Suy niệm hằng ngày tuần trước lễ Hiển Linh - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Chủ nhật - 31/12/2017 08:27  2684
Thứ Hai trước Hiển Linh
Ngày 01.01 Cuối tuần Bát Nhật GS
Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Một năm mới khởi đầu với dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa. Ta đọc thấy trong sách Sáng Thế (St 1,22) đoạn Thiên Chúa chúc phúc cho chim trời cá biển và ra lệnh:  Hãy sinh sôi nẩy nở cho thật nhiều. Từ đoạn sách thánh này ta nhận thấy rõ ràng hiệu quả của chúc lành có liên hệ đến sự sống và sự phong nhiêu.

Tiếp tục đọc sách Sáng Thế, nơi St 2,3, ta thấy Thiên Chúa chúc lành cho ngày thứ bảy để trở thành nguồn sự sống, sự phát triển cho con người được tạo dựng giống hình ảnh Đấng Tạo Hóa: Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và phán với họ: Hãy sinh sôi nẩy nở cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất (St 1,27-28)

Phúc lành (berahà) chúng ta không chỉ tìm gặp thấy nơi sách Sáng Thế, mà còn nơi sách Dân số nữa (Ds 6,22-27), trích đoạn trong phụng vụ hôm nay: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em. Nguyện Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em. Nguyện Thiên Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em. Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng’.

Kính thánh cho ta biết rằng phúc lành không chỉ là một ước mong, nhưng còn là dấu chỉ ‘hữu hiệu’ nơi những gì Thiên Chúa phán nữa. Người do thái quan niệm chúc lành như ‘hiệp thông sự sống với Đức Chúa’. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp: tất cả những gì tốt đều đẹp. Một quan niệm khác liên quan đến chúc lành, đó là một hành động không ngừng của Thiên Chúa để ban sự sống và phẩm tính của Người cho các tạo vật.

Chúc lành ban cho con người, đỉnh cao của tạo thành, để con người thống trị chúng; nhưng lưu ý: thống trị trong nghĩa tôn trọng những quy luật để phát triển chúng; làm chủ những không làm thiệt hại.

Phúc lành xuất phát từ Thiên Chúa và con người, khi chúc phúc cho cái gì hay cho một ai đó, họ làm nhân danh Thiên Chúa. Nhân danh mình, con người không chúc lành nhưng cầu nguyện, nghĩa là tôn vinh Thiên Chúa về các ân huệ lãnh nhận: sự sống, cơm bánh, lao động làm nên phẩm giá của con người, trí khôn…Phúc lành thật là điều đáng nói vào ngày đầu năm. Thánh vịnh đáp ca diễn tả cách rõ nét hơn: Thiên Chúa chúc lành cho ta bằng cách tỏ khuôn mặt tươi sáng của Người cho ta.

Vì chúc lành của Thiên Chúa sinh hiệu quả, ân huệ cao cả nhất mà phúc lành mang đến cho ta là ‘Con của Người ở giữa chúng ta’, là dung mạo của Thiên Chúa, nghĩa là tình yêu. Một tình yêu đến mức độ chia sẻ hoàn toàn lịch sử con người của chúng ta.

Qua câu ‘sinh làm con một người phụ nữ’Thánh Phaolô khẳng định rằng Đức Giêsu đến sống trong thời gian, ân ban của Thiên Chúa, để nên gần gủi với chúng ta  đến độ làm cho ta nên anh em của Người và là con cái Thiên Chúa, và cùng với Người có thể gọi Thiên Chúa là Abba, Cha ơi! Nhập thể nói lên ý nghĩa của việc chúng ta được gọi là con Thiên Chúa: ‘Không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con’.

Tin mừng trình bày cho ta một thái độ mẫu mực của Mẹ Thiên Chúa (Theotokos): ‘Còn Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng’. Đây là thái độ chiêm niệm đặt nền trên sự tiếp nhận, lắng nghe và sẵn sàng; là tiến trình mở lòng ra cho mạc khải, cho sự hiểu biết, làm ấm áp tâm hồn mình trước khi mang đến cho người khác

Vì thời gian là ân ban của Đấng Tối cao, nên không thuộc về chúng ta, nên ta cần phải dấn thân theo hướng Đấng ban tặng chỉ dẫn chứ không theo cách ích kỷ.Thời gian không thuộc về tôi, là của anh em, tôi phải trả lại cho anh em.
Ngày lễ hôm nay được đặt ngày đầu năm dương lịch để nhắc nhớ ta biết rằng ngày tháng trong một năm được ban cho ta để ta sống cách hòa hợp và hòa bình theo ý muốn của Đấng Ban Tặng. Hãy chúc nhau những lời chúc năm mới, nhưng đúng hơn hãy chúc nhau bình an: Chúc Mừng Năm Mới! Bình An!

Ngày 02.01
Thánh Basiliô và Grêgôriô Nazianzen

Thánh Basilio (Cêsarêa Cappadocia, là Kaysery hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ, 330-379), giám mục nơi quê hương mình năm 370, là một trong những khuôn mặt nổi bật của Giáo Hội thế kỷ IV: hướng dẫn các kitô hữu, bảo vệ đức tin và tự do cho Giáo Hội, khôi phục những hình thức mới cho đời sống cộng đoàn, thiết lập những tổ chức bác ái, khuyến khích phụng vụ và là tác giả phong phú trong lãnh vực khổ chế, thần học gia và nhà giảng thuyết.

Thánh Grêgôriô (Nazianzo, Nemisi Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, 330-390) làm bạn với thánh Basiliô trong việc đào tạo văn hóa và nhiệt tâm chiêm niệm. Được chọn làm Thượng Phụ Costantinopoli vào năm 381. Là thần học gia và là nhà lãnh đạo.

‘Ông là ai’? là câu hỏi người ta đặt ra cho Gioan Tẩy Giả, cũng là cho mỗi người chúng ta. Đi theo Đức Giêsu đòi hỏi trước hết là tự hỏi chính lòng mình. Việc tự xét mình và lòng chân thực là một dữ liệu căn bản để gặp được Thiên Chúa; bạn nói mình là ai? Không phải là những điều người khác nói về mình, điều mà mình muốn họ nói về mình. Không, bạn nói mình là ai? Gioan dạy cho ta: nếu tôi không có can đảm đi vào ‘bên trong’ của mình, tôi không bao giờ có thể gặp được Đấng Cứu Thế.

Bạn nói mình là ai? Gioan Tẩy Giả rất thẳng thắn rõ ràng: ông không phải là Đấng Cứu Thế, cũng không phải là Êlia, chỉ là tiếng kêu trong hoang địa. Ông không muốn tự cho mình là Thiên Chúa, cũng không có mơ ước quyền năng! Thế giới ngày nay thì không như thế: ta cảm thấy cần phải thể hiện chính mình, cần phải thành công, khẳng định mình, giá trị mình. Ta điều khiển sự sống, thay đổi dòng chảy tự nhiên, khoa học khiến ta tin rằng mình làm chủ vũ trụ. Gioan không lợi dụng cơ hội vị thế của mình để tự cho mình là Đấng Cứu Thế. Ngay cả làm một vị ngôn sứ, cũng không. Ông khám phá rằng mình chỉ là tiếng kêu: nói, gọi, chuẩn bị. Thế giới hiện nay, trong đó giá trị của con người được đo đạc bằng hiệu quả sản xuất, có lẽ Gioan Tẩy Giả sẽ được xem như người ngoài luồng, người chẳng làm tích sự gì. Giáng Sinh là tiếp nhận Thiên Chúa với sự thật, một Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta…
+++
Chúng ta không thể hiểu được nụ cười của Thiên Chúa nếu lòng ta đầy tràn chính mình. Nếu quan tâm duy nhất của ta là thể hiện chính mình, nếu lo lắng của ta muốn được chấp nhận, được ca tụng làm chủ từng suy nghĩ và hành động của ta. Chúng ta không có không gian dành cho Thiên Chúa nếu ta tự biến mình thành ‘Chúa’ cho chính mình.

Trang tin mừng hôm nay dạy ta điều này, xem thánh Gioan Tẩy Giả là nhân vật chính. Người ta từ xa đến để hỏi ông điều này, dân chúng đến để nghe lời rao giảng của ông và để được ông thanh tẩy cho. Tất cả đều nghĩ trong lòng rằng ông này là Đấng Messia: vì ông có phẩm chất và khả năng đó. Ông có thể tự nhận mình là Thiên Chúa, nhưng ông đã không làm thế. Ông thực hiện sứ vụ của ông theo sự thật và lòng khiêm nhường.

Nhiều người nghĩ rằng để trở thành tín hữu, cần phải quên chính mình. Gioan Tẩy Giả không tự nhận mình là Thiên Chúa và dưới ánh sáng của Lời, trải đầy kinh nghiệm về Thiên Chúa, ông nói mình chỉ là tiếng kêu. Người cao trọng biết nhận mình chỉ là tiếng kêu của Lời Thiên Chúa. Còn ta, ta nói gì về chính mình?

Ngày 03.01 trước Hiển Linh

Trong bài tin mừng ngày hôm qua ta thấy Gioan Tẩy Giả làm chứng về một đấng, một người chưa được biết đến, nhưng chẳng bao lâu sẽ được biết đến.

Trong đoạn tin mừng hôm nay, ta thấy vị sứ giả của Thiên Chúa nhận biết Đức Giêsu giữa đám đông dân chúng. Gioan Tẩy Giả đưa tay cao để chỉ về Ngài và nói: ‘Đây Chiên Thiên Chúa, đây đấng gánh tội trần gian!...Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ cầu từ trời xuống và ngự trên ngài. Tôi đã không biết ngài, nhưng chính đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống trên ai thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là đấng Thiên Chúa tuyển chọn’.

Gioan tẩy Giả làm chứng để thuyết phục mọi người rằng Đức Giêsu là ‘Đấng có trước’, là Người Tôi Tớ đau khổ trong sách Isaia, là sự thực hiện niềm mong chờ của dân do thái biểu tượng bằng ‘Con Chiên Vượt Qua’.

Ngày 04.01 trước Hiển Linh

Gioan cho ta một ví dụ điển hình về ‘người môn đệ mẫu mực’. Trong tin mừng hôm nay nói đến ơn gọi, nói đến Thiên Chúa là đấng kêu gọi ta đến với Người. Bước đầu tiên cần phải làm là nghe tiếng của Đức Giêsu; phải có ai đó chỉ cho ta: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’. Và, cũng như hai môn đệ, ta bắt đầu đi theo Người. Rồi Đức Giêsu quay lại để hỏi ta: ‘Các anh tìm gì thế? Ta phải trả lời: ‘Thưa Thầy, Thầy ở đâu?
Ta hãy nhớ lại lời của thánh Augustinô và lập lại: ‘Lòng con mãi khắc khoải cho đến khi yên nghỉ trong Chúa’.
Ngay lúc khởi đầu cuộc đời làm môn đệ, Đức Giêsu mời gọi ta: ‘Đến mà xem’.
Trong nhiều trang sách Cựu Ước nhắc đến lời Chúa mời gọi trở về với Người, bỏ những thói quen xấu và quay về với Người. Thiên Chúa muốn những đứa con ngỗ nghịch quay về với Người.

Đến lúc viên mãn, trong mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa còn mời gọi ta nữa, với những lời thật đơn sơ để ta có thể hiểu: ‘Hãy đến’. Đi theo Đức Giêsu làm môn đệ Người chúng ta tiến đến một mục đích, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống trần thế của ta: mục đích sau cùng là được kết hiệp với Thiên Chúa và ở cùng Người mãi mãi. Trong vườn Giêsêmani Đức Giêsu cầu nguyện: ‘Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những kẻ Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành’ (Ga 17,24).

Ngày 05.01 trước Hiển Linh
‘Cứ đến mà xem’.

Ngay khởi đầu Sách Thánh, trong sách Sáng Thế, ta đọc thấy: ‘Thiên Chúa phán: Hãy có ánh sáng! Và có ánh sáng. Thiên Chúa thấy ánh sáng là tốt đẹp…’ (St 1,3). Quả thật, không có ánh sáng người ta không thể nhìn thấy và không thể có bất cứ liên lạc nào.
Dưới ánh sáng của Người, con nhìn thấy ánh sáng (Tv 35,10)
Đức Giêsu là ánh sáng thế gian. Ánh sáng cho ta thấy, và Đức Giêsu cho ta nhìn thấy bằng đôi mắt đức tin.
Nathanael đến với ánh sáng: ông tin vào đấng biết rõ tận trong thâm sâu tâm hồn ông, nên ông biết Ngài là Con Thiên Chúa. Trong ánh sáng của sự thật có một sự nhận biết hỗ tương. Nhưng Nathanael sẽ còn thấy những điều cao trọng hơn nữa: sẽ nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu được tỏ lộ trong tiệc cưới Cana.

Nơi Đức Giêsu kết tinh thực tại về chiếc thang mà tổ phụ Giacóp đã thấy trong giấc mơ, trên chiếc thang ấy các thiên thần Chúa lên lên xuống xuống: lời hứa ban sự hòa hợp đất trời được Con Thiên Chúa thực hiện, đấng mở đường dẫn về trời để ta nhìn thấy, cũng như Giacóp (St 32,30), khuôn mặt của Thiên Chúa, thực sự chứ không phải trong giấc mơ nữa.

Ngày 06.01 trước Hiển Linh

Thánh sử Matcô thuật lại phép rửa của Đức Giêsu với những lời hết sức giản đơn. Ông không thuật lại việc sinh hạ của Đức Giêsu và cũng không nói về thời niên thiếu của Chúa. Đối với thánh sử, tất cả đều bắt đầu bằng phép rửa của Đức Giêsu. Một vài câu dành nói về sứ vụ của thánh Gioan nhắc nhớ và tóm tắt việc nhân loại đã lâu dài mong chờ Đấng Cứu Thế đến. Sứ vụ của Đấng Cứu Thế bắt đầu bằng việc vị tiền hô bước sang vị trí phụ (chỉ là người làm phép rửa trong nước) để dành lại sân khấu cho đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Khởi đầu một kỷ nguyên mới, một tạo thành mới. Đấng Tạo Hóa đảm nhận vai trò tạo vật. Đấng Cứu Thế bước xuống sống Giođan như một tội nhân. Đức Giêsu bước ra khỏi nước và đảm nhận sứ vụ của mình, tựa như thời nguyên thủy, con người được tạo nên bằng bùn đất, khi một dòng nước tưới tràn mặt đất (St 2,6). Đức Giêsu lãnh nhận Thần Khí tựa như ngày trước ‘Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật’ (St 2,7).

Theo Matcô, con người mới chính là Đức Giêsu. Nhân loại khi ấy lại bắt đầu, cùng với phép rửa của Đức Giêsu, dựa trên những nền tảng mới. Cần phải trải qua kinh nghiệm sự chết để bước vào vinh quang phục sinh. Cần phải được biến đổi dần dần nơi mỗi người, chờ đến ngày ‘thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến…Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời’ ( Mc 13, 26-27). Lúc ấy sẽ không còn phép rửa nữa (Cv 21, 23-27).

Ngày 07.01 trước Hiển Linh

‘Giờ tôi chưa đến’, Đức Giêsu trả lời mẹ mình, là người vừa nói những lời: ‘Họ hết rượu rồi’.
‘Giờ’ ở đây có ý nghĩa gì?
Đối với Gioan, khoảnh khắc quan trọng nhất là giây phút trên đồi Calvê; lỗ kim mà ngài phải đi qua để thuộc về toàn thể lịch sử, cho mọi người qua mọi thời; nhưng giờ cũng là thời gian của sứ vụ công khai: là thời gian của những dấu chỉ, những phép lạ!
Đức Giêsu cũng phải tuân phục theo một thời gian không phải của ngài, mà Chúa Cha đã trao cho, thời gian trong đó, cho dẫu là Thiên Chúa nhưng Ngài đã trút bỏ vinh quang để nên con người.

Phép lạ Cana là một phép lạ của lòng tin đức Maria. Cũng như sẽ xảy ra cho người đàn bà xứ Canaan, cho viên đại đội trưởng, đức tin của Đức Maria đã khiến Đức Giêsu đi trước thời gian. Ta thấy sức mạnh của ‘người nữ’ mở ra bữa tiệc Cana và đóng lại dưới chân thập giá những phút tận cùng của ‘giờ’.

Sức mạnh của đức tin ngời sáng ngay trong niềm vui của chủ tiệc khi nếm rượu ngon: Thiên Chúa đồng hành với con người một cách hoàn hảo. Không chỉ có bánh mà thôi mà còn có cả rượu ngon nữa.
 

Tác giả: Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập105
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm91
  • Hôm nay14,065
  • Tháng hiện tại668,579
  • Tổng lượt truy cập52,837,527

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây