Thứ hai Tuần IV MC
Nhờ lòng tin
Trang tin mừng hôm nay cho ta thấy không có tiên tri nào được trọng vọng nơi quê hương mình. Theo nghĩa đen, quê hương của Đức Giêsu là Nagiarét, một làng quê của Galilêa ít được biết đến. Thánh Gioan nhấn mạnh đến điểm này để nêu lên chứng cứ truyền giáo của Đức Giêsu. Ngài được sai đến với dân Giuđêa, trung tâm chính là đền thờ Giêrusalem, thế nhưng không được đón nhận (Ga 1,11).
Ơn cứu rỗi nhờ vào lòng tin vượt lên trên những đặc quyền liên hệ đến sắc tộc cũng như bất cứ một chủ nghĩa địa phương nào. Đức Giêsu đã chuyển hướng hoạt động của Ngài không chỉ về miền Galilêa nhưng còn về các miền dân ngoại. Và trong đoạn tin mừng này, cái thế giới dân ngoại ấy được viên quan chức nhà vua ở Caphanaum đại diện, ông không phải là người do thái. Ông là dân ngoại, nhưng đã tin vào lời của Đức Giêsu, trở thành mẫu gương của một đức tin trong sáng và chân thực.
Đoạn tin mừng của thánh Gioan nhấn mạnh đến cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và viên quan chức, đồng thời đề cập đến đối tượng của cuộc đối thoại: niềm tin. Niềm tin đích thực là niềm tin chấp nhận Đức Giêsu, dẫn con người đến Đấng Cứu Độ. Nhờ đức tin, chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, khám phá ra Chúa Cha và tình yêu của Ngài trong cuộc sống chúng ta.
Khi xét đến niềm tin của chúng ta, niềm tín thác vào Đức Giêsu, qua quyền năng của lời Ngài, sẽ thực hiện những phép lạ trong cuộc đời chúng ta. Trong đoạn tin mừng này, chúng ta nhận ra hiệu quả của lời Thiên Chúa và niềm tin tuyệt đối vào quyền năng của Đức Giêsu. Như thế, cũng như Đức Giêsu đã ban thưởng niềm tin của viên quan chức nhà vua, Ngài cũng ban thưởng cho lòng tin của mỗi người chúng ta.
Thứ ba Tuần IV MC
Đừng phạm tội nữa
Trong thị kiến của Êgiêkien, nước chữa lành và ban sự sống, tượng trưng cho ân sủng của Thiên Chúa ban tặng dồi dào trong thời cứu độ, gắn liền với việc Đức Giêsu đến trong thế gian. Đó là lý do Đức Giêsu không dẫn bệnh nhân đến hồ Siloe, nguồn suối ơn thiêng của thời Cựu Ước, mà lại chữa lành anh ta bằng chính quyền năng riêng của Ngài.
Việc chữa lành nhằm ngày Sabát, và Ngài đã truyền lệnh cho người được chữa lành vác chõng trong ngày Sabát, bởi vì đã đến thời của một ân ban cao cả hơn lề luật, Đức Giêsu, chủ của ngày Sabát. Trong bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào thời cứu độ và, được chữa lành khỏi mọi hình thức bất toại, chúng ta nhận được lệnh truyền ra đi mang theo hoa trái của đời sống trong Thánh Thần. Hôm nay Đức Giêsu ban cho chúng ta lời khuyến cáo như đã ban cho người bất toại: đừng rơi vào nô lệ tội lỗi nữa, vì sự bất toại tinh thần của các kitô hữu trầm kha hơn sự bất toại của người dân ngoại.
Mùa Chay là thời gian hồi tâm. Thế giới kitô và hậu kitô có lẽ nào lại không rơi vào tình trạng ngoại giáo, khi thờ các ngẫu tượng tiền bạc, danh vọng, quyền lực. Có lẽ chúng ta lại bị bất toại do không biết chiến thắng sự dữ trong xã hội, chính trị, gia đình và cá nhân sao. Những cơ cấu sự dữ trong xã hội không phải là cái ‘chõng bệnh’ của chúng ta đó sao? Các dư luận và các phong hóa trong môi trường chúng ta sống không cấu thành nên nó đó sao? Đức Giêsu kêu gọi mỗi người chúng ta hãy quay về. Ngài giao hòa ta với Chúa Cha và chữa lành ta. Ngài nói với ta hôm nay: Hãy đứng dậy vác chõng mà đi, hãy sống và làm việc lành. Khi nghe tin mừng hôm nay, mỗi người chúng ta hãy nhận ra việc mình cần phải làm trong lệnh truyền của Đức Giêsu: ‘Hãy đứng dậy mà đi và đừng phạm tội nữa’.
Thứ Tư Tuần IV MC
Đức Giêsu Kitô xét xử
Các bài đọc hôm nay cho ta biết Đức Giêsu Nagiarét là ai. Đức Giêsu biết và thấy Thiên Chúa hành động như thế nào, và nhờ đó mà Ngài hành động như Thiên Chúa, và do đó Ngài luôn hành động tốt đẹp, ngay cả trong ngày Sabát. Đức Giêsu có trong mình sức mạnh của sự sống và sự sống lại. Ngài là người con yêu dấu của Thiên Chúa, và Thiên Chúa đòi hỏi Ngài phải hoàn thành những nhiệm vụ của Ngài. Đồng thời Ngài cũng là một con người hoàn hảo, và chính vì là con người nên Thiên Chúa đã đặt Ngài làm thẩm phán xét xử mọi người. Thời giờ Thiên Chúa xét xử chúng ta, xét xử qua Đức Giêsu Kitô, không chỉ là lúc kết thúc thế gian. Là lúc này đây, hôm nay, chúng ta đều bị xét xử bởi tòa án của Đức Giêsu Kitô, bởi lẽ thời thiên sai đã khởi đầu ngay lúc Ngài chết và sống lại. Hôm nay chúng ta đứng trước sự phán xét và lòng thương xót của Thiên Chúa, được trao ban cho Đức Giêsu Kitô. Phán xét điều dữ mà chúng ta đã phạm và vạch trần cho ta thấy. Nhưng Đức Giêsu Kitô mang lại cho ta sự tha thứ tội lỗi, chữa lành điều ác và phục hồi sự sống, sự sống mà chính ta đã cắt đứt hoặc làm suy yếu đi nơi chúng ta.
Do đó, cần đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nếu ta tin rằng Đức Giêsu Kitô đã thực sự đi vào trong lịch sử của nhân loại khi Ngôi Lời Thiên Chúa làm người và Chúa Cha đã tỏ cho ta tình yêu của Người bằng cách trao ban cho ta Con của Người, nếu ta phó thác trong tay của Đức Giêsu Kitô, ta sẽ được thoát khỏi sự chết và bước vào sự sống, và thay vì bị xét xử, chúng ta nhận được lòng thương xót và trở thành con cái Thiên Chúa. Đàng khác, ta có thể từ khước ân ban này, ta có thể ưa chuộng sự dữ trong ta và không muốn được chữa lành. Trong trường hợp này, chúng ta tự đặt mình cho sự xét xử của Đức Giêsu Kitô. Cần phải cầu nguyện để không một ai làm sự lựa chọn này. Chúng ta thuộc về Đức Giêsu để cùng với Ngài cứu chuộc cả thế giới.
Thứ Năm Tuần IV MC
Bò vàng hay Thiên Chúa
Bài đọc Cựu Ước gìn giữ ta khỏi cám dỗ đi tìm con bò vàng, vị thần linh thấy được và chạm đến được do tay con người làm ra. Bài Tin mừng theo thánh Gioan đòi hỏi chúng ta tin vào Đức Giêsu Kitô. Nền tảng niềm tin của chúng ta là chứng từ của Cựu và Tân Ước. Chứng từ của sự thật mà con người không thể chứng minh bằng khoa học, cũng không thể kết đọng lại trong một luật lệ. Người Do thái thời Đức Giêsu có Cựu Ước, nhưng họ không hiểu những lời của Môsê nói về Đức Giêsu. Trước mắt họ, vị tiên tri thành Nagiarét đã làm bao nhiêu dấu lạ, nhưng họ đã giải thích bằng nhiều cách khác nhau. Cần phải tin để hiểu được nội dung. Đức Giêsu đã muốn thuyết phục họ bằng cách hiến trao mạng sống mình vì họ.
Nhiều người tin vào Ngài, nhưng những kẻ thông thái và các kỳ lão chối từ. Còn chúng ta, chúng ta hiểu tin mừng như thế nào? Chúng ta có tin vào chứng từ của Chúa Cha nơi Đức Giêsu Nagiarét không? Có tin rằng Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là Đấng Messia mọi người mong đợi không? Thiên Chúa, chẳng ai thấy bao giờ, nhưng chúng ta có lời của Đức Giêsu Kitô. Lời của Thiên Chúa có nơi chúng ta không? Và chúng ta có ở trong Đức Giêsu Kitô không? Có lẽ người ta sẽ trách cứ chúng ta vì đã không tin vào Đức Giêsu và các sứ giả của Ngài, trong khi lại tiếp nhận bất cứ học thuyết qua bất cứ nẻo đường nào (nhiều lúc kỳ quặc) vì là ‘mốt thời đại’, vì là ‘hàng ngoại nhập’ …? Nhiều lần chúng ta xấu hổ vì tin và vì đi tìm gặp Thiên Chúa trong kitô giáo cổ xưa.
Hãy cầu xin cho được ơn đức tin, đức cậy và đức mến, để nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và để chúng ta cũng được biến đổi thành con cái Thiên Chúa, thông hiệp cùng với Người Con Duy Nhất của Ngài.
Thứ sáu Tuần IV MC
Kết án cho nó chết
Tin mừng hôm nay trình bày thảm kịch Đức Giêsu bị các đầu mục trong dân loại bỏ. Đức Giêsu phải ẩn mình, và dân chúng không biết phải nghĩ gì về Ngài, vì các đầu mục tôn giáo không tin Ngài là Đấng Messia. Các biệt phái không tin vào Đức Giêsu, vì họ xét đoán Ngài dựa theo luật lệ ngày Sabát và nghi thức thanh tẩy, mà không đi vào chiều sâu của giáo huấn của Ngài. Các tư tế từ chối Đức Giêsu vì lý do chính trị. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Thế giới hôm nay có đưa ra những lý do tương tự để chống đối và không tin lời dạy của Đức Giêsu, là những lời chứng thực căn tính của Ngài và mời gọi niềm tin không?
Đâu là những nguyên do của việc yếu kém đức tin? Chắc chắn là những hình thức tư tưởng hiện nay khác biệt với thời đại của đức Giêsu. Có lúc dựa vào khoa học, có lúc dựa vào những tập tục. Không chỉ những người theo chủ nghĩa Mácxít mới chối bỏ đức tin nhân danh một học thuyết chính trị. Xã hội tiêu thụ, chạy theo lợi nhuận vật chất, trong thực tế cũng đang chối bỏ như thế cho dù không học thuyết hóa nó. Và chúng ta, chúng ta có thể tin bằng cách chấp nhận thảm kịch của Đức Giêsu, và cùng với Ngài, chấp nhận bị loại trừ, bị lên án, hoặc hơn thế nữa bị những người xung quanh chống đối không? Có thể đó chỉ là một xung đột trong nội bộ của Giáo Hội dưới chiêu bài chủ nghĩa vụ hình thức luân lý, hoặc xung đột trong lòng của xã hội dân sự trong việc bảo vệ điều thiện hảo, bảo vệ người anh em và các quyền lợi sự sống của họ và đòi hỏi sự công bình cho họ. Là những nước nhận biết tin mừng từ bao thế kỷ, ta đã làm gì để đưa vào trong đời sống xã hội và chính trị những nguyên tắc của tình yêu đồng loại? Lẽ nào chúng ta không bị Đức Giêsu khiển trách, vì không tuân giữ luật Thiên Chúa, vì chúng ta giết hại người khác?
Thứ bảy Tuần IV MC
Số phận vị ngôn sứ
Đức Giêsu nhận lấy số phận của các ngôn sứ bị loại trừ và của tất cả những ai đang bị bỏ rơi. Ngài nhận nơi mình Ngài số phận của các quốc gia bị bách hại vì đã chiến đấu cho tự do, số phận của những người đấu tranh cho niềm tin mà bị kết án, cho dù họ bị bách hại bởi quyền lực vô thần hay bởi những tín đồ của một tôn giáo khác. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy có rất ít người bảo vệ Đức Giêsu. Các người canh giữ đền thờ không muốn bắt Ngài, và Nicôđêmô hỗ trợ Ngài cách kín đáo, bằng cách lập luận rằng người ta không lên án ai mà chưa nghe họ bàu chữa.
Trong thế giới ngày nay, chúng ta cũng tìm cách bảo vệ những người bị bách hại cách bất công, nhưng một cách nhút nhát. Có lúc chính quân đội từ chối bắn vào thường dân, như đã xảy ra ở các nước vùng Baltique. Có lúc trên trường chính trị người ta từ chối –hết sức nhút nhát- cho một cường quốc quyền được đàn áp một dân tộc. Thảm cảnh Đức Giêsu bị kết án, bị bắt và đóng đinh như Tin Mừng hôm nay tường thuật, vẫn còn tiếp diễn trong lịch sử nhân loại. Mỗi người chúng ta đóng một vai, trong thảm kịch đó. Đức Giêsu từ Thiên Chúa mà đến để chiến thắng sự dữ bằng tình yêu. Chiến thắng của Ngài hoàn tất trên thập giá.
Chiến thắng của Ngài không ngừng được thực hiện nơi chúng ta, bằng cách ngang qua thập giá. Chúng ta cần quan sát cảnh tượng của thế giới ngày nay dưới ánh sáng cuộc xét xử của Đức Giêsu và cuộc tranh luận gây ra từ chính con người của Ngài, khi Ngài sống và thi hành sứ mạng của Ngài tại Palestina. Chúng ta có thể nhận ra Đức Giêsu và giáo huấn của Ngài trong Giáo Hội không? Quả thật chúng ta không loại bỏ một ai, cũng không xét xử một ai đó cách bất công sao? Chúng ta có thể nhận ra Đức Giêsu nơi những kẻ nghèo và nơi những nạn nhân trên thế giới không? Chúng ta đóng vai nào trong thảm kịch các ngôn sứ hiện nay đang bị loại trừ, trong thảm kịch hiện nay của Đức Giêsu Kitô và của tin mừng? Đức Giêsu? Nicôđêmô? Những người canh giữ đền thờ?
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê