Suy Niệm Tuần I Thường Niên C - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê
Chủ nhật - 13/01/2019 03:03
1153
Thứ Hai Tuần I Tn
Chúng ta bắt đầu mùa ‘thường niên’ cùng với thư gửi Do Thái và tin mừng theo thánh Mátcô.
Thư gửi Do Thái trình bày Đức Kitô như Đấng thừa hưởng một danh xưng hoàn toàn khác biệt với các thiên thần. Danh xưng gì? Trong phụng vụ hôm nay danh xưng đó là Con Thiên Chúa, nhưng nếu xem phần đầu của thư, còn thấy có những danh xưng khác. Đúng, Đức Kitô là Con, nhưng ở đây đề cập về Đức Kitô vinh quang trong sự phục sinh. Một bình diện khác ta sẽ đọc thấy trong phụng vụ ngày mai: Đức Kitô là anh em của loài người.
Là Con nên cao trọng hơn các thiên thần, là anh em của con người thì thua kém hơn các thiên thần; gần với Thiên Chúa hơn trong tư cách là Con, gần với loài người hơn trong tư cách là người anh em. Hai bình diện này được tổng hợp trong danh xưng vị Thuợng Tế, là Trung Gian hoàn hảo nhờ đó ta đi vào tình thân với Ba Ngôi. Danh xưng của Ngài là danh xưng mầu nhiệm, sâu thẳm, nguồn hy vọng và tín thác.
Và nhờ Con, thư Do thái viết: ‘Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta vào thời sau hết’. Khởi đầu mùa Thường niên phụng vụ nêu lên lời mời gọi của Đức Giêsu: ‘Hãy theo Ta’, và đáp lại lời đó là lời đáp trả đôi: ‘Họ đi theo Người’. Simon và Anrê theo Chúa, Giacôbê và Gioan cũng thế. Theo Chúa Giêsu gồm hai bình diện: một phương diện khiêm nhường, hy sinh, từ bỏ; một phương diện tích cực là ‘Họ ở với Người’. Ở với Chúa Giêsu, không còn cô độc một mình, không còn ở trong tối tăm nhưng ở trong ánh sáng, vì Người phán: ‘Ai theo Ta không đi trong tối tăm nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống’.
‘Hãy theo Ta’ là điều kiện để sống trong tình yêu. Ai ở yên trong cuộc hành trình của riêng mình thì không sống trong tình yêu, sống trong cô độc cho dù có một chút niềm vui nào đó. Ai theo Chúa Giêsu trái lại luôn ở với Người, như là người anh em và là Chúa của mình, trong một niềm vui bất tận.
‘Hãy theo Ta’. Trước mỗi niềm vui hay nỗi buồn, ta hãy tự hỏi: ‘Tôi đang theo ai đây’? nhờ đó ta sẽ thấy đâu là những niềm vui đích thực và không để mình buông theo những niềm vui giả tạo. Nếu theo Chúa tôi ở trong con đường của niềm vui đích thực; nếu tôi theo Chúa thì ngay cả những nỗi khổ của tôi cũng sinh hoa kết quả.
Ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ban cho ta luôn ước muốn đi theo Chúa, cho dù phải từ bỏ nhiều điều, để sống trong niềm vui đích thực.
+++
Lạy Chúa Giêsu, tại sao Người đến quá chậm trễ như vậy trong lịch sử loài người? Biết bao tỉ con người đã sống trước khi biết điều mà Người đến dạy dỗ, trước khi biết rằng họ được yêu thương? Đây là giáo huấn thường xuyên của Giáo hội: mỗi người đều được kêu mời hưởng ơn cứu độ và được thánh hóa. Nhưng, vì biết rằng mỗi người có thể đón nhận ơn cứu độ ấy nhờ trung thành với lương tâm ngay thẳng của mình, nên thêm vào lời loan báo của các vị truyền giáo tôi còn bị đòi hỏi phải thêm điều gì riênng tư nữa. Điều độc đáo của họ là biết rằng mỗi người chúng ta đuợc yêu thương, được Chúa Cha yêu thương. Ta ý thức thật sự rằng Đức Giêsu trong tin mừng, khi nói với những người đơn sơ mà Người gặp trên đường: ‘Hãy theo Ta’, Người cũng nói với mỗi người tín hữu, chứ không chỉ riêng những ai được kêu gọi trong thiên chức linh mục hay trong ơn gọi sống đời thánh hiến. Mỗi tín hữu được Đức Giêsu kêu gọi để cùng với Người trở nên kẻ loan báo tin mừng; cung cách của Người như nói lên điều này: ‘Bạn được yêu thương, tất cả các bạn được yêu thương’. Và đó là phận vụ Chúa trao cho mỗi tín hữu, để mỗi người nên tông đồ và được sai đi thông truyền niềm vui tin mừng. Thường thì chính niềm vui này thúc đẩy mỗi người tiếp tục hành trình của mình với niềm hy vọng, ngang qua những đau khổ và nước mắt, những lần bị hiểu lầm và khước từ trong cuộc đời.
Thứ Ba Tuần I Tn
Đức Giêsu giảng dạy…Người giảng dạy như Đấng có uy quyền.
Tất cả chúng ta ngay từ lúc bắt đầu tin vào Người, ngay lúc có thói quen sống trong niềm vui mà đức tin mang lại, trong niềm tin chắc rằng mình không cô độc trên con đường mang lại no thỏa cho người đói khát, tất cả chúng ta phải là ‘lời’ của Người. Những lời của Đức Giêsu được củng cố bằng những phép lạ và trong lịch sử không có nhiều người được đặc ân này đâu. Nhưng khi ta mang lời của Đức Giêsu đến giữa anh em mình, ta phải xuất hiện như những tín hữu đáng tin (dù đã là tín hữu); để đáng tin, cần phải thể hiện niềm tin của mình không nhằm thỏa đáp mọi vấn nạn. Ngay chính chúng ta, cũng có lúc thưa với Chúa: ‘Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con’? Những lúc mà như trên môi miệng của Gióp, thốt ra những câu hỏi, những vấn nạn, đôi lúc có cả cám dỗ nguyền rủa nữa vì sự đau khổ quá sức chịu đựng…Nhưng chúng ta phải là những người làm chứng rằng, người tín hữu cũng chịu những đau khổ, đôi lúc còn nhiều và nặng nề hơn nữa, những đau khổ mà con người phải chịu. Với đôi mắt và con tim rộng mở từ đau khổ mầu nhiệm đó ta cần phải chứng tỏ mình luôn là kẻ tin! Luôn là kẻ tin ngay khi mọi người hình như chối từ Đấng Hằng Hữu là tình yêu. Để là kẻ tin, không phải chỉ cần có lời nói mà thôi mà còn cung cách sống của mình nữa, hành động của mình, cách thức ta phản ứng trước đau khổ quanh ta. Chỉ có lời nói của người có khả năng đón nhận mọi nguy hiểm để giúp đỡ tha nhân đang đau khổ, chỉ có lời nói của người ấy mới đáng tin.
+++
Kinh Thánh trình bày cho ta hai bình diện của Đức Giêsu, nhân tính và thiên tính. Ngay thời đầu của Giáo Hội người ta nhấn mạnh bình diện thần linh; sau vài thế kỷ, cùng với lạc giáo Ariô, người ta bắt đầu đề cao nhân tính bằng cách chối bỏ thiên tính của Đức Kitô. Giáo hội không thể duy trì tình trạng mất quân bình này nên đã nhấn mạnh trên hai bản tính trong một ngôi vị, ngôi Con duy nhất của Thiên Chúa. Thư gửi tín hữu do thái nhấn mạnh đến hai bình diện và đoạn trích đọc hôm nay nói về bình diện nhân tính: ‘Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người’.
Đức Giêsu là con người lý tưởng, nơi ngài ơn gọi của con người làm chủ vũ trụ được thực hiện cách toàn vẹn. Trong trình thuật sáng tạo ta đọc thấy Thiên Chúa đã đặt con người làm chủ mọi tạo vật, nhưng trong tình trạng hiện nay của mọi sự, ơn gọi này không thể được thực hiện cách hoàn toàn. Chỉ duy Đức Kitô, bằng cái chết và sự sống lại, đã nhận một nhân tính đổi mới và có thể làm chủ trên mọi tạo thành.
Trong bài tin mừng ta thấy Đức Giêsu ngay lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng đã chứng tỏ quyền năng của mình, làm cho dân chúng sửng sốt. thánh Mátcô thuật lại theo cách riêng của mình: ngài nhìn các sự việc như chúng đang xảy ra trước mắt ngài và tất cả xảy ra ngay lập tức: lập tức, ngày sabát Đức Giêsu vào hội đường, lập tức có một người bị thần ô uế nhập la lên, lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi…Trong đoạn này thánh Mátcô nêu bật hai nét quan trọng về sứ vụ của Đức Giêsu. Điều thứ nhất là: ‘Ngài dạy dỗ như đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ, các kinh sư là những người nại vào uy thế của Sách Thánh bằng cách nói rằng: Trong Sách Thánh đã viết thế này, hoặc dựa vào một vị thầy hoặc vào truyền thống. Đức Giêsu dạy bằng uy quyền của mình: là Con Thiên Chúa, ngài nói như một vị thầy dạy. Điều này rõ ràng trong bài giảng trên núi: ‘Các ngươi đã nghe người xưa bảo rằng….còn ta, ta bảo…’ và đức Giêsu ban một giới răn khác, hoàn hảo hơn.
Điều thứ hai đánh động dân chúng là đối diện với Đức Giêsu, các thần ô uế cảm thấy bị nguy hiểm nên cố gắng vùng vẫy và lẫn trốn: ‘một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: Ông Giêsu Nagiarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Đối diện với Đức Giêsu không thể lẫn trốn, Đức Giêsu quát mắng nó: ‘Câm đi, hãy xuất khỏi người này! Ngài không chỉ có quyền trong việc giảng dạy mà còn có quyền trên các thần ô uế, và dân chúng bàn tán: ‘Thế nghĩa là gì?’.
Hãy cầu xin Chúa Giêsu tỏ mình cho chúng ta với hai uy quyền ấy. Ta xin ngài tỏ cho ta hiểu biết giáo lý của ngài hơn, mở lòng ta như hai môn đệ trên đường Emmaus hiểu ý nghĩa những lời Kinh thánh, và lột trần nơi ta những gì là xấu xa. Phép thanh tẩy giải thoát ta khỏi thần dữ, thế nhưng chắc chắn trong ta vẫn còn nhiều điều xấu: thần ganh tị, thần kiêu căng, thần ích kỷ…Ta cần nhờ Đức Giêsu xua đuổi chúng khỏi lòng ta, giải thoát ta khỏi sự dữ.
Thứ Tư Tuần I Tn
Đức Giêsu thức dậy từ sáng sớm. Người đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Các tông đồ tìm kiếm Người, khi gặp rồi Người nói với các ông: ‘Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó’.
Người đến để loan báo tin mừng nhưng lúc này, Người ra đi không phải để đến giữa đám đông dân chúng. Khi trời còn đang tối, Người đi tìm một nơi thanh vắng. Tin mừng viết: ‘Người cầu nguyện ở đó’. Thật đáng buồn có biết bao lần lời cầu nguyện được hiểu như là một lời cầu xin. Đối với đa số, khi nói đến cầu nguyện người ta nghĩ ngay đến cầu xin.
Đây là giây phút quyết định trong cuộc đời chúng ta khi ta hiểu rằng cầu nguyện trước tiên là việc thờ lạy. Nó được ví như những tấm pin mặt trời chỉ sản xuất ra năng lượng khi được đặt ra chỗ ánh sáng. Cầu nguyện trước tiên là thờ lạy, niềm vui này ta diễn tả bằng ngôn ngữ của tình yêu: ‘Chúng con cảm tạ Chúa’. Cảm tạ vì cái gì? Vì ơn huệ nào? Trong kinh Vinh danh: ‘Chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa’. Có chút gì đó giống như đứa bé sà vào lòng mẹ và âu yếm thưa: Má ơi, cám ơn Má, vì Má là Má của con! Cầu nguyện là sự tôn thờ thinh lặng đó; không cần nhiều lời.
Sự thờ lạy đó chắc chắn không tránh khỏi những lo lắng, vì chính vì đó mà chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Làm sao ta có thể ở trong sự thờ lạy Chúa theo cách đó, nếu cùng lúc ta không bị thương tích, lo lắng bởi đủ thứ đau khổ vây quanh ta, hãy dâng cho Người những cố gắng thi hành những nhiệm vụ mà mình được mời gọi, những giải thoát mà ta đang cần, ta cũng như bao nhiêu người quanh ta?
Việc thờ lạy được diễn tả bằng lời nhưng đồng thời cũng bằng thinh lặng. Là một thinh lặng tràn đầy, mang theo mọi tiếng rên xuất phát từ lòng ta và từ những người xung quanh. Là lời cầu nguyện trong nghĩa đầy đủ chỉ khi được thực hiện trong thinh lặng, trong một sự hiện diện câm nín. Thỉnh thoảng người ta hay kể những mẩu chuyện về Cha thánh xứ Ars. Ngài ở lâu giờ trong phòng thánh để chuẩn bị kỹ lưỡng các bài giảng của Ngài, vì Ngài không được thông minh cho lắm. Ngài ngạc nhiên khi thấy cứ mỗi buổi chiều có anh nông dân, hết sức đơn sơ, không học thức, sau khi làm việc ngoài đồng về, bỏ guốc bên ngoài cửa, bước vào nhà thờ, đứng nép mình trong một góc thinh lặng lâu giờ. Có lần Cha thánh hỏi anh: ‘Này con, con làm gì ở đây vậy?’ Anh ta đáp: ‘Thưa cha, con nhìn Chúa và Chúa nhìn con’.
Người nông dân hết sức đơn sơ ấy đã đạt đến đỉnh cao hoàn thiện trong cầu nguyện. Hãy học điều ấy trước khi ta phải đối diện với những nhiệm vụ hằng ngày, hãy đặt mình, như Đức Giêsu ra ánh sáng để cho ta đầy tràn năng lượng, trong sự cầu nguyện đơn sơ của tình yêu và của sự thờ lạy: ‘Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì vinh quang cao cả Chúa’.
+++
Bài tin mừng hôm nay nêu bật hai chiều kích của đời sống trần thế của Đức Giêsu và sự kết hợp chặt chẽ của hai chiều kích đó. Chiều kích được thấy rõ ngay từ đầu là lòng thương xót của Người. Đức Giêsu tiếp cận với mọi cảnh huống khổ đau và lòng thương xót chính là: chạm đến mọi đau khổ và mang lại sự chữa lành. Sự chữa lành của lòng cảm thương. ‘Chiều đến, khi mặt rời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa’. Người cầm lấy tay những bệnh nhân: chính thân xác của Người thông ban sức mạnh chữa lành của Thiên Chúa.
Nhưng ta cũng gặp thấy Đức Giêsu ngay từ sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng, để cầu nguyện: đây là chiều kích khác của cuộc đời nhân thế của Người, tìm gặp Chúa Cha. Người cần phải thi hành những việc của Cha Người, cần phải kết hợp với Thiên Chúa và cầu nguyện lâu giờ. Nhưng lòng khao khát kết hợp với Thiên Chúa không ngăn cản Người đi đến với người khác; trái lại, khi họ tìm đến Người, Đức Giêsu không trả lời cho họ ‘ta cần thời gian để cầu nguyện’, nhưng: ‘Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó’. Cầu nguyện mang lại cho Người nhiệt huyết cao độ sống thương xót và nhân hậu, Người tìm gặp nơi trái tim của Chúa Cha nguồn mạch tình yêu mà Người phải trao ban cho mọi người.
Hai chiều kích trên ta gặp thấy nơi hai tính từ mà thư do thái áp dụng cho Đức Giêsu ‘vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa’. Trung tín vì tương quan giữa Người với Thiên Chúa; nhân từ với mọi người và nhất là với tội nhân, vì Người đến để tha thứ, để xóa tội lỗi, để giúp con người chiến thắng những thử thách, ‘bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách’. Suốt cuộc đời trần thế, Đức Giêsu không có mục đích nào khác, theo thư do thái, là đưa đến mức hoàn thiện trong lòng Người mở rộng cho mọi người, lòng thương xót và sự kết hợp với Thiên Chúa là đấng làm cho Người nên trung tín.
Thư do thái trình bày cho ta một quan niệm mới về chức tư tế. Trong Cựu Ước người ta không nhấn mạnh đến lòng thương xót nhưng đến sự tách biệt: vị tư tế được tách biệt khỏi mọi người để thuộc về Thiên Chúa. Nhiều đoạn Cựu Ước tỏ cho ta thấy vị Thượng tế cần phải là người tách biệt cách không khoan nhượng khỏi tội lỗi và các tội nhân. Ngược lại Đức Giêsu không đặt mình bên trên chúng ta, nhưng cùng bình diện với chúng ta, đã mặc lấy tính xác thịt của ta, những đau khổ, những thử thách của ta cho đến cả cái chết để giúp đỡ ta. Người múc lấy lòng thương xót từ sự kết hợp với Thiên Chúa, nguồn mạch thương xót và trao ban cho ta. Đây là mạc khải lớn của mầu nhiệm nhập thể. Cựu ước đã nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng sự nhập thể của Đức Giêsu chứng tỏ rằng Thiên Chúa đã muốn dùng một bản tính con người để có thể cảm thương nhiều hơn: Đức Giêsu đã động lòng thương, đã khóc, đã giận dữ, đã đau khổ để thực sự cảm thông với chúng ta.
Đây là lý do quan trọng để biết tri ân; ta biết rằng Chúa luôn gần bên chúng ta, bất cứ đau khổ nào, khó khăn nào, không bao giờ là ngăn trở giữa ta với Người nhưng là một cách thức kết hợp. Do đó ta cần phải nhìn mọi sự trong cuộc đời mình mà hình như đôi lúc được xem như một vật cản, nhưng như một cách thức để lớn lên trong sự kết hợp với Thiên Chúa và trải lòng với mọi người. Đây là ân ban của ánh sáng để hiểu ra rằng các khó khăn, thường dễ làm ta nản lòng, trái lại gia tăng lòng tín thác của ta, vì chúng luôn đi kèm với ân sủng kết hợp đặc biệt với sự thương khó vinh quang của Đức Kitô và đồng thời biến ta liên đới với mọi người đau khổ. Đàng khác, hai bình diện này không thể tách biệt nhau vì khi kết hợp ta với sự thương khó của Đức Giêsu, ta có thể giúp những ai đau khổ, và trong tình liên đới với người đang đau khổ chúng ta thực sự kết hợp với Đức Kitô, đấng đã muốn đau khổ cùng với mọi kẻ khổ đau và tội lỗi.
Thứ Năm Tuần I Tn
Thánh Antôn (khoảng 250-356) nghe tiếng Chúa mời gọi đã theo Người sống cuộc đời trong sa mạc: ‘Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo’ (Mt 19,21); ‘Anh em đừng lo lắng về ngày mai’ (Mt 6,34). Gương sáng của thánh nhân lan rộng khắp nơi và Giáo Hội biết đến nhờ thánh Athanasiô. Thánh nhân được xem như tổ phụ các tu sĩ và các hình thức tu trì. Người rất nhạy bén với những vấn đề thời đại mình, đã cộng tác với các vị trách nhiệm đạo, đời để lo cho ích chung. Dân Copt, Siri và Bizantine kỷ niệm ngày sinh nhật vào Nước Trời của ngài vào ngày 17 tháng Giêng hàng năm.
+++
Đức Giêsu chạnh lòng thương. Đây là một trong những vấn đề nan giải trong đời sống của Đức Giêsu: Người có khả năng chữa lành mọi bệnh tật, hay là chỉ chữa lành một vài bệnh, lúc này lúc khác. Ta hãy xin Chúa giúp làm sáng tỏ câu hỏi này: vì sao Đức Giêsu không chữa lành tất cả? Có lẽ Người không muốn rằng chúng ta chờ đợi Người làm những phép lạ để giải thoát con người khỏi mọi đau khổ: Người không muốn làm điều mà chính ta có bổn phận phải làm. Bệnh phong cùi vẫn còn phát triển tại nhiều nơi, nhưng nó là một bệnh có thể chữa lành: tùy thuộc vào chúng ta biết sử dụng mọi kỹ thuật, sự khôn ngoan, mọi nguồn lực con người để mang đến sự chữa lành. Đôi lúc trước khi ăn, ta nói: ‘Xin Chúa hãy ban lương thực cho những ai không có của ăn’. Chúa không làm tất cả thay cho chúng ta, nhưng Người luôn ở cùng chúng ta để chúng ta có sức mạnh phục vụ những người đau khổ.
+++
Chúng ta suy niệm những lời trong thư do thái: ‘Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng’, là một lời khích lệ khẩn thiết và quan trọng. Để hiểu thấu được cần biết rằng tiếng Chúa trước tiên không phải là một tiếng mệnh lệnh, nhưng là một tiếng hứa hẹn, và dựa trên lời hứa này mà chúng ta được khích lệ: khi ta nghe tiếng Chúa hứa, ta đừng đóng kín lòng mình.
Thánh vịnh nhắc nhớ cuộc xuất hành, chính xác là thời gian, sau khi băng qua sa mạc, con cái Israel nhìn thấy Đất Hứa. Môsê phái các người do thám dò xem đất ấy như thế nào, màu mỡ, dân cư, thành trì ra sao, và khi họ trở về, ông truyền lệnh Thiên Chúa cho dân: Thiên Chúa đã ban xứ này cho anh em, hãy tiến lên chiếm hữu: đó là lời hứa của Thiên Chúa. Một xứ sở, theo tường thuật của những người do thám, là tuyệt vời, nơi chảy sữa và mật, mùa màng phong nhiêu. Đối với đoàn dân vừa trải qua hành trình sa mạc đây là điều hết sức diệu kỳ. Và Thiên Chúa phán: ‘Đây Ta ban cho các ngươi’. Còn hơn một lời hứa, là một ân ban. Lúc đó, dân Israel đã nghe một tiếng khác. Bên cạnh tiếng của Thiên Chúa trình bày ân ban của Ngài và mời gọi họ tiến vào, còn có tiếng của sự cứng lòng: ‘Thiên Chúa không ban xứ ấy cho chúng ta, chúng ta sẽ không làm chủ được xứ ấy’. Đó là tiếng của những người do thám, sau khi trình bày những điều kỳ diệu của xứ sở, còn thêm rằng: ‘Dân đó lớn và cao hơn chúng ta. Các thành trì thì lớn, tường lũy ngất trời. Đừng nghĩ đến việc đánh chiếm!’ Tiếng ấy lan truyền trong dân, càng ngày càng thêu dệt đủ điều, sau cùng tất cả đều bảo rằng tường lũy ấy cao ngất trời. Và lúc ấy, thay vì nghe tiếng Chúa, đón nhận ân ban của Ngài, thì dân chúng phản đối: ‘Thiên Chúa đã đưa chúng ta vào sa mạc để mang chúng ta đến một nơi không thể ở được. Thà ở lại Aicập còn hơn! Cuộc sống khi ấy không đẹp, nhưng còn có cái để mà sống, nơi đây chỉ có chết thôi! Như thế họ đã thử thách Thiên Chúa, họ đã cứng lòng, họ đã tách mình ra khỏi Chúa, không còn tin lời hứa của Ngài nữa.
Đó là hoàn cảnh mà thư do thái nhắc đến và tác giả khuyến khích: ‘Thưa anh em, hãy đề phòng đừng để người nào trong anh em có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin mà lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Trái lại, ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt’, nghĩa là nghe theo tiếng nói khác len lỏi vào bên trong để không tin vào lời Thiên Chúa hứa, cho rằng đây là lời hứa hão huyền, khó thực hiện, rằng Thiên Chúa không thực sự sẵn lòng ban cho ta điều nói trong tin mừng. ‘Quả thực, chúng ta đã được thông phần Đức Kitô’. Không phải cùng với Môsê mà ta thực hiện cuộc xuất hành của mình: cùng với Đức Kitô chúng ta trải qua sa mạc và tiến đến Đất Hứa. Nhưng để không trở nên đối tượng cho cơn giận của Thiên Chúa, cần phải kiên định trong niềm tin, vì nếu ta không tin lời Thiên Chúa, lời hứa sẽ trở thành sự đe dọa và lời nguyền rủa khủng khiếp: ‘Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta’. Lời răn đe của Thiên Chúa là một cử chỉ yêu thương. Nhằm giải thoát ta khỏi sự sợ hãi giả tạo, xấu xa.
Ta đang suy nghĩ về một tình cảnh vẫn luôn hiện thực. Ta có thể thực sự đón nhận thánh ý Thiên Chúa chỉ khi ta có niềm tin vào lời hứa của Ngài, lời hứa mang lại ý nghĩa cho các huấn lệnh. Thiên Chúa muốn ta sống trong tình yêu, muốn ta đi vào trong tình yêu của ngài và ở lại đó. Ngài hứa rằng điều này không chỉ là một khả thể nhưng thực sự đã thực hiện nơi Đức Kitô Giêsu. Vậy mà ta cứ tiếp tục cho rằng khó quá! Những khó khăn là có thực, nhưng chúng không biến ta nên cứng lòng trước lời hứa của Thiên Chúa. Ta ở cùng Chúa và biết rằng ngài biến đổi tất cả mọi trở ngại thành cơ hội thăng tiến, vì ngài đã hứa, vì ngài yêu thương ta. Thánh Gioan nói: ‘ Chúng ta tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta’.
Nên chúng ta tràn đầy vui mừng và trong nghịch cảnh, tựa như người phong cùi trong tin mừng: ta hãy đến gần Chúa và thưa với Người: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi nên sạch. Tôi thì bất lực, nhưng Chúa, nếu Chúa muốn thì có thể. Hãy lập lại điều này như lời cầu nguyện mà Chúa đang chờ mong nơi ta, lập lại lời hứa của Ngài và sự bảo đảm ân ban của Ngài.
Thứ Sáu Tuần I Tn
Lệnh truyền của Đức Giêsu với người bại liệt: ‘Đứng dậy!’ có lẽ cũng nhắc ta nhớ đến trình thuật sách Công Vụ trong đó thánh Phêrô nói với người què ăn xin ở cổng đền thờ: ‘Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nagiarét, anh đứng dậy mà đi’. Cả hai đoạn này không thể tách lìa nhau. Cũng như Đức Kitô, thánh Phêrô nói với người què đứng dậy mà đi, nhưng điều mà ngài nói trước đó còn quan trọng hơn nhiều: Vàng bạc thì tôi không có, nghĩa là không có những gì mà thông thường người đời cho là ‘giàu sang’. Có thể ta có nhiều của cải, quyền hành, chức tước nhưng lại nghèo trong tinh thần nếu luôn ý thức rằng mình mắc nợ điều mình sở hữu. Mỗi tối hãy xét mình: Tôi đã làm gì từ những quyền hành, những phương thế tôi có? Tôi có sẵn sàng dùng những điều đó để phục vụ cho những người thân của tôi hoặc những người đau khổ?
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho chúng con biết, ngay cả khi chúng con sở hữu thật nhiều, ý thức rằng chẳng có gì thuộc về chúng con cả, tất cả là của anh em, của người khác, của mọi người. Như thế ta có thể nói cách chắc chắn với với con người đau khổ, bị thương tích, giống như thánh Phêrô đã nói với người què: ‘Hãy đứng dậy mà đi’.
+++
Khi nói về đi vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa, thư do thái nói rằng đó là một lời hứa luôn hiện thực. Đây là ý nghĩ đầu tiên. Hiện nay chúng ta đang trải qua sa mạc, và Đất Hứa đang ở phía trước. Chúng ta chưa đi vào, chúng ta sẽ mệt mỏi, đau khổ, đối diện với nhiều trở ngại. Tuy nhiên có lời hứa này, và nếu ta tin vào lời Thiên Chúa, ta đang đi đúng đường và chắc chắn một ngày kia sẽ đi vào thiên quốc, đi vào nơi an nghỉ của Thiên Chúa.
Nhưng vẫn có một viễn ảnh khác, sâu xa hơn.
Tác giả viết: ‘Chúng ta là những người tin, chúng ta đang vào chốn yên nghỉ đó’: giờ đây ta đi vào trong nơi yên nghỉ của Thiên Chúa. Lời mời gọi của Thiên Chúa không chỉ dành cho tương lai, nhưng cho ngay bây giờ. Một đoạn văn khác viết rằng: ‘Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn’ (Dt 6,19) và chiếc neo ấy chính là đức tin. Ta không chỉ có niềm hy vọng lãnh nhận phần thưởng cho những lao nhọc của mình, nhưng trong niềm tin, ngay bây giờ ta đã thấy Thiên Chúa tặng ban ân huệ của Ngài cho ta. Đây là thái độ của người tín hữu kitô: biết rằng cho dầu phải trải qua khó khăn, lo âu, đau khổ, Thiên Chúa hiện nay đã mời gọi ta vào nơi yên nghỉ của Ngài, cùng với Ngài trong bình an, trong thanh thoát và trong niềm vui.
Tin mừng cho ta một điển hình về hiệu quả ngay tức thì của niềm tin. ‘Đức Giêsu, thấy họ có lòng tin như vậy, bảo người bại liệt: ‘Này con, tội con được tha rồi’. Người đã không nói: ‘Tội con sẽ được tha trong ngày phán xét cuối cùng’, nhưng ‘tội con được tha rồi’, nhờ lòng tin của họ: đức tin ngay bây giờ cho phép ta đón nhận ân ban của Thiên Chúa, ngay cả khi hoàn cảnh xem chừng ra ngược lại. Đức tin chiếm hữu trước những điều mình hy vọng.
Chúng ta luôn được mời gọi đi vào trong nơi yên nghỉ của Thiên Chúa, nhất là trong Thánh lễ: ‘Phúc cho ai được mời đến dự tiệc của Chúa’. Bữa tiệc của Chúa theo một nghĩa nào đó có nghĩa là bữa tiệc thiên quốc trong tương lai. Nhưng theo một nghĩa khác trong mỗi Thánh lễ, ta đang tham dự tiệc thiên quốc, trong đức tin, ta được mời gọi ở cùng với Thiên Chúa: trong niềm vui, tình yêu, bình an của Thiên Chúa. Và từng giây phút trong ngày ta cần phải cảm nghiệm lời mời gọi này: ‘Giờ đây hãy vào trong nơi yên nghỉ của Ta’.
Trong đoạn sách Đaniel, ba thanh niên chắc chắn không ở trong tình trạng an lành theo cái nhìn bề ngoài, nhưng một làn gió nhẹ thổi đến và trong việc tử đạo họ như đang ở trên trời và đồng thanh ca hát: ‘Hãy chúc tụng Chúa, ca tụng và ngợi khen Ngài, vì Ngài đã giải cứu chúng ta!’. Chúng ta cũng được mời gọi để hát bài ca này, ngay cả trong cách thế nghịch lý là cách thế của lòng tin, vì qua những thử thách ta càng tiến sâu đến Thiên Chúa.
Ta được đặt để luôn ở trong tình yêu của Đức kitô, và Người lập lại lời này với ta: ‘Hãy ở lại trong tình yêu của Ta’.
Thứ Bảy Tuần I Tn
Là tin mừng của lòng thương xót. Nơi Thiên Chúa, công bình và thương xót không thể tách rời nhau. Ta nhận thấy điều ấy khi Đức Giêsu ngỏ lời với bọn biệt phái (là những người tưởng mình là người cao trọng và hoàn hảo): ‘Những người thu thuế và gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông’. Như thế Chúa đã kêu gọi một người thu thuế (Lêvi) đến họp chung với nhóm tông đồ là những người đã ở với Người. Đức Kitô không dành riêng cho những người trí thức, cho các tiến sĩ luật, cho những người tuân giữ lề luật cách tỉ mỉ. Câu nói của Người sau đây mang lại cho ta niềm vui và hy vọng: ‘Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần; tôi không đến kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi’. Tất cả chúng ta đều bị thương tích và bệnh tật. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con đừng bao giờ oán giận người khác. Xin làm cho chúng con, ở giữa một nhân loại đau thương, nên những chứng nhân của Thần Khí Người và loan báo tin mừng Người, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động nữa.
Đức Giêsu đến để kêu gọi những người tội lỗi
Tin mừng ngày hôm qua cho ta thấy cuộc xung đột đầu tiên xoay quanh đề tài quyền tha tội (Mc 2,1-12). Tin mừng hôm nay chúng ta suy tư về xung đột thứ hai khi Chúa Giêsu đồng bàn cùng với những người 'tội lỗi' (Mc 2, 13-17). Thập niên 70, khi Mátcô viết Tin Mừng, trong các cộng đoàn kitô đã xảy ra cuộc xung đột giữa các kitô hữu gốc ngoại giáo và các kitô hữu gốc do thái. Các kitô hữu gốc Do thái khó chấp nhận việc vào nhà những người ngoại giáo trở lại và đồng bàn với họ (Cv 10,28; 11,3). Khi diễn tả cách xử sự của Chúa Giêsu, Mátcô đã đề ra cách giải quyết vấn nạn cho các cộng đoàn.
Đức Giêsu giảng dạy và dân chúng thích thú lắng nghe Ngài. Theo Tin Mừng thánh Mátcô, khởi đầu hoạt động của Đức Giêsu được ghi nhận bằng việc giảng dạy và bằng việc đón nhận của dân chúng (Mc 1,14.21.38-39; 2,2.13) bất chấp những phản đối của giới lãnh đạo tôn giáo. Đức Giêsu đã dạy gì? Ngài loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa (Mc 1,14). Nói về Thiên Chúa, nhưng Ngài nói một cách hết sức mới mẽ. Khởi đi từ chính kinh nghiệm của riêng Ngài, kinh nghiệm của Ngài với Thiên Chúa và kinh nghiệm cuộc sống. Đức Giêsu sống trong Thiên Chúa. Và quả thật Ngài đã đánh động con tim của dân chúng, họ thích thú nghe Ngài (Mc 1,22.27). Thiên Chúa, thay vì là một quan toà nghiêm khắc, luôn đe doạ bằng hình phạt, hoả ngục, đã được trình bày cách mới mẽ như là một hiện diện thân thiện,Tin Mừng cho mọi người.
Đức Giêsu không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi. Thái độ này gây phẫn nộ nơi giới lãnh đạo tôn giáo. Cấm không được đồng bàn với người thu thuế và người tội lỗi, bởi lẽ ngồi đồng bàn với ai là ngụ ý xem người ấy như anh em. Thay vì nói thẳng với Đức Giêsu, các luật sĩ và biệt phái lại nói với các môn đệ ngài: Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi? Đức Giêsu trả lời: Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi những người công chính, mà để kêu gọi những người tội lỗi. Cũng như trước đây với các môn đệ (Mc 1,38), giờ đây ý thức sứ vụ của Đức Giêsu giúp ngài tìm ra câu trả lời và chỉ rõ con đường loan báo Tin Mừng.
Đức Giêsu kêu gọi làm môn đệ của ngài một người tội lỗi, một người thu thuế, hạng người bị dân chúng ghét bỏ. Qua thái độ đó, đâu là sứ điệp Đức Giêsu muốn gởi đến chúng ta, đến Hội Thánh công giáo? Đức Giêsu đến để kêu gọi những người tội lỗi. Có những luật lệ, thói quen trong cộng đoàn (Hội Thánh, xứ đạo…) ngăn cản người tội lỗi đến với Đức Giêsu? Chúng ta có thể làm gì để thay đổi?
+++
Trong hai bài đọc hôm nay ta thấy hai khía cạnh con người của Đức Giêsu, nền tảng cho niềm hy vọng của ta: một đàng là quyền năng của Người, đàng khác là lòng thương xót của Người. Uy quyền của Người thật lớn lao: ‘Người là vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời’, lời của Người như ‘gươm hai lưỡi…phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người’. Người nói với đám đông và truyền lệnh bằng uy quyền ấy: ‘Anh hãy theo tôi’, lập tức được thi hành: ‘Ông đứng dậy đi theo Người’. Và uy quyền này còn hiển nhiên hơn nữa sau khi sống lại: ta có một vị Thượng tế, Con Thiên Chúa, đang ngự bên hữu Thiên Chúa.
Nhưng uy quyền cao cả này không làm cho Đức Giêsu cứng cõi, vì Người là đấng từ bi và không thể không cảm thương những khốn khổ của ta. Ta thấy Người đón tiếp các tội nhân, đồng bàn với họ, tương quan thân thiết với họ khiến người biệt phái và kinh sư chỉ trích. Người dùng uy quyền phục vụ người tội lỗi và đáp trả những lời chỉ trích: ‘Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần’. Người biệt phái không chạy đến với lòng thương xót của Người vì họ không cảm thấy cần; còn các kitô hữu, trái lại, biết rõ Người quyền năng và thương xót và điều này khiến họ vui mừng và bình an vì họ biết họ có thể ‘mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần’.
Chứng từ của điều trên là ân ban của mẹ Người, là đấng đầy ơn phúc, là nơi tựa nương của kẻ tội lỗi, là đấng an ủi kẻ thương đau, là biểu hiện hoàn hảo lòng thương xót nhân loại. Mẹ là mẹ của lòng thương xót, mẹ cộng tác để làm tỏ hiện khuôn mặt của Thiên Chúa, đấng chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Ta hãy đón nhận với niềm vui, khiêm cung và phó thác mạc khải này.
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê