Thứ Hai tuần VII Tn
Ta có thể sánh ví thế giới chúng ta với đứa bé bị thần ô uế ám; thực tế đứa bé thường bị những cơn động kinh. ‘Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết, vào lửa của bạo lực chiến tranh, trong nước của sự dễ dãi, của sự cuồng nhiệt thụ hưởng. Và thế giới này, ta có bổn phận phải chữa trị nó. Chúa đã nói với ta rằng chúng ta là muối đất và ánh sáng thế gian, nên ta phải đưa nó ra khỏi sự khờ dại và những kinh động. Nhưng làm thế nào được? Ta cảm thấy mình bất lực! Đức Giêsu chỉ cho ta phương cách: đức tin và cầu nguyện. Cần phải có lòng tin thực sự, khi ấy ta có thể làm được ngay cả trong những trường hợp khó khăn nhất. Và với lòng tin ta có thể cầu nguyện cách hiệu quả.
Vì sao cầu nguyện lại cần thiết? Trong tin mừng hôm nay ta thấy sự trị liệu là một cái chết mở ra cho sự sống lại. Thánh Matcô đã viết trình thuật của mình bằng cách gợi lên cái chết để được sống lại.
Đứa bé, để được chữa lành phải trải qua cái chết: ‘Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: Nó chết rồi. Nhưng Đức Giêsu cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy và nó đứng lên’. Chết và sống lại.
Thế giới chúng ta bị lay chuyển bởi không biết bao nhiêu kinh động, cần phải trải qua cái chết nhưng không phải bất cứ cái chết nào: cái chết chuẩn bị cho việc sống lại, sự từ bỏ dẫn đến sự tái sinh. Do đó việc cầu nguyện cần thiết. Chính Đức Giêsu, để có thể chấp nhận chết để sống lại, đã cầu nguyện lâu giờ và tha thiết trong khi hấp hối và như thế ngài đã gặp được, qua cái chết, con đường dẫn đến sự sống lại.
Đây là sự khôn ngoan khôn dò của Thiên Chúa, ta nên luôn cầu xin để được soi sáng bằng sự khôn ngoan đó. Hãy cầu xin cho có được ơn đức tin và biết cầu nguyện, để thế giới, qua cái chết sẽ gặp được con đường của sự phục sinh.
+++
Số những người bị quỷ ám trong thời hiện đại thật nhiều hơn những gì người ta tưởng. Chỉ cần nhìn con số gia tăng những cuộc chiến tranh, hành hạ, bạo lực, lường gạt, ghen ghét, mua bán ma túy, những vụ lừa đảo đủ loại. Những kẻ bị quỷ ám đang hoạt động mạnh mẽ trong thế giới, và các môn đệ của Đức Giêsu Kitô tuyên bố là họ không thể khu trừ ma quỷ. Ngược lại Đức Giêsu nói với ta: ‘Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được’. Câu hỏi cần phải đặt ra là: Có một ai cầu nguyện không?
Để có thể cầu nguyện dễ dàng. Đức Kitô đã thiết lập các bí tích. Nhưng các bí tích được nhận lãnh mà không có tấm lòng bên trong thì chẳng mang lại lợi ích gì: chẳng khác gì những nghi thức ma thuật. Nếu tôi lãnh nhận phép lành tha tội, mà tôi không thật lòng sám hối, không thay đổi con người nội tâm của mình, thì chẳng có một hiệu quả nào cho tôi.
Quay trở lại đoạn tin mừng, chúng ta thấy một người đầy lòng đố kỵ đối với anh em là một con người lòng dạ của một con rắn độc. Bị quỷ ghen ghét ám. Nếu người đó cầu nguyện và sám hối chân thành, như thánh Phêrô, thì con rắn độc ấy sẽ bị khu trừ. Nhưng nếu trong lòng vẫn tiếp tục ghen ghét, cho dầu miệng nói lời bác ái, tha thứ và nhân từ, người ấy đã che khuất hình ảnh của Thiên Chúa có trong lòng mình từ ngày nhận bí tích thanh tẩy.
Tôi khóc thương thế giới bị quỷ ám, như Đức Giêsu đã khóc thương Giêrusalem. Tôi khóc thương khi thấy thế giới này đang tìm kiếm chân lý không phải nơi nguồn suối đích thật, và đang tự hủy mình trong những ảo tưởng. Con người đang khao khát cái tuyệt đối. Con người đang khao khát nhưng lại tìm đến những giếng nước khô cạn, trong khi nguồn suối nước tinh khiết đang ở trong lòng con người, qua sự hiện diện của Đức Giêsu, chỉ cần mở một chút lòng mình ra cho Người. Ta hãy liên kết với các thánh và những con người cầu nguyện để xua đuổi ma quỷ ra khỏi thế giới này.
Thứ Ba Tuần VII Tn
Lập Tòa Thánh Phêrô
Phụng vụ hôm nay soi sáng cho ta tư tưởng về tình phụ tử của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu khẳng định rằng nhờ mạc khải của Chúa Cha mà Phêrô mới nhận ra Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa: ‘Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời’. Từ Chúa Cha xuất phát mọi điều tốt lành, nhất là sự sống siêu nhiên mà khởi đầu và nền tảng là niềm tin vào Đức Giêsu.
Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha. Người không dùng sáng kiến riêng để chọn người đứng đầu các Tông đồ nhưng chờ đợi Chúa Cha tỏ ra, và chỉ sau việc nhìn nhận của Phêrô, dầu chỉ Chúa Cha tuyển chọn, Người mới nói: ‘Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy’. Một sự nhìn nhận nhau đặt nền tảng trên sáng kiến của Chúa Cha. Simon nhìn nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, còn Đức Giêsu nhìn nhận Simon là Tảng đá xây dựng Hội Thánh.
Trong thư thánh Phêrô cũng cho thấy sự vâng phục của ông đối với mạc khải của Chúa Cha và lòng tri ân của ông đối với Người. Trong những câu đầu tiên, thánh nhân nói đến sự thông biết trước của Chúa Cha: tất cả mọi sự được thực hiện nhờ Thiên Chúa, đấng chọn những kẻ ưu tuyển nhờ sự thánh hóa của Thần Khí để vâng phục Đức Giêsu Kitô. Đó là công trình của Ba Ngôi. Ngay sau đó là lời chúc tụng: ‘Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô’ vì những ân sủng Người đã đổ tràn cho ta và những ai Người chuẩn bị: ‘Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh’. Đã ban cho ta sự sống, giờ lại còn cho ta được tái sinh, ‘nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại’. Chúa Cha mạc khải cho ta qua việc cho ta sự sống bên kia cái chết, sự sống vĩnh cửu.
Lòng quảng đại mà Chúa Cha tỏ bày trong quá khứ là lời hứa một sự quảng đại vĩ đại hơn nữa cho tương lai. Quả vậy Phêrô viết: ‘Người đã tái sinh ta để lãnh nhận niềm hy vọng sống động’. Ta đã có sự sống vĩnh cửu, nhưng chỉ như hạt mầm, một hạt mầm tràn đầy hy vọng, hướng về việc hoàn thành. Phêrô không có đủ những lời hay ý đẹp để diễn tả điều Thiên Chúa sẽ ban tặng cho ta: ‘Một gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai…dành ở trên trời’.
Là một viễn ảnh hết sức tích cực. Phêrô nhìn thấy lòng tốt lành của Thiên Chúa trong quá khứ, cũng như cho tương lai.
Và giữa hai khoảng cách mênh mông của niềm vui có một chút thử thách: ‘Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm ngàn thử thách’.
Thực sự tất cả những khó khăn, những nghịch cảnh, những khổ cực của đời sống thường che kín chân trời của ta, làm ta ngộp thở, thánh Phêrô nhìn thấy như một cái gì đó không đáng kể, một giây phút ngắn ngủi khổ sở giữa hai cực thể hiện lòng tốt lành vô bờ của Thiên Chúa.
Và những thử thách này cũng được đọc một cách hết sức tích cực, cần thiết để thanh luyện niềm tin của ta, như vàng thử trong lửa.
Cách nhìn đời sống kitô như thế là điều an ủi cho ta, cuộc đời mà ta sống từng ngày, mà thánh Phêrô trình bày cho ta với hứng khởi.
Cầu xin thánh nhân giúp ta biết vâng phục Chúa Cha và tràn đầy tin tưởng phó thác vào tình yêu của Người.
+++
Hôm nay ta có đoạn sách Huấn Ca, bằng một ngôn ngữ thân tình, dịu dàng đưa vào lòng ta một giáo huấn rất cần thiết. ‘Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa…’ Khi một người tự đặt mình phụng sự Chúa, người đó có thể được an bình, dù không nhận được gấp trăm ở đời này ngay, nhưng ít ra là sự bình an tâm hồn. Nhưng ở đây ngược lại, lời Chúa nói: ‘Nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách’. Chuẩn bị để đón chịu thử thách. Thử thách không phải là điều xấu cho ta, nhưng là một điều tốt, một dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, là điều kiện để lớn lên trong tình yêu của ngài, để lãnh nhận những ân huệ quý giá.
Và còn viết tiếp: ‘Trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn. Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục’. Vì ta có nơi mình điều gì đó quý giá hơn nhiều, Thiên Chúa để ta bị thử thách nhằm thanh luyện kho tàng ấy, để làm cho nó đẹp hơn và xứng đáng với ngài. Nhưng trong thử thách, điều kiện cần phải có là cậy trông vào Chúa: ‘Hãy tin vào Người, thì Người sẽ nâng đỡ con; đường con đi hãy giữ cho ngay thẳng và trông cậy vào Người’. Ở một nơi khác trong sách Huấn ca ta còn đọc thấy: ‘Khốn thay những tâm hồn hèn nhát, những bàn tay rã rời và những người tội lỗi lập lờ nước đôi’. Cuộc đời những ai muốn phụng sự Chúa cần phải đi trong đường ngay thẳng, được hướng dẫn bằng chính tình yêu của Thiên Chúa; không phải tiến thân trong sự sợ hãi mà trong lòng kính sợ Chúa, nghĩa là trong sự tôn kính sâu xa, tất cả đều thấm đượm tình yêu. Có như thế ta mới có thể chắc chắn như lời sách Huấn ca viết: ‘Hỡi ai kính sợ Đức Chúa, hãy đợi trông ơn lành, niềm vui khôn cùng và lòng thương xót’.
Bài tin mừng cho ta một ánh sáng rõ hơn: thử thách là tham dự vào mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Giêsu. ‘Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại’. Chúng ta tiến bước trong cuộc đời không phải với ảo vọng: những thử thách, những bách hại sẽ luôn có, nhưng đã được soi chiếu bằng ánh sáng phục sinh, chúng sẽ làm cho ta nên phong phú và soi chiếu cả thế giới này.
+++
Đức Giêsu nói với các môn đệ về những sự kiện liên quan đến lịch sử cứu độ và tương lai của thế giới, vậy mà các ông lại nghĩ đến vinh quang của họ! Họ tìm để được ca tụng, tưởng thưởng ngay trần gian này. Nhưng đó có phải thực là điều họ nhắm đến khi đi theo Đức Giêsu không? Người nói về sự sống lại, về sự sống vĩnh cửu, còn họ lại nghĩ đến việc được tôn vinh trên trần gian. Thật đáng thương cho các môn đệ! Họ cần phải được trải nghiệm nhiều hơn nữa trên con đường thiêng liêng để mới xứng đáng được gọi là môn đệ.
Nhưng Đức Giêsu không thất vọng: Người chấp nhận họ như chính họ; Người tin rằng họ sẽ biến đổi. Người biết cần phải tiến bước chậm rãi và nhẫn nại dạy dỗ họ như với những đứa trẻ, bắt đầu từ những hình ảnh, dụ ngôn, những ví dụ quen thuộc với họ. Chợt Người bồng một em bé lên và nói: ‘Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một em nhỏ…’ Mọi người đều biết rằng một em nhỏ yêu mến hết lòng không tính toán, hết sức hồn nhiên và tín thác, phó thác hoàn toàn cho vòng tay của cha mẹ và không đổi cha mẹ mình để lấy bất cứ thứ gì trên trần đời này, trẻ nhỏ say mê cái đẹp…
Như thế các môn đệ sẽ hiểu rằng sự cao trọng đích thực nằm ở chỗ trở nên bé nhỏ, hệ tại việc cho đi tất cả, chịu khổ vì người khác, quên mình vì người khác và chết vì người khác. Không chỉ có Đức Kitô đã làm điều đó cho ta, mà cùng với Người, hàng ngàn người kitô hữu cũng đã cho đi tất cả ngay cả cái chết. Đây là điều làm nên sự thánh thiện của Hội Thánh.
Thứ Tư Tuần VII Tn
Điều làm cho tôi kinh ngạc hết sức trong cuộc đối thoại này đó là Gioan đã thốt ra lời chống đối một người trừ quỷ nhân danh Đức Giêsu, mà lại không thuộc về nhóm các môn đệ của Người. Thánh Gioan tác giả của tin mừng thứ tư và các thư, chắc chắn đã trải qua một hành trình biến đổi lớn lao từ lúc ấy cho đến khi đứng dưới chân thập giá trên đồi Canvê, cho đến lúc viết những tác phẩm thánh kinh đầy tràn Thánh Thần.
Đừng ngã lòng: nếu ta có điều gì trong lòng, hãy nói với Chúa Giêsu, hãy nói cách đơn sơ như Gioan vậy. Chúa Giêsu sẽ đáp trả cách nhẹ nhàng và dạy cho ta biết rằng ‘không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy’.
Thay vì cứ kiên trì mãi trong cơn giận dữ và chống đối, ta hãy thưa với Đức Giêsu, với Thánh Thể. Đức Kitô sẽ trả lời chúng ta bằng cách tạo ra nơi ta một cách đón nhận mới và làm cho ta tiến triển dần dần, cho đến độ đạt đến đỉnh cao của mầu nhiệm và của sự thánh thiện như tông đồ Gioan.
Thứ Năm Tuần VII Tn
Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi; đừng lần lữa hết ngày này sang ngày khác
Việc làm của người khôn ngoan được diễn tả ra bên ngoài trước mắt chúng ta: phong phú ân huệ, tài năng và đam mê là kho tàng thúc đẩy ta chia sẻ, nhưng cũng có thể là một cái bẩy đóng khung chúng ta lại trong nguy cơ của điều ‘tôi có đủ cả rồi…’ (Hc 5,1).
Đây là cảnh báo mà sách Huấn ca đưa ra cho ta. Tin chắc rằng cố gắng của tôi phù hợp với mọi tiêu chuẩn của sự công chính có thể làm mờ nhạt ý hướng chân thực của hành động của ta và đưa ta đến tình trạng quá an toàn vì lòng nhẫn nại và sự tha thứ của Chúa, khi ta vượt quá những giới hạn. Quả thực lòng thương xót của Chúa thật lớn lao, không đo lường được. Nhưng lòng thương xót ấy không thể dẫn đến cái ‘mình đủ cả rồi’. Thế nên ta không còn mong mình được che chở với tin tưởng vô biên vào sự hướng dẫn yêu thương và khôn ngoan của ngài, ta không trì hoãn ngày lại ngày khả năng bước theo ngài cách đúng đắn.
Xin hãy đến, lạy Thánh Thần của sự khôn ngoan, đấng tác tạo nên sự sống trên trời cao cũng như dưới vực thẳm; xin hãy mở cửa sự thật, xin chiếu soi lòng trí chúng con ánh sáng của sự thật.
+++
Đấng Cứu Thế không chỉ mở lối cho ta từ cõi chết bước vào cõi sống, bằng cách ban cho ta Thần Khí của Người qua bí tích Thánh Tẩy, nhưng còn tiếp tục hiện điện nơi ta qua Thánh Thể, và nếu có khi nào ta xa lìa Người, thì Người như người cha, chờ đợi đứa con hoang đường sám hối trở về, để nói lời tha thứ, yêu thương, để mở tiệc ăn mừng.
Cho anh em một chén nước…một chút thân tình, một chút yêu thương, một chút niềm vui, một chút an bình, một chút hiện diện…làm cho lòng người nhận thấy sự hiện diện của Thần Khí Đức Giêsu. Phần thưởng thật lớn lao cho người trao ban chén nước. Và nếu, những kẻ đã được rửa tội hay không, ý thức mình là thừa tác viên của Đức Kitô, có chức thánh hay không, giúp đỡ người anh em, Đức Kitô sẽ trả công cho họ, bởi lẽ họ sẽ được liên kết với Người trong tác vụ tình yêu. Hãy nhớ thánh Augustinô đã nhận ra Đức Kitô nơi người Samariatanô nhân hậu.
Muối của tình yêu, làm cho cuộc đời nở hoa tình yêu, không phai nhạt nhưng mang hương vị cho mọi điều ta làm. Nhưng nếu muối của tình yêu mất đi hương vị, nghĩa là mất đi tình yêu, nó chẳng còn hương vị gì để trao tặng cho cuộc đời, vì đã khước từ tình yêu duy nhất có khả năng ban tặng cho nó hương vị.
Thứ Sáu Tuần VII Tn
Hôm nay chúng ta đọc hai bài đọc nói về sự trung thành, trung thành trong tình bạn và trung thành trong hôn nhân. Lòng trung thành phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa: Thiên Chúa muốn người ta sống trung thành. Ngay cả thánh Phêrô cũng kêu gọi: ‘Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn. Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt’. Bất tử và trung thành đi đôi với nhau. Đây là một bài học mà con người không dễ dàng hiểu, vì họ quan niệm tình yêu theo cách thức hết sức tự nhiên, trộn lẫn với tư lợi. Đúng là trong tình yêu con người có cả tư lợi lẫn quảng đại và chính đó là lý do khiến ta cần phải huấn luyện tình yêu mình luôn luôn trung thành và vô vị lợi.
Ngay cả trong hôn nhân việc kết hợp thực sự không thể đặt trên đam mê và sự hay thay đổi của tình cảm, nhưng trên sự trung thành. Không phải dễ, vì mỗi người bị cám dỗ đi tìm hạnh phúc riêng và nghĩ rằng đó là tình yêu. Nhất là, nếu tình yêu không được tinh luyện, khuynh hướng thúc đẩy thỏa mãn bản năng tính dục trổi vượt và khi sự thỏa mãn này người ta không tìm thấy hoặc người ta nghĩ mình có thể tìm thấy tốt hơn nơi chỗ khác, thì sẽ xảy ra ly tán.
Chương trình của Thiên Chúa thì khác hẳn: ‘Cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt’. Đức Giêsu nhắc nhớ dự tính của Thiên Chúa, mà con người phải lấy làm của riêng mình, khi không tìm thỏa mãn riêng, hạnh phúc riêng nhưng là hạnh phúc của kẻ khác, cho dẫu mình phải từ bỏ chính mình. Như thế điều mà thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly. Là một giới luật của Thiên chúa và đồng thời là một ân ban của Thiên Chúa, như sách Huấn ca nói về tình bạn.
Ta đọc thấy hôm nay bản văn hay: ‘Người bạn trung thành là phương thuốc xoa dịu cuộc đời, những ai kính sợ Đức Chúa sẽ gặp được người như vậy’, nghĩa là những người kính tôn Thiên Chúa bằng sự vâng phục và yêu thương mà Kinh thánh gọi là ‘kính sợ Đức Chúa’.
Nếu một người mở lòng ra cho Thiên Chúa, sẽ mang vào tình bạn của mình lòng quảng đại xuất phát từ Thiên Chúa; do đó, ‘người kính sợ thì điều khiển tình bạn của mình’. Đặt nền tảng trên Chúa, đấng là tình yêu quảng đại, con người sẽ quảng đại và trung thành và sẽ gặp được một người bạn giống như mình, ‘vì bản thân mình thế nào, thì cận thân mình cũng thế’.
+++
Đức Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa làm người, đã không dạy cho ta biết Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người, và còn cầu xin Chúa Cha gởi Thần Khí chân lý đến cho ta đó sao? Người đã không cầu nguyện trong vườn Giếsêmani để cho ta nên một, như Người và Cha là một đó sao? Đức Giêsu nhắc ta biết: Thiên Chúa là sự hiệp thông (một Chúa, ba Ngôi), tạo dựng nên con người giống hình ảnh mình, là thông hiệp.
Giáo lý của Đức Giêsu liên quan đến hôn nhân là giáo lý của nguồn cội: không có hôn nhân mà không có thông hiệp, thông hiệp thân xác, thông hiệp tinh thần và tâm hồn; nhưng thân xác cộng với tinh thần cộng với tâm hồn trong tiếng do thái là Bachar, nghĩa là nhục thể. Khi ta nói Ngôi Lời làm người, không chỉ có nghĩa là Ngôi Lời mặc lấy thân xác của một con người. Không, còn có nghĩa là Ngôi Lời mặc lấy tất cả cái Bachar, xác, tinh thần và tâm hồn. Nhưng cái Bachar ấy không thể sống được nếu không nhờ thần khí của Thiên Chúa. Nếu nó tách rời khỏi thần khí, như Ađam và Evà, nó sẽ chọn lấy cái chết.
Hiệp thông thân xác, nhưng điều đó chỉ có thể khi có sự hiện diện Thần khí của Thiên Chúa. Theo nghĩa đó, Đức Giêsu nói: ‘Thần khí mới làm cho sống chứ xác thịt chẳng có ích gì’ (Ga 6,63). Tội ngoại tình là xua đuổi thần khí ra khỏi xác thịt. Vì thế nên Phaolô viết cho các kitô hữu thành Côrintô: ‘nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người’ (1Cr 6,15-17).
Đây là những nguyên tắc. Để sống những nguyên tắc ấy, ta cần Thần Khí của Thiên Chúa. Đức Giêsu nói: ‘Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?’ (Lc 11,13).
Vậy hãy cầu xin Cha ban Thần khí trước khi chọn người bạn đời cho mình, khi quyết định và sau khi trao cho nhau lời thề hứa. Bằng cách đó Đức Kitô làm người trong các bạn mãi mãi, trong một sự hiệp thông, theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thứ Bảy Tuần VII Tn
Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực.
Mối dây tội lỗi-bệnh tật không là điều đương nhiên, và mỗi bệnh tật đều là hậu qủa của tội, nhưng thật sự có mối liên hệ giữa chúng. Tiếng ‘Không’ đầu tiên chống lại Thiên Chúa ngay khởi đầu thế giới, đã gây ra điều dữ và sự hỗn độn vô trật tự. Chính vì thế mà thánh Giacôbê nói đến việc nhìn nhận tội lỗi, việc xưng thú tội lỗi của bí tích Hòa giải, nhìn nhận nhau là anh chị em, thay vì chỉ tay lên án nhau, nhưng là khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình, đi tìm sự thật, tìm sự hoán cải. Khi đau bệnh người ta đi tìm các dược liệu chữa bệnh, nhưng cũng tốt khi biết cầu xin sự chữa lành của Thiên Chúa. Trong cái nhìn kitô giáo bệnh tật là thời gian thanh luyện và hy sinh. Và việc cầu nguyện, qua mọi phương cách, giúp các bệnh nhân đón nhận bệnh tật trong thanh thoát và từ bỏ.
Cầu xin Chúa cho con đi vào trong cái nhìn kitô giáo. Lạy Chúa, nếu có thể, xin gìn giữ con và những người thân của con khỏi mọi sự dữ, nhưng khi xảy ra đau bệnh, xin giúp con biết sống thời gian này như việc thanh luyện tội lỗi của con cũng như việc hiến dâng chính mình con cùng với Chúa lên Chúa Cha, những đau khổ của con để cứu độ thế giới.
Việc tốt đẹp là cầu nguyện cho nhau, là hiến dâng mình cho Thiên Chúa nhân hậu, nơi đó không còn xa cách, không còn chia ly.
+++
Bài đọc 1 hôm nay ca tụng sự cao trọng của con người: ‘Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình và theo hình ảnh mình mà làm ra nó…trí khôn, lưỡi, mắt, tai và trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu’. Và đây là điều quý giá hơn hết: ‘Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời và tỏ cho thấy những điều Người phán quyết’. Dĩ nhiên Người nói về giao ước với Môsê và hai bia đá lề luật. Ta càng phải ca tụng lòng tốt lành của Thiên Chúa hơn nữa khi nghĩ đến giao ước mới được ký kết trong máu Đức Kitô và lề luật ghi khắc trong lòng ta, giúp ta sống trong Thánh Thần như con cái Thiên Chúa! Trong tin mừng, Đức Giêsu lập lại nhiều lần cho con người cao trọng vì những ân ban của Thiên Chúa ấy, phải ‘trở nên trẻ nhỏ’: là điều kiện để vào trong Nước Chúa Cha. Để trở nên trẻ nhỏ, ta có sẵn một con đường: làm con cái của Đức Maria, mẹ đã trở nên bé nhỏ: ‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa vì Người nhìn đến phận hèn tôi tớ Người’. Thật khó mà bằng lòng với những giới hạn của mình! Bí quyết là trở nên khiêm tốn và rộng lượng, do đó mẹ Maria đã có thể nói về mình sự cao cả và khiêm tốn.
Đức Maria trưởng thành trong đức tin, đã dùng trí khôn để biện phân, như sách Huấn ca nói: mẹ đã hỏi sứ thần để có được lời giải thích rõ ràng hơn. Và mẹ đã trở nên bé nhỏ, vâng phục và phó thác vào Thiên Chúa. Ta còn đọc thấy trong sách Huấn ca: ‘Danh thánh Người chúng sẽ ca ngợi, những công trình vĩ đại của Người chúng sẽ kể ra’. Trong cuộc thăm viếng Êlisabét, Mẹ Maria đã cất lời ca tụng Chúa: ‘Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại, danh Người là thánh’.
Hãy cảm tạ Chúa đã ban tặng cho ta mẹ Maria làm mẫu gương và người mẹ, giúp ta hiểu cần thiết phải nên bé nhỏ theo tin mừng và lớn lên để lãnh nhận ân phúc của Thiên Chúa.
+++
Cái chạm tay của Đức Giêsu. Đôi tay của Đức Giêsu hòa nước bọt cùng với đất thành bùn để chữa lành mắt người mù. Đôi tay đã làm cho kẻ chết sống lại: ‘Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy’ (Mc 5,41). Đôi tay viết trên cát sự vô tội của người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình! Đôi tay lật sách ngôn sứ Isaia để đọc lời phong vương cứu thế. Đôi tay chúc lành và hóa bánh và cá ra nhiều. Đôi tay vò gié lúa trong ngày Sabát. Đôi tay xoa đầu các em bé. Đôi tay cầm lấy bánh và rượu trong bữa tối cuối cùng. Đôi tay bị đóng đinh vào thập giá. Luôn là đôi bàn tay ấy. Những người mẹ mong rằng đôi tay ấy có thể mang lại niềm vui và thiện hảo cho con cái mình. Họ không biết rằng Đức Kitô là Con Thiên Chúa hằng sống, họ tưởng Người là một ngôn sứ.
Như các thánh thời Cựu Ước, bà Sara, Rêbecca, Lia, Rakhel, các bà này đã dâng các con của mình cho vị Ngôn sứ, đấng mang phúc lành của các tổ phụ Ápraham, Isaác và Giacób, để truyền lại cho con cái của họ.
Các môn đệ bực mình. Các ông chưa sẵn sàng cho sự sống mới mà Đức Kitô mở ra cho họ: phải trở nên như các em nhỏ để đón nhận Nước Thiên Chúa.
Không một ai bị loại trừ ra khỏi Nước Thiên Chúa, nhất là các em nhỏ, vì Nước Trời là của chúng và những ai giống như chúng.
Trở nên trẻ nhỏ: đến với Đức Giêsu để Người chạm đến, để Người ôm hôn và chúc lành vì Người thấy tâm hồn ta là tâm hồn của một em nhỏ. Nước Thiên Chúa thuộc về ta. Kiêu căng, tham lam bạc tiền, ham muốn xác thịt ngăn cản ta đến với Đức Kitô. Xin Chúa biến đổi chúng con nên giống trẻ thơ để con có thể nhận được Người.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Đức Maria, Mẹ Giáo Hội
Ngày 21/11/1964 kết thúc Khóa Ba Công Đồng Vaticanô II Giáo Hội tuyên bố Đức Trinh Nữ Maria là ‘Mẹ Giáo Hội’ nghĩa là của toàn thể dân kitô giáo, giáo dân cũng như mục tử kêu cầu Mẹ là Mẹ rất đáng yêu mến’. Tòa Thánh, dịp Năm Thánh Hòa Giải (1975), đã đặt một thánh lễ ngoại lịch tôn kính Mẹ Maria Mẹ Giáo Hội, sau đó được đưa vào Sách Lễ Roma; cũng đưa vào Kinh Cầu Đức Bà tước hiệu này (1980). Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi xem xét kỹ tước hiệu này và nhận thấy có thể giúp phát triển ý nghĩa hiền mẫu của Giáo Hội, cũng như lòng đạo đức bình dân chân chính đối với Đức Mẹ, đã cho thiết lập năm 2018 lễ nhớ kính Đức Mẹ, Mẹ Giáo Hội, và được kính như lễ nhớ buộc vào ngày thứ Hai sau Chúa Nhật lễ Hiện Xuống.