Suy Niệm Thánh Vịnh 136 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ tư - 07/03/2018 21:49  1620
Suy Niệm Thánh Vịnh 136
1          Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on ;
2          trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn.
3          Bọn lính canh đòi ta hát xướng,
            lũ cướp này mời gượng vui lên :
            "Hát đi, hát thử đi xem
            Xi-on nhạc thánh điệu quen một bài !"
4          Bài ca kính CHÚA TRỜI, làm sao ta hát nổi
            nơi đất khách quê người ?
 
5          Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi,
            thì tay gảy đàn thành tê bại !
6          Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm,
            nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giê-ru-sa-lem
            làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.
 
7          Lạy CHÚA, xin nhớ lại ngày Giê-ru-sa-lem thất thủ,
            để trừng phạt con cái Ê-đôm.
            Ngày ấy chúng reo hò : "Phá nó đi, phá cho bình địa."
 
8          Gái Ba-by-lon hỡi, đồ trời tru đất diệt !
            Phúc thay người xử lại với mi, như mi đã xử với ta !
9          Phúc thay người bắt những con thơ của mi mà đem đập vào đá.
 
Cùng Đọc Với Israel
Đây là một trong những áng thơ đẹp nhất của văn chương thế giới: có bao giờ tình yêu nồng nàn đối với tổ quốc lại được hát lên với những cung bậc thương nhớ mãnh liệt như thế. Vâng, đúng vậy, thánh vịnh này làm ta hoang mang, đến độ muốn làm cho nó dịu dàng bớt đi một chút, đến độ chỉ giữ lại bốn khổ thơ đầu. Ước muốn trả thù được diễn tả trong hai khổ thơ cuối, thường được đặt trong ngoặc, khi người ta hát thánh vịnh này nơi công cộng: khó ‘cầu nguyện’ với hai khổ thơ cuối này… nên để không gây sốc cho người nghe, người ta bỏ chúng đi. Chắc ai cũng biết rõ luật Talion: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’ (St 4,23; Xh 21, 23-25; Lv 24, 18-21).
Thánh vịnh này là lời khẩn cầu, được sử dụng hàng năm vào ngày lễ ‘tang quốc gia’, mà Israel cử hành kỷ niệm biến cố Giêrusalem bị quân đội Nabuchodonosor tàn phá vào năm 587 tcn. Ngôn sứ Giêrêmia, đã sống trong thành, bị bao vây suốt mười tám tháng, đã diễn tả sự kinh khiếp cách tỉ mỉ từ đầu đến cuối (Gr 39 1-10). Thảm họa đất nước hiện lên trong tâm trí mọi người khi họ hát thánh vịnh này: đền thờ bị đốt cháy cùng với cung điện nhà vua, các nhà trong thành phố…đều bị san bình địa… ‘vua Babylon còn cho cắt cổ những đứa con trai của vua Sêđêcias ngay trước mặt, rồi ông bị chọc mù mắt…(Gr 39, 6-7)…và sau cùng, toàn dân bị đưa đi lưu đày suốt năm mươi năm và trong thời gian đó Giêrusalem là một đống hoang tàn! Đó chính là những sự kiện làm phát xuất bài thánh vịnh nóng cháy và mạnh bạo này.
Lời cầu nguyện hàng năm của Israel là một lời khẩn cầu để cho sự việc này không tái diễn nữa. Và, trong bối cảnh này, người ta xin Thiên Chúa ‘nhớ ngày tàn phá Giêrusalem’: Lạy Chúa, xin nhớ lại ngày Giêrusalem thất thủ! Theo tâm lý tôn giáo thời đó, đây thật là sự ghét cay ghét đắng, nhằm gieo sự chúc dữ cho Babylon, để nó không còn bao giờ có thể trở lại dày xéo Đền Thờ Thiên Chúa nữa.
Ta cũng đừng quên sự hận thù được diễn tả ở đây như là mặt trái của tình yêu nồng cháy (đối với đền thờ): trong mỗi khổ thơ lập đi lập lại cách âu yếm từ ‘Sion, Giêrusalem’. Điểm tích cực của thánh vịnh này là lời tuyên bố trung thành: ‘Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì sự chúc dữ sẽ đổ trên đầu tôi! Trước khi tẩy trừ điều dữ khỏi người khác, ta dám xin rằng, trước hết nó phải được tẩy trừ khỏi lòng mình.
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Ta có thể hình dung Đức Giêsu đã có cầu nguyện với thánh vịnh như thế này không? Chẳng chút nghi ngờ. Nhưng ngài làm theo cách của ngài. Và đối với ta ngày nay, cách thế duy nhất là cùng đọc với ngài.
Đừng bao giờ thỏa hiệp với sự dữ! Đức Giêsu đã nói những lời mạnh bạo để nhắc ta nhớ phải trung thành bất cứ giá nào: ‘Những ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển’ (Mt 18, 6). ‘Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi’ (Mt 18,8).
Tha thứ cho những người làm khổ ta. Chính Đức Giêsu đã yêu cầu hai điều này. Không đối nghịch nhau…dù chúng khó hòa hợp với nhau. ‘Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em’ (Mt 5,44). ‘Nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em’ (Mt 6,15).
Yêu mến thành phố, xứ sở của mình nhưng trước hết hãy muốn chúng trung thành với Thiên Chúa.  Đức Giêsu đã khóc khi thấy trước sự tàn phá Giêrusalem lần thứ hai vì nó từ khước sự thăm viếng của Thiên Chúa: ‘Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi…Sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề…và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm’ (Lc 19, 41-44).
Trung thành nhưng không thỏa hiệp.  Người ta cũng đã mời Đức Giêsu hát một ‘thánh ca Sion’. Khi ấy Ngài đã bị ‘xiềng xích’, là tù nhân. Ngài có thể làm vui lòng Hêrôđê bằng cách làm vài phép lạ như ông ấy muốn (Lc 23,8-9). Đức Giêsu đã từ chối làm vui lòng Hêrôđê. ‘Ngọc trai, chớ liệng cho heo’ (Mt 7,6).
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Mong muốn tiêu diệt sự dữ. Dưới chiêu bài khoan nhượng, ta trở thành những kẻ nhu nhược. Đừng quên rằng Babel, tên gọi xấu của Babylon, là biểu tượng của bạo lực, của sự thống trị và đàn áp bất công bằng bạo lực…trong khi Sion, là tên gọi thân thương của Giêrusalem, là thành mẫu mực, là chốn an bình, là biểu tượng hiệp thông giữa con người với nhau…Trong thế giới ngày nay, luôn có những ‘babylon’ bất tín chống lại Thiên Chúa và bất công chống lại con người: thánh vịnh này có thể giúp ta cầu nguyện và hành động sao cho sự dữ bị tiêu diệt khỏi nhân loại, và trước hết khỏi lòng mình.
Đừng lãng quên Giêrusalem. Thánh Gioan đã mạc khải cho ta thành Giệrusalem đích thật trên trời. Người tín hữu đừng bao giờ quên rằng mình đang sống kiếp lưu đày, và quê hương đích thực là trên trời. Ngày nay, Satan rất mong muốn làm cho ta ca những điệu ca ngợi niềm vui trần tục. Những thỏa hiệp với môi trường ngoại giáo luôn là điều hiện thực: làm giống như mọi người…thích nghi dễ dàng với quan điểm chung xung quanh ta…mặc lấy những não trạng ngoại giáo của môi trường sống…lãng quên Thiên Chúa…mất đức tin…là những cám dỗ triền miên và rất hiện thực!
Không, tôi sẽ không để mình mãi sống kiếp lưu đày. Cám dỗ lớn nhất của những người do thái bị lưu đày, đó là thích nghi với việc lưu đày và với chủ nghĩa ngoại giáo Babylon. Cám dỗ lớn nhất của con người, chính là sống như thể nhà mình là ở nơi trần gian này.

 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours,Tome II
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
 
 Tags: khổ thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập176
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm119
  • Hôm nay18,616
  • Tháng hiện tại673,130
  • Tổng lượt truy cập52,842,078

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây