Suy Niệm Thánh Vịnh 112 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Thứ năm - 19/09/2019 21:40
1148
Suy Niệm Thánh Vịnh 112
1 Ha-lê-lui-a.
Hỡi tôi tớ CHÚA, hãy dâng lời ca ngợi,
nào ca ngợi danh thánh CHÚA đi !
2 Chúc tụng danh thánh CHÚA,
tự giờ đây cho đến mãi muôn đời !
3 Ca ngợi danh thánh CHÚA,
từ rạng đông tới lúc chiều tà !
4 CHÚA siêu việt trên hết mọi dân,
vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.
5 Ai sánh tày THƯỢNG ĐẾ Chúa ta, Đấng ngự chốn cao vời,
6 cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất ?
7 Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,
ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro,
8 đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người.
9 Người làm cho đàn bà son sẻ
thành mẹ đông con, vui cửa vui nhà.
Cùng Đọc Với dân Ítraen.
Đây là bài vinh tụng ca đầu tiên trong bộ Hallel Ai cập được hát trong bữa ăn Vượt Qua, và trong những đại lễ của dân Ítraen. Đoạn mở đầu do các tư tế Lêvi xướng, mời gọi mọi người ca tụng Chúa (lập lại 3 lần động từ ca tụng) Hai đoạn sau là lời đáp trả của cộng đoàn chúc tụng Chúa vì hai nguyên do xem chừng có vẻ như trái nghịch nhau:
- Thiên Chúa vĩ đại, tối cao…
- Ngài nhìn đến và yêu thương những kẻ mọn hèn…
Để có thể hiểu được Thánh vịnh này trong toàn thể của nó, hãy nhắc lại những hậu cảnh: Kẻ yếu hèn, người nghèo túng được cất nhắc từ đống phân tro, chính là tập thể Ítraen mà Thiên Chúa đã can thiệp để giải thoát họ khỏi ách nô lệ bằng cuộc vượt qua, để biến họ trở thành một dân vương đế…trong khi người đàn bà son sẻ, Sara cao niên, không có con, lại vui mừng vì được ban cho Isaac để trở thành mẹ của một dân tộc đông như sao trời cát biển… cũng như Anna, người đàn bà son sẻ đã trở thành người mẹ hạnh phúc của Samuen… cũng chính là Sion, người đàn bà son sẻ trong cảnh lưu đày, đã thấy một hậu duệ đông đảo (Is 49,21).
Cùng Đọc Với Đức Giêsu.
Đức Giêsu đã hát Thánh vịnh 112 này vào buổi chiều ngày thứ năm thánh. Hình dung tấm lòng của Ngài trong lời cầu nguyện chiều hôm đó, áp dụng cho chính bản thân Ngài.
Danh Chúa (3 lần), chính Đức Giêsu đã làm cho người ta nhận biết và yêu mến. Và cũng ngay buổi chiều hôm ấy, theo Thánh Gioan, Đức Giêsu đã vui mừng vì đã mạc khải danh Cha: Con đã tỏ Danh Cha cho họ (Ga 17,6).
Thiên Chúa Đấng tối cao, cúi xuống để nhìn xem trái đất, Đức Giêsu biết rằng, qua việc nhập thể, Ngài đã thực hiện việc khiêm tốn phục vụ. Buổi chiều tiệc ly, với khăn thắt lưng, Ngài đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Thầy và là Chúa, Ngài không giữ cho được ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã tự hạ mình ra tro bụi để kéo những con người từ tro bụi lên…và cho họ thông phần vào địa vị làm con cái Thiên Chúa.
Mọi người, có thể nhận thấy điểm giống nhau giữa Thánh vịnh này và kinh Magnificat của Mẹ Maria: Mẹ cũng đã tụng ca danh thánh Chúa… ca tụng Chúa đấng nâng cao những kẻ nghèo hèn…và nhất là chính mẹ là người nữ hạnh phúc, dù đồng trinh, nhưng có một hậu duệ đông đúc, muôn đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Chắc Đức Giêsu cũng đã nghĩ đến mầu nhiệm vuợt qua mà Ngài đang thực hiện khi đọc lên những lời sấm ngôn: Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi,… đặt ngồi chung với hàng quyền quý… sự sống lại mà đã nhiều lần Ngài tiên báo cho các môn đệ sẽ là biến cố tối hậu hoàn thành lời hứa của Thánh vịnh này. Nơi Đức Giêsu, việc ‘người nghèo được kéo ra khỏi nơi cát bụi để đặt ngồi bên hữu Thiên Chúa’ được thực hiện.
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Sự siêu việt của Thiên Chúa: Thiên Chúa vượt trên mọi tạo vật. Ai sánh tày THƯỢNG ĐẾ Chúa ta? Vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm. Suy tư của những người vô thần ngày nay, dù không giải quyết nổi, nhưng cũng mang lại phần tích cực là thanh tẩy những quan niệm của chúng ta có về Thiên Chúa: không, không có gì sánh tày Thiên Chúa, Ngài vượt trên mọi tạo vật, Ngài thuộc một trật tự khác hẳn với những gì ta tưởng nghĩ hoặc diễn tả… Ngay các thành ngữ của Thánh vịnh, cũng cần phải được thanh tẩy (chúng chỉ là những cách nói thôi). Nếu Thiên Chúa “cúi xuống”, nếu Ngài ngự trên cao, không phải là vì Ngài có một chỗ nào đó trong không gian, nhưng chính bởi vì Ngài là Đấng hoàn toàn khác. Và chúng ta, những người nghèo hèn thời nay, chúng ta càng khó hơn tổ tiên chúng ta để gặp gỡ được Thiên Chúa, Đấng siêu việt.
Vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm, cúi xuống để nhìn xem bầu trời trái đất. Khoa học ngày nay chứng minh rằng tất cả đều tồn tại trong vũ trụ. Mỗi một hữu thể lệ thuộc, một cách vật lý, vào những hữu thể khác, như một bánh xe trong một guồng máy phức tạp. Sự chuyển động sinh thái đòi hỏi có những sự cân bằng trong thiên nhiên mà các sinh vật phải tuân thủ để có thể sinh tồn. Vâng, vũ trụ tạo thành hoạt động như một bộ máy khổng lồ với nhiều chức năng khác nhau và lệ thuộc nhau. Và tôi, ngay lúc này, tôi đang suy tư và cầu nguyện, tôi cũng chỉ là một phần bé nhỏ của cái vũ trụ mà tôi đang cần đến: tôi sẽ chết ngay khi mặt trời không còn làm phận vụ của nó, khi thiếu không khí, khi các thảo vật và sinh vật không hoạt động bình thường, cũng như khi hàng triệu người anh em không làm việc vì tôi… Tại sao ta từ chối rút ra kết luận trước tất cả các sự kiện ấy là bàn tay con người chẳng làm được gì cả? Làm thế nào ta lại không đi đến xác tín rằng cái thế giới tuyệt vời này phải được điều khiển bởi một Trí Tuệ siêu phàm? Cái duy nhất, cái phổ quát tính của thế giới… chắc chắn phải do một ai đó nghĩ ra, điều khiển và đặt chương trình sẵn. Và than ôi, ta lại rơi vào những thuyết nhân chủng học. Nhưng làm thế nào có thể nói khác hơn điều đáng tin kia?
Những người yếu đuối, kẻ nghèo hèn. Nếu chúng ta không có quá nhiều thành kiến, cái quan niệm rất xã hội về một Thiên Chúa phục vụ cho những người thiếu thốn, sẽ làm cho ta vui sướng và đặt ta trước vấn nạn. Bởi vì, như đã xảy ra, trong cuộc giải thoát khỏi Aicập, Thiên Chúa can thiệp để nâng những người bị áp chế, ngài thường không làm trực tiếp bằng chính bàn tay của Ngài, nhưng nhờ những bàn tay của con người. Ngay cả cuộc vượt qua đầu tiên, rất ngoạn mục là thế, nhưng chắc không thể thực hiện được nếu Môsê không nỗ lực để thành công. Ai có thể cầu nguyện bằng Thánh vịnh này được, nếu như trong cuộc sống cụ thể, nó thuộc về phía những người làm cho kẻ nghèo phải cùng cực thêm? Ai có thể thành tâm nói rằng Thiên Chúa nâng dậy kẻ yếu hèn, nếu như trong cách cư xử, họ không tham dự vào việc ủng hộ cho những người bị bỏ rơi trong xã hội? Và có người tự nhủ rằng mình chẳng làm được gì. Bên cạnh những dấn thân trong lãnh vực xã hội, nghề nghiệp, chính trị, có hàng ngàn hình thức khác nhau để hành động, để cảm thông, để giúp đỡ… mà mỗi người có thể thực hiện theo cách riêng của mình.
Phẩm giá con người. Ta có để ý, dưới thành ngữ hơi có vẻ lỗi thời, tính hiện đại của viễn cảnh xã hội trong câu: ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người ? Giúp đỡ những người nghèo chỉ về vật chất thôi, không phải như thế là đủ, còn phải trả lại phẩm giá cho họ nữa, những hữu thể tự do, thuộc hàng vương giả.
Thiên Chúa, bảo đảm cho phẩm giá của con người. Thay vì ganh tỵ với sự vĩ đại của con người, Thiên Chúa lại là Đấng bảo đảm cho con người. Tiếng Do thái dùng cùng một từ để chỉ bệ ngai Thiên Chúa ngự và nói đến việc Thiên Chúa đặt người nghèo hèn ngồi chung với hàng quyền quý.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch