01/02/18 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,7-13
HỌC LÀM TÔNG ĐỒ VỚI CHÚA
Chúa Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. (Mc 6,7)
Suy niệm: Các tông đồ đã được Chúa kêu gọi để ở với Ngài, nay đã đến lúc họ được sai đi, tiếp nối công việc của Ngài. Chúa giao cho ba việc: rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ và chữa lành bệnh tật. Thói thường người ta vẫn hiếu kỳ, nghe đâu có chuyện lạ liền đổ xô đến. Đối với Chúa Giê-su ưu tiên hàng đầu không phải là đánh vào tính hiếu kỳ mà là rao giảng Tin Mừng. Trừ quỷ, chữa bệnh cũng như các phép lạ khác chỉ để minh hoạ cho lời rao giảng mà thôi. Nước Trời đã gần đến, “rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối” là việc hết sức cần kíp, không được để những bận tâm khác làm cản trở. Vì thế, Chúa ban những chỉ thị cần thiết: hành trang gọn nhẹ, làm việc tập thể chứ không hành động đơn độc, điều quan trọng khác cũng cần biết trước: đó là người rao giảng có thể sẽ gặp thất bại.
Mời Bạn: Từ khi nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta cũng được sai đi rao giảng Tin Mừng. Những chỉ thị truyền giáo này cũng là dành cho bạn đó: “Không mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, không mặc hai áo…” những điều đó có ý nói gì trong sứ mạng của bạn hôm nay? Bạn rao giảng lòng ăn năn sám hối thế nào, bằng lời nói hay bằng cuộc sống? Bạn “giũ bụi chân” như thế nào khi lời rao giảng của bạn rơi vào cõi không? Bạn làm chứng về Tin Mừng một mình riêng lẻ hay với cộng đoàn?
Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn cầu nguyện với Chúa và dâng việc bạn sắp làm với ý hướng tông đồ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn thay đổi đời sống của mình để làm chứng về Tin Mừng cho mọi người ở chung quanh.
02/02/18 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thánh
Lc 2,22-40
NIỀM VUI ĐƯỢC THẤY CHÚA
“Chính mắt con nhìn thấy ơn cứu độ.” (Lc 2,30)
Suy niệm: Cụ già Si-mê-on thật mãn nguyện khi được thấy tận mắt, bồng ẵm tận tay Hài Nhi Giê-su, mà nhờ được Thánh Thần mách bảo, cụ nhận ra là chính “Đấng Ki-tô của Đức Chúa”. Cụ đại diện cho cả nhân loại đang mỏi mòn trông đợi lời tiên tri hằng thiên niên kỷ nay được ứng nghiệm. Được gặp Hài Nhi cũng là được thấy “ơn cứu độ Chúa dành sẵn cho muôn dân,” cho toàn thể nhân loại. Cuộc gặp gỡ, dù chỉ trong giây lát thôi, cũng làm cho cụ được vui mừng, thoả mãn; cụ đã sẵn sàng thanh thản “ra đi bình an” “theo như lời Ngài đã hứa”. Gặp được Chúa chỉ một thoáng chốc thôi, ngay lập tức cụ đã thực thi sứ vụ ngôn sứ cho Đức Ki-tô.
Mời Bạn: Qua Mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa đã đến, hiện diện như một thành viên của đại gia đình nhân loại. Các Ki-tô hữu cũng tìm được niềm an vui và hạnh phúc với Chúa và trong Chúa khi lắng nghe Lời Ngài và đặc biệt khi đón nhận Bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta được lãnh nhận chính Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ của mình. Chúng ta có sẵn sàng để nhận ra Ngài đang hiện diện nơi này để tin kính, mến yêu và tôn thờ Ngài không? Bạn có thật sự cảm thấy vui mừng và mãn nguyện khi sống với Chúa trong lời kinh nguyện và khi đón nhận Ngài qua bí tích Thánh Thể không?
Sống Lời Chúa: Khát khao Chúa và mong được trở nên một với Ngài là tâm tình và mục tiêu của mỗi Ki-tô hữu; do đó, chúng ta phải tìm kiếm và khám phá để cảm nhận được sự bình an và hạnh phúc trong những giờ cầu nguyện cũng như khi gặp gỡ Chúa nơi Lời Ngài và nơi Bí tích Thánh Thể.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Cám Ơn.
03/02/18 thứ bảy đầu tháng tuần 4 tn
Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo
Mc 6,30-34
quan tâm, chăm sóc – liều thuốc bổ
“Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,31a)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã sai các môn đệ lên đường thi hành sứ vụ. Giờ đây các ông trở về tường trình cho Thầy hay “mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.” Hình ảnh Thầy trò quây quần hàn huyên với nhau thật thân thương và cảm động. Với trái tim người Thầy, Chúa Giê-su lắng nghe các tông đồ kể lại những niềm vui nỗi buồn, những thành công thất bại của các ông trên con đường sứ vụ. Với cặp mắt tinh tế, Chúa Giê-su thấy được sự mệt mỏi vất vả đằng sau những lời lẽ đầy say mê hào hứng của các môn đệ. “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”: Lời nói thân tình săn sóc tế nhị này của Ngài có giá trị vô song hơn hẳn mọi lời khen, mọi món quà to lớn. Nó chính là liều thuốc tăng lực tinh thần giúp các ông phục hồi năng lượng thiêng liêng cho những sứ vụ sắp tới.
Mời Bạn: Trong đời sống gia đình hay cộng đoàn, những cử chỉ, lời nói đầy quan tâm và chăm sóc như thế này luôn là điều cần thiết và đấy chính là liều thuốc tăng lực thiêng liêng làm đời sống gia đình, cộng đoàn triển nở. Tự vấn: Tôi có nhìn ra những điều mà anh chị em tôi đang cần để lên tiếng đề nghị hay ra tay giúp đỡ không?
Sống Lời Chúa: Tôi học gương Chúa Giê-su hôm nay để trở nên liều thuốc bổ cho mọi người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa sai con đi vào giữa một thế giới mà con người đang đề cao cái tôi ích kỷ, xin cho con biết sống quan tâm săn sóc anh chị em chung quanh con, để mọi người trở nên liều thuốc bổ cho nhau. Amen.
04/02/18 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – B
Mc 1,29-39
ĐI RA VÙNG NGOẠI VI
Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)
Suy niệm: Ga-li-lê-a thuộc miền Bắc xứ Pa-lét-ti-na, vùng đất của chư dân, là địa bàn hoạt động công khai của Chúa Giê-su. Tại đó, Ngài rao giảng, chữa lành bệnh tật, trừ quỷ và làm nhiều phép lạ khác. Ngài ưu tiên tiếp xúc và tỏ lòng yêu thương những người nghèo, những người tội lỗi, những kẻ phong cùi, những người bị xã hội bỏ rơi. Ngài không đóng khung hoạt động của mình ở nơi đã ổn định nhưng sẵn sàng đi đến những chỗ chưa được biết Tin Mừng. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ghi nhận rằng: “Mỗi khi hạt giống đã gieo tại một nơi, Ngài không ở lại đó để cắt nghĩa hay làm thêm các dấu lạ; Thần Khí thúc đẩy Ngài ra đi tới các thành khác” (Niềm Vui Tin Mừng, số 21).
Mời Bạn: Mỗi Ki-tô hữu và mỗi cộng đoàn được mời gọi để “ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Sđd, số 20). Vùng “ngoại vi” có thể là vùng sâu, vùng xa, theo khoảng cách cây số, nhưng cũng có thể là những vùng cạn, vùng gần, ở ngay trước cổng nhà, nơi đang có những con người nghèo khổ bất hạnh, đang chịu áp bức bất công, không đủ điều kiện tối thiểu để sống cho ra một con người.
Sống Lời Chúa: Trong dịp Tết này, tôi đến thăm và giúp đỡ một gia đình hay một ai đó trong thôn xóm, khối phố, ít khi được người chung quanh quan tâm.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã yêu chúng con trước. Xin cho cộng đoàn chúng con mạnh dạn có sáng kiến, sẵn sàng ra đi đến với những anh chị em đang cần chúng con chia sẻ lòng thương xót của Chúa cho họ. Amen.
05/02/18 THỨ HAI TUẦN 5 TN
Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo
Mc 6,53-56
CHẠM ĐẾN CHÚA ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH
Chúa đi tới đâu… người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi. (Mc 6,56)
Suy niệm: Lời chào cửa miệng của nhiều người là “chúc sức khỏe”! Nếu chẳng may phải ốm đau bệnh tật thì chạy đôn chạy đáo “vái tứ phương”, mong “gặp thầy gặp thuốc” để được “lành đã.” Bệnh tật hầu như là điều không thể tránh của cuộc sống “sinh, lão, bệnh, tử”. Mạc Khải cho chúng ta thấy chiều kích sâu xa của bệnh tật có liên quan đến tội lỗi. Việc Chúa Giê-su “chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 4,23) chẳng những biểu lộ lòng Thương Xót của Thiên Chúa, và hơn nữa còn là dấu chỉ Ngài là Đấng Cứu Thế đến để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi là những tật bệnh của tâm hồn.
Mời Bạn: Chúng ta thật diễm phúc: là con người phàm hèn, đầy giới hạn và tật nguyền nơi thân xác và trong linh hồn, nhưng ta có Chúa là Thầy thuốc tuyệt vời. Không ai đến với Chúa mà không được chữa lành. Hãy bắt chước những người Ghen-nê-xa-rét mau mắn và tin tưởng đến cùng Ngài trong kinh nguyện, trong Lời Chúa mỗi ngày, cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể và Hòa giải. Chúa đã đến và Ngài đang hiện diện ở giữa chúng ta. Mời bạn đến với Chúa để được chạm đến Chúa và để được Ngài chữa lành.
Sống Lời Chúa: Trong giờ kinh tối gia đình, hãy dành một phút thinh lặng để xét mình, để nhận ra mình là “kẻ có tội” và xin Chúa chữa lành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, hôm nay con đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền tội lỗi của đời con. Xin Chúa thương xót và chữa lành con. Amen.
06/02/18 THỨ BA TUẦN 5 TN
Th. Phao-lô Mi-ki và các bạn tử đạo
Mc 7,1-13
thờ kính chúa tận đáy lòng
Chúa Giêsu nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa mà duy trì truyền thống của người phàm.” (Mc 7,8)
Suy niệm: Các bé mới đi học nhà trẻ, mẫu giáo cũng đã biết phải rửa tay trước khi ăn. Nhưng ở đây không phải các tông đồ không biết bài học vệ sinh thân thể sơ đẳng đó. Việc rửa tay ở đây là một cử chỉ tượng trưng nói lên ý nghĩa tinh thần, chẳng hạn như Phi-la-tô rửa tay có ý nói ông không chịu trách nhiệm trong việc kết án Chúa Giê-su. Việc rửa tay trước bữa ăn theo tập tục Do Thái là một nghi thức nhằm nói lên ước muốn thanh tẩy tâm hồn. Các ông Pha-ri-sêu và kinh sư coi trọng các nghi thức đó, nhưng chỉ làm theo hình thức, còn trong lòng thì không có chút tâm tình hoán cải nào. Thế nên Chúa mới khiển trách họ thờ kính Chúa bằng môi bằng miệng mà tâm hồn thì xa Chúa. Từ chỗ thờ kính Chúa cách giả dối ngoài môi miệng đến chỗ “gạt bỏ điều răn Thiên Chúa để duy trì truyền thống của người phàm” không xa bao nhiêu.
Mời Bạn: Chúng ta ngỡ ngàng đến độ kinh hoàng khi thấy người ta có thể đưa ra nhiều lý lẽ, luật lệ để biện minh cho việc khủng bố, phá thai, để gây áp bức bất công cho nhiều người. Nhưng bạn cũng nhớ rằng những tội ác tày trời vi phạm điều răn Chúa dạy đều đã bắt đầu từ lối sống giả dối. Là con cái Chúa và là anh chị em với nhau, mời bạn hãy thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng, đối đãi với nhau cũng với tất cả tấm lòng, dẫu có vì thế mà bạn phải vác thập giá cho nhau vì nhau.
Sống Lời Chúa: Xét mình xem bạn đã để loại bỏ hẳn lối sống giả dối ra khỏi cuộc sống của bạn hay chưa.
Cầu nguyện: Chúa đã kêu gọi con làm con cái Chúa. Xin giúp con dám sống và dám liều thân cho công bằng và sự thật.
07/02/18 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 TN
Mc 7,14-23
TỐT GỖ HƠN TỐT NƯỚC SƠN
“Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,20)
Suy niệm: Một trong những điều dân miền quê, miền núi lo ngại nhất đối với nơi ‘an cư’ của họ, đó chính là: mối. Không từ một súc gỗ nào, không ngại một ngóc ngách nào, hễ loại cây gì có thể ăn được thì chúng xơi tái. Ngặt một nỗi người trong nhà không ai hay biết gì, vì nhìn bên ngoài cây gỗ còn ngon lành và mới mẻ lắm. Thế nhưng chỉ cần một thời gian ngắn thôi cây gỗ tự dưng rớt xuống, bấy giờ gia chủ mới hay: mối đã đục ruỗng bên trong hết rồi. Nơi con người cũng vậy, nhìn bên ngoài ai biết tâm địa bên trong thế nào: “Sông sâu còn có kẻ dò; nào ai bẻ thước mà đo lòng người”. Lối sống hình thức hào nhoáng và tính tự ái sĩ diện làm người ta trau chuốt những cái bên ngoài mà quên rằng chính những đam mê dục vọng, những âm mưu và toan tính tội lỗi làm cho con người ra xấu xa, chúng như loài mối đục khoét từ bên trong, để rồi một ngày kia bừng con mắt dậy thấy mình đã lún sâu trong tội lỗi tự bao giờ. Thật là nguy hiểm!
Mời Bạn: Bạn có phát hiện thấy mình đang bị ‘mối tội lỗi’ làm hư hoại không, hay Bạn cũng như gia chủ trên kia: mình vẫn còn đạo đức và tốt lành? Cũng như loài mối, những tội lỗi bị che đậy phát triển rất nhanh chóng. Để khử trừ chúng, bạn có cách: - kiểm điểm đời sống cách nghiêm túc; - siêng năng đến với bí tích hoà giải.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải không đợi đến ngày lễ lớn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm trong sáng, để con có thể nhìn mọi sự trong vẻ đẹp thanh cao của chúng. (Epphata)
08/02/18 THỨ NĂM TUẦN 5 TN
Th. Giê-rô-ni-mô Ê-mi-li-a-nô, linh mục
Mc 7,24-30
TOÀN CẦU HOÁ SỨ MẠNG
Một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Chúa Giê-su, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà là người Hy-Lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. (Mc 7,25-26)
Suy niệm: Chia sẻ tâm thức chung của người Do Thái, ban đầu Đức Giê-su dường như nghĩ rằng sứ mạng thừa sai của Người chỉ giới hạn nơi dân tộc Ít-ra-en thôi. Nhưng rồi trong thực tế Người đã nhận ra rằng sứ mạng của Người không biên giới. Câu chuyện Đức Giê-su trừ quỉ cho con gái người đàn bà xứ Phê-ni-xi hôm nay là một câu chuyện kinh điển minh họa điều nói trên. Đức Giê-su có một sứ mạng phổ quát, vì ơn cứu độ mà Người mang đến là dành cho hết mọi người. Người ‘toàn cầu hóa’ sứ mạng, bởi ở đâu cũng có nghèo túng, bệnh tật, khổ đau và bế tắc. Một người con gái đang bị quỷ ám; một người mẹ đang cần Vị Cứu Tinh cho con mình, cũng là Đấng cất khỏi mình những khổ đau năm tháng; một người trí thức đang bên bờ tuyệt vọng khi nhìn về tương lai; một người giàu có đang đứng trước ngõ cụt khi khám phá rằng vật chất và quyền thế không phải là tất cả; một người nghèo đang vật lộn với cuộc sống; một gia đình đang khốn đốn vì nguy cơ tan vỡ rình rập; một bệnh nhân đang mất dần niềm tin vì cơn bệnh dai dẳng, v.v… Tất cả đang cần được cứu.
Mời Bạn: Nhìn xa hơn hàng rào nhà bạn để thấy người hàng xóm đang cần đến Chúa.
Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn về việc ‘bước đến tận nhà’.
Sống Lời Chúa: Bước đến tận nhà một người khốn khổ để thi hành sứ mạng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con dám nhìn xa hơn và dám bước đến với những người đang cần Chúa. Con là người của Chúa, xin cứ sai con đi.
09/02/18 THỨ SÁU TUẦN 5 TN
Mc 7,31-37
LÀM VIỆC TỐT ĐẸP CHO CHÚA
Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.” (Mc 7,37)
Suy niệm: Dân chúng kinh ngạc vì việc tốt đẹp và phi thường Chúa Giê-su đã làm: “Ông ấy làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được.” Người câm điếc bị cắt đứt liên lạc với người khác vì những phương thế để giao tiếp bị khoá chặt đối với anh: Anh không thể nghe ai nói và cũng không thể nói cho ai nghe được. Để chữa lành anh, Chúa Giê-su dành cho anh một sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Người kéo riêng anh ra khỏi đám đông, và động chạm đến anh để chữa lành anh: Chúa đặt ngón tay vào lỗ tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Lập tức tai anh ta mở ra nghe được Lời Người nói, lưỡi anh ta như hết bị buộc lại và anh ta nói được rõ ràng.
Mời Bạn: Có thể tai bạn lành lặn không bị điếc nhưng liệu có bao giờ bạn trở nên chai cứng, bịt tai trước lời mời gọi yêu thương của Chúa? Có bao giờ bạn giả điếc trước lời dạy dỗ hướng dẫn của cha mẹ, thiên thần bản mệnh để làm điều sai trái? Hoặc có bao giờ bạn hoá ra điếc lác trước tiếng than khóc của những người nghèo đói bất hạnh đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta?
Chia sẻ: Chứng vô cảm là dấu hiệu của bệnh câm điếc thiêng liêng của nhiều người thời nay. Để ơn Chúa có thể tác động và chữa lành họ, họ cần nơi bạn một thái độ biết quan tâm và những nghĩa cử cảm thông chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Nói một lời ngay lành, làm một việc tốt đẹp để phục vụ và lan toả tình yêu Chúa đến với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giữ con ở lại trong Thánh Tâm Chúa, để con lớn lên trong tình yêu Chúa và chia sẻ tình yêu đó cho anh chị em con.
10/02/18 THỨ BẢY TUẦN 5 TN
Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ
Mc 8,1-10
GIỮ TRỌN LỜI THỀ KHI BẺ BÁNH
Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho dân chúng. (Mc 8,6)
Suy niệm: Nhà văn Quyên Di khi suy niệm về việc Chúa Giê-su “bẻ bánh” đã kể lại sự tích “Đồng Tiền Vạn Lịch” trong ca dao. Ngày xưa, các đôi nam nữ lấy đồng tiền kẽm bẻ làm đôi, mỗi người giữ một nửa, thề rằng khi nào hai người nên duyên vợ chồng chung sống với nhau, như hai mảnh đồng tiền ráp lại thành một đồng tiền đầy đủ lúc đó họ mới trọn vẹn hạnh phúc. Từ chuyện “bẻ tiền” đến chuyện “bẻ bánh”: Chúa Giê-su không chỉ bẻ đôi tấm bánh, làm phép lạ cho dân chúng ăn no nê; Ngài còn bẻ tấm bánh trong bữa Tiệc Ly để biến nó thành Mình Ngài, để con người ăn và được sống và sống dồi dào. Trong tấm bánh được bẻ ra đó, Ngài trao thân gửi phận cho chúng ta để giữ trọn lời thề “ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.”
Mời Bạn: Cử chỉ bẻ bánh của Chúa Giê-su đã trở thành cử chỉ hết sức thân thương: Các môn đệ nhận ra Ngài và nhận ra nhau mỗi khi cử hành “lễ bẻ bánh.” Bắt chước Chúa Giê-su, bạn hãy “bẻ đôi tấm bánh đời” để muôn người được “no nê” và sống vui với tình hiệp nhất trong tình thương Thiên Chúa.
Chia sẻ: Không chỉ bố thí của dư thừa mà còn biết giảm bớt lợi nhuận để góp phần bảo vệ môi trường, đó chính là cách “bẻ một góc đồng tiền” thời nay để chia sẻ với những người nghèo thời nay. Bạn có suy nghĩ gì về ý tưởng đó?
Sống Lời Chúa: Luôn trích một chút từ khoản chi tiêu hằng ngày dành riêng để sẵn sàng chia sẻ cho người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, trên thập giá Chúa đã bẻ tấm bánh thân mình và hiến trao cho chúng con. Xin cho cuộc đời chúng con trở nên tấm bánh tình yêu, bẻ ra và hiến trao cho muôn người.
11/02/18 CHÚA NHẬT TUẦN 6 TN – B
Mc 1,40-45
KHIÊM CUNG ĐÓN ƠN THA THỨ
Người phung hủi quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chúa Giê-su chạnh lòng thương giơ tay đụng vào người anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mt 1,40-41)
Suy niệm: Tin Mừng đến cho mỗi chúng ta hôm nay là thế đó, là Chúa sẵn lòng tha thứ và chữa lành cho chúng ta: “Tôi muốn, anh sạch đi!” Nếu chúng ta cảm nghiệm được nỗi đau về những thứ đáng lên án nơi người khác và những điều tệ hại đang lúc nhúc bên trong làm lở lói linh hồn của chúng ta, thì chúng ta hãy nhớ rằng Thiên Chúa rất mực khoan dung, hay tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm của chúng ta, sẵn sàng sờ chạm vào tâm hồn chúng ta dẫu đang bầy nhầy vì tội lỗi. Ngài không xa tránh chúng ta như không xa tránh người phong hủi, nhưng chữa lành, tha thứ và cho chúng ta một tương lai mới. Quả thật, khi con người quỳ gối, thì họ sẽ nhận biết Thiên Chúa là Cha yêu thương họ thế nào. Chỉ một cử chỉ khiêm cung quỳ gối, người phung cùi đã nhận biết Chúa yêu thương anh và Ngài rất quyền năng. Nói khác đi, khi khiêm cung đón nhận ơn tha thứ, tội nhân được lãnh tràn đầy ơn thứ tha.
Mời Bạn: Mỗi ngày bạn tập quỳ gối trước nhan Chúa và chân thành thưa với Chúa mọi sự, kể cả những lầm lỗi, bạn sẽ có kinh nghiệm về lòng tha thứ và yêu thương của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Định ra một thời gian nhất định để quỳ gối thờ lạy Chúa, ngợi khen, tạ ơn, xin ơn và tạ lỗi với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa cho người phung cùi cảm nếm được lòng thương của Thiên Chúa, xin cho chúng con cũng nhận ra Chúa luôn yêu thương chúng con, để chúng con dám thổ lộ với Chúa tội lỗi của con và xin ơn tha thứ.
12/02/18 thứ hai tuần 6 tn
Mc 8,11-13
lòng tin trước đã
Những người Pha-ri-sêu đòi một dấu lạ để thử Chúa Giê-su. Người thở dài và nói: “Sao thế hệ nầy lại xin dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết. Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” (Mc 8,11-12)
Suy niệm: Chúa Giê-su đã làm biết bao nhiêu phép lạ như hoá nước thành rượu, trừ quỷ, chữa bệnh, hoá bánh ra nhiều, cho kẻ chết sống lại, dân chúng ai cũng biết, những người biệt phái cũng chứng kiến, ấy thế mà họ vẫn không tin và còn yêu cầu Chúa cho họ xem điềm lạ trên trời! Mà xem để thử Chúa chứ nào họ có ý muốn tin vào Ngài đâu! Chúa Giê-su đã từ chối một yêu cầu như thế bởi Ngài có làm phép lạ là để cứu độ mà điều kiện trước tiên là phải có lòng tin, hay ít nhất có thành tâm, có thiện chí là cánh cửa mở sẵn sàng để đón nhận lòng tin. Thế nên, đã không muốn tin thì dù Đức Ki-tô có từ kẻ chết sống lại, người ta cũng tìm mọi cách bưng bít; ngược lại nếu đã có lòng thành thì chỉ cần một lời nói của Chúa cũng đủ khơi dậy niềm tin.
Mời Bạn: Đến với Đức Ki-tô và dẫn người khác đến với Ngài không phải bằng những tranh luận vô bổ hay bằng những sự lạ nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ. Trái lại hãy đến với Ngài bằng một tấm lòng thành sẵn sàng đón nhận ơn đức tin và ơn hoán cải. Lúc đó bạn sẽ nhận ra được những dấu lạ Chúa vẫn thực hiện trong đời của bạn.
Sống Lời Chúa: Trong tuần này, bạn sắp xếp thời gian chầu Thánh Thể để chiêm ngắm dấu lạ Chúa vẫn thực hiện nơi bí tích Tình Yêu này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, do tình thương của Chúa chứ không phải công lao của con, Chúa đã ban cho con ơn đức tin. Con xin cảm tạ Chúa và xin Chúa củng cố niềm tin nơi con, để con loan truyền tình yêu Chúa đến với anh chị em con.
13/02/18 THỨ BA TUẦN 6 TN
Mc 8,14-21
CÁI QUÊN ĐÁNG SỢ
“Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh?” (Mc 8,17)
Suy niệm: Con người rất cần ăn để sống. Thiếu cái ăn, người ta sợ phải đói, sợ chết. Trong một chuyến đi biển, các môn đệ Đức Giê-su quên đem theo bánh. Khi nhận ra điều đó, các ông bàn tán xôn xao vì lo cạn lương thực trong những ngày lênh đênh trên biển này. Chúa Giê-su trách các ông sao lại chóng quên rằng Thầy của họ đang ở bên cạnh họ đây chính là Đấng đã từng hai lần làm phép lạ hoá bánh ra nhiều. Vậy thì tại sao lại sợ? Ngài nâng tầm nhìn của họ lên hướng về Bánh Hằng Sống mà Ngài hứa ban, để biết đề phòng điều đáng sợ nhất là thứ men gây hư thối là men Pha-ri-sêu, men Hê-rô-đê, nghĩa là những ý xấu, những thái độ nệ luật, lòng háo danh, giả hình của người Pha-si-sêu cũng như lối sống buông thả theo lạc thú của những người như Hê-rô-đê; đó chính là thứ men làm hư hỏng Bánh Hằng Sống của Tin Mừng.
Mời Bạn: Trong cuộc sống, thường chúng ta loay hoay chuyện cơm áo gạo tiền. Không ít lần chúng ta sợ lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc. Đức Giê-su nhắc nhở biết sợ điều đáng sợ nhất, đó là quên mất Chúa dù Ngài vẫn ở bên chúng ta, và rồi vì mải lo toan những nhu cầu vật chất, chúng ta mất cảnh giác, chúng ta mải mê chạy theo những của cải chóng qua đời này mà trở thành thù nghịch với Chúa lúc nào không hay.
Sống Lời Chúa: Luôn ý thức mình sống trước sự hiện diện của Chúa và siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Chúa Giê-su Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con sống trên biển đời với lắm lo toan. Xin ban thêm cho chúng con lòng tin tưởng phó thác, để chúng con vững tin vì có Chúa đồng hành.
14/02/18 THỨ TƯ LỄ TRO
Mt 6,1-6.16-18
PHẦN THƯỞNG ĐỜI ĐỜI
“Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,6)
Suy niệm: “Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp,” cha ông chúng ta vốn coi trọng danh thơm tiếng tốt, luôn cẩn trọng gìn giữ phẩm giá của mình ở giữa cộng đồng. Tuy nhiên, tinh thần đó dễ bị biến chất thành thói xấu khiến cho không biết bao nhiêu người “đổ mồ hôi sôi nước mắt” chỉ để tìm kiếm một thứ hư danh mau phai chóng tàn. Ngược lại với não trạng đó, ngay từ ngày khởi đầu Mùa Chay, Tin Mừng nhắc lại lời Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ đừng phô trương công đức bề ngoài, đừng chạy theo kiểu giả hình, cũng đừng đặt nặng khen chê, nhưng hãy làm mọi việc một cách kín đáo, tế nhị. Bố thí, cầu nguyện, và ăn chay mà không cần khua chiêng đánh trống cốt cho mọi người biết. Người ta biết hay không, không quan trọng, “hữu xạ tự nhiên hương” mà! Điều quan trọng duy nhất là chỉ để Chúa biết và Chúa khen thưởng mà thôi.
Mời Bạn: Mùa Chay là thời gian thuận lợi để đi vào trong mối tương quan sâu thẳm với Chúa, với tha nhân, và với chính mình, sâu lắng như một nhà hiền triết sánh ví: “Sự thinh lặng trong tâm hồn chúng ta như một mặt hồ phẳng lặng không gợn sóng,” hay như một nhạc sĩ thường ví von: “Sự lặng thinh cần thiết cho cuộc sống như một dấu lặng làm nên vẻ đẹp của bản anh hùng ca.” Bạn có cảm nhận được khoảng lặng cần thiết đó trong cuộc đời mình không? Bạn có tin rằng thinh lặng là khởi đầu để từ bỏ “miếng giữa làng” và đi sâu vào tâm tình Mùa Chay đó không?
Sống Lời Chúa: Giúp đỡ một người túng thiếu và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa Ki-tô.
Cầu nguyện: Hát “Xin cho con biết lắng nghe.”
15/02/18 THỨ NĂM SAU LỄ TRO
Lc 9,22-25
VUI ĐÓN MÙA XUÂN VĨNH CỬU
“Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25)
Suy niệm: Nhà thơ Trần Tế Xương với giọng thơ hóm hỉnh châm biếm, vịnh ngày Tết: “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết”. Quả vậy, phong tục Việt Nam vốn coi trọng những ngày đầu năm mới. Vì thế để chuẩn bị đón Tết, người ta làm mới nhà cửa, rộn ràng mua sắm. Để thể hiện mình ăn nên làm ra và cũng để “lấy hên” cho năm mới, ai nấy dù có túng nghèo, cũng muốn sắm sửa một cái Tết cho tươm tất. Trong bầu khí của ngày 30 Tết hôm nay, chúng ta chuẩn bị sắm sửa nhiều thứ nhưng không thể thiếu một món đó là Lời Chúa. Ngài dạy chúng ta rằng: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”
Mời Bạn: Lời Chúa dạy chúng ta tránh cái “xui” do cách sống xả láng trong những ngày vui xuân: xả láng tiêu xài, xả láng rồ ga, xả láng ăn nhậu… Những thái độ sống đó có thể làm cho ngày Tết biến thành ngày chết. Trái lại, điều “hên” nhất mà Chúa ban cho chúng ta đó là đạt tới Mùa Xuân Vĩnh Cửu là hạnh phúc được kết hiệp với Chúa nơi thiên đàng bằng cách chúng ta luôn thực thi Lời Chúa ngay trong cuộc sống này.
Sống Lời Chúa: Mỗi sáng thức dậy, tôi nhớ đến Chúa Giê-su, xin Ngài thánh hóa ngày sống của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, năm tháng ngày giờ, Chúa ban cho chúng con, để chúng con ca tụng, cảm tạ Chúa và nên thánh mỗi ngày. Xin cho chúng con, sống trong những ngày vui xuân, nhưng không quên bổn phận theo Chúa, để niềm vui Tết dân tộc, đưa dẫn chúng con vào Mùa Xuân Vĩnh Cửu Thiên Quốc. Amen.
16/02/18 THỨ SÁU SAU LỄ TRO
Mồng Một Tết Mậu Tuất – Cầu Bình An Năm Mới
Mt 6,25-34
ĐƯỜNG ĐI CÓ CHÚA
“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những thứ kia Người sẽ thêm cho. Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai cứ để ngày mai lo.” (Mt 6,33-34)
Suy niệm: Bức tranh thế giới đang bày ra với những sắc màu ảm đạm: dịch bệnh HIV lan tràn, giết người hàng loạt, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng tài chính, tham nhũng, bất công... Một viễn cảnh không mấy tươi sáng! Nhân loại tự hào vì những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhưng đã không đủ sức làm cho trái đất thành một nơi ở an toàn, êm ấm. Vì thế, nếu ta còn hy vọng vào ngày mai, thì chắc hẳn không phải vì tin vào khả năng con người, nhưng cậy dựa vào uy quyền và tình thương của Thiên Chúa, Đấng đã, đang và sẽ còn chăm sóc khu vườn trái đất cũng như từng người dân trong ngôi làng thế giới này. Về phần con người, cứ tìm kiếm “đức công chính.”
Mời Bạn: Hy vọng vào ngày mai không có nghĩa là buông xuôi, phó mặc, nhưng là dấn thân tích cực cho một tương lai tươi sáng trong chương trình của Thiên Chúa. Lời Chúa kêu mời chúng ta làm lan tỏa đức công chính của Thiên Chúa, đẩy lùi thế lực của sự dữ, và khơi động niềm vui sống phó thác vào tình yêu Thiên Chúa.
Chia sẻ: Kể cho nhau nghe một vài sự kiện trong năm qua chứng minh sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Trong các dịp thăm viếng, chúc mừng năm mới, hãy khuyến khích nhau cộng tác và tin tưởng vào chương trình của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Cha là Thiên Chúa Tình Yêu, xin ban cho chúng con một năm mới an bình và thúc giục chúng con luôn tin tưởng phó thác, dám dấn thân xây dựng Nước Cha trong lòng người và lòng đời. Amen.
17/02/18 THỨ BẢY SAU LỄ TRO
Mồng Hai Tết – Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ
Mt 15,1-6
ĐẠO LÀM NGƯỜI
“Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ.” (Mc 15,4)
Suy niệm: “Công cha như núi Thái Sơn; nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.” Kính nhớ ông bà tổ tiên là một “đạo làm người,” nhằm biết ơn các đấng sinh thành dưỡng dục. Đối với Ki-tô giáo, bổn phận này được Thiên Chúa thiết định cách rõ ràng trong Thập Giới và được đặt ngay sau các bổn phận đối với Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của mọi sinh thành và là nền tảng của mọi giáo dưỡng. Theo tác giả cuốn Giu-se, Ma-ri-a, Giê-su, Chúa Giê-su là gương mẫu của mọi người con, vì Ngài “ngày càng thêm khôn ngoan” nhận ra công ơn cha mẹ. Tác giả cho rằng, ngay cả những lời nguyện cầu dâng lên Chúa Cha, Chúa Giê-su nói bằng cung giọng của thánh Giu-se; nụ cười Ngài dành cho các trẻ nhỏ cũng lặp lại nụ cười của Mẹ Ma-ri-a. Vì thế, “khôn ngoan” là nhận ra công ơn và hiếu thảo với các đấng sinh thành. Nếu ông bà tổ tiên mà chúng ta không yêu thương kính nhớ, thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không trông thấy (x. 1 Ga 4,20)?
Mời Bạn: Điều đẹp lòng Thiên Chúa và vừa ý ông bà cha mẹ là thấy con cái hiếu thảo và sống yêu thương. Bạn làm gì để tỏ lòng hiếu thảo trong ngày này?
Chia sẻ: Trong môi trường sống hiện nay, điều gì khiến chúng ta dễ lỗi đạo “thờ cha kính mẹ”?
Sống Lời Chúa: Nhắc nhở nhau dành thì giờ sum vầy bên ông bà, cha mẹ, để tỏ lòng biết ơn và thắp nén hương cầu nguyện cho những vị đã khuất.
Cầu nguyện: Xin cảm tạ Chúa đã cho chúng con có ông bà cha mẹ. Xin cho chúng con sống với các ngài hết tình con thảo và hết lòng yêu thương nhau.
18/02/18 CHÚA NHẬT TUẦN 1 MC – B
Mc 1,12-15
CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG
Người ở trong hoang địa… chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. (Mc 1,13)
Suy niệm: Nhà văn nổi tiếng Nikos Kazanzakis đặt cơn cám dỗ vào cuối đời Đức Giê-su khi Ngài bị treo trên thập giá. Các tác giả sách Tin Mừng Nhất Lãm lại đặt cám dỗ ngay đầu đời hoạt động của Ngài. Thật ra, cám dỗ đeo đẳng suốt cuộc đời Đức Giê-su dưới nhiều dáng vẻ khác nhau: cám dỗ sử dụng sức mạnh, quyền lực, thay cho tình yêu; cám dỗ im lặng trước những bất công trong xã hội thời ấy để không bị rắc rối; cám dỗ rao giảng con đường dễ dãi thay cho đường thập giá… Cám dỗ đến từ ma quỷ, từ giới lãnh đạo Do Thái giáo, từ đám đông dân chúng, thậm chí từ chính Phê-rô, môn đệ số một của Ngài, và đặc biệt từ chính ý muốn riêng của bản thân Ngài.
Mời Bạn: Bạn thường cảm thấy xấu hổ khi phải nói về các cám dỗ của mình với người khác. Cám dỗ là điều bình thường, bởi vì chính Đấng Thánh như Đức Giê-su cũng phải cảm nghiệm khi sống kiếp người. Điều này cho thấy Ngài đã chia sẻ và liên đới với con người trong mọi tình huống, kể cả trong điều tế nhị nhất mà ai cũng e ngại. Hãy chiến đấu với cám dỗ như Ngài và chắc chắn bạn sẽ cùng chiến thắng với Ngài.
Chia sẻ: Bạn sẽ “ăn chay và cầu nguyện” thế nào để chiến thắng các cám dỗ do ba thù: thế gian, xác thịt, và ma quỷ, gây ra?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết chiến đấu chống lại những cám dỗ nhắm vào giác quan của mình (mắt, miệng…) cách sai trái trong mùa Chay này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con can đảm và dứt khoát nói “không” trước các cám dỗ đang vây bủa chúng con mỗi ngày. Amen.
19/02/18 THỨ HAI TUẦN 1 MC
Mt 25,31-46
TƯƠNG LAI TỪ HÔM NAY
“Bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.” (Mt 25,31-32)
Suy niệm: Lời Chúa hôm nay hé lộ cho chúng ta bí quyết để được ngài ân thưởng khi Ngài lại đến trong vinh quang. Khi đó, Ngài sẽ qui tụ mọi người trên trái đất và tách biệt họ như tách chiên ra khỏi dê. Chiên sẽ có chỗ vinh dự bên phải Chúa, còn dê thì ở bên trái. Những người ở bên phải sẽ được lãnh ân thưởng vì đã từng quan tâm săn sóc những người đói khát, đau yếu, tù đày, rách rưới, cơ nhỡ. Chúa Giê-su nhấn mạnh: khi làm những nghĩa cử đó cho anh em mình là họ đang làm cho Chúa. Họ đã bối rối và bất ngờ vì nghĩ rằng mình chưa bao giờ thấy Chúa như thế để mà giúp đỡ. Chúa Giê-su nói rõ với họ rằng, khi họ làm điều đó cho anh chị em mình đang khốn khó là họ đang làm cho Chúa. Ngược lại, những người ở bên trái là những người không quan tâm gì đến nỗi khốn cùng của anh chị em mình, nên không được vào hưởng phúc. Qua đó, Chúa Giê-su cho biết những gì chúng ta làm hay không làm cho tha nhân ở đời này là yếu tố quyết định cho cuộc sống mai sau của chúng ta. Nếu muốn được hưởng phúc thiên đàng thì trong hiện tại, Ki-tô hữu cần ra sức yêu thương và phục vụ anh chị em mình.
Mời Bạn: Trong Mùa Chay này, bạn có những cử chỉ nào để giúp đỡ từ vật chất, tinh thần đến đức tin cho tha nhân với lòng ao ước làm cho Chúa?
Sống Lời Chúa: Thực hiện một nghĩa cử cho tha nhân với ý thức làm cho Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, trong Mùa Chay này, xin cho con biết quảng đại sống với anh chị em con và với lòng yêu mến Chúa.
20/02/18 THỨ BA TUẦN 1 MC
Mt 6,7-15
CẦU NGUYỆN TRONG PHÓ THÁC
“Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,8)
Suy niệm: Có bao giờ chúng ta xin Chúa ban cho ta có không khí, có ánh sáng mặt trời, có gió mát…? Nhiều lúc chúng ta không ý thức để cầu xin những điều ấy, nhưng Thiên Chúa vẫn nhớ và âm thầm ban cho ta vì đó là những điều cần thiết cho sự sống chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người có những nhu cầu và ước muốn khác nhau, do đó lời cầu nguyện của mỗi người cũng thật đa dạng: khẩn khoản van nài hay biện minh, giải thích với Chúa… cho đến khi đạt được. Lời cầu nguyện chân thành nào cũng có giá trị trước mặt Chúa, nhưng Chúa Giê-su đã dạy ta lời cầu nguyện lý tưởng nhất chính là Kinh Lạy Cha, và tâm tình đẹp lòng Chúa nhất chính là phó thác hoàn toàn vào tình thương và sự quan phòng của Chúa: “Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin”.
Mời Bạn: Nhìn lại kinh nghiệm của mình về thời thơ ấu: luôn được cha mẹ che chở, bảo bọc và sắm sửa những thứ cần thiết dù khi chúng ta chưa nhận thấy và kêu xin. Thiên Chúa quan tâm và nhìn thấy những điều cần thiết cho chúng ta ở đời này và cả hạnh phúc đời sau. Chúng ta cứ an tâm dâng lời cầu xin cho sáng danh Chúa và cho thiện ích của tha nhân, hơn là chỉ dừng lại nơi những nhu cầu của bản thân mình. Tinh thần phó thác vào Chúa sẽ đem lại cho ta nhiều điều thật thú vị, bất ngờ.
Chia sẻ: Cảm nghiệm của bạn khi nhận được một điều tốt lành và cần thiết mà bạn chưa dám xin hay tìm kiếm.
Sống Lời Chúa: Tập cầu nguyện một cách đơn sơ và để Chúa quyết định mọi việc xảy đến với ta theo ý Ngài.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha một cách chậm rãi và sốt sắng.
21/02/18 THỨ TƯ TUẦN 1 MC
Th. Phê-rô Đa-mi-a-nô, giám mục, tiến sĩ HT
Lc 11,29-32
DẤU LẠ NÀO CHO TA?
“Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.” (Lc 11,20)
Suy niệm: Dân Do Thái xưa bị Chúa Giê-su gọi là thế hệ gian ác vì họ đòi “dấu lạ” theo ý riêng họ, mà không nhìn nhận Ngài chính là DẤU LẠ Thiên Chúa gửi đến. Điều kiện để nhận ra dấu lạ của Chúa là thái độ mở rộng cõi lòng, sẵn sàng lắng nghe, còn hiệu quả dấu lạ đem đến là lòng sám hối và được biến đổi. Sự hoán cải của dân thành Ni-ni-vê trước dấu lạ Gio-na đã trở thành điềm báo trước “dấu lạ Gio-na đích thực” là chính Đức Giê-su Ki-tô.
Mời Bạn: Khi một người tội lỗi từ bỏ con đường xấu xa để trở về với đường lành, lúc đó, dấu lạ đã thể hiện nơi người ấy. Dấu lạ cũng sẽ thể hiện nơi mỗi người chúng ta trong quá trình đi tìm và nhận ra chân lý. Đó chính là điều Chúa Giê-su muốn bạn thực hiện trong Mùa Chay này nếu bạn không muốn bị Chúa liệt vào “thế hệ gian ác”.
Bí quyết đổi đời, đặc biệt cho mùa này, là hãm dẹp ngũ quan, gia tăng cầu nguyện và làm phúc bố thí. Làm được thế, không những bạn biến đổi chính mình mà còn ảnh hưởng tốt đến gia đình, con cái, và xã hội bạn đang sống.
Quá trình đi tìm và nhận ra chân lý là dấu lạ mỗi chúng ta cần thực hiện trong Mùa Chay; khi đó chúng ta sẽ được biến đổi và tìm gặp Chúa Giêsu đang ở gần ta.
Sống Lời Chúa: Ngay trong những ngày đầu Mùa Chay, bạn đặt ra cho mình một quyết tâm hoán cải cụ thể và kiên trì thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết con để con chiến thắng điều xấu nơi con; và biết Chúa để vì yêu Chúa mà con có sức chiến đấu và chiến thắng tội lỗi. Amen.
22/02/18 THỨ NĂM TUẦN 1 MC
Lập Tông tòa Thánh Phê-rô
Mt 16,13-19
HỘI THÁNH BỀN VỮNG MUÔN ĐỜI
Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy niệm: “Tôi xác quyết rằng thiểu số có sức sáng tạo sẽ quyết định tương lai, và theo nghĩa này, Hội Thánh Công giáo phải hiểu mình như một thiểu số sáng tạo có một gia sản giá trị không phải là những điều của quá khứ, nhưng là một thực tại rất sinh động và thích đáng” (Đức Bê-nê-đi-tô XVI). Hội thánh được xây dựng trên nền tảng là tảng đá Phê-rô, một tảng đá vững chắc không do chính mình, nhưng dựa trên Chúa Giê-su, vị sáng lập Hội Thánh ấy. Phê-rô hay các vị giáo hoàng, dù thánh thiện, tài ba đến đâu, thì cũng chỉ là con người. Hội Thánh gồm những con người, nhưng đầu của Hội thánh lại là Chúa Ki-tô, một vị Thiên Chúa làm người. Đó là điều bảo đảm cho sứ vụ của Hội Thánh trong hiện tại, và cả tương lai.
Mời Bạn: “Tôi nghĩ sức mạnh của Hội thánh Công giáo ở chỗ khi rốt cuộc nhận ra một vấn đề, Hội thánh ấy sẽ nỗ lực để giải quyết nó” (Hồng y D. Wuerl). Là thành phần của Hội Thánh, bạn được mời gọi giải quyết vấn đề của đời sống một khi nhận ra đó là vấn đề cần phải khắc phục. Những vấn đề hiện nay cản trở bạn sống đời Ki-tô hữu là gì, và bạn tìm phương cách nào để giải quyết?
Sống Lời Chúa: Ý thức mình là chi thể của Hội Thánh Công Giáo, tôi tích cực tham gia các sinh hoạt của Hội Thánh địa phương, nhất là gia nhập một hội đoàn để dấn thân hơn trong đời sống đức tin.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã tin tưởng xây dựng Hội Thánh Chúa trên tảng đá Phê-rô. Xin tiếp tục nâng đỡ Hội Thánh, để Hội Thánh ấy thi hành sứ vụ chứng tá cho Chúa ở mọi nơi và qua mọi thời. Amen.
23/02/18 THỨ SÁU TUẦN 1 MC
Th. Pô-ly-cáp, giám mục, tử đạo
Mt 5,20-26
XIN LỖI NGƯỜI ANH EM
“…Hãy đi làm hoà với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,24)
Suy niệm: Là con người, ai cũng có thể phạm lỗi lầm. Mà đã phạm lỗi, trước hết phải biết xin lỗi. Vì thế, xin lỗi là điều cần thiết phải làm thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Ta có thể cảm nghiệm được điều này là một lời xin lỗi, dù vụng về đến đâu, cũng có thể đem lại một hiệu quả nào đó, khi lời xin lỗi ấy phát xuất từ tấm lòng chân thành, sẵn lòng chịu trách nhiệm về điều sai lỗi của mình. Trong thánh lễ, ta thú nhận với Thiên Chúa và anh chị em về lỗi phạm của mình trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Thế nhưng, có thể ta chỉ thú nhận trên môi miệng, theo thói quen cách máy móc, chứ chưa hẳn đã thành tâm hối hận, muốn sửa chữa và đền bù. Làm hòa với nhau là điều vô cùng cấp bách, đến nỗi Chúa Giê-su dạy ta để của lễ trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đang có chuyện bất hòa với ta, rồi mới trở lại tiếp tục dâng của lễ cho Chúa (c. 23-24).
Mời Bạn: Lời xin lỗi rất cần thiết với mọi người trong cuộc sống. Không chỉ người “nhỏ” phải xin lỗi người “lớn,” mà cả người “lớn” cũng phải biết xin lỗi người “nhỏ.” Sai lầm làm bạn bất an và cuộc sống trở nên nặng nề, nhưng lời xin lỗi chân thành khả dĩ phục hồi niềm vui của cuộc sống. Mời bạn hãy can đảm nói lời xin lỗi với tha nhân và Chúa, với ý muốn sửa lỗi và đền bù, khi tham dự thánh lễ hay trước khi đi ngủ.
Sống Lời Chúa: Hãy cảm nghiệm và sống câu Lời Chúa này: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26).
Cầu nguyện: Đọc kinh Thú nhận chậm rãi mỗi ngày để xin lỗi Chúa và tha nhân trong Mùa Chay này.
24/02/18 THỨ BẢY TUẦN 1 MC
Mt 5,43-48
YÊU KẺ THÙ
“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)
Suy niệm: Một nhà thơ đương thời đã phản ứng lại trước các đối thủ như sau: “Trước một blog cá nhân đòi tát vào mặt (…), hoặc đang phát động cuộc vây đánh hội đồng, chúng tát vào má phải Jesus, Jesus chìa má trái. Chúng tát vào má ta bên phải, ta không làm Jesus, ta tập trung một thế hệ căm thù, để chìa ra quả đấm.” Chữ ta ở đây không riêng chỉ nhà thơ, nhưng có thể là hầu hết chúng ta, những môn đệ của Đức Giê-su. Ta không chìa ra một, hai quả đấm bằng tay trước mặt đối thủ, nhưng lòng trí ta có cả trăm quả đấm căm thù. Ta phản ứng theo cảm xúc con người, còn Thầy ta dạy yêu thương, cầu nguyện cho kẻ thù không phải theo tình cảm, nhưng bằng ý chí để chiến thắng bản năng và cảm xúc tự nhiên.
Mời Bạn: Bạn chỉ có thể thắng cảm xúc cay đắng, giận dữ với kẻ xúc phạm khi lòng bạn có Chúa Giê-su ngự trị và Lời Ngài chi phối cách hành xử của bạn. Dập tắt sự cay đắng và nuôi dưỡng lòng khoan dung, từ tâm giúp bạn nên giống Chúa hơn, và nhờ vậy, bạn nên trọn lành như Lời Chúa dạy.
Chia sẻ: Trong thực tế, bạn có thể yêu thương kẻ thù như Chúa dạy không?
Sống Lời Chúa: Tối nay tôi sẽ cầu nguyện cho một (hoặc những) “kẻ thù” của mình, như một cách bắt đầu tập sống yêu thương theo Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin tha thứ cho chúng con vì chúng con thường để cảm xúc cay đắng, giận dữ, làm chủ mình. Xin hãy là chủ nhân lòng chúng con, ngự trị và chi phối mọi cảm xúc của quả tim chúng con, giúp chúng con vượt qua mọi trả thù ti tiện, mọi giận hờn cay độc, để sống lòng yêu mến.
25/02/18 CHÚA NHẬT TUẦN 2 MC – B
Mc 9,2-10
HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI
Từ đám mây, có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” (Mc 9,7)
Suy niệm: Thông thường ta giới thiệu nhau khi mới gặp lần đầu hoặc quen biết nhau rồi, nhưng khuôn mặt bị phai mờ theo thời gian hay bị biến dạng cách nào đó, lúc ấy cần phải giới thiệu lại để người ta có thể nhận biết nhau cách chính xác. Cũng vậy, trong bối cảnh Chúa Giê-su chuẩn bị bước vào cuộc Khổ nạn, khi thân xác Ngài sẽ bị biến dạng bởi những cực hình do con người gây ra, Chúa Cha đã xuất hiện để giới thiệu: “Đây là Con Ta yêu dấu.” Lời khẳng định ấy thì cần thiết, bởi người ta quen nghĩ rằng những gì thuộc Thiên Chúa phải nguy nga, phải lộng lẫy, hoành tráng. Trong khi ấy Thiên Chúa lại hành động qua những gì thế gian cho hèn mạt, không đáng kể... (1Cr 1,27-29). Chính vì thế, cần phải có lời dặn dò của Chúa Cha “Hãy vâng nghe lời Người” để các môn đệ có thể đứng vững trong cuộc Khổ nạn của Thầy mình.
Mời Bạn: “Chúa Ki-tô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một” (Dt 13,8). Ngài vẫn là Con yêu dấu của Cha, nhưng đồng thời, Ngài hiện diện giữa nhân loại qua những cách thế rất bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường. Vì thế, nguy cơ vấp phạm về Ngài là rất cao. Liệu rằng chúng ta có dễ dàng “vâng nghe” tiếng của Ngài đang nói qua Bí tích Thánh Thể, qua Lời Chúa, qua Giáo hội và qua những người bé mọn, nghèo hèn không?
Sống Lời Chúa: Tập cho mình thói quen đừng bao giờ thắc mắc “tại sao?” trước những hành động của Thiên Chúa. Nhưng nếu không hiểu thì hãy hỏi “việc ấy xảy ra thế nào?” để rồi đáp lời “xin vâng” như Đức Ma-ri-a.
Cầu nguyện: Hát bài “Xin vâng.”
26/02/18 THỨ HAI TUẦN 2 MC
Lc 6,36-38
CHÚA CHA LÀ ĐẤNG NHÂN TỪ
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)
Suy niệm: Nhiều Ki-tô hữu có thể nghĩ đơn giản rằng mọi sự sẽ ổn cho thế giới này nếu mọi người đều tin có Chúa. Thực ra, việc tin có Chúa cũng chưa hẳn là đã ổn. Nghĩ về Chúa như một ông cảnh sát hà khắc hay một quan toà hẹp lượng, hay một ông chủ tham lam bủn xỉn luôn so đo tính toán từng li từng tí… thì đó là đang theo một thứ đạo ‘khủng bố’, đầy sự sợ hãi và đối phó, chứ không phải là đạo mà Đức Giê-su rao giảng. Đức Giê-su đã không phải mất công nhiều để thuyết phục người ta tin có Chúa (vì đồng bào của Ngài vốn đã tin như vậy rồi), song mối quan tâm của Ngài là giúp người ta nhận ra Thiên Chúa là CHA NHÂN TỪ – và thúc đẩy họ sống nhân từ như Cha vậy.
Mời Bạn: Xem lại hình ảnh mình có hiện nay về Thiên Chúa và đối chiếu với hình ảnh Thiên Chúa mà Đức Giê-su trình bày. Điều quan trọng không phải chỉ là một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa trong trí tôi, mà là một hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa thể hiện ra nơi chính con người tôi (bởi tôi là hình ảnh của Ngài mà!). Thiên Chúa là Đấng nhân từ, còn tôi có phải là một con người nhân từ như hình ảnh của Ngài không?
Chia sẻ: Đức Giê-su dạy rằng nhân từ là thứ tha và chia sẻ chứ không phải là xét đoán và lên án (câu 37 và 38). Bằng cách nào chúng ta có thể thực hành lối sống này?
Sống Lời Chúa: Tích cực chống lại cái cám dỗ suy luận chủ quan và chỉ trích người khác, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để bày tỏ sự cảm thông đối với họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi con, để con có lòng nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ.
27/02/18 THỨ BA TUẦN 2 MC
Mt 23,1-12
TẤT CẢ CHO CHÚA VÀ VÌ CHÚA
“Đừng để ai dưới đất gọi mình là thầy… là cha… là người chỉ đạo…” (Mt 23,8-10)
Suy niệm: Trong bài Tin Mừng này, ta nhận thấy có đến bốn chữ “đừng” được Chúa Giê-su sử dụng. Ngài muốn nhấn mạnh điều gì qua các chữ “đừng” ấy? Thưa, Ngài muốn thanh luyện động cơ việc phục vụ của người môn đệ. Vì nếu không được nhắc nhở, nhiều người sẽ mắc phải bệnh thích kể công, nhất là với các nhà lãnh đạo, người phụ trách trong Giáo hội. Một khi kể công trước mặt người đời, ta sẽ không còn công trạng gì trước Thiên Chúa. Nói cách khác, dù có được gọi là thầy, là cha, là người chỉ đạo, người ấy phải có thái độ khiêm nhường trong công việc phục vụ của mình. Khi ấy họ sẽ vừa xứng với danh, vừa hợp với phận của mình, vừa đáng được Chúa thưởng công. Chúa Giê-su dạy ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Ngài đúng là Chúa, là Thầy, thế mà, với cái chậu và cái khăn Ngài quỳ xuống rửa chân cho môn đệ. Ngài là mẫu gương tuyệt hảo của Đấng “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20,28).
Mời Bạn: Khi phục vụ cộng đoàn, bạn nhắm đến mục đích nào? Đâu là động cơ thật sự đang thúc đẩy công việc bạn làm? Danh tiếng, lợi lộc, địa vị hay thứ gì khác? Cách tốt nhất để làm người lãnh đạo trong Giáo hội Chúa là làm gương sáng, làm cho Chúa, vì Chúa, để danh Chúa được vinh quang hơn.
Sống Lời Chúa: Tôi duyệt xét lại động cơ thật sự chi phối mọi việc mình làm, nhất là khi thi hành sứ vụ Chúa giao, ý thức mình chỉ là tôi tớ vô dụng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con sống tinh thần của một “đầy tớ vô dụng, đã chỉ làm bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10) để thanh tẩy tính kiêu ngạo và ích kỷ của con. Amen.
28/02/18 THỨ TƯ TUẦN 2 MC
Mt 20,17-28
PHÚC ĐỨC TẠI MẪU
Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Chúa Giê-su, có các con bà đi theo… Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong Nước Thầy.” (Mt 20,20-21)
Suy niệm: Nhiều vị thánh, như thánh Don Bosco, thánh Piô X chứng thực rằng cuộc sống của các ngài chịu ảnh hưởng sâu xa sự giáo dục của người mẹ. Bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê chắc chắn cũng có ảnh hưởng rất lớn trên hai người con của mình, bởi vì ngay cả khi hai ông đã trưởng thành – lúc đó Gia-cô-bê cũng đã thành gia thất – bà vẫn còn tất tả lo cho tương lai sự nghiệp của hai con mình. Thật đẹp thay tấm lòng người mẹ thương con! Thế nhưng thương không đúng chỗ thì cũng như thể “mười lần hại nhau”. Chúa Giê-su chấn chỉnh cái nhìn của cả ba mẹ con. Đi theo và làm môn đệ Ngài, điều đó vẫn tốt, nhưng không phải để tìm kiếm địa vị, quyền lợi “ngồi hai bên tả hữu Chúa, ở trong Nước của Ngài” mà là “uống chén của Chúa” nghĩa là dấn thân phục vụ đến mức dám hy sinh cả mạng sống vì Phúc Âm.
Mời Bạn: Người ta thường nói cha mẹ hiền lành để đức cho con. Để sản sinh những môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô, cha mẹ cũng như những người có trách nhiệm giáo dục phải giáo dục con em dám từ bỏ những lợi lộc ích kỷ và ham thích phục vụ tha nhân.
Chia sẻ: Mời các phụ huynh trao đổi kinh nghiệm về cách giáo dục tinh thần phục vụ cho con em.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc với ý thức phục vụ trong khiêm tốn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các bậc làm cha mẹ biết biến đổi cuộc sống của mình thành mẫu gương phục vụ cho con cái noi theo, để mọi gia đình trở thành trường dạy phục vụ yêu thương.
Nguồn: giaophandanang.org