ÁNH SÁNG VÀ BÓNG TỐI TRONG CÁC TIN MỪNG
Các bài đọc Chúa nhật tuần này tiếp tục chủ đề ẩn dụ về ánh sáng. Tuần trước, hình ảnh hoàng hôn tại thung lũng Mission ở Montana đã minh họa sự hùng vĩ phải được trải nghiệm trực tiếp chứ không thể thay thế bằng một bức tranh hoặc lời mô tả. Cũng vậy, hình ảnh Chiên Thiên Chúa trình bày một tương quan cần được cảm nghiệm nếu sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là nhằm mang lại sự thay đổi.
Trong các bài đọc tuần này, một ánh sáng rực rỡ tựa bình minh xua tan bóng tối bao phủ mặt đất. Những hình ảnh về bóng tối và ánh sáng có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh. Các trạng thái đối lập ấy tượng trưng cho thách đố trong việc hiểu và thực hành lời Chúa. Trong khi Chúa Giêsu biểu trưng cho ánh bình minh ló rạng trên vùng đất tăm tối, thì chính các môn đệ phải tiếp tục sứ vụ đó. Vì thế, bóng tối tượng trưng cho nơi đang thiếu vắng sứ vụ và hành động của Thiên Chúa bị hiểu sai.
Bóng tối được làm nổi bật trong bài đọc một và sau đó được Tin mừng nhắc lại. Ngôn sứ Isaia bắt đầu với hình ảnh “dân chúng đi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng vĩ đại” (Is 9,2). Đoạn văn này nói về lịch sử cuộc chinh phục vương quốc phía bắc của người Assyri vào năm 722-721 TCN và hy vọng một vị vua mới thuộc dòng dõi Đavít sẽ giải phóng Israel. Isaia gợi lên những sự kiện từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, nhưng cũng vẽ lên những hình ảnh vẫn còn mang lại ý nghĩa trong nhiều thế kỷ sau đó. Thánh Matthêu lấy lại hình ảnh trong sách Isaia và áp dụng cho Đức Kitô: “Ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết” (Mt 4,16). Thánh sử lấy lại trực tiếp những lời này từ bản dịch Cựu ước bằng tiếng Hy Lạp được gọi là Bản Bảy Mươi mà Matthêu biết rõ hơn tiếng Do thái. Ngôn ngữ Bản Bảy Mươi tô đậm thêm hình ảnh này và cho phép Matthêu giới thiệu chủ đề sự sống.
Ánh sáng cũng là chủ đề trong bài thánh vịnh đáp ca. Thánh vịnh gợi ra hình ảnh cuộc sống không có gì phải sợ hãi miễn là ta bước đi trong ánh sáng. “Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ; tôi sợ chi ai?” (Tv 27,1). Thánh vịnh gia tiếp tục khuyến khích các tín hữu xua tan mọi cám dỗ tuyệt vọng vì chẳng bao lâu nữa họ sẽ ‘thấy’ những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (x. Tv 27,13).
Trong bài Tin mừng Chúa nhật tuần này, Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ ở Galilê giống như bình minh ló rạng trên các ngọn đồi. Ánh sáng bừng lên là sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong một khu vực cụ thể. Ngài sẽ đi với mọi người, ngồi cùng và sống trong cộng đoàn của họ. Đây là ý nghĩa của ánh sáng theo thánh Matthêu. Khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ đi theo Ngài, họ quan sát ánh sáng thần linh qua những hành động cụ thể là giảng dạy, loan báo và chữa lành. Matthêu viết: “Người đi rảo quanh khắp xứ Galilê, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.” (Mt 4,23).
‘Cõi đất dành cho kẻ sống’ trong bài thánh vịnh là một phép ẩn dụ thích hợp cho cộng đoàn các môn đệ vốn đang bước theo ánh sáng và thúc đẩy cộng đoàn học hỏi và giảng dạy. Ánh sáng của Chúa Kitô trở thành ngọn hải đăng cho mọi người khi các môn đệ mạnh dạn công bố sứ điệp của Ngài qua việc họ làm. Khi các môn đệ Chúa Kitô đến gần với thế giới đang khốn khổ để mở rộng sự chữa lành của Ngài, bình minh của Chúa Kitô trở nên hữu hình ở đó ngay giữa họ.
Trong Chúa nhật tuần này, chúng ta được mời gọi bước đi trong bình minh của một ánh sáng mới. Giống như các môn đệ xưa, khi quan sát đồng thời nhận ra những hành động và lời nói cụ thể của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thoáng thấy ánh sáng dẫn chúng ta vào cõi đất dành cho kẻ sống.
"Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết" (Mt 4,16)
CẦU NGUYỆN
Lần gần đây nhất mà Kinh Thánh hướng dẫn cuộc sống chúng ta là khi nào?
Nơi nào mà chúng ta có cơ hội trở nên ánh sáng hay chỉ ra ánh sáng cho người khác?
Trong hành trình đức tin, có bất kỳ điều gì chúng ta nhận thấy được kêu mời để đón lấy như giảng dạy, loan báo hay chữa lành không?
Bài đọc: Thanhlinh.net
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ America Magazine (18/01/2023)