Thứ Hai Tuần VI Tn
Bài Tin mừng, cho ta thấy các người Biệt phái ghét Đức Giêsu, có liên hệ với bài đọc 1, thuật lại việc giết người đầu tiên, cái chết của Abel.
Giáo hội hiểu rõ mối liên quan giữa câu chuyện của Abel và câu chuyện của Đức Giêsu: trong kinh tiền tụng, Abel là hình ảnh tiên trưng hy tế của Đức Giêsu. Lời bình giải hay nhất cho trang sách Sáng Thế này tìm thấy nơi thư thứ nhất của Thánh Gioan, cho thấy rằng lý do mà Cain giết em mình là sự độc ác. Người vô tội bị kẻ gian ác giết chết, bị ghen ghét vì đã làm điều tốt: ‘Cain là người của ác thần, nên đã giết em mình. Tại sao nó đã giết em? Bởi vì các việc nó làm đều xấu xa, còn các việc em nó làm thì công chính’ (1Ga 3,12). Thánh Gioan áp dụng cho các kitô hữu, những người không ngạc nhiên vì thấy mình bị thế gian ghét bỏ. ‘Chúng ta biết rằng chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống vì chúng ta yêu thương anh em’. Nhưng ‘kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết’, và không chỉ ở lại trong sự chết nhưng còn muốn giết chết người anh em mình nữa vì ‘ma quỷ là kẻ giết người ngay từ lúc khởi đầu’.
Chuyển kể về Cain và Abel ta có thể áp dụng cho cả chính chúng ta, vì điều xảy ra thực cho Cain cũng xảy ra cho ta: khi ta ghét người khác, khi ta chống đối nguời khác không phải vì họ làm điều xấu, nhưng vì chúng ta không tốt, chúng ta gian ác và khi thấy rằng họ tốt hơn chúng ta, chúng ta không thể chấp nhận được. Hãy lưu ý nhiều đến cám dỗ này. Khi ta cảm thấy trong ta có ý tưởng bạo lực, chống đối, hãy tự hỏi cách chân thực: ‘tại sao tôi lại có những tư tưởng này? Vì người khác không tốt hay vì tôi chưa đủ tốt? Thường câu trả lời là về thứ hai: vì tôi không đủ tốt nên tôi có những tư tưởng bạo lực, nghĩa là bất bao dung, đố kỵ, ác cảm. Chúa dạy ta đừng có những tư tưởng bạo lực ngay cả khi người khác không tốt: chúng ta phải tốt hơn để chiến thắng cái xấu bằng điều thiện.
Ánh sáng của Thiên Chúa đã chiếu dọi ngay từ khởi đầu của lịch sử nhân loại và các Giáo Phụ đã nhận ra mầu nhiệm của Đức Giêsu, chiến thắng của Đức Giêsu trên tội lỗi. Abel vô tội đã bị giết chết. Sự bất công đã được thực hiện, nhưng Thiên Chúa đã cảnh giác; Thiên Chúa không làm ngơ, không bao giờ, ngay cả đôi khi ta nói điều trái nghịch. Sau cái chết của Abel, Thiên Chúa đã hỏi: ‘Abel em ngươi đâu rồi? Các Giáo Phụ qua đó nhìn thấy, từ lúc hừng đông của nhân loại, ý muốn của Thiên Chúa là sự phục sinh như liều thuốc trị liệu cho tội giết người đầu tiên. Trong thư gởi tín hữu do thái, tác giả chứng minh rằng Abel, ngay sau khi chết, là hình ảnh của Đức Kitô phục sinh. Abel đã chết nhưng tiếng của ông vang vọng: ‘Tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta’. Thế nên, một cách nào đó Abel vẫn còn sống. Và tiếng máu vẫn còn mạnh mẽ khi tác giả thư do thái nói về Đức Kitô. Máu của Đức Giêsu, mà các địch thù làm đổ ra, kêu lên: Đức Kitô đã sống lại! Tiếng kêu ấy không phải đòi sự trả thù nhưng là lòng thương xót và tình yêu.
Trong trang kinh thánh này các Giáo phụ đã nhìn thấy một biểu tượng khác của việc Đức Kitô sống lại, và là việc sinh hạ một người con khác: ‘Ông Ađam lại ăn ở với vợ. Bà sinh một con trai và đặt tên là Sết; bà nói: Thiên Chúa đã sắp đặt cho tôi một dòng dõi khác thay cho Abel’. Sết, theo giải thích của các Giáo phụ là hình ảnh Đức Kitô phục sinh. Theo các ngài, Thiên Chúa ngay từ thuở ban đầu đã cho thấy dự tính cứu độ của ngài, chiến thắng trên sự chết và trên sự dữ mà Đức Giêsu Kitô chết và sống lại ban cho con người.
Bài tin mừng hôm nay cách mầu nhiệm nói về sự chiến thắng này. Người biệt phái đòi hỏi dấu lạ từ trời để thử Đức Giêsu. Giả như Đức Giêsu cho họ dấu lạ này, họ sẽ có cớ để kết án ngài, để giết ngài. Nhưng Đức Giêsu từ chối: ‘Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả’. Dấu lạ thực sự là cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa và của chiến thắng của Đức Giêsu. Một nơi khác trong tin mừng có nói đến dấu lạ của Giona, bị ném xuống biển và thoát chết nhờ can thiệp của Thiên Chúa, đấng chuẩn bị trong thời gian dự tính của ngài chống lại sự chết và sự dữ. Hãy mở lòng ra cho chiến thắng của Thiên Chúa, chiến thắng sự đau khổ được chấp nhận bằng tình yêu để điều thiện chiến thắng.
Thứ Ba Tuần VI Tn
Phụng vụ hôm nay cho ta đọc khởi đầu trình thuật lụt hồng thủy và việc Thiên Chúa buồn trước sự gian ác của con người. Thiên Chúa buồn đến độ nghĩ đến việc tiêu diệt trái đất và con người chính tay Người dựng nên.
Nhưng đồng thời Người cũng nghĩ đến phương thuốc trị liệu: ‘Nôe đẹp lòng Đức Chúa’, và Thiên Chúa ra lệnh cho ông làm một chiếc tàu, tàu cứu độ.
Câu chuyện này cũng như biết bao câu chuyện khác trong Cựu Ước, là hình ảnh cuộc đời của Đức Giêsu và ta thấy nơi đây cũng một phương thức như thế. Để chữa lành sự dữ tràn lan của con người Thiên Chúa đã dùng một điều hết sức thấp hèn và hầu như không ai biết đến: chỉ một người, Nôe, một chiếc tàu. Và sau đó là một khởi nguyên mới. Nhiều lần đã xảy ra như thế trong Cựu Ước.
Xảy ra cho dân tộc bé nhỏ Israel: giữa các quốc gia mạnh mẽ Thiên Chúa đã chọn một dân bé nhỏ mà khởi đầu chưa phải là một dân, và từ đó để mang đến ơn cứu độ cho mọi người. Ngay cả dân tộc này cũng gian ác và Chúa đã bỏ rơi, nhưng dành riêng một nhóm nhỏ, vương quốc Giuđa. Ngay cả vương quốc này cũng bất trung và Thiên Chúa đã trừng phạt, để cho họ bị dân Babylon bắt làm nô lệ, lưu đày. Giữa họ Thiên Chúa tìm thấy những người công chính và đó là khởi đầu của một dân mới, khiêm hạ, chiếc nôi của ơn cứu độ: giữa một số ít người này trung thành với Thiên Chúa, phát sinh Con của Người. Và cách thức ấy lại tiếp tục cho đến tận cùng, bởi vì ta có thể nói rằng trong cuộc thương khó của Đức Giêsu tất cả đều gian ác và chính Đức Giêsu như bị nhấn chìm trong tội lỗi của cả vũ trụ, bởi lẽ Ngài đã mang lấy tội lỗi để tiêu diệt nó bằng cái chết của Ngài. Nhưng trái tim của Ngài vẫn còn và với ‘cái bé nhỏ ấy’ Thiên Chúa cứu tất cả mọi người và ơn cứu độ được thực hiện với sự sống lại của Đức Kitô: Đức Giêsu, người duy nhất công chính, cứu độ cả thế giới. Đó là điều Thiên Chúa hành động.
Trong bài Tin mừng cũng liên tưởng đến phương cách này của Thiên Chúa. Các Tông đồ lo lắng vì nghĩ rằng họ không có đủ bánh và Đức Giêsu quở trách họ: ‘Anh em không nhớ sao khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn…và bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn’? Không phải có nhiều là quan trọng nhưng là có ‘bánh của Thiên Chúa’ là chính Đức Giêsu ở với mình.
Trong lịch sử Giáo hội cũng thế: những công trình vĩ đại khởi đầu trong sự khiêm tốn, trong sự xem thường của mọi người, và Thiên Chúa đã rút ra những hoa quả. Ta hãy cầu xin Chúa cho ta biết chấp nhận trong cuộc đời mình những hy sinh lớn lao, để liên kết với Ngài và để bảo toàn nơi chúng ta chiếc Bánh duy nhất, là Đức Giêsu.
Thứ Tư Tuần VI Tn
Trong bài tin mừng hôm nay ta thấy tính đơn sơ của Chúa Giêsu và sự khiêm nhường của ngài. Để thực hiện phép lạ, ngài phải ẩn mình, bằng cách đưa người mù ra khỏi làng để không ai trông thấy. Tính đơn sơ này làm cho ta kinh ngạc: Đức Giêsu giống như một công nhân làm một điều gì đó mà không muốn người ta nhìn thấy cho đến lúc hoàn tất. Chúa lấy nước bọt xoa trên mắt người mù, đặt tay lên và hỏi: Anh có thấy gì không? Có lẽ phép lạ được thực hiện một nửa: Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại. Rồi Đức Giêsu lại đặt tay trên mắt anh và phép lạ được hoàn tất: anh thấy tỏ tường mọi sự.
Tính đơn sơ của Chúa ta cũng nhận thấy nơi trình thuật sách Sáng Thế, trong đó Thiên Chúa thay đổi quyết định của mình: ‘Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa…Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm’. Hoặc trong một đoạn kinh thánh khác nói rằng Thiên Chúa không hối tiếc, ngài không phải là con người, để có thể thay đổi ý kiến. Các triết gia nhấn mạnh nhiều đến tính bất khả thay đổi của Thiên Chúa, họ nói rằng Thiên Chúa vì là sự toàn hảo tuyệt đối, nên không thể thay đổi. Ở đây có điều gì đó trái ngược, nhưng là một trái ngược xuất phát từ tính hữu hạn của ta, không thể hiểu nổi Thiên Chúa. Thánh Augustinô bảo rằng có thể hiểu một điều gì về Thiên Chúa là một hạnh phúc lớn lao, nhưng con người không có khả năng hiểu biết Thiên Chúa; giả như con người hiểu biết Thiên Chúa, thì không còn phải là Thiên Chúa nữa. Quả vậy ta cần đặt những điều trái ngược bên nhau để có một ý tưởng ít là bất toàn về Thiên Chúa. Nếu ta muốn làm như các triết gia nhấn mạnh về tính bất khả đổi thay của Thiên Chúa, ta sẽ có một tư tưởng về Thiên Chúa hết sức nghèo nàn. Thiên Chúa đối với ta sẽ như đá tảng, không thể di chuyển, không thay đổi, không có tình cảm, không sống động. Nếu ngược lại, khi ta đọc cách đơn giản Kinh Thánh, ta thấy rằng Thiên Chúa suy nghĩ, có tình cảm, yêu nồng nàn, giận dữ đối với tội lỗi dân ngài phạm, thay đổi ý định…và chúng ta có ý tưởng Ngài là một đấng sống động, luôn chuyển động, phong nhiêu, và đây là tư tưởng trung thực hơn tư tưởng của các triết gia. Trong kinh thánh người ta nói về Thiên Chúa như về một con người, sống động, suy tư, có cảm xúc, thay đổi ý kiến, có dự tính…đó là cách Kinh Thánh thường dùng. Đôi lúc Kinh Thánh cũng có những nhận xét theo kiểu các triết gia, cho rằng Thiên Chúa là đấng hoàn hảo, không thay đổi, không hối tiếc; nhưng thông thường thì trình bày Thiên Chúa giống như hình ảnh chúng ta, vì điều này có ích lợi hơn. Ta biết rằng sự toàn hảo của Thiên Chúa là một toàn hảo tràn đầy, chứ không phải là một sự toàn hảo bất biến; tính bất biến này bao hàm nơi mình tất cả mọi chuyển động; Thiên Chúa không có những cảm xúc con người nhưng Thiên Chúa vượt trên những xúc cảm của ta. Thật sự là Thiên Chúa không yêu như chúng ta, nhưng ngài yêu chúng ta, theo cách mà ta không thể hiểu được.
Mạc khải về Thiên Chúa được thực hiện cách đầy đủ nơi nhân tính của Đức Giêsu. Đức Giêsu là con người thật, đã đau khổ, đã yêu, đã suy tư, đã có những dự tính trong cuộc sống, đã bị lừa dối, phản bội, Ngài chính là mạc khải về Thiên Chúa.
Ta hãy cầu xin Chúa Giêsu mở mắt ta để ta có thể có được một ý tưởng tuy nghèo nàn về Thiên Chúa nhưng đích thực, phong phú gợi lên nơi ta sự tôn thờ, ngợi khen và cảm tạ.
Hiều được điều gì về Thiên Chúa là một hạnh phúc lớn. Và ngay cả việc hiểu rằng chúng ta không thể hiểu biết ngài cũng là một hạnh phúc, vì điều này đặt ta sống trong đức tin trước mầu nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa.
Thứ Năm Tuần VI Tn
Tin mừng hôm nay trình bày một trái nghịch có tính dạy dỗ cho ta. Thánh Phêrô, được Chúa Cha mạc khải, nhận biết Đức Giêsu là Đấng Kitô, là đấng tuyển chọn của Thiên Chúa. Và ngay tức khắc sau đó cũng chính Phêrô chống lại dự tính của Thiên Chúa, không chấp nhận việc Đức Giêsu chịu đau khổ, bị loại bỏ và giết chết, đến độ Đức Giêsu phải lên tiếng quở trách ông: ‘Satan! Lui ra đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người’.
Thật khó mà ở mãi dưới ánh sáng của Thiên Chúa! Thánh Phêrô hạnh phúc vì đã có thể tuyên bố Đức Giêsu là Đức Kitô, và chắc chắn rằng mình đã hành động nhờ mạc khải của Thiên Chúa, ông tưởng từ nay mình có thể suy luận nhờ mạc khải ấy và chống lại những gì mà Đức Giêsu dạy. Quả thật ta có thể tìm thấy nhiều lý do để chống lại kiểu Messia như thế; một đấng Kitô đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết! Thật chẳng khó gì để chứng tỏ cho thấy điều này không thể nào nằm trong chương trình của Thiên Chúa.
Bài đọc thứ nhất trình bày giao ước với Noe, Thiên Chúa tuyên bố không cho phép làm đổ máu con người: ‘Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình’. Thế nên một con người bị giết không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Ta cũng có thể chọn những lời sứ ngôn nói về Đấng Kitô bằng cách trình bày ngài như đấng sẽ chiến thắng mọi địch thù của ngài, vinh quang ngự trị đến muôn đời. Lời hứa đầu tiên về đấng Kitô không nói đến đau khổ và sự chết: loan báo rằng Thiên Chúa sẽ ban cho Đavít một người kế vị, một người con mà Thiên Chúa sẽ thiết lập triều đại ngài và cai trị mãi mãi. Đây là dự tính của Thiên Chúa! Thánh Phêrô đúng là có lý do để trách Đức Giêsu và nói với Chúa rằng ngài đang mở một viễn ảnh không nằm trong kế sách của Thiên Chúa: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, điều này không phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.
Nhưng Đức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa và ngài biết chọn trong Kinh Thánh điều thích hợp với từng hoàn cảnh, biết phân biệt những hoàn cảnh khác nhau. Ngài đã biết rằng theo Kinh Thánh, Đức Kitô phải chịu đau khổ. Lời sứ ngôn về người Tôi Tớ của Giavê cho thấy Đấng Kitô trước tiên phải bị sỉ nhục rồi sau đó mới được vinh quang, và tất cả những hình ảnh tiên báo về Đấng Kitô như Abel, Môsê, Giuse là bằng chứng tỏ rằng chương trình của Thiên Chúa bao gồm cả sự chết. Thiên Chúa không muốn cái chết, không muốn sự bội phản nhưng chấp nhận thế gian như là chính nó. Và bởi vì lòng còn người xấu xa, Thiên Chúa đã quyết định chiến thắng sự dữ bằng cách chấp nhận nó và biến đổi nó bằng sức mạnh của tình yêu. Do đó Đức Giêsu có thể nói với thánh Phêrô: ‘Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là tư tưởng của loài người’.
Ta có thể khởi đầu từ ánh sáng của Thiên Chúa nhưng kết thúc lại rơi vào viễn ảnh con người. Ta đã nhận thấy mạc khải về Thiên Chúa trong Kinh Thánh, hoặc ta nghe thấy linh hứng của Thiên Chúa trong lúc cầu nguyện: đó là điều tốt đẹp. Nhưng rồi sau đó ta suy nghĩ bằng những lý luận của con người, để sau cùng làm biến đổi linh hứng của Thiên Chúa. Các tác giả về đường thiêng liêng, như thánh Inhaxiô, dạy rằng ngay cả trong trường hợp những linh hứng hết sức siêu nhiên cũng cần biện phân rõ điều gì đến từ Thiên Chúa và điều gì đến với ta từ tâm lý và suy luận của ta. Cần phải ở vâng phục Thiên Chúa và đừng gắn những linh hứng của mình vào những điều của con người. Tôi nghĩ đến một phụ nữ trẻ đã có gia đình và đang muốn rời bỏ chồng mình, mà cô không còn yêu nữa và đang đi với một người đàn ông khác. Cô ta xin ý kiến một linh mục, ngài nói với cô: ‘Thiên Chúa là tình yêu’. Và cô kết luận rằng cô phải đi theo tình yêu. Chắc chắn là trong việc này cô ta đã không được dẫn dắt bởi ý Chúa, vì giả như cô ta đào sâu những lời này của Kinh Thánh, cô sẽ hiểu rằng tình yêu của Thiên Chúa thì trung thành và trải qua mọi nghịch cảnh, cần phải trung thành với ân huệ ban đầu. Nhưng tình cảm làm cho cô mù lòa, cô đã suy luận lời của Thiên Chúa bằng tâm lý con người và đã tìm sự biện minh cho tất cả những điều mình muốn.
Đáng tiếc là nhiều lần ta suy tư theo tâm lý ta, theo những bản năng con người và ta tìm thấy một số những biện minh cho những điều chỉ là những khuynh hướng tự nhiên của ta. Ta có thể cứng nhắc, và tự thuyết phục mình là đó chỉ là ý muốn của Thiên Chúa; trái lại, ta có thể bỏ qua tất cả và tự thuyết phục mình rằng ta bắt chước theo lòng thương xót của Thiên Chúa. Cần phải luôn quan tâm và tuân phục Thần Khí của Chúa, để mỗi lúc thực hiện tất cả những gì phù hợp với ý muốn của Ngài, không ảo tưởng về chính mình.
Thứ Sáu Tuần VI Tn
Cả hai bài đọc soi sáng cho nhau. Cả hai cho ta thấy bản năng tự vệ, bản năng thống trị, làm chủ người khác. Đó là những bản năng tự nhiên mà con người có chung với loài vật và ăn sâu trong con người. Ta nói về cá tính, về phát triển cá nhân, về thể hiện chính mình và thông thường là muốn bảo vệ mạng sống của mình, như Đức Giêsu nói. Và cũng là điều mà dân thời tháp Babel muốn: ‘Ta hãy xây cho mình một thành phố và một tháp có đỉnh cao chọc trời’: họ muốn thống trị cả trời cao, cả Thiên Chúa. ‘Ta phải làm cho danh ta lẫy lừng’: đây là bản năng tự khẳng định mình.
Chúa không thể để cho điều này xảy ra vì đi ngược lại với ơn gọi của con người. Muốn cứu mạng sống mình, con người sẽ mất nó; muốn cứu mạng sống mình cần phải mất nó, từ chối khẳng định chính mình. Tất cả chúng ta đều muốn khẳng định mình và không dễ hiểu rằng sự khẳng định đích thực của con người nằm ở chỗ đánh mất mình. Tại sao vậy? Vì chúng ta được mời gọi sống tình yêu và tình yêu không thể có nếu không từ bỏ chính mình. Tình yêu luôn là sự chấp nhận người khác, mở ra cho người khác; không phải là chiếm đoạt nhưng là khiêm tốn tin tưởng mở ra và đón nhận.
Thiên Chúa không muốn cho con người ‘làm cho danh mình lẫy lừng’, không thể chấp nhận để bị con người thống lĩnh. Một Thiên Chúa bị chiếm lĩnh là một ngẫu tượng, và nếu con người chỉ có một ngẫu tượng, họ bị hủy diệt; nếu ngược lại họ biết mở ra cho Thiên Chúa trong sự khiêm tốn và từ bỏ chính mình, họ sẽ tìm gặp tình yêu đích thực mà họ được mời gọi: ‘Ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy’.
Muốn cứu mạng sống mình không phải là một quan tâm ích kỷ, vì đặt nền trên sự từ bỏ, đi theo Đức Giêsu: ‘Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo’.
Đức Giêsu đã nêu gương cho ta: ngài đã không kiêu căng thống trị trời cao, nhưng đã tự hạ mình; ‘Ngài đã từ bỏ chính mình, tự hạ. Vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn ngài và tặng ban cho ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu’ thư thánh Phaolô gởi Philipphê. Như thế Đức Giêsu đã dạy ta con đường mất mạng sống mình vì tình yêu, con đường duy nhất để cứu mạng sống mình.
Thứ Bảy Tuần VI Tn
Lập Tòa Thánh Phêrô
Phụng vụ hôm nay soi sáng cho ta tư tưởng về tình phụ tử của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu khẳng định rằng nhờ mạc khải của Chúa Cha mà Phêrô mới nhận ra Ngài là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa: ‘Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời’. Từ Chúa Cha xuất phát mọi điều tốt lành, nhất là sự sống siêu nhiên mà khởi đầu và nền tảng là niềm tin vào Đức Giêsu.
Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha. Người không dùng sáng kiến riêng để chọn người đứng đầu các Tông đồ nhưng chờ đợi Chúa Cha tỏ ra, và chỉ sau việc nhìn nhận của Phêrô, dầu chỉ Chúa Cha tuyển chọn, Người mới nói: ‘Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy’. Một sự nhìn nhận nhau đặt nền tảng trên sáng kiến của Chúa Cha. Simon nhìn nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, còn Đức Giêsu nhìn nhận Simon là Tảng đá xây dựng Hội Thánh.
Trong thư thánh Phêrô cũng cho thấy sự vâng phục của ông đối với mạc khải của Chúa Cha và lòng tri ân của ông đối với Người. Trong những câu đầu tiên, thánh nhân nói đến sự thông biết trước của Chúa Cha: tất cả mọi sự được thực hiện nhờ Thiên Chúa, đấng chọn những kẻ ưu tuyển nhờ sự thánh hóa của Thần Khí để vâng phục Đức Giêsu Kitô. Đó là công trình của Ba Ngôi. Ngay sau đó là lời chúc tụng: ‘Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô’ vì những ân sủng Người đã đổ tràn cho ta và những ai Người chuẩn bị: ‘Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh’. Đã ban cho ta sự sống, giờ lại còn cho ta được tái sinh, ‘nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại’. Chúa Cha mạc khải cho ta qua việc cho ta sự sống bên kia cái chết, sự sống vĩnh cửu.
Lòng quảng đại mà Chúa Cha tỏ bày trong quá khứ là lời hứa một sự quảng đại vĩ đại hơn nữa cho tương lai. Quả vậy Phêrô viết: ‘Người đã tái sinh ta để lãnh nhận niềm hy vọng sống động’. Ta đã có sự sống vĩnh cửu, nhưng chỉ như hạt mầm, một hạt mầm tràn đầy hy vọng, hướng về việc hoàn thành. Phêrô không có đủ những lời hay ý đẹp để diễn tả điều Thiên Chúa sẽ ban tặng cho ta: ‘Một gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai…dành ở trên trời’.
Là một viễn ảnh hết sức tích cực. Phêrô nhìn thấy lòng tốt lành của Thiên Chúa trong quá khứ, cũng như cho tương lai.
Và giữa hai khoảng cách mênh mông của niềm vui có một chút thử thách: ‘Anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm ngàn thử thách’.
Thực sự tất cả những khó khăn, những nghịch cảnh, những khổ cực của đời sống thường che kín chân trời của ta, làm ta ngộp thở, thánh Phêrô nhìn thấy như một cái gì đó không đáng kể, một giây phút ngắn ngủi khổ sở giữa hai cực thể hiện lòng tốt lành vô bờ của Thiên Chúa.
Và những thử thách này cũng được đọc một cách hết sức tích cực, cần thiết để thanh luyện niềm tin của ta, như vàng thử trong lửa.
Cách nhìn đời sống kitô như thế là điều an ủi cho ta, cuộc đời mà ta sống từng ngày, mà thánh Phêrô trình bày cho ta với hứng khởi.
Cầu xin thánh nhân giúp ta biết vâng phục Chúa Cha và tràn đầy tin tưởng phó thác vào tình yêu của Người.
+++
Ta cảm thấy vui mừng khôn tả khi đọc bài tin mừng về việc Đức Giêsu biến hình, đấng mà Thiên Chúa Cha phán: ‘Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người’. Ta được mời gọi để đặt nền tảng cuộc sống của ta trên niềm tin vào Đức Giêsu: đây là cách thức duy nhất để ta có thể liên hệ với Chúa Cha trên trời.
Điều quan trọng nhất cuộc đời của ta là nương tựa vào Chúa Giêsu, chứ không tựa nương vào chính mình, vào những gì thuộc về mình, nhưng từ bỏ chính mình và tựa nương nơi Ngài để sống liên hệ với Thiên Chúa, trong tình yêu đích thực. Bất cứ thái độ nào khác đều giả tạo. Nếu ta chỉ yêu mình thôi, nghĩa là không dựa vào niềm tin nơi Đức Giêsu, tình yêu của ta là vô ích, không chân thực; nếu ta muốn tiến đến sự trọn lành kitô mà không dựa vào Chúa Giêsu, ta không thể có sự trọn hảo. Đức Giêsu nói: ‘Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán tất cả những gì anh có…’ Ta cần từ bỏ mọi ý tưởng về sự toàn hảo chính mình, vì sự toàn hảo không phải là sở hữu của riêng ta, ta chỉ có được nó trong mức độ ta sống hiệp thông với Đức Giêsu, nương tựa nơi Ngài trong niềm tin. Ngài là kho tàng, là sự công chính, là sự thánh thiện của chúng ta, thánh Phaolô đã viết như thế. Ngài là đấng thánh, chứ không phải chúng ta, và duy chỉ trong sự hiệp thông với Ngài ta mới có thể nên thánh và làm đẹp lòng Thiên Chúa. Niềm tin là bí quyết của mọi thực hiện tốt đẹp.
Do đó thư gởi do thái nhận ra niềm tin qua từng trang thánh kinh Cựu ước. Ngay cả khi Kinh Thánh không nói rõ về đức tin, tác giả thánh cũng nhận thấy đức tin như nền tảng của mọi sự: nền tảng của hy lễ Abel, nền tảng của việc mang đi lạ lùng ông Khanốc, hình ảnh việc phục sinh của Đức Giêsu, nền tảng cho ơn cứu độ ông Noe nhờ niềm tin vào lời Thiên Chúa, ‘đã đóng tàu để cứu gia đình mình’.
Tất cả đều đặt nền tảng trên niềm tin. Ta hãy cầu xin Mẹ Maria, thầy dạy đức tin, mẹ của niềm tin, làm lớn lên nơi ta đức tin sâu xa vào Chúa Giêsu, chính sự hiệp thông của ta với Ngài làm nền tảng cho mọi tư tưởng và mọi việc làm của ta. Sự từ bỏ đích thực là từ bỏ chính mình để nương tựa hoàn toàn vào Chúa Giêsu. Và nơi Ngài ta sẽ tìm gặp lại được mọi sự cách lạ lùng.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê