mình và không lợi dụng những khiếm khuyết của kẻ khác để áp đặt gánh nặng, là điều không đúng theo ý muốn của Chúa. Thánh Phanxicô lưu ý điều đó nên trong luật dòng ngài viết: ‘Đừng cho mình là nhất hơn anh em’; hãy sống khiêm tốn; đừng bao giờ tỏ mình như chủ nhân ông, không đặt gánh nặng lên người khác; và ngài còn thêm: ‘Ai ăn chay thì đừng xét đoán kẻ đang ăn’. Sự tế nhị của đức ái nhìn thấy gánh nặng của kẻ khác, không lên án chỉ trích nhưng tốt hơn là giúp đỡ họ.
Hãy mang lấy gánh nặng của Đức kitô. Chúng ta hãy mang lấy gáng nặng của nhau và đừng đè năng trên người khác bằng những chỉ trích, phán đoán thiếu lòng thương xót, để ta có thể hiểu biết hơn Con Thiên Chúa đã chết vì ta, và trong ngài nhận biết Chúa Cha trên trời, cùng với một niềm vui như thánh Phanxicô Assidi.
+++
Các bài đọc hôm nay nói về việc bất tuân lề luật của Thiên Chúa, về tội. Mỗi kitô hữu, nếu muốn trung thành với Đức Giêsu, phải chịu đau khổ vì những tội phạm trên khắp thế giới và cùng hiệp thông với lời cầu nguyện của ngôn sứ Barúc: ‘Đức Chúa, Thiên Chúa chúng tôi, quả là Đấng công minh; còn chúng tôi, chúng tôi hổ ngươi bẽ mặt như ngày hôm nay thì cũng đáng’. Đây là lời kinh nguyện xuất phát từ thảm họa quốc gia đã tiêu diệt dân do thái và đưa đến cảnh lưu đày. Lúc bấy giờ dân do thái xét lại cuộc sống của họ và xưng thú trước mặt Chúa sự bất trung của họ: ‘Chúng tôi vẫn bất tuân đối với Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, vẫn làm ngơ không chịu nghe tiếng Người’. Đây là lời cầu nguyện đẹp nhất, được Thần Khí linh hứng. Xưng thú trước nhan Chúa những bất trung của con người, không tách rời khỏi những tội nhân, nhưng đặt mình cùng với họ xưng thú trước nhan Chúa rằng mình không xứng đáng những ân huệ tặng ban, rằng mình đã không nghe tiếng Chúa.
Ta có thể thực hiện lời cầu nguyện này bằng cách nghĩ đến tất cả những bất công xảy ra trên thế giới, đến sự oán ghét nổ ra nơi này nơi kia cách hung bạo gây hại biết bao nạn nhân vô tội, cho người nghèo tiếp tục bị đàn áp, cho người giàu càng muốn giàu hơn, đến đủ loại bất luân.  Ta cần phải gánh lấy tất cả những điều này, không phải trong tuyệt vọng nhưng trong tình liên đới chia sẻ cùng với Đức Giêsu vác lấy tội nhân loại. ‘Đến khi nào lạy Chúa, Ngài còn nổi giận? Nơi Ngài có lòng thương xót, vì chúng con đã quá vô phúc. Xin giúp chúng con, Lạy Chúa, ơn cứu độ chúng con, vì vinh quang danh Chúa, xin cứu độ và tha thứ lỗi lầm chúng con vì tình thương của Chúa’.
Thứ bảy Tuần XXVI Tn
Tên anh em được ghi trên trời
Bài đọc thứ nhất, trình bày Giêrusalem như ‘người góa bụa, bị mọi người bỏ rơi; phải sống đơn độc vì con cái mình phạm tội’ nhưng đồng thời cũng cho thấy niềm hy vọng phục hồi. Làm ta nghĩ đến đức Maria, mẹ của Giêrusalem đích thực, quan tâm lo lắng cho các con của mình, đã không đi theo Chúa vì đã phạm tội.
Những lần hiện ra của Mẹ đều bày tỏ tình mẫu tử thương xót đối với các tội nhân, khuyến khích họ, mời gọi họ thống hối như Giêrusalem đã làm: ‘Các con ơi, can đảm lên nào! Hãy cứ kêu lên cùng Thiên Chúa, vì Đấng giáng họa sẽ lại nhớ đến các con. Xưa các con chỉ nghĩ đến chuyện xa lìa Thiên Chúa, thì một khi trở về, các con phải nỗ lực gấp mười mà tìm kiếm Thiên Chúa’. Mẹ Maria kêu gọi tất cả mọi người hối cải với lòng tin yêu phó thác. Mẹ yêu thương chúng ta và mong muốn chúng ta vui sướng, nên Mẹ không ngừng kêu gọi: ‘Hãy ăn năn sám hối! Hãy cầu nguyện cho kẻ tội lỗi!’. Con đường sám hối là con đường của niềm vui đích thực.
Hiệp cùng với Mẹ, chúng ta dâng lên Mẹ thế giới hôm nay với bao buồn sầu, thao thức, tội lỗi, để mọi người chúng ta, quay về với Thiên Chúa, gặp thấy niềm vui vĩnh cửu.
Trong bài tin mừng, các môn đệ đã cảm nghiệm sức mạnh vô cùng của tin mừng và tình yêu của Đức Giêsu ban cho họ. Chiều đến, sau một ngày ra đi truyền giáo, họ quy tụ quanh Thầy, tràn ngập niềm vui khi kể lại những việc lạ lùng đã thực hiện được. Đức Giêsu cùng vui với họ: ‘Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống’. Niềm vui nảy sinh mỗi một khi sự dữ bị đẩy lui, đánh bại bằng tin mừng tình yêu. Bí quyết đời sống và niềm vui của người môn đệ hệ tại việc ‘tên anh em đã được ghi trên trời’. Hiệp thông với Đức Giêsu, với Chúa Cha và với Thánh Thần là sự sống của người môn đệ.

Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Đức Mẹ Mân Côi
Lý do chọn bài tin mừng của Luca cho ngày lễ Mân Côi: vì chứa đựng những lời đầu tiên của kinh Kính Mừng: ‘Kính chào Bà, đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà’. Chúng ta lập đi lập lại những lời đó thật nhiều lần khi chúng ta lần chuỗi mân côi. Là phương thế để ta hiện diện cùng với Mẹ và Chúa Giêsu, vì ‘Chúa ở cùng Mẹ’, ở cùng Mẹ một cách đơn sơ, bằng cách làm sống dậy tất cả những mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu, mầu nhiệm ơn cứu độ của chúng ta.
Đoạn tin mừng về biến cố truyền tin, thoạt đầu hình như chỉ nói với ta về mầu nhiệm Vui, nhưng nếu chúng ta xem kỹ hơn, chúng ta sẽ gặp thấy cả mầu nhiệm Mừng và Thương nữa. Mầu nhiệm Vui với biến cố trung tâm là việc sinh hạ Đức Giêsu: truyền tin cho Mẹ Maria, đề nghị Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế: ‘Bà sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu’. Mầu nhiệm Mừng: ‘Ngài sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao; Thiên Chúa sẽ trao cho Ngài ngôi báu Đavít tổ phụ Ngài, và triều đại Ngài sẽ vô tận’. Phục sinh và lên trời, Đức Giêsu lãnh nhận vương hiệu Vua cứu thế, vinh quang vĩnh cửu trong triều đại của Cha. Vẫn còn thiếu mầu nhiệm Thương. Lời đáp trả của Mẹ Maria, không phải là một tiếng hô vang chiến thắng mà là một lời khiêm cung: ‘Này tôi là tôi tớ Thiên Chúa, xin hãy thành sự nơi tôi điều Ngài truyền’. Làm nổi bật hình ảnh của Người Tôi Tớ của Giavê, được tiên tri Isaia loan báo. Trước khi được vinh thăng, Người Tôi Trung đã bị sỉ nhục, kết án, giết chết vì tội lỗi chúng ta.
Với sự linh hứng của Thánh Thần, Mẹ Maria biết rằng các mầu nhiệm Vui cắm rễ sâu nơi những mầu nhiệm Mừng và mầu nhiệm Thương là con đường phải trải qua để đến vinh quang. Cầu xin Mẹ giúp chúng ta hiểu thấu việc kết hiệp với Đức Kitô, để Ngài có thể thực hiện những việc kỳ diệu nơi cuộc đời mỗi người chúng ta.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập129
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay14,335
  • Tháng hiện tại722,015
  • Tổng lượt truy cập52,890,963

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây