Suy Niệm Thánh Vịnh 111 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ năm - 06/02/2020 04:57  1423
Suy Niệm Thánh Vịnh 111
1          Ha-lê-lui-a.
            Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA,
            những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban.
 
2          Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường,
            dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc.
3          Gia đình họ phú quý giàu sang,
            đức công chính của họ tồn tại muôn đời.
4          Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng
            chiếu rọi kẻ ngay lành :
            đó là người từ bi nhân hậu và công chính.
 
5          Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn,
            biết theo lẽ phải mà thu xếp công việc mình.
6          Họ sẽ không bao giờ lay chuyển,
            thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.
7          Họ không lo phải nghe tin dữ,
            hằng an tâm và tin cậy CHÚA,
8          luôn vững lòng không sợ hãi chi
            và rốt cuộc coi khinh lũ địch thù.
 
9          Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc,
            đức công chính của họ tồn tại muôn đời,
            uy thế họ vươn cao rực rỡ.
10        Thấy cảnh này ác nhân tức giận,
            nghiến răng nghiến lợi và mòn mỏi héo hon, 
            ước vọng của ác nhân sẽ chẳng còn.


Cùng Đọc Với Dân Israel
Thánh vịnh này là một phần trong những nghi lễ Israel tái lập Giao ước với Thiên Chúa. Mỗi năm hai lần, vào ngày lễ Vượt qua và ngày lễ Lều, Israel tái cam kết trung thành với Thiên Chúa, với lề luật của Ngài…một cách tuyên tín. Trong thế giới hiện nay, chúng ta khó hình dung ra bầu khí bất an mà các dân tộc xưa đã sống. Những tương quan ‘giao ước’ của những dân tộc yếu thế, bé nhỏ với một dân hùng mạnh bên cạnh lúc bấy giờ là vấn đề sống còn. Mọi tương quan liên thành hoặc liên dân tộc được quy định bằng một tổng thể phức tạp những liên hệ vương quyền và chư hầu, trong đó nước nhỏ tùng phục nước lớn để mong được bảo vệ. Những giao ước của các dân Hittít được nhiều sử gia biết đến. Cũng theo cách thức này mà dân Israel quan niệm những tương quan của họ với Thiên Chúa.
Như thế, thực tại Giao Ước là một phận vụ lạ thường vừa có tình cảm vừa bảo đảm an toàn: (thật bạo dạn!) họ ‘cả dám’ nghĩ rằng Đấng Tối Cao liên kết tình yêu với dân Israel. Nhưng trách nhiệm! Vì Thiên Chúa mà con người kết giao ước không phải là bất cứ ai, nhưng là vị Thiên Chúa của sự sống, đấng sáng tạo vũ trụ và con người, nên phải tôn trọng các lề luật của Ngài. Đó là tất cả chủ đề của thánh vịnh 111, được nêu rõ trong hai cầu đầu tiên: Ha-lê-lui-a. Hạnh phúc thay, người kính sợ CHÚA, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Thánh vịnh 111, cũng giống như thánh vịnh 110, khởi đầu mỗi 22 câu thơ bằng 22 mẫu tự do thái: cách dễ nhớ, dễ học thuộc lòng, cũng là cách biểu tượng để ám chỉ đến toàn bộ Lề Luật. Việc hạn chế văn chương này đặt ra một sự mất trật tự trong ý tưởng. Tuy nhiên, ta chỉ có thể ca ngợi sự kiện Lề Luật được tóm lại cụ thể trong hai tình yêu chính: Hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi….và người cận thân của ngươi…Ai chu toàn hai giới răn này được hứa ban cho ba hạnh phúc: con cháu đông đúc, sung túc của cải, an toàn trước tấn công của tai ương, của kẻ thù, của rủi ro xấu…
Một lưu ý quan trọng: có sự tương hợp giữa hai thánh vịnh đi liền nhau (110 & 111) và cả hai đều mở đầu các câu thơ bằng một mẫu tự. Tuy nhiên thánh vịnh 110 chỉ nói về Thiên Chúa (chủ từ của các động từ), còn thánh vịnh thứ 111 chỉ nói về người công chính (chủ từ của hầu hết các động từ). Như vậy xác định mục đích của Giao ước giữa Thiên Chúa và con người là định hình con người giống Thiên Chúa. Lưu ý đến tính ‘bạo dạn’ của những công thức sau đây:
Đức công chính của Người tồn tại thiên thu…’ (Tv 110: Nói về Thiên Chúa)
Đức công chính của họ tồn tại muôn đời…’ (Tv 111: nói về người công chính)
            ‘Chúa là đấng từ bi nhân hậu…’ (Tv 110: định nghĩa về Thiên Chúa)
            ‘Đó là người từ bi nhân hậu và công chính…’ (Tv 111: định nghĩa về người công chính)

Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Việc đồng hóa ‘bạo dạn’ giữa Thiên Chúa và con người tùng phục Thiên Chúa làm ta nghĩ ngay đến Đức Giêsu, Thiên-Chúa-làm-người, cho dẫu chắc chắn rằng tác giả thánh vịnh không hề nghĩ đến. Đấng Công Chính duy nhất đích thực là chính Đức Giêsu, đấng Messia.
Đặt thánh vịnh này bên cạnh tin mừng thánh Matthêô (Mt 5,14), Giáo hội trong Chúa nhật V thường niên năm A mời gọi ta suy niệm về ‘tham dự của con người vào thần tính của Thiên Chúa’, thư thánh Phêrô cũng viết về điều này (1 Pr 1,4). Đức Giêsu nói với các môn đệ: ‘Anh em là ánh sáng thế gian’, sau khi tự khẳng định mình: ‘Ta là ánh sáng thế gian’.
Cần đọc lại thánh vịnh này bằng cách đặt trên miệng Đức Giêsu. Có ai ‘yêu mến thánh ý Chúa Cha’ hơn Ngài? Có ai có một hậu duệ đông đảo như Ngài? Có ai tràn đầy công chính, nhân hậu và từ bi như Ngài? Có ai ban tặng cho kẻ nghèo hơn Ngài? Có ai là ánh sáng cho các tâm hồn chính trực? Có ai được ‘tôn vinh’ qua sự phục sinh như Đức Giêsu? Về kẻ thù nghiến răng vì bại trận, cũng chính Đức Giêsu chiến thắng Thủ Lãnh thế gian này bằng sự phục sinh của mình (Ga 16,33), loan báo chiến thắng chung cục của Thiên Chúa.

Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Tìm kiếm hạnh phúc đích thực.  Chúng ta thường bị cám dỗ để tìm kiếm cách dễ dãi ‘hạnh phúc’ trần gian này. Con người hiện đại cũng khao khát một đời sống gia đình hạnh phúc, những thành công trong kinh doanh, sự an bình tránh khỏi mọi tai ương. Tại sao ta lại chọn lựa tỉ mỉ những thực tại này? Người xưa, nhất là người do thái, xem tất cả những thành công đó như một dấu chỉ cho biết người ta đã tôn trọng bản chất của mọi vật. Những ‘hạnh phúc đó’ không bị cấm. Thiên Chúa không cấm con người ‘hạnh phúc’, trái lại, Người mong cho ta hạnh phúc: đó là từ đầu tiên của thánh vịnh, cũng là từ đầu tiên của các mối phúc. Nhưng điều hiển nhiên là hạnh phúc sâu xa nhất không hệ tại nơi của cải vật chất: có một hạnh phúc mà không có gì có thể cất mất khỏi người công chính, chính là sự công chính của họ, nghĩa là hạnh phúc chia sẻ, làm tròn bổn phận mình, làm mọi việc trong sự chính trực, cho dẫu phải sống nghèo túng trong một thế giới không có lương tâm.
Là người công chính. Cần phải hiểu quan niệm này để không làm giảm giá trị nó giống theo kiểu kiêu căng biệt phái. Công chính là người ‘hòa hợp’ với Thiên Chúa, sống theo tư tưởng của Đấng Tạo Hóa…tựa như ta nói về một chiếc giày ‘vừa vặn’ khi nó hợp với bàn chân, không rộng quá cũng không chật quá…tựa như ta nói về một phép tính đúng, khi nó tương hợp với sự thật. Như thế con người được gọi là công chính khi sống phù hợp với ý định của Thiên Chúa, khi mô phỏng đời mình theo Thiên Chúa. Lạy Chúa, ngài là Tình Yêu, xin làm cho con nên giống Chúa! Lạy Chúa, ngài là Ánh sáng, xin ban cho cuộc sống chúng con ánh sáng chan hòa như giữa mùa hè. Lạy Chúa, ngài là đấng Thánh, xin ban cho chúng con tiến đến gần sự toàn hảo trong mọi sự.
Hai giới răn. Hạnh phúc trong Cựu ước: liên kết những phận vụ của con người hướng về Thiên Chúa và những phận vụ của con người đối với nhau. Ta biết rằng Đức Giêsu đã quy tóm trong tình yêu toàn bộ cung cách sống của con người: ‘Những gì các ngươi làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta’ (Mt 25). Trong thánh vịnh này với chủ đề  bàn chính yếu về Giao ước với Thiên Chúa, ta đã thấy tầm quan trọng của những phận vụ xã hội: biết cảm thương và cho vay…kẻ túng nghèo họ rộng tay làm phúc…Thiên Chúa là đấng bảo đảm phẩm giá con người và là người cổ vũ bình đẳng giữa con người.

Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập147
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay19,297
  • Tháng hiện tại752,311
  • Tổng lượt truy cập52,921,259

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây