TRANH LUẬN VỀ SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO HỘI
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật XXIX Thường niên A - Khánh nhật Truyền giáo 2023
Is 45,1-6; Tv 96; 1Tx 1,1-5; Mt 22,15-21.
Năm nay, Giáo hội cử hành ngày Khánh nhật Truyền giáo vào Chúa nhật XXIX thường niên. Hàng năm, vào Chúa nhật áp cuối tháng 10, Hội truyền bá Đức tin cổ võ công cuộc truyền giáo của Giáo hội qua việc cầu nguyện và hy sinh [dâng cúng]. Tại nhiều nơi, khánh nhật truyền giáo bao gồm một ý lễ đặc biệt và việc quyên góp thêm để hỗ trợ công cuộc truyền giáo. Trọng tâm của ngày lễ này là một cách thức Giáo hội ghi nhớ thực thi lệnh truyền cao cả mà Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ, nơi cuối Tin mừng Matthêu: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).
Nhìn ra bên ngoài, hướng đến các vùng ngoại biên và mọi nền văn hóa, là một phần thiết yếu của sứ vụ Phúc âm hoá hay truyền giáo. Nếu Giáo hội có một sứ mạng, thì sứ mạng này có lẽ phải vươn đến tận cùng thế giới bằng Tin mừng chiến thắng sự chết của Đức Kitô. Tuy nhiên, ngay từ thời các Kitô hữu sơ khai, nỗ lực này cũng gặp phải tranh cãi, như sách Công vụ Tông đồ đã ghi nhận. Cũng thế, vào thời đại chúng ta, nhiều nỗ lực truyền giáo của quá khứ vừa qua cũng đang gây nên vấn đề.
Ngay giữa người Salish ở Khu Bảo tồn thổ dân da đỏ Flathead mà tôi sống, các nỗ lực truyền giáo đan xen với lịch sử, chính trị và tâm linh của nền văn hóa bản địa này. Lịch sử cho thấy công việc truyền giáo cho bộ lạc này đã là một phần trong chương trình nghị sự bao quát hơn của liên bang nhằm loại bỏ dần lối sống bản địa. Nếu Giáo hội có thể học được từ các nỗ lực truyền giáo trong quá khứ, thì Giáo hội phải định hình một cách suy tư mới về hoạt động truyền giáo. Công cuộc Phúc âm hóa trước hết phải thúc đẩy tình thân hữu và sự tôn trọng. Ngày Khánh nhật Truyền giáo là dịp để cầu nguyện cho một lối sống mới nhằm chia sẻ sứ điệp mà chúng ta cử hành.
Bài Tin mừng Chúa nhật này làm nổi bật ranh giới mong manh giữa việc thích ứng và thách đố nền văn hóa đang thống trị. Nhóm chính trị theo Hêrôđê và nhóm tôn giáo gọi là Pharisêu tranh luận về lòng trung thành. Liệu một người có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi hoàng đế La Mã hay không? Chúa Giêsu đưa ra câu trả lời: “Cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Đây không phải là một nhận xét ý nhị hàm ý tách biệt Giáo hội với nhà nước như chúng ta hiểu thời nay. Trái lại, vào thời Chúa Giêsu, quyền hành của hoàng đế Caesar gồm cả quyền lực tôn giáo lẫn chính trị. Hình và danh hiệu trên đồng bạc La Mã được nhắc đến trong bài Tin mừng là một minh chứng cho điều này: “Tiberius Caesar đáng kính, con của Augustus thần thánh”. Người ta cho rằng các hoàng đế La Mã là những người được các thần linh tuyển chọn. Họ mang những đặc tính của thần linh mà những công dân khác không có.
Mục đích của các hoàng đế La Mã là kiểm soát toàn thế giới thời đó và mỗi hoàng đế đều cố gắng mở rộng biên cương của đế quốc. Bằng cách tôn vinh quyền hành của hoàng đế Caesar, đế chế này hy vọng sẽ kết hợp cả thể chế tôn giáo lẫn chính trị. Do đó, câu trả lời của Chúa Giêsu không nhắm đến sự tách biệt giữa Giáo hội và nhà nước mà là sự xung đột về lòng trung thành giữa hai thể chế này. Thánh Matthêu viết về những người trong nhóm Hêrôđê và Pharisêu khi nghe điều đó: “Nghe thế họ kinh ngạc” (Mt 22,22). Đối thủ của Chúa Giêsu hiểu rằng thách thức đối với họ là ủng hộ việc mở rộng đế quốc La Mã hay là ủng hộ Nước vĩnh cửu của Thiên Chúa Israel.
Chúa Giêsu có một lối tiếp cận thực tế và ngài dàn xếp quyền hành Caesar bằng cách nhấn mạnh rằng đế quốc La Mã phải thu thuế dân từ công dân của mình. Đồng thời, ở một mức độ trung thành sâu sắc nhất của một người trong các cơ cấu quyền lực cạnh tranh này, Matthêu đưa ra câu trả lời sau đó “Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ông hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ông” (Mt 22,37). Ngoài đồng tiền thì Caesar không còn gì.
Đây là những gì mà Chúa nhật Thế giới Truyền giáo tiếp tục cổ võ và cử hành. Giáo hội có thể đưa ra một thông điệp sâu sắc hơn những chương trình nghị sự của các nhà cầm quyền và các đế quốc. Những nỗ lực truyền giáo hôm nay đặt sự tôn trọng và tình thân hữu lên hàng đầu, nó khác với kiểu hoạt động truyền giáo theo “mô hình thực dân hoá” trước đây. Những hình thức “truyền giáo thân thiện” này đã có trong quá khứ, nhưng đến nay nó vẫn còn rất cấp thiết. Sự cổ võ tốt nhất hiện nay để có thể đem lại kết quả cho công việc truyền giáo có kết quả là học hỏi quá khứ, trao phó mọi nỗ lực của chúng ta cho Chúa và tôn trọng quyền tự do của những người mà chúng ta tiếp cận như những người bạn.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta đã học được gì từ việc truyền giáo trong quá khứ?
Liệu chúng ta có thể trở nên những mẫu gương về sự tôn trọng và thân thiện đối với những người bên ngoài nhóm chúng ta quen biết hay không?
Chúng ta có thể tham dự vào sứ mạng của Giáo hội như thế nào để “đi ra đến với muôn dân”?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (18/10/2023)