Suy Niệm Tuần sau Lễ Hiển Linh - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Chủ nhật - 06/01/2019 03:19
1155
Thứ Hai Sau Hiển Linh
Cuộc đời kitô hữu chúng ta có chút nào đó giống với Galilêa thời Đức Giêsu, một loại ngã giao thông với dân ngoại. Dân ngoại sống xung quanh chúng ta nhưng trong chính mỗi người chúng ta cũng thấy có bóng dáng của ‘dân ngoại’ đang nằm ngủ. Đó là những ai khước từ Ngôi Lời Thiên Chúa và là kẻ hành động như thể là Đức Kitô đã không đến trong thế gian.
Sau Gioan Tẩy Giả, Đức Giêsu cũng đến kêu gọi: ‘Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần’. Sám hối, ra khỏi những thói quen cũ, khỏi những quan điểm hiện hành, để nhận ra những dấu chỉ của Nước Trời đã hiện diện, đã đến. Hãy mở các cửa sổ của lòng ta để cho ánh sáng của Thiên Chúa vào.
Cuộc hiển linh vĩ đại được theo sau bằng vô vàn cuộc hiển linh của đời sống chúng ta, bằng những biểu hiện của Chúa, từ việc chữa lành thiêng liêng đến việc nhận ra sự hiện diện của Người, trong mỗi bí tích. Tôi có đang ở giữa đoàn người đang đến với tin mừng, hay tôi còn đang ngồi bên vệ đường, hờ hững nhìn Người đi ngang qua?
Thứ ba sau Hiển Linh
Ta đang ở trong ánh sáng của hiển linh, một sự hiện diện được che giấu, muốn tỏ cho tâm hồn ta và qua ta cho thế giới. Là biến cố soi chiếu suốt cả tuần. Có gì trong cuộc đời quan trọng hơn là yêu thương trong sự thật và lòng mến? Quả vậy, có biết bao nhiêu là bức biếm họa về tình yêu.
Tình yêu không tính toán, tự hiến tất cả, như những giỏ đầy bánh còn lại sau khi mọi người đã ăn no nê. Ngôi Lời làm người nên lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng chúng ta trong Thánh Thể.
Ta tái khám phá tình trạng làm con cái Thiên Chúa của ta, những người hành khất của Thiên Chúa. Bên ngoài tình yêu, ta sẽ chỉ thấy toàn chuyện trẻ con, sự hạ nhục. Trong tình yêu, ta sẽ hiểu rằng tất cả khác hẳn: ta là những con cái yêu dấu của Chúa và do đó ta cần phải sống đúng cung cách với những người khác.
Thứ Tư sau Hiển Linh
Đoạn tin mừng này nói về sự yếu đuối và mỏng giòn của thân phận chúng ta. Khi mà hình như tất cả đều bình thường, ta ngỡ mình mạnh mẽ lắm. Nhưng khi gặp trở ngại, cám dỗ, ta dễ dàng bị té ngã. Đức tin ban cho ta sự bạo dạn không thể tưởng tượng nổi. Đức Giêsu đã chiến thắng sợ hãi cùng với bệnh tật, đau khổ, tội lỗi và sự chết. Mạnh mẽ trong đức tin, trước những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện, ta có thể reo lên: ‘Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa’.
Hãy nhớ những lời đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II: ‘Đừng sợ mở cửa cho Đức Kitô’. Ta có thể nói cùng với tin mừng: ta mở cửa cho Đức Kitô và ta không còn sợ hãi nữa, vì trong Người ta chiến thắng.
Thứ Năm sau Hiển Linh
Đức Giêsu không đến để hủy bỏ những để kiện toàn. Sự mong đợi lâu dài của Israel đã hoàn tất nơi Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Sự giải thoát được loan báo, những việc chữa lành như lời hứa, tin mừng được loan báo cho người nghèo, tất cả đều được thực hiện cách hoàn hảo trong ân huệ của Thánh Thần đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Con.
Cùng với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã mặc lấy một khuôn mặt mới và những cách hành động mới.
Người không ngừng biểu hiện ra cho ta. Ngày nay, trong phụng vụ, chính Đức Giêsu mở sách và nói với mọi người chúng ta. Nước Thiên Chúa luôn luôn là hiện tại. Và tại đây, khi chúng ta cố tìm ở một nơi khác hoặc là trong một quá khứ lý tưởng hóa và đã trải qua, hoặc trong một tương lai giả định.
‘Trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người’. Ta đón nhận lời Chúa như thế nào? Có phải như một câu chuyện, một việc đạo đức, hoặc như một thành toàn nơi Đức Giêsu Nagiarét?
Thứ Sáu sau Hiển Linh
Nếu ta thực sự tin rằng Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và bước theo Người, có nghĩa là ta có sự sống, ta sẽ có một cái nhìn khác về thế giới. Sự sống vĩnh cửu hoàn toàn khác với một một sự trốn chạy khỏi thế giới mình đang sống. Một dòng máu mới, Thánh Thần ban cho, chảy trong huyết mạch của những người đã được rửa tội. Ta nhìn thế giới với cái nhìn của Thiên Chúa, do đó ta góp phần vào cứu độ thế giới bằng những khả năng Người ban cho ta. Cách nhìn này đòi hỏi một cung cách sống. Sự sống kitô hữu, nghĩa là sự sống trong Đức Kitô, cho ta nhìn thấy tất cả trong Thiên Chúa. Đó là điều hoàn toàn khác biệt với phiếm thần luôn thấy Thiên Chúa trong tất cả mọi sự.
Thứ Bảy sau Hiển Linh
Gioan Tẩy Giả đã chuẩn bị từ xa những tiệc cưới của ông chủ. Khi những người này đến, ông đã chỉ cho họ biết và tự đứng qua một bên khi chú rể và cô dâu gặp nhau. Ơn gọi của Gioan Tẩy Giả không chấm dứt, nhưng vẫn còn tiếp nối nơi mỗi người chúng ta.
Ông chỉ cho ta biết phải làm thế nào nơi tiệc cưới của Đức Giêsu cùng với Giáo hội Ngài, và bật mí bí quyết niềm vui của ông: ‘Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi’.
Gioan Tẩy Giả là tất cả ơn gọi của Giáo hội và cũng là ơn gọi của ta. Chỉ cho biết Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa. Nhận ra Người ở giữa chúng ta. Hãy lập lại: Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Chúa Giêsu chịu phép rửa
Đức Giêsu xin Gioan làm phép rửa cho mình, thật sự ngài không cần bất cứ phép rửa thống hối nào, nhưng vì để mọi sự được thực hiện và để mầu Nhiệm Ba Ngôi được mạc khải. Gioan mời gọi dân chúng chuẩn bị cho Đấng Messia sắp đến. Gioan nhận biết và đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa, Cha Con và Thánh Thần. Gioan thấy Chúa Con, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa và đã chỉ cho mọi người biết ngài là Đấng Cứu Thế. Ông đã nghe tiếng Chúa Cha mà không ai có thể thấy được, minh chứng rằng đây đích thực là Con của Người. Rồi ông thấy sự hiện diện của Thánh Thần đấng ngự trên mặt nước, nguồn mạch mọi sự sống (St 1,2). Và Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria, sinh ra trong lòng mẹ sự sống nhân tính và thiên tính (Lc 1,35). Thánh Thần xuống trên các tông đồ để họ làm cho trái đất nên màu mỡ và sự sống vĩnh cửu (Cv 2,4). Chúng ta được rửa ‘nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần’ (Mt 28,19). Và theo lời hứa, Ba Ngôi Thiên Chúa cư ngụ trong lòng chúng ta (Ga 14,23). Ngài biến đổi cuộc sống chúng ta, phó thác đời sống ta cho Thiên Chúa và lôi kéo ta về với Người bằng sức mạnh của sự sống lại.