Suy Niệm Thánh Vịnh 71 - Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê

Thứ năm - 04/01/2018 03:11  2680
Suy Niệm Thánh Vịnh 71    
 
1 Của vua Sa-lô-môn.
            Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
            trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
2          để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
            và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
 
3          Núi đem lại cảnh hoà bình trăm họ,
            đồi rước về nền công lý vạn dân.
4          Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
            ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
            đập tan lũ cường hào ác bá.
 
5          Nguyện chúc Người tuổi thọ sánh vầng ô,
            như bóng nguyệt đến muôn đời muôn kiếp !
6          Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
            ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
7          Triều đại Người, đua nở hoa công lý
            và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
 
8          Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
            từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
9          Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,
            tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.
10        Từ Tác-sít và hải đảo xa xăm,
            hàng vương giả sẽ về triều cống.
            Cả những vua Ả-rập, Xơ-va,
            cũng đều tới tiến dâng lễ vật.
11        Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,
            muôn dân nước thảy đều phụng sự.
 
12        Người giải thoát bần dân kêu khổ
            và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
13        chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
            Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
14        giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
            từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
 
15        Tân Vương vạn vạn tuế !
            Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
            và cầu xin cho Người luôn mãi,
            ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
16        Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
            đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
            trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
            thâu lượm được nhiều như cỏ dại.
 
17        Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
            nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
            Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
            và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
 
18        Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
            chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
19        Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
            ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu ! 
            A-men. A-men.
 
Cùng Đọc Với Israel
Thánh vịnh này được viết sau lưu đày, vào thời mà nhà Đavít không còn cai trị nữa, nên được nhắm đến vị Vua Cứu Thế (Messia), vương quốc cứu độ được mọi người mong đợi, một vương quốc phổ quát và vĩnh cửu. Chỉ có vương quốc của Thiên Chúa mới vĩnh cửu. Vị vua trần gian nào ước vọng điều đó là điều vô ích. Cũng như thường thấy nơi các thánh vịnh khác, thánh vịnh này cũng khoác lấy một tấm áo văn chương: nghĩa là một ngôn ngữ biểu tượng, sử dụng văn phong của các cung điện Đông Phương, với những lối nói cường điệu và tư tưởng đế vương, để nói cho ta biết về một huyền nhiệm, một mạc khải không phải dựa trên hệ thống chính trị nhưng đặt nền trên chính Thiên Chúa.
 
Cùng Đọc Với Đức Giêsu
Đây là thánh vịnh thích hợp nhất cho phụng vụ lễ Hiển Linh. Giống như một lời sứ ngôn tiên báo về các Đạo Sĩ: Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật. Nhưng ngoài những chi tiết cụ thể như thế, toàn thể thánh vịnh này nhằm đến Đức Giêsu, là bạn hữu và người bảo hộ những kẻ nghèo hèn, người bênh vực những kẻ cùng khổ, chiến thắng sự dữ, tội lỗi và sự chết. Chỉ có Ngài là Vua, đúng nghĩa nhất. Chỉ có vương quốc của Ngài, vương quốc tình yêu là trường cửu. Và chúng ta được mời gọi để làm cho vương quốc của Ngài mau hiển trị.
Chúng ta hãy hình dung hình ảnh Đức Giêsu, một anh thợ mộc không ai biết đến, cùng đọc thánh vịnh này với các đồng hương của Ngài trong hội đường tại làng quê Nagiarét bé nhỏ; chính Ngài ‘bé nhỏ và nghèo hèn’, nhưng Ngài hoàn toàn ý thức về sứ vụ vương giả của mình lan rộng đến ‘tận cùng trái đất và mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành’.
 
Cùng Đọc Với Người Thời Nay
Cầu nguyện cho đức vua, cầu nguyện cho vương quốc Đức Giêsu, ta cần phải làm lại và hôm nay phải mang lại cho lời cầu nguyện này sức sống mới. Chúng ta có sứ vụ đó. Ta không có quyền chờ đợi cách thụ động: phải làm việc. Mỗi người chúng ta có thể làm được điều đó, ngay trong chính vị trí khiêm tốn của mình. Những trách nhiệm của ta, ta cũng cần duyệt xét lại từ chương trình này của Đức Giêsu:
Đến tận cùng trái đất…mọi sắc tộc trần gian…muôn dân thiên hạ. Tôi có tấm lòng rộng mở như thế không? Hay tôi tự khép mình trong tiểu vũ trụ của tôi? Dự định của Thiên Chúa mang tính hoàn vũ. Qua truyền hình và truyền thanh, qua các tổ chức đủ loại, cả thế giới giờ đây ở ngay trước cửa nhà chúng ta. Tôi có thể hành động tại Bangladesh, tại Liênxô, tại Indonêsia…bằng lời cầu nguyện tha thiết và bằng những dấn thân của tôi. Các hoạt động truyền giáo đang chờ sự cộng tác tích cực của tôi cho những người nghèo của thế giới thứ ba.
Đập tan lũ cường hào ác bá…tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ. Sữ dữ cần phải biến mất! Kẻ khai thác con người cần phải biến mất! Làm sao ta tố cáo là đồ ‘Mácxít’ những người sử dụng ngôn ngữ thánh vịnh và tin mừng này? Làm sao ta có thể đứng yên một bên những tranh đấu để giảm thiểu điều dữ giữa con người?
Công lý…công lý…công lý. Khao khát công bình xã hội là điều của mọi thời (ta thấy đầy dẫy trong thánh vịnh này). Nhưng đặc biệt trong thời đại chúng ta.  Làm gì để thực hiện công bình xã hội mọi nơi ta sinh sống? Có hàng ngàn môi trường mà công bình phải ngự trị: gia đình, lao động, tổ chức ta tham gia, những quan hệ quốc tế…Hãy làm việc cách trung thực…Trả đúng giá…lương bổng đúng mức…Công bình với con cái, bạn hữu, đồng nghiệp…làm sao tôi có thể hát lên thánh vịnh này khi mà tôi không dấn thân vào những nơi mà Thiên Chúa muốn cho công bình được phát triển?
Kẻ nghèo hèn…dân cùng khổ. Công bình không nhất thiết là giữ cán cân ngang bằng, nhưng còn là chủ ý làm lệch về bên những người bị thiệt hại. Làm thiệt hại một người yếu đuối thì tệ hơn làm thiệt hại một người mạnh mẽ, vì kẻ mạnh có gì đó để tự vệ, còn kẻ yếu thì không. Vua Cứu Thế đứng về phía những kẻ nghèo, còn chúng ta thì sao?
Vàng Ảrập…xứ sở đầy dư lúa gạo…Hình ảnh phong nhiêu và hạnh phúc. Hình ảnh thịnh vượng hầu như mầu nhiệm vào thời thiên sai. Hình ảnh vật chất, biểu tượng của hạnh phúc tinh thần mà Đức Giêsu có thể mang lại cho cả những người bần cùng…còn những kẻ giàu sang Người không biết đến. Hạnh phúc thời thiên sai chính yếu là hòa bình, (hai lần nối kết với công lý trong Thánh vịnh). Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thái bình (shalom).
Tất cả đều có trách nhiệm. Nếu chúng ta thuộc phe nhóm dân chủ, cộng hòa, có lẽ ta sẽ bực tức vì ý thức hệ quân chủ đầy dẫy trong thánh vịnh. Những vị ‘vua’ theo nghĩa chặt, ngày nay không còn nhiều nữa. Lời cầu nguyện cho đức vua được diễn tả ở đây xem chừng như lỗi thời đối với nhiều người thời nay, đối với họ lý tưởng là sự tham gia nhiều vào các nhóm, tổ chức, hiệp hội…Phải chăng ta nên đưa thánh vịnh này vào viện bảo tàng? Tại sao ta không cầu nguyện thánh vịnh này với thời đại chúng ta bằng cách thổi vào thế giới hiện đại tất cả những gì tốt khi mà nó đang ao ước có được sự đảm nhận khắp nơi các trách nhiệm. Nếu ngày nay càng ngày càng ít đi các vị vua, thì càng ngày lại càng có nhiều người đảm nhận trách nhiệm hơn trong mọi bình diện khác nhau. Vậy tại sao ta lại không cầu nguyện cho họ? Trong lời nguyện chung ngày Chúa nhật, Giáo hội mời gọi ta làm điều đó. Thánh vịnh mang sắc thái hoàn toàn hiện đại nếu ta biết hiện tại hóa bằng cách cầu nguyện cho những người đang đảm nhận những trách nhiệm: ‘cho họ biết cai trị trong công bình…bênh vực quyền lợi cho người nghèo khổ…quan tâm chăm sóc những kẻ yếu đau bần cùng…chống lại sự áp bức, bạo lực…phát triển sự thịnh vượng và hòa bình’. Và đừng quên rằng cầu nguyện cho những vị hữu trách không bao giờ có nghĩa là miễn trừ cho ta khỏi tham gia vào công việc của họ. Trong nền dân chủ đích thực, thành đạt trong công ích, điều hành một doanh nghiệp, bầu khí gia đình không có thể chỉ dựa trên những người có quyền: tất cả chúng ta đều có bổn phận để làm phát triển công bình.
Vua mà không phải là vua! Israel cho ta một bài học để đời cho mọi hệ thống chính trị: trong kinh thánh, đức vua không phải là vua! Chính Thiên Chúa! Dưới cái vẻ bề ngoài xem chừng giống với chế độ của các nước láng giềng, Israel có một trải nghiệm hết sức độc đáo: không phải vương quyền, không phải dân chủ…nhưng là thần quyền. Chính Thiên Chúa mới là chủ. Còn có ai đó ở bên trên người nắm quyền. Họ không thể cai trị theo sở thích cũng như lợi ích riêng họ. Họ sẽ bị xét xử. Khi ta cầu nguyện cho nhà vua, trong đất nước Israel, thực sự là cách thức để nhắc nhở cho nhà vua những bổn phận của mình: Thiên Chúa có dự tính trên các xã hội, mà ta cần phải cố gắng đảm nhận thực hiện.
 
Noël Quesson, 50 Psaumes pour tous les jours, Tome I
Lm. Phêrô Phạm Ngọc Lê chuyển dịch
 
 Tags: vương quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm81
  • Hôm nay37,556
  • Tháng hiện tại243,178
  • Tổng lượt truy cập53,228,213

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây