Suy Niệm Thánh vịnh 23 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ bảy - 28/10/2023 09:59  508
Suy Niệm Thánh vịnh 23
1 Thánh vịnh. Của vua Đa-vít.
            CHÚA làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
            làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư.
2          Nền trái đất, Người dựng trên biển cả,
            đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
 
3          Ai được lên núi CHÚA ?
            Ai được ở trong đền thánh của Người ?
4          Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
            chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối.
5          Người ấy sẽ được CHÚA ban phúc lành,
            được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
6          Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
            tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
7          Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
            cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
            để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
8          Đức Vua vinh hiển đó là ai ?
            Là ĐỨC CHÚA mạnh mẽ oai hùng
            ĐỨC CHÚA oai hùng khi xuất trận.
9          Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
            cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
            để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
10        Đức Vua vinh hiển đó là ai ? 
            Là Chúa Tể càn khôn : chính Người là Đức Vua vinh hiển.


Ca khúc dành cho cuộc rước tôn vinh Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa.
Đến trước cửa đền thánh, người ta tự nhủ:
  • Ai được vào?   Là người có tay sạch, lòng thanh, thành tín, công bình, tìm kiếm Thiên Chúa, không chạy theo ngẫu tượng.
Vinh quang tiến vào cung thánh. Đoàn rước, trong niềm hân hoan vui sướng, kêu mời các cửa hãy cất cao lên. Đấng ngự vào chính là Đức Vua, là Thiên Chúa, Chúa tể càn khôn.
Cùng Đọc Với Israel
Thánh vịnh về Vương Quyền mô tả đoàn rước tiến vào đền thánh…Chính Đức Chúa Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ, là Đức Vua tiến vào ngự trị trong cung điện và thành phố của Ngài. Khi tung hô Chúa, Israel muốn Ngài cai trị, và xác quyết sự tuân phục của mình.
Nhưng Ngài cai trị thế nào? Ngay tại cửa đền thờ, ta nghe như một loại bài giáo lý: chính những cung cách tâm hồn của con người làm cho Thiên Chúa ngự trị. Có lòng thanh, tay sạch không nhúng vào âm mưu đen tối, lòng thanh thoát khỏi mọi ngẫu tượng, khỏi những gì không phải là Thiên Chúa, trung tín trong lời nói với kẻ cận thân, khao khát công bình và tìm kiếm Thiên Chúa. Đó là con người đang làm cho nước Thiên Chúa hiển trị nơi lòng mình và trong xã hội.
Về mặt văn chương, hãy lưu ý tính thi vị và sống động của bài thơ. Khi đoàn rước đến cửa đền thờ, một cuộc đối thoại diễn ra giữa đám đông muốn vào và những người giữ đền thờ bảo vệ tính thánh thiêng của nơi thánh này. Vì vậy nên đám đông, nhân vị hóa các cửa đền, ngõ lời trực tiếp với chúng: Cửa hỡi, hãy mở ra! Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn đó là người ta không chỉ nói với các cánh cửa mở ra như lệ thường, nhưng bảo các cửa hãy ‘cất cao lên’. Đây là một cử chỉ tôn kính để nhấn mạnh đến sự vinh hiển của Đấng đang tiến vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai ?  Là Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Vào ngày gần kề cuộc khổ nạn của Ngài, Đức Giêsu đã thực hiện cách chính xác vai trò của Vị Vua được mô tả trong thánh vịnh. Khởi hành từ Bêtania cách Giêrusalem độ vài cây số, ngài đến gần thành Giêrusalem vào bên trong vòng đai đền thờ và được đám đông hoan hô: cuộc tiến vào hoàng vương, cuộc tiến vào thiên sai của ‘Con Vua Đavít, Vua Israel’ (Ga 12,13). Thánh Gioan tham dự ‘vinh quang chóng qua’ này, đã nói đến vương quyền của Đức Giêsu. Trước mặt Philatô, Đức Giêsu đòi cho mình tước vị này: Ta là Vua, nước Ta không thuộc về thế gian này, bởi Ta đến thế gian nhằm làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,33.37). Và bản án được đóng trên đầu thập giá, ghi dòng chữ: ‘Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái’ (Ga 19,19) nhấn mạnh đến ngai vàng, sự cao cả đích thực của Vua Vinh Hiển, chính là thập giá, nghĩa là tình yêu vô biên, tình yêu hiến tế của Ngài.
Một lần nữa chúng ta có thể đọc lại thánh vịnh này cùng với Đức Giêsu, vì không ai ngoài Ngài có thể sống thánh vịnh này cách đích thực. Như thể đoạn sách Cựu Ước này được viết cho riêng Ngài. ‘Ai được lên núi Chúa?’: ‘Chính Đức Giêsu, là người tay sạch lòng thanh, không mê theo ngẫu tượng thế gian này, không thề gian thề dối, chính Ngài là phúc lành và sự công bình của Thiên Chúa cứu độ, Ngài tìm kiếm dung nhan Chúa Cha suốt những đêm dài cầu nguyện…’chính Ngài là Chúa vinh hiển như thánh Phaolô đã viết trong thư 1 Côrintô (1 Cr 2,8).
Các cánh cửa nâng mình lên cao, (ngược lại với luật tự nhiên), gợi lên tính cách mầu nhiệm và thánh thiêng của việc Ngài sống lại và việc Ngài đi vào vĩnh viễn trong vinh quang. Vâng, chính Ngài là ‘Đấng mạnh mẽ oai hùng khi xuất trận’ bởi lẽ ‘Thiên Chúa sẽ đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô, thù địch cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết’ (1 Cr 15,25-27).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Mỗi người chúng ta áp dụng thánh vịnh tùy theo hoàn cảnh mình.
Tự do của người kitô hữu khi đối diện với những điều của thiên nhiên. Thánh Phaolô đã áp dụng thánh vịnh này vào một vấn đề của thời đại Ngài: người ta có được ăn các thứ thịt dâng cúng cho các ngẫu thần? Ngài trả lời: ‘Những gì bán ngoài chợ, anh em cứ việc ăn, không cần phải đặt vấn đề lương tâm, bởi vì trái đất và muôn vật muôn loài trên trái đất đều là của Chúa’ (1 Cr 10,25-26 – Tv 23,1). Niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giải thoát. Chỉ duy mình Ngài là Thiên Chúa. Duy mình Ngài xứng đáng được mọi người tùng phục. Như người ta thường nói, có một sự ‘giải thiêng’ nào đó của vũ trụ, tương hợp hoàn toàn với sự thật của Thiên Chúa. Chúng ta luôn có nguy cơ thần thánh hóa cách lạm dụng những thực tại trần thế: những tập tục, những cấm kỵ tổ tiên truyền lại, những tập quán được xem như thánh thiêng trong khi chúng chỉ là những điều sót lại của những nền văn minh bản địa cổ xưa. Nhưng cái nguy hiểm nhất hiện nay chính là sự thần thánh hóa những ý thức hệ và những đường lối chính trị của chúng ta. Nói thật thế này: chẳng có phe hữu hay phe tả nào là ‘thánh thiêng’ cả; đó chỉ là những quan điểm của con người nhưng người ta lại thích tuyệt đối hóa chúng xem như là chúa tể.
Luân lý và đức tin. Người ta hay có khuynh hướng đối đầu hai thực tại trên. Thánh vịnh này nhắc ta một chân lý quan trọng mà Đức Giêsu thường lập đi lập lại. Đó là Thiên Chúa chờ đợi chúng ta sống ngay chính hơn là những lời chúc tụng trong các nghi lễ, hơn những lời tuyên tín, hơn những cử chỉ phụng vụ. Ý thức luân lý. Chúng ta sẽ được xét đoán về tình yêu (Mt 25, 31.46). Không phải những kẻ nói ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ là sẽ được lên núi Chúa đâu (Mt 7,21), nhưng là những ‘kẻ tay sạch lòng thanh’, thực thi những bổn phận của mình. Với việc canh tân của cộng đồng trong phần phụng vụ ngay đầu mỗi thánh lễ có nghi thức sám hối. Ai dám đến gần Thiên Chúa? Kẻ đã được thanh tẩy khỏi mọi ô nhơ, kẻ đã quyết định chống lại tính ích kỷ của mình và mọi hình thức thờ ngẫu tượng. Như thế Thiên Chúa sẽ là bảo chứng cho phẩm giá con người và lương tâm. Khi nói ‘Nước Cha hiển trị’ là ta dấn thân làm tất cả để sống theo một số đòi hỏi của Chúa.
Các Thánh. Thánh vịnh này được hát (đọc) trong lễ Các Thánh. Ai được vào trong nơi thánh của Thiên Chúa, được lên trời? Đáp: tất cả những ai đã sống cuộc đời trần gian theo tiếng lương tâm và tình yêu chân thực. Lạy Chúa, xin cho con được xứng đáng với sự thánh thiện của Ngài, Đấng là Tình Yêu.
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay24,427
  • Tháng hiện tại653,272
  • Tổng lượt truy cập52,822,220

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây