Thứ Hai ngày II Tuần Bát Nhật GS
Kính thánh Stêphanô
Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi kitô giáo, là một trong bảy phó tế đầu tiên, nhiệm vụ của ngài là đặt mình phục vụ Giáo hội và các tông đồ. Như người tôi tớ của Đức Kitô, Stêphanô muốn nên giống Chúa của mình, và trong giây phút cận kề cái chết, ngài đã thật giống Chúa. Hình như tin mừng ngày hôm nay được viết về thánh Stêphanô. Khi ngài đứng trước Thượng Hội Đồng, Thánh Thần đã linh hứng và ngài đã ăn nói cách can đảm; ngài không chỉ chối bỏ những điều người ta tố cáo mà còn lên án tố cáo lại những kẻ tố cáo ngài. Ngài đăm đăm nhìn như đang thấy Chúa, mặt ngài rạng rỡ như mặt thiên thần, phản ánh vinh quang của Đức Kitô, đang ở trong ngài. Sự giống nhau giữa Stêphanô và Chúa của ngài không phải là một việc bên ngoài: trong giây phút sắp chết Stêphanô cho thấy những thái độ sâu thẳm trong lòng ngài, cầu nguyện cho những kẻ giết hại ngài được tha thứ, lời cầu nguyện mang lại hoa quả sau này là sự trở lại của thánh Phaolô. Stêphanô có nghĩa là ‘vầng hào quang’, liên quan đến hào quang của việc tử đạo sau khi đã sống một cuộc đời trung tín phục vụ Đức Kitô.
Thứ Ba ngày III Tuần Bát Nhật GS
Thánh Gioan Tông Đồ
Hôm nay ta cử hành tình yêu của Đức Kitô nơi một trong những môn đệ thân tình của Người nhất. Đức Giêsu đã trở thành người bạn thân tín nhất của Gioan và đã chia sẻ với ông niềm vui và đau khổ, là vị Thiên Chúa mà Cựu Ước gọi là đấng mà con người không thể nhìn thấy mà không phải chết. Ngày qua ngày, Gioan đã nhìn Đức Giêsu và đã nhận thấy nơi Người một vị Thiên Chúa mà nhờ sự nhận biết và liên hệ, người ta được sự sống. Ông đã nghe tiếng Người, những giáo huấn và lời xuất phát từ Chúa Cha. Ông đã ăn uống cùng với Người, cùng đồng hành với Người trên mọi nẻo đường, vì tình yêu dẫn đưa ông không phải đến thành công mà đến cái chết: ông luôn nhận biết rằng đó chính là con đường sự sống.
Bài tin mừng hôm nay, ta thấy ‘người môn đệ Chúa yêu’ chạy hết sức mình, vì được thúc đẩy bởi tình yêu, đến nơi đặt xác Chúa. Ông nhìn thấy những băng vải và khăn liệm – dụng cụ của sự chết – được Chúa của sự sống để lại: những thế lực của sự tăm tối đã bị chiến thắng ngay trong ngôi mộ trống, và trong lòng Gioan nhận ra nơi sự sống lại của Thầy, chiến thắng của tình yêu, khởi đầu hừng đông của đức tin.
Thứ Tư ngày IV Tuần Bát Nhật GS
Các Thánh Anh Hài
Trên một đỉnh đồi vùng Bêlem có một pháo đài hoang phế: đó là ngôi mộ của Vua Hêrôđê. Nơi sinh hạ của Đức Kitô ngược lại chỉ là một hang đá nghèo hèn. Cả hai nơi khác nhau nói lên hai cá tính của hai vị vua khác biệt nhau; ta cần chọn một trong hai: vị này kiêu căng tàn bạo, vị kia nhỏ bé và khiêm cung. Hêrôđê tìm cách loại trừ bất cứ địch thủ nào, ngay chính những người trong gia đình của ông cũng không ngoại lệ. Do đó, lòng của ông chai cứng bao năm trong tội lỗi, không cảm thấy thương hại chút nào những hài nhi vô tội, mà hôm nay ta kính nhớ.
Cái chết của của các vị đặt ta trước một nghịch lý: họ chết thay cho Đức Kitô, Đấng đến thế gian để chết cho họ! Đức Kitô, Hoàng Tử Bình An, đã đến giao hòa thế gian với Thiên Chúa, để mang ơn tha thứ cho tội nhân và cho họ tham dự vào sự sống thần linh của Người. Ta có thể chắc chắn rằng, cho dù không cần sự tha thứ, các Anh Hài vô tội đã mất sự sống non nớt của mình vì Đức Kitô và vì tin mừng, là những người đầu tiên đi vào trong niềm vui của đời sống vĩnh cửu.
Thứ Năm ngày V tuần Bát Nhật GS
Trong tin mừng hôm nay ta gặp ông Simêon, người công chính và kính sợ Thiên Chúa. Tên của ông theo tiếng do thái phát xuất từ động từ ‘cảm nhận’: một chi tiết cho ta biết ông thường cảm nhận được tiếng nói của Thiên Chúa. Nhưng Thánh Thần không chỉ nói với Simêon: mà còn ‘hằng ngự trên ông’ nữa. Và biến ông thành một con người ngay thẳng và hăng say phục vụ Thiên Chúa và tha nhân với lòng tôn kính và nhiệt thành. Ông đã trải qua năm tháng cuộc đời trong sự mong đợi ‘sự an ủi của Israel’ Đấng An Ủi, Đấng Cứu Thế. Vừa khi thấy con trẻ Giêsu trong đền thờ, ông lập tức biết ngay rằng thời gian chờ đợi của mình chấm dứt. Cài nhìn nội tâm của ông sáng tỏ và làm ông xúc động.
Đức Giêsu phải là dấu chỉ cho Israel và cho Giáo Hội: Thiên Chúa muốn cứu toàn thể nhân loại, Người không loại trừ một ai. Hành động của ta cho biết suy nghĩ của ta. Simêon ẵm lấy Đức Giêsu trên tay, muốn nói rằng ông sẵn sàng chia sẻ và hoàn thành ước muốn của Thiên Chúa. Chúng ta cũng hãy làm như thế và thực hiện trong đời mình ý muốn của Thiên Chúa.
Thứ sáu ngày VI tuần Bát Nhật GS
Lễ Thánh Gia
Chúng ta hôm nay chiêm ngắm Thánh Gia, và những lời trong tin mừng liên quan đến Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse.
Ngay sau khi các Đạo sĩ thờ lạy Chúa, Matthêô thuật lại việc trốn chạy sang Aicập, thảm cảnh của các vị Anh hài và cuộc hồi hương từ Aicập: ba biến cố xảy ra trong lịch sử của Thánh Gia và được trình bày trong tin mừng như để làm trọn lời các ngôn sứ trong Cựu Ước.
Sứ thần Chúa đã hiện ra cho Giuse trong giấc mộng và bảo ông: ‘Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy’.
Thiên Chúa là đấng cứu độ, ngài hành động bằng nhiều cách khác nhau.
Trước kia Ngài đã cứu tổ phụ Giuse, cũng ở Aicập, thoát khỏi tay của anh em mình, đưa ông ra khỏi tù và sau khi nhận được quyền lực, ông đã trợ giúp các anh em và toàn thể gia đình Giacóp, cha mình. Quả thật Thiên Chúa cứu thoát bằng những cách thức khác nhau. Lần này Thiên Chúa cứu thoát Thánh Gia nhờ sự trợ giúp của một người công chính, thánh Giuse, tuân theo lời sứ thần truyền, tín thác vào chương trình của Thiên Chúa, hoàn thành thiên ý.
‘Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập’, trong khi tại Bêlem và vùng phụ cận vang dậy những tiếng than khóc vì lệnh giết hại các hài nhi vô tội. Sau khi Hêrôđê chết, cũng vâng theo lời sứ thần, Giuse đưa Đức Giêsu và Mẹ Maria trở về Nagiarét.
Tin và vâng phục lời của Thiên Chúa có thể làm thay đổi hành trình cuộc sống của ta. Vì muốn cứu chúng ta mà Thiên Chúa đã cứu thoát Thánh Gia.
+++
Bà Anna dù xuất thân từ chi tộc ít được biết đến, nhưng lại được ghi nhận vì những ơn thiêng nơi bà (tên của bà có nghĩa là ơn phúc).
Bà đã nhận được ơn phúc từ lời kinh nguyện kiên trì và từ lời tiên tri; cuộc sống của bà, ăn chay cầu nguyện đã nên lời bầu cử cho dân mình. Anna và Simêon cho ta thấy những người nam/nữ đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa và tất cả đều có thể nhận được những ơn sủng của Thánh Thần. Bà Anna đã dâng hiến cuộc đời góa bụa của bà cho Thiên Chúa, trở thành mẫu mực cho nhiều bà góa kitô hữu. Đời sống của bà chiếu tỏa một vài chân lý quan trọng: mọi người đều có chỗ riêng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Thiên Chúa thường kêu gọi một số người để họ nên khí cụ Người chọn; nhân đức từ bỏ và khiêm tốn làm vừa lòng Thiên Chúa, bởi lẽ Người chỉ có thể đổ tràn ân huệ của Người xuống lòng thanh sạch khỏi mọi vướng bận vật chất.
Phanuel nghĩa là dung nhan Thiên Chúa: Anna chắc chắn đã nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa nơi khuôn mặt của Đức Kitô.
Thứ Bảy ngày VII tuần Bát Nhật GS
Từ nguyên thủy, trước khi tạo dựng, đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Với ba xác quyết ngắn gọn, dẫn đưa ta vào mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngôi Lời có nguồn gốc từ sự vĩnh cửu của Thiên Chúa, sống hiệp nhất độc đáo đặc biệt với Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, ngang bằng với Chúa Cha và không phụ thuộc hoặc kém hơn. Và Ngôi Lời, ngôi vị và siêu việt, từ nơi cư ngụ thiên quốc đến trong xác phàm, trên trần gian để dạy cho ta biết Chúa Cha, mà chỉ mình Người được nhìn thấy. Vì Ngôi Lời từ đời đời là Con Một yêu dấu của Thiên Chúa. Nơi Đức Kitô thiên tính và nhân tính hiệp nhất với nhau. Nơi Đức Kitô ta nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa qua nhân tính của Người. Nhưng căn tính của Chúa Con với Chúa Cha được biểu hiện trong sự tùy thuộc, trong sự vâng phục hoàn toàn thể hiện trong hy tế, trong việc dâng hiến chính mình hoàn toàn. Ta thấy nơi đây sự khiêm cung của Ba Ngôi, như được thể hiện trong xác thịt hay chết của Đức Kitô.
Khi nói với ta về mối liên kết của Người với Chúa Cha, Đức Giêsu muốn lôi kéo chúng ta về với Người để làm cho ta nên môn đệ Người và nên con cái Thiên Chúa. Người muốn dạy ta rằng cuộc sống của ta phải chiếu tỏa, trong thân phận nhân loại, sự sống của Ba Ngôi, sự sống của chính Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn lãnh nhận những ân huệ cứu độ của Người.
Ngày 01.01 Cuối tuần Bát Nhật GS
Đức Maria Mẹ Thiên Chúa
Một năm mới khởi đầu với dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa. Ta đọc thấy trong sách Sáng Thế (St 1,22) đoạn Thiên Chúa chúc phúc cho chim trời cá biển và ra lệnh: Hãy sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều. Từ đoạn sách thánh này ta nhận thấy rõ ràng hiệu quả của chúc lành có liên hệ đến sự sống và sự phong nhiêu.
Tiếp tục đọc sách Sáng Thế, nơi St 2,3, ta thấy Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy để trở thành nguồn sự sống, sự phát triển cho con người được tạo dựng giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa: Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và phán với họ: Hãy sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất (St 1,27-28)
Phúc lành (berahà) chúng ta không chỉ tìm gặp thấy nơi sách Sáng Thế, mà còn nơi sách Dân số nữa (Ds 6,22-27), trích đoạn trong phụng vụ hôm nay: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em. Nguyện Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em. Nguyện Thiên Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em. Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng’.
Kính thánh cho ta biết rằng phúc lành không chỉ là một ước mong, nhưng còn là dấu chỉ ‘hữu hiệu’ nơi những gì Thiên Chúa phán nữa. Người do thái quan niệm chúc lành như ‘hiệp thông sự sống với Đức Chúa’. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp: tất cả những gì tốt đều đẹp. Một quan niệm khác liên quan đến chúc lành, đó là một hành động không ngừng của Thiên Chúa để ban sự sống và phẩm tính của Người cho các tạo vật.
Chúc lành ban cho con người, đỉnh cao của tạo thành, để con người thống trị chúng; nhưng lưu ý: thống trị trong nghĩa tôn trọng những quy luật để phát triển chúng; làm chủ những không làm thiệt hại.
Phúc lành xuất phát từ Thiên Chúa và con người, khi chúc phúc cho cái gì hay cho một ai đó, họ làm nhân danh Thiên Chúa. Nhân danh mình, con người không chúc lành nhưng cầu nguyện, nghĩa là tôn vinh Thiên Chúa về các ân huệ lãnh nhận: sự sống, cơm bánh, lao động làm nên phẩm giá của con người, trí khôn…Phúc lành thật là điều đáng nói vào ngày đầu năm. Thánh vịnh đáp ca diễn tả cách rõ nét hơn: Thiên Chúa chúc lành cho ta bằng cách tỏ khuôn mặt tươi sáng của Người cho ta.
Vì chúc lành của Thiên Chúa sinh hiệu quả, ân huệ cao cả nhất mà phúc lành mang đến cho ta là ‘Con của Người ở giữa chúng ta’, là dung mạo của Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu. Một tình yêu đến mức độ chia sẻ hoàn toàn lịch sử con người của chúng ta.
Qua câu ‘sinh làm con một người phụ nữ’Thánh Phaolô khẳng định rằng Đức Giêsu đến sống trong thời gian, ân ban của Thiên Chúa, để nên gần gủi với chúng ta đến độ làm cho ta nên anh em của Người và là con cái Thiên Chúa, và cùng với Người có thể gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! Nhập thể nói lên ý nghĩa của việc chúng ta được gọi là con Thiên Chúa: ‘Không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con’.
Tin mừng trình bày cho ta một thái độ mẫu mực của Mẹ Thiên Chúa (Theotokos): ‘Còn Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Đây là thái độ chiêm niệm đặt nền trên sự tiếp nhận, lắng nghe và sẵn sàng; là tiến trình mở lòng ra cho mạc khải, cho sự hiểu biết, làm ấm áp tâm hồn mình trước khi mang đến cho người khác
Vì thời gian là ân ban của Đấng Tối cao, nên không thuộc về chúng ta, nên ta cần phải dấn thân theo hướng Đấng ban tặng chỉ dẫn chứ không theo cách ích kỷ.Thời gian không thuộc về tôi, là của anh em, tôi phải trả lại cho anh em.
Ngày lễ hôm nay được đặt ngày đầu năm dương lịch để nhắc nhớ ta biết rằng ngày tháng trong một năm được ban cho ta để ta sống cách hòa hợp và hòa bình theo ý muốn của Đấng Ban Tặng. Hãy chúc nhau những lời chúc năm mới, nhưng đúng hơn hãy chúc nhau bình an: Chúc Mừng Năm Mới! Bình An!
Thánh Basiliô và Grêgôriô Nazianzen
Thánh Basilio (Cêsarêa Cappadocia, là Kaysery hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ, 330-379), giám mục nơi quê hương mình năm 370, là một trong những khuôn mặt nổi bật của Giáo Hội thế kỷ IV: hướng dẫn các kitô hữu, bảo vệ đức tin và tự do cho Giáo Hội, khôi phục những hình thức mới cho đời sống cộng đoàn, thieết lập những tổ chức bác ái, khuyến khích phụng vụ và là tác giả phong phú trong lãnh vực khổ chế, thần học gia và nhà giảng thuyết.
Thánh Grêgôriô (Nazianzo, Nemisi Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, 330-390) làm bạn với thánh Basiliô trong việc đào tạo văn hóa và nhiệt tâm chiêm niệm. Được chọn làm Thượng Phụ Costantinopoli vào năm 381. Là thần học gia và là nhà lãnh đạo.
‘Ông là ai’? là câu hỏi người ta đặt ra cho Gioan Tẩy Giả, cũng là cho mỗi người chúng ta. Đi theo Đức Giêsu đòi hỏi trước hết là tự hỏi chính lòng mình. Việc tự xét mình và lòng chân thực là một dữ liệu căn bản để gặp được Thiên Chúa; bạn nói mình là ai? Không phải là những điều người khác nói về mình, điều mà mình muốn họ nói về mình. Không, bạn nói mình là ai? Gioan dạy cho ta: nếu tôi không có can đảm đi vào ‘bên trong’ của mình, tôi không bao giờ có thể gặp được Đấng Cứu Thế.
Bạn nói mình là ai? Gioan Tẩy Giả rất thẳng thắn rõ ràng: ông không phải là Đấng Cứu Thế, cũng không phải là Êlia, chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Ông không muốn tự cho mình là Thiên Chúa, cũng không có mơ ước quyền năng! Thế giới ngày nay thì không như thế: ta cảm thấy cần phải thể hiện chính mình, cần phải thành công, khẳng định mình, giá trị mình. Ta điều khiển sự sống, thay đổi dòng chảy tự nhiên, khoa học khiến ta tin rằng mình làm chủ vũ trụ. Gioan không lợi dụng cơ hội vị thế của mình để tự cho mình là Đấng Cứu Thế. Ngay cả làm một vị ngôn sứ, cũng không. Ông khám phá rằng mình chỉ là tiếng kêu: nói, gọi, chuẩn bị. Thế giới hiện nay, trong đó giá trị của con người được đo đạc bằng hiệu quả sản xuất, có lẽ Gioan Tẩy Giả sẽ được xem như người ngoài luồng, người chẳng làm tích sự gì. Giáng Sinh là tiếp nhận Thiên Chúa với sự thật, một Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta…
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê