GIỚI RĂN CỦA THIÊN CHÚA BỘC LỘ MỘT TRÁI TIM YÊU THƯƠNG CHỨ KHÔNG PHẢI THUẦN LÝ TRÍ
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật XXX Thường niên A.
Xh 22,20-26; 1Tx 1,5-10; Mt 22,34-40.
Những đối thủ của Chúa Giêsu xuất hiện ngày càng nhiều trong chương chương 22 của Tin mừng Matthêu. Dù có sự khác biệt lớn giữa những nhóm Hêrôđê, Pharisêu, Xađôc và thông luật, trong mỗi nhóm vẫn có một số người không ưa thích sứ điệp của Chúa Giêsu. Có thể họ cảm thấy việc Chúa Giêsu tổng hợp lề luật xưa của Israel [thành một luật mới] đã thách thức ‘quyền lực mềm’ về tôn giáo và chính trị mà họ đang nắm giữ . Khi thi hành sứ vụ rao giảng và chữa lành, Chúa Giêsu tìm cách nối kết với đời sống thực tế của những người lắng nghe Ngài. Việc nại đến kinh nghiệm thường ngày như thế đã mang lại sức mạnh cho sứ điệp của Ngài mà những đối thủ không có được.
Trong Tin mừng Chúa nhật XXX Thường niên, một người thông luật trong nhóm Pharisêu đến hỏi thử Chúa Giêsu:“Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?” (Mt 22,36). Bản văn không cho thấy rõ đây là câu hỏi nghiêm túc hay có tính khiêu khích. Chúa Giêsu dựa vào những phần khác nhau của truyền thống Israel thánh thiêng để nhắc nhở nhà thông luật này rằng việc chu toàn lề luật và các ngôn sứ chính là yêu mến Thiên Chúa hết sức mình và yêu mến tha nhân như chính mình.
Phần sau trong câu trả lời của Chúa Giêsu vọng lại lời trong bài đọc I trích sách Xuất hành. Khi nói đến các cô nhi quả phụ và những khách ngoại kiều trong đất Israel, Thiên Chúa phán: “Nếu các ngươi hà hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van” (Xh 22,22). Bằng cách này, Luật Môsê đã mở rộng khái niệm “người lân cận” để bao gồm những người thất thế và yếu đuối. Họ là những người Israel đích thực, xứng đáng được hưởng cùng một sự bảo vệ và các lợi ích. Vì vậy, cách minh nhiên trong bài đọc I và mặc nhiên trong bài Tin mừng là lời cảnh báo rằng những kẻ yếu thế sẽ được chính Thiên Chúa bảo vệ.
Giáo xứ của chúng tôi (cha Victor) đã cố gắng đưa lời cảnh báo trên vào lời nguyện tín hữu. Trong hai tuần qua, lời nguyện tín hữu có lời cầu sau đây: “Cầu cho người dân Israel và dải Gaza, xin cho việc chăm sóc người nghèo và dễ bị tổn thương, thiếu thốn thực phẩm và nước uống, trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận và ưu tiên hàng đầu của các cơ quan cầm quyền”. Lời khẩn cầu như thế không đưa ra những lời biện minh cho chiến tranh, nhưng công nhận rằng thực thi quyền lực đúng nhất khi tập trung vào những người dễ bị tổn thương nhất. Các nhà lãnh đạo Israel và Palestine có quyền tập trung vào nhu cầu của những người không được giúp đỡ ngay cả khi họ đấu tranh để có được kết quả mong muốn. Đây thực sự là ý Chúa ngay cả trong thời chiến.
Yêu mến Chúa là lắng nghe tiếng than khóc của người lân cận, thậm chí của những người ở xa và đáp lại tiếng kêu của họ. Thờ ơ với người lân cận là chỉ yêu mến Chúa bằng tâm trí chứ không phải bằng cuộc sống. Chăm sóc người có nhu cầu là quy luật cổ xưa của Do Thái giáo và Kitô giáo. Ở mỗi thời đại sẽ có nhiều người có thể giải thích hợp lý tại sao việc chăm sóc này là điều không thể thực hiện, thậm chí là lãng phí thời gian hay nguồn lực. Tuy nhiên, những giới răn của Chúa không có nghĩa là sản phẩm của lý trí. Chúng bắt nguồn từ kinh nghiệm cuộc sống thực tế và mang những đặc tính không phải của lý trí mà là của con tim: Tiếng kêu cứu được đáp lại, người yếu đuối được bảo vệ, đó là sự đáp trả của tiếng nói yêu thương.
CẦU NGUYỆN
Đức tin có vai trò như thế nào trong cách chúng ta hành xử đối với những ai đang kêu cứu?
Hành động của chúng ta đối với tha nhân có tác động như thế nào đối với niềm tin của chúng ta?
Ngay lúc này, chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu cứu của người kêu cầu Thiên Chúa không?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (28/10/2023)