CHÚNG TA DỄ CẢM THẤY THẤT BẠI, NHƯNG ĐỪNG BIẾN NÓ THÀNH HOÀI NGHI
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật XXXI Thường niên A.
Ml 1,14–2,10, 1Tx 2,7-13, Mt 23,1-12.
Bài đọc I Chúa nhật XXXI Thường niên trích sách Malakhi viết cho các nhà lãnh đạo dân Israel bằng một cung giọng cứng rắn. Vị ngôn sứ đưa ra những lời thách thức với tất cả thính giả, và không kiêng nể những người có chức quyền.
Cách hữu ích để hiểu sách Malakhi là xem đó như “lời nghiêm khắc của Đức Chúa” chống lại thái độ hoài nghi của các nhà lãnh đạo tôn giáo [tư tế]; họ đã chìm đắm trong sự hoài nghi. Thật vậy, chính tên gọi của vị ngôn sứ đã biểu thị mối liên hệ chặt chẽ với lời của Thiên Chúa. “Malakhi” là cách đánh vần tiếng Anh theo tên Hípri của Mal 'akhi, có nghĩa là “sứ giả của Ta”. Lời tiên tri mở đầu với cung giọng đầy hy vọng: “Ta yêu các ngươi, Chúa phán vậy” (Ml 1,2), và kết thúc với lời hứa về một cộng đoàn được hòa giải: “Ngài sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha mẹ” (Ml 3,24). Nhưng giữa những câu đầy hy vọng này, chúng ta lại đọc thấy những sấm ngôn cứng cỏi của Malakhi, như trong bài đọc I. Một số câu hỏi tu từ làm nổi bật mối quan tâm của Thiên Chúa: “Chớ thì mỗi người chúng ta không có một người cha sao? Chớ thì không phải có một Thiên Chúa tạo thành chúng ta sao? Vậy tại sao mỗi người chúng ta lại khinh rẻ anh em mình mà phản bội giao ước của tổ phụ chúng ta?” (Ml 2,10).
Là sứ giả của Thiên Chúa, Malakhi yêu cầu dân Israel phải đề cập hai vi phạm nghiêm trọng liên quan đến bối cảnh lịch sử của dân. Vấn đề lớn hơn là dân đã đánh mất lòng nhiệt thành chung với giao ước của Thiên Chúa, dẫn đến việc phá vỡ các thực hành truyền thống và đời sống gia đình. Theo Malakhi, các tư tế đã làm ngơ trước vấn nạn này. Vi phạm thứ hai là hành vi hiến tế động vật không xứng đáng. Kinh Torah [Sách luật Môsê] qui định động vật hiến tế phải khỏe mạnh và không tì vết, nhưng các tư tế cho phép dân Israel bỏ qua luật này và giữ lại những gì tốt nhất cho họ. Vai trò chính của một vị tư tế với tư cách là “dòng dõi Lê-vi” đáng lẽ phải là thực hiện một hy lễ xứng đáng trong Đền Thờ để tôn vinh Thiên Chúa và cộng đồng. Đức Chúa phán cùng các tư tế bại hoại rằng: “Ta sẽ phóng (sự) chúc dữ xuống trên các ngươi; và Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi”(Ml 2,2). Việc xao lãng một vấn đề quan trọng như vậy đối với đức tin cũng cho thấy các nhà lãnh đạo hoài nghi không tin rằng giao ước xưa còn áp dụng cho họ.
Trong sứ điệp của mình, Malakhi hướng sự giận dữ của Thiên Chúa vào các nhà lãnh đạo dân Israel. Việc răn đe không chỉ đơn thuần là một lời kêu gọi ăn năn và hoán cải. Thay vào đó, điều khiến Thiên Chúa đau buồn xuyên suốt lời tiên báo của Malakhi là thái độ của giới lãnh đạo với “giọng điệu thất bại” cũng như cách tiếp cận đầy hoài nghi của họ đối với đức tin tôn giáo. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu cũng nói cùng một mối bận tâm. “Họ [các nhà lãnh đạo tôn giáo] muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là ‘Thầy’” (Mt 23,6-7). Tuy nhiên, họ lại không muốn giơ ngón tay để mang giúp gánh nặng họ đặt lên dân (Mt 23,4). Trong hoàn cảnh này, Chúa Giêsu bác bỏ mong muốn được công nhận dựa trên quyền lợi. Vai trò của giới lãnh đạo, giống như của tất cả những kẻ tin, là cộng tác với lời Chúa, đặc biệt là khi Lời này đánh vào sự tự mãn của con người.
Các bài đọc tuần này gợi nhắc câu nói nổi tiếng của Đức Tổng Giám mục Oscar A. Romero, “Một giáo hội không gây ra bất kỳ biến động nào, một Tin mừng không đảo lộn được gì, một lời Chúa không làm ai chú ý, không đụng chạm đến tội lỗi thực sự của xã hội nơi Lời đang được công bố - thì đó là Tin mừng gì?” Trong thời điểm như hiện nay, thật dễ để nhìn vào thế giới xung quanh và cảm thấy thất bại. Thất bại này có thể biến thành sự hoài nghi nếu không được kiểm soát. Ngày hôm nay, bất cứ ai cầm tờ báo lên sẽ thấy đủ bi kịch để đặt câu hỏi về đức tin của họ hoặc nghĩ rằng những gánh nặng của thế gian vẫn không lay chuyển được Thiên Chúa. Các bài đọc cho thấy cám dỗ của việc áp dụng cung cách không lành mạnh và hoài nghi đối với những gánh nặng trong quốc gia và trên thế giới. Thái độ của Chúa nơi đầu sách Malakhi chính là cách chống lại cám dỗ này: “Ta yêu các con”. Nếu để cho các lời này thấm sâu vào mình, chúng có thể làm mất đi sự tự mãn vốn quá dễ dàng tồn tại trong xã hội và trái tim của mỗi người. Mong sao chúng ta cộng tác với cung cách yêu thương của Thiên Chúa. Bởi sau cùng, “các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau” (Mt 23,8).
CẦU NGUYỆN
Lời Chúa khi tiếp cận chúng ta mang tính thách thức thế nào?
Sự hoài nghi đối với tôn giáo hoặc đức tin đã ảnh hưởng như thế nào đến lời cầu nguyện cá nhân của chúng ta?
Trong xã hội chúng ta có một tinh thần hay thái độ nào cần phải được thử thách?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (1/11/2023)