Suy niệm chú giải Lời Chúa CN XXVI TN C - Lm. Inhaxiô Hồ Thông.
Thứ hai - 23/09/2019 05:41
1302
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C lưu ý đến sự giàu có và những tác hại của nó.
Am 6: 1, 4-7
Ngôn sứ A-mốt lên án những người giàu có chỉ lo yến tiệc linh đình và vui hưởng những lạc thú cho riêng mình; họ sẽ sớm biết số phận đau thương đang chờ đợi họ.
1Tm 6: 11-16
Trong đoạn trích thư gởi ông Ti-mô-thê, thánh Phao-lô khuyên ông Ti-mô-thê hãy trung thành kiên vững trong niềm tin.
Lc 16: 19-31
Tin Mừng Lu-ca thuật lại dụ ngôn “người giàu có và anh La-da-rô nghèo khổ”. Số phận của hai người hoàn toàn đảo ngược bên kia nấm mồ.
BÀI ĐỌC I (Am 6: 1, 4-7)
Chúng ta gặp lại ngôn sứ A-mốt, người chăn cừu xứ Giu-đê này. Vào giữa thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, ông đã nhận được sứ mạng đi đến vương quốc miền Bắc để lay động tiếng lương tâm và nhắc lại những yêu sách luân lý của Giao Ước.
Trong đoạn trích Chúa Nhật vừa qua, vị ngôn sứ lên án thói tham lam vô độ và những trò gian dối của những phú thương; trong đoạn trích của Chúa Nhật này, ông tố cáo thái độ dững dưng vô cảm của những bậc quyền cao chức trọng, những kẻ chỉ biết tận hưởng những lạc thú cho thỏa thích mà không lường trước số phận bi thảm đang chờ đợi họ.
1.Cuộc sống thanh bình thịnh vượng giả tạo:
Thành đô Sa-ma-ri nằm trên một ngọn đồi biệt lập có những cánh đồng canh tác, được bao quanh bởi những thung lũng, được bao bọc bên ngoài bởi những bức tường thành kiên cố với những pháo đài vững chắc. Thành đô Sa-ma-ri như một thành trì kiên cố có thể kháng cự bất kỳ những cuộc tấn công từ bên ngoài vào, và quả thật, thành đô này đã kháng cự suốt ba năm trước những cuộc tấn công của đạo quân Át-sua hùng mạnh (723-721 trước Công Nguyên). Hơn nữa, vào thời điểm ngôn sứ A-mốt công bố sứ điệp, cảnh thanh bình ngự trị, vì quyền lực đế quốc Át-sua đang suy yếu. Các tướng lãnh và các quan chức có thể vui hưởng cảnh thái bình thịnh trị.
Vị ngôn sứ tố cáo sự an toàn phỉnh phờ này. Lý do mà vị ngôn sứ nêu ra thật đơn giản: cách sống gây công phẩn của những bậc quyền quý này sẽ dẫn họ đến sự trừng phạt không chút xót thương.
2.Những thú vui hênh hoang tự đắc:
Với tài mĩa mai châm biếm, ngôn sứ A-mốt mô tả rất hiện thực những yến tiệc linh đình phô bày thói xa hoa vô độ trong những dinh thự lầu đài nguy nga tráng lệ:
“Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ
mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng.
Chúng đàn hát nghêu ngao;
như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác” (6: 4-5).
Những ngôn từ vị ngôn sứ sử dụng có một âm vang đặc biệt: đây là những từ ngữ được vay mượn ở phụng vụ của những bàn tiệc hy tế: chiên non, bê béo, rượu cả bầu, dầu thơm hảo hạng mà người ta dùng trong việc cúng tế. Phải chăng ngôn sứ A-mốt muốn mô tả những bàn tiệc thánh thiêng mà các bậc quyền quý đã lạm dụng? Điều này cũng có thể. Như vậy, ở nơi danh sách liệt kê những bất công mà ông tố cáo, vị ngôn sứ thêm vào những hành vi phạm thánh, thói đạo đức giả. Vả lại, trước đây ông đã nói nhân danh Đức Chúa:
“Lễ lạc của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường;
hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú.
Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu…
những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận,
chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài.
Hãy dẹp bỏ tiếng đàn hát om sòm của các ngươi,
Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.
Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào,
cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5: 21-24).
3.Thảm họa không sao tránh khỏi:
Ngôn sứ A-mốt nhắc đi nhắc lại sứ điệp đe dọa của mình:
“Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày,
dẫn đầu những kẻ bị lưu đày.
Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (6: 7).
Trong cảnh thanh bình thịnh vượng này, sứ điệp của vị ngôn sứ xem ra thật điên rồ. Tuy nhiên, lời đe dọa này sẽ được ứng nghiệm. Quyền lực của đế quốc Át-sua chẳng bao lâu chỗi dậy. Thành đô Sa-ma-ri bị sụp đổ. Vương quốc miền Bắc, vương quốc Ít-ra-en, sẽ biến mất vĩnh viễn. Đoàn người Ga-li-lê và Sa-ma-ri bị dẫn đi lưu đày ở Ni-ni-vê, kinh đô của đế quốc Át-sua. Những tiếng kêu của người nghèo đã vang lên tới Chúa.
BÀI ĐỌC II (1Tm 6: 11-16)
Chúng ta tiếp tục đọc thư của thánh Phao-lô gởi ông Ti-mô-thê. Trong đoạn trích tuần trước, thánh nhân chủ yếu ngỏ lời với cộng đoàn tín hữu Ê-phê-xô; trong đoạn trích mới này, thánh nhân khuyên ông Ti-mô-thê một cách riêng tư nhiều hơn.
1.Ngôn từ:
Đoạn này thuộc phần cuối thư. Thánh Phao-lô khuyên, nhưng cũng truyền lệnh, với uy thế mục vụ và tuổi đời của thánh nhân, vì ông Ti-mô-thê vẫn còn trẻ, như thánh nhân viết trong thư này: “Chớ gì đừng coi ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch” (4: 12). Thánh nhân nói một cách hùng hồn với tư cách người Ki-tô hữu, nhưng thỉnh thoảng thánh nhân mượn những ngôn từ thao trường và nhuốm màu sắc lý tưởng Hy-lạp.
Về thể thao, thánh nhân một lần nữa sánh ví cuộc đời Ki-tô hữu với một cuộc chiến đấu vì đức tin cao đẹp, nhằm giành cho bằng được sự sống đời đời, như vận động viên thi đấu trong thao trường ra sức giành cho bằng được vòng nguyệt quế (x. 1Cr 9: 24; Pl 3: 14 và 2Tm 2: 4-5 và 4: 7). Thánh Phao-lô cũng nói với tư cách người Hy-lạp, hiệp nhất trong cùng một viễn cảnh Chân, Thiện và Mỹ: “Anh hãy lao mình vào cuộc thi đấu cao đẹp… Anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp…”. Thánh nhân cũng diễn tả Đức Ki-tô theo cùng một cách như thế: “Đấng đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước tòa tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô”.
Năng lực chiến đấu, ý thức về sự cao đẹp của chân lý Ki-tô giáo, những tâm tình như thế có thể giúp ông Ti-mô-thê trong công việc điều hành Giáo Đoàn của ông, vì ông phải nêu gương sáng.
2.Lời cam kết:
Ông Ti-mô-thê đã được đặt tay tấn phong; ông là “người của Chúa”; ông “đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng” (thánh nhân ám chỉ đến bí tích Truyền Chức của ông Ti-mô-thê), vì thế, cách sống của ông phải đi đôi với lời cam kết của ông: “Hãy cố gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa”.
Tiếp đó, thánh nhân nói bằng một giọng điệu nghiêm nghị hơn: trước mặt Thiên Chúa và trước mặt Đức Giê-su Ki-tô, phải trung thành, phải bắt chước Đức Giê-su, Ngài đã khẳng định chân tính của mình trước tòa tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô. Thánh Phao-lô biết rằng trong cộng đoàn Ê-phê-xô có những căng thẳng và vài biện luận rất gần với lạc giáo. Ông Ti-mô-thê phải là vị hướng đạo tinh thần không gì đáng trách. Người ta cảm thấy thánh nhân nghi ngờ những sai lạc đạo lý; vì thế, lời khuyên của thánh nhân mặc lấy một lệnh truyền: “Tôi truyền cho anh: hãy tuân giữ điều răn của Chúa”. Và để có tính thuyết phục hơn, thánh nhân gợi lên ngày Đức Giê-su trở lại trong vinh quang, đó sẽ là giờ xử án.
3.Bài thánh thi:
Thánh nhân chấm dứt bằng lời chúc tụng vinh quang Thiên Chúa, một “vinh tụng ca”, xem ra xuất xứ từ Do-thái giáo. Những ngôn từ được mượn ở nơi những lời nguyện phổ biến trong các hội đường thuộc thế giới Hy-lạp. Người ta nhận ra những biểu thức của sách Đệ Nhị Luật như: “Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Thần các thần, là Chúa các chúa, là Thiên Chúa vĩ đại, dũng mãnh, khả úy, là Đấng không thiên vị ai và không nhận quà hối lộ” (Đnl 10: 17) và các Thánh Vịnh như: “Hãy tạ ơn Chúa các chúa” (Tv 136: 3). Thánh nhân sáp nhập chúng vào trong một thị kiến ở đó Đức Giê-su ngự trị. Đức Giê-su này, Đấng đã làm chứng trước tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, thì chính Ngài, Chúa các chúa, sẽ bày tỏ vinh quang “đúng thời đúng buổi”.
TIN MỪNG (Lc 16: 19-31)
Chương 16 Tin Mừng Lu-ca bắt đầu với dụ ngôn “người quản gia bất lương” và kết thúc với dụ ngôn “người giàu có và anh La-da-rô nghèo khổ”. Đức Giê-su tiếp tục giáo huấn các môn đệ về thái độ họ phải có đối với của cải trần thế. Ngài trở nên nghiêm khắc hơn khi kết án không một chút xót thương những người giàu có sử dụng của cải của mình đến mức chỉ biết đến mình mà không quan tâm đến những khốn khổ của anh em đồng loại. Trái lại, người nghèo, chết vì cảnh đời khốn khổ, nhưng được hưởng một số phận hạnh phúc bên kia nấm mồ, đây là lời ngợi khen về đức nghèo khổ.
1.Một bức tranh đảo ngược:
Hai cảnh đời được mô tả rất tương phản giữa người giàu có và anh La-da-rô nghèo khổ. Người giàu có “mặc toàn gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”; còn anh La-da-rô khốn khổ, mình đầy ghẻ chốc, nằm trước cổng nhà người giàu này, cứ chờ đợi những mẩu bánh thừa rơi xuống từ bàn tiệc của người giàu. Bức tranh lại càng thêm bi thảm hơn nữa khi kể: “Lại thêm bầy chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”. Như chúng ta biết, đối với người Do thái, con chó là một con vật ô uế.
“Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham”: Đây là kiểu nói Kinh Thánh để chỉ người công chính được chết lành và được đưa vào nơi an nghỉ cùng với các tổ tiên trong khi chờ đợi được sống lại. Không có bất kỳ đức hạnh nào của người nghèo được kể ra. “Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn”: Đây là kiểu nói bình dân để chỉ cái chết của những người chẳng có đức độ gì. Ngoài ra, hình ảnh Kinh Thánh được sử dụng ở đây là “lửa”, lửa phán xét mà các ngôn sứ và chính Gioan Tẩy Giả đã nhiều lần loan báo.
2.Tội của người giàu có:
Vậy thì tội của người giàu này là gi? Ông không hất hủi xua đuổi anh La-da-rô, cũng không buông lời mắng nhiếc thóa mạ anh. Tội của người giàu chính là thái độ thờ ơ lãnh đạm nhắm mắt làm ngơ trước những nỗi khốn khổ của người anh em đồng loại của mình. Vì thế, kẻ đã không bố thí cho người cùng khổ vài mẩu bánh thừa từ bàn rơi xuống, thì cũng sẽ không được ban cho một giọt nước nào trên lưỡi để làm dịu cơn khát trong chốn trầm luân. Điều này gợi nhớ câu nói của Đức Giê-su trong dụ ngôn “cuộc phán xét sau cùng”, trong đó Ngài đã đồng hóa mình với những người bất hạnh: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25: 42-43).
Ở nơi hoàn cảnh đảo ngược này, chúng ta gặp lại bức tranh bộ đôi tương phản khi thánh Lu-ca đã trình bày các Mối Phúc:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng, vân vân”.
Trái lại:
“Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có,
vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê,
vì các ngươi sẽ phải đói, vân vân” (Lc 6: 20-26).
3.Sự tự do của con người:
Qua hai hình tượng: trên thiên đàng và dưới hỏa ngục, cuộc đối thoại giữa tổ phụ Áp-ra-ham và người giàu có, khai mở một trong những giáo huấn chính yếu của Tin Mừng. Trước lời van xin của người giàu có: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát…”, vị tổ phụ đáp lại: “Con ơi, hãy nhớ lại; suốt đời con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”.
Còn về việc ông cầu xin cho anh La-da-rô đến cảnh báo những anh em của ông hiện đang sống trên dương thế, thì không cần thiết. Thiên Chúa đã ban sẵn cho họ những phương tiện tất yếu cần cho ơn cứu độ rồi: “Chúng đã có ông Mô-sê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. Không cần thiết phải sai người chết sống lại về báo: “Ông Mô-sê và các ngôn sứ mà chúng còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin”. Như vậy, chúng ta gặp lại thái độ của Đức Giê-su đối với những người Pha-ri-sêu thù nghịch: Ngài đã từ chối dấu lạ mà họ đòi hỏi. Lời của Ngài thì đủ cho họ rồi… Từ đó, hai bài học được rút ra: một đằng, lòng chai dạ đá của những người giàu có: “Họ chẳng chịu nghe đâu”; mặt khác, Thiên Chúa kính trọng sự tự do lương tâm của mỗi người.