Việc đầu tiên Đấng Phục sinh đã làm sau khi sống lại là tìm đến với các môn đệ ở khắp nơi họ có mặt : với các phụ nữ tại ngôi mộ, với hai môn đệ trên đường Emmau, với nhóm Mười hai giam mình trong nhà tiệc ly, hay nhóm môn đệ đang thả lưới ngoài biển hồ. Ngài đến qui tụ họ lại, đem bình an đến, sự bình an đã bị cướp mất trong biến cố Khổ nạn. Ngài củng cố niềm tin cho họ nhờ ân huệ Thánh Thần, mở lòng trí cho họ am hiểu Thánh Kinh và sai họ lên đường đến với muôn dân.
Chúa Phục sinh đã giúp môn đệ nhận biết cách hiện diện mới của Ngài : ở mọi nơi với các kẻ tin vào Ngài, ở mọi nơi người tín hữu họp mặt.
GIÁO HỘI TIÊN KHỞI SINH HOẠT Ở ĐÂU ?
Có thể nói rằng Giáo hội tại Giêrusalem không có nhà thờ riêng hay nói đúng hơn nhà thờ của giáo hội chính là các gia đình. “Họ đồng tâm nhất trí với nhau, ngày ngày siêng năng hội họp tại đền thờ. Còn lễ bẻ bánh thì làm tại tư gia”. (Cv. 2,46).
Và khi mọi liên hệ với Do Thái giáo bị cắt đứt, thì mọi sinh hoạt của Hội Thánh tiên khởi được tổ chức tại gia đình các tín hữu. Các tông đồ Phêrô, Phaolô giảng dạy và bẻ bánh tại các tư gia nơi “nhiều người tụ họp và cầu nguyện” (Cv. 12,12; 20,7 tt).
Tại Rôma, trong gần 3 thế kỷ đầu, suốt thời gian bắt đạo, Hội Thánh không có đền thờ, nhưng sinh hoạt trong các nhà riêng hay trong các nghĩa trang ngoại thành, nơi chôn cất các vị tử đạo.
Sinh hoạt của Hội Thánh lúc bấy giờ là gì ?
“Anh em tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy,
luôn luôn sống với nhau trong tình huynh đệ,
siêng năng tham dự lễ bẻ bánh,
và không ngừng cầu nguyện” (Cv. 2,42)
GIA ĐÌNH NƠI CHÚA PHỤC SINH CÓ MẶT
Trước khi có các nhà thờ, các tu viện, gia đình đã là nơi qui tụ các tín hữu và là nơi Chúa Giêsu Phục sinh có mặt và hoạt động qua Chúa Thánh Thần và các tông đồ.
Chắc hẳn đây không phải là chuyện ngẫu nhiên, trùng hợp, nhưng đã nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Gia đình là nhà của Thiên Chúa. Sách Sáng Thế cho thấy hôn nhân và gia đình xuất phát từ ý định của Thiên Chúa và đã nhận sứ mạng tiếp tục công trình của Người.
Còn Chúa Giêsu khi vào đời đã sinh ra, đã sống trong một gia đình, gia đình thánh tại Nagiarét. Ngài đã cùng với Mẹ và các môn đệ dự tiệc cưới Cana và trong suốt thời gian giảng đạo thường xuyên đến với các gia đình Ladarô, gia đình Giakêu…
Sự có mặt của Chúa Phục sinh trong các gia đình còn được khẳng định rõ ràng hơn khi Thánh Phaolô xác nhận hôn nhân là một bí tích, một mầu nhiệm cao cả, “mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep. 5,32). Thật vậy, “nơi nào có hai hay ba người họp lại nhân danh Ta, Thì Ta ở giữa họ” (Mt.18,20). Mà hai vợ chồng sống trong một gia đình đã được qui tụ nhân danh Chúa bằng một bí tích với một sứ mạng rõ ràng, đích danh: đó là sự kết hợp giữa hai người Kitô hữu đã nhận lãnh bí tích Thánh tẩy, Thêm sức, Thánh Thể, một sự kết hợp trong tình yêu để biểu lộ và phát huy tình yêu giữa Thiên Chúa và Hội Thánh, với loài người.
Cũng giống như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, gia đình trở thành nơi họp mặt các Kitô hữu, các Kitô hữu - ba, các Kitô hữu - mẹ, các Kitô hữu - con, các Kitô hữu - ông - bà… để lắng nghe Lời Chúa, để sống hiệp thông, để cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hòa giải, để cầu nguyện và làm chứng Chúa Kitô cho nhau, cho người khác. Như thế gia đình quả thật đã sống mọi hoạt động của Giáo hội. Và nơi nào có Giáo hội, nơi đó có Thần Khí. Nơi nào có Thần Khí, nơi đó có Chúa Kitô Phục sinh, nơi đó có Thiên Chúa Ba Ngôi.
ĐỂ GIA ĐÌNH MÃI MÃI LÀ MỘT GIÁO HỘI ĐÍCH THẬT CỦA CHÚA BA NGÔI. MỘT HỘI THÁNH TẠI GIA
Hội Thánh đã bắt đầu từ các gia đình. Điều này không chỉ đúng trên bình diện lịch sử và truyền giáo. Song còn đúng ở góc độ phát triển nội bộ nữa. Các thành viên mới của cộng đoàn dân Chúa đến từ các gia đình, và được nuôi dưỡng, lớn lên trong lòng gia đình. Các trẻ thơ sinh ra nhận được hạt giống đức tin khi cha mẹ đem con lên dâng Chúa trong nhiệm tích Thánh tẩy. Rồi từng ngày, từng ngày, nhờ tình thương và gương sáng của những người trong gia đình, nhờ lời dạy bảo màem bé lớn lên trong đức tin. Sau đó em nhận lãnh nhiệm tích Hòa giải và Thánh Thể, rồi nhiệm tích Thêm sức để đủ khả năng để trở thành một thành viên đích thực và tích cực của giáo hội nhỏ của chính gia đình mình. Trong trường dạy đức tin là gia đình, cũng là trường tông đồ mà em bé được trưởng thành trong niềm tin để có thể trở thành chứng nhân và tông đồ của Chúa Kitô nơi môi trường sống hằng ngày của mình.
Để gia đình càng ngày càng trở nên một giáo hội tại gia, môt giáo hội nhỏ đích thực của Chúa Ba Ngôi, không có điều kiện nào quá khó khăn vượt sức, mà chỉ cần noi gương Hội Thánh tiên khởi ở Giêrusalem. Thánh Luca mô tả sinh hoạt của cộng đoàn ấy trong Công vụ Tông Đồ chương 2, 42-47, tóm kết vào 5 việc chính sau đây:
1. Chuyên cần nghe lời rao giảng của các tông đồ.
2. Chuyên cần sống hiệp thông, yêu thương và chia sẻ mọi sự cho nhau.
3. Chuyên cần tham gia Lễ Bẻ Bánh (Thánh Lễ).
4. Chuyên cần cầu nguyện.
5. Chuyên cần làm chứng cho Chúa Kitô.
Nếu sức sống của Chúa Kitô Phục sinh, trong Chúa Thánh Thần, đã tác động trên cộng đồng Giêrusalem và thúc đẩy các Kitô hữu tiên khởi sống như vậy, xây dựng họ trở thành Hội Thánh của Thiên Chúa, thì gia đình gia đình của chúng ta cũng nhờ chuyên cần thực hiện những việc ấy để thực sự là nơi Chúa Phục sinh hiện diện và hoạt động qua Chúa Thánh Thần.
Cho nên một cách cụ thể của các gia đình Kitô hữu hôm nay được kêu gọi trở thành những :
GIA ĐÌNH 5 CHUYÊN !
Một chuyên chăm đọc PHÚC ÂM,
Hai chuyên chia sẻ xa gần HIỆP THÔNG.
Ba chuyên BẺ BÁNH thông công,
Bốn chuyên CẦU NGUYỆN ở trong gia đình.
Năm chuyên VUI SỐNG TIN MỪNG,
Tông đồ của Chúa chứng nhân cho Người.
Nguồn: ubmvgiadinh.org