TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 16. ĐỨC MẾN
“Nếu tôi… không có tình yêu”: những lời nổi tiếng của thánh Phaolô trong Bài ca Đức Mến (1 Cr 13) làm chứng và xác quyết rằng chẳng có gì trong đời sống con người có giá trị nếu thiếu tình yêu (GLHTCG 1826). Trong tất cả các nhân đức luân lý và đối thần, Đức Mến là cao trọng nhất (1 Cr 13,13). Thánh Catarina Siena, vị thánh được Giáo Hội tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh, đã trình bày lý do: “Linh hồn không thể sống mà không có tình yêu; linh hồn luôn mong muốn yêu thương điều gì đó. Nói cho cùng, linh hồn được làm nên bằng chất liệu tình yêu, vì Thiên Chúa đã dựng nên nó từ tình yêu” (Đối Thoại 2,1).
Lý do căn bản nhất của mọi sự là “kế hoạch hoàn toàn do lòng nhân hậu” của Thiên Chúa khi tạo dựng thế giới và con người (số 1). Mọi sự được tạo thành bằng chất thể tình yêu, nghĩa là từ ý muốn nhân lành của Chúa. Cội nguồn của mọi sự là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu muốn thông ban chính mình (số 294). Sách Thánh nói về các thụ tạo: “Và Thiên Chúa thấy thật là tốt” (St 1,10). Tác giả Josef Pieper diễn tả: “Yêu ai hay yêu điều gì đó là hướng về người đó hay sự vật đó mà nói: Thật tốt lành khi có bạn, khi bạn hiện hữu trong thế giới này”. Và triết gia hiện sinh người Pháp Gabriel Marcel diễn tả xa hơn: “Yêu ai là nói với người đó: Bạn sẽ không chết”.
Thế nhưng phải chăng tất cả những gì được dán nhãn “tình yêu” đều là tình yêu? Có nhiều hình thái của tình yêu và cũng có những lệch lạc. Yêu một đứa nhỏ là thứ tình yêu khác với tình yêu nhục dục, và cả hai lại khác với tình bạn. Tất cả những hình thái này đều có thể suy thoái, biến cái gọi là tình yêu thành ngục tù, nô lệ, tàn bạo. Để chắc chắn tình yêu trẻ nhỏ là tình yêu đúng nghĩa, tình yêu đó phải được khuôn đúc bằng hình thái tình yêu cao nhất mà Kinh Thánh gọi là agape, caritas, là Đức Mến, một nhân đức đối thần (số 1822). Tình yêu nhục thể vốn là điều tốt và được Thiên Chúa trao ban, nhưng nó có thể suy thoái thành sự lạm dụng khi biến người khác thành phương tiện cho mình đạt được mục đích ích kỷ của bản thân, vì thế nó cần được agape định hình và hướng dẫn (số 1827). Cũng thế, agape giữ gìn tình bạn khỏi sự ích kỷ, mở ra tình bạn chân chính, bao gồm cả Thiên Chúa và tha nhân.
Vậy, tình yêu đích thực, tình yêu được gọi là nhân đức đối thần này, hệ tại ở điều gì? Cái gì làm nên điều răn thứ nhất và cao trọng nhất này? Chúng ta cần phải làm gì (số 1823)?
Sẽ là sự hiểu lầm nếu cho rằng ba hình thái tình yêu đã nói trên đều là ích kỷ, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, còn Đức Mến thì hoàn toàn vô vị lợi. Nói cho cùng, điều răn thứ nhất dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu người lân cận “như chính mình”. Như thế tình yêu nơi chúng ta không bao giờ là hoàn toàn vô vị lợi. Là những thụ tạo đón nhận tất cả những gì đang có và đang là, chúng ta luôn cần đến tình yêu; vâng, trong quả tim nhân loại luôn có nhu cầu yêu thương đến vô tận. Tuy nhiên chúng ta khám phá ra rằng nỗi khao khát yêu thương vô tận này chỉ có thể đong đầy khi chính chúng ta yêu thương, cho đi quà tặng tình yêu.
Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, khi chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, thì con tim chúng ta càng mở rộng để đón nhận tình yêu, cho đến một ngày Thiên Chúa đổ đầy quả tim chúng ta bằng Tình Yêu của Ngài, vô biên, vô tận.
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy nơi Đức Mến được thể hiện cách đặc biệt, đó là yêu thương kẻ thù (số 1825), tức là nhìn thấy nơi người bị xem là kẻ thù, không phải sự dữ mà họ gây ra cho chúng ta, nhưng là sự tốt lành ở trong họ xét như là tạo thành của Chúa. Đây chính là sự tuyệt hảo của tình yêu nơi Đức Kitô, Đấng đã yêu thương tôi đến nỗi chết vì tôi (Gal 2,20).
Bài 17. CÁC HỒNG ÂN CỦA CHÚA THÁNH THẦN
Trong những bài suy niệm ngắn trước đây, chúng ta đã nói về nền tảng của luân lý Kitô giáo: về cùng đích của con người, hạnh phúc sung mãn, về những hành động và thái độ qua đó chúng ta hướng đến cùng đích bằng sự chọn lựa tự do. Những nhân đức có nhiệm vụ đặc biệt để thực hiện công việc này, vì là những thái độ đã trở thành như bản tính thứ hai, giúp chúng ta sẵn sàng và mau mắn làm những việc tốt.
Trong giáo huấn luân lý Kitô giáo, như thánh Tôma Aquinô khai triển, các hồng ân của Chúa Thánh Thần đóng vai trò riêng, cho dù cách chung người ta hiểu không đúng. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo cũng vắn tắt nhắc đến những hồng ân này (số 1830-1831). Vậy đâu là tầm quan trọng đặc biệt của những hồng ân này? Tại sao những hồng ân đó lại cần thiết để đời sống Kitô hữu vươn tới sức sống tròn đầy?
“Tất cả những ai được Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Buông mình theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, sống và làm việc theo sự thúc đẩy của Ngài, đó là điều làm nên “Đời sống trong Đức Kitô” (Tựa đề phần III trong Sách Giáo Lý).
Sách Giáo Lý trình bày hai nội dung quan trọng về những hồng ân của Chúa Thánh Thần: (1) Đó là “những xu hướng thường xuyên giúp cho con người dễ dàng tuân theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần” (1830); (2) “Các ơn này giúp các tín hữu dễ dàng vâng phục cách mau mắn những linh hứng của Thiên Chúa” (1831). Điều đó có nghĩa gì?
Hành động cách đúng đắn về mặt luân lý là hành động theo lý trí, khôn ngoan hướng đến những gì thích hợp. Chúng ta đã đón nhận sự tự do Thiên Chúa ban để chính mình có thể chọn lựa điều tốt. Không có tự do, cũng không có trách nhiệm, và trách nhiệm đòi hỏi phải suy nghĩ thấu đáo. Tự do của chúng ta được thể hiện không những trong hành động và điều hành, mà còn trong việc chấp nhận sự điều hành của Thiên Chúa. Buông mình theo sự hướng dẫn của Chúa chính là hình thức cao cả nhất của tự do.
Các bậc thầy trong đời sống thiêng liêng diễn tả bằng hình ảnh sống động: Khi chúng ta nắm giữ cuộc đời trong tay mình, điều đó giống như mình chèo thuyền bằng sức riêng; khi chúng ta để cho Chúa hướng dẫn thì giống như con thuyền có cánh buồm giúp đi tới nhẹ nhàng hơn. Các hồng ân Thánh Thần làm cho những khả năng và hành động của chúng ta năng động hơn từ bên trong, mạnh mẽ hơn và dễ dàng hơn là khi thực hiện bằng sức riêng.
Hoạt động của các ân huệ này – theo Isaia 11,2 là có bảy hồng ân – thường tỏ hiện cách rõ ràng nơi những con người đơn sơ. Có thể người nào đó có được sự khôn ngoan và minh triết nhờ học hành nghiên cứu hoặc trải nghiệm trong đời. Tuy nhiên những ơn gọi là “khôn ngoan, thông hiểu” mang ý nghĩa khác hơn, nó giống như cảm nhận thiêng liêng, “bản năng của Thánh Thần” làm cho chúng ta nhìn các sự vật và hoàn cảnh trong ánh sáng của Chúa, chứ không chỉ theo những tính toán của khôn ngoan nhân loại. Trong đời sống các thánh, chúng ta thấy “bản năng thiêng liêng” này hoạt động thế nào để dẫn các thánh vươn xa hơn những chuẩn mực của con người. Các hồng ân của Chúa Thánh Thần là những điều đang tạo nên sự mới mẻ, tươi trẻ, năng động trong đời sống Kitô hữu, ngay cả trong những việc nhỏ bé thường ngày.
Bài 18. TỘI LÀ GÌ?
Từ bài đầu đến nay, khi trình bày luân lý Kitô giáo, chúng ta chủ yếu nói về những yếu tố tích cực, những viên đá tảng của đời sống luân lý tốt lành. Thế nhưng không ai lại không có kinh nghiệm về những sai trái, lỗi lầm, thất bại trong đời. Cũng vậy, kinh nghiệm dạy rằng chúng ta không chỉ đơn thuần đối diện với những khó khăn về kỹ thuật, nhưng là những lỗi phạm về mặt luân lý đạo đức, những lỗi phạm mà chính chúng ta thấy xấu hổ và phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đang nói về tội (GLHTCG số 386).
Tội là gì? Có “tội” thật không? Ý thức về tội phải chăng chỉ là hậu quả của thứ cảm tính tôn giáo do Giáo Hội nhồi nhét? Nhiều nhà triết học và tâm lý học đã cố gắng “lột mặt nạ” của tội, cho rằng đó chỉ là sự nhồi nhét (hoặc tưởng tượng) của tôn giáo để tạo quyền lực trên con người. Nhưng trong thế kỷ này, khi đối diện với quá nhiều độc ác, quá nhiều sự dữ cố ý và tính toán tinh vi, quả là quá ngây thơ nếu muốn khước từ thực tại tội lỗi. Thế nhưng tội là gì?
Trước hết, đó là việc làm sai trái, vi phạm lề luật. Khi chúng ta nói đến việc “vi phạm luật giao thông”, điều đó có nghĩa là vi phạm lề luật khi lái xe, và bị coi là tội. Cách nói đó giúp ta hiểu tội là sự vi phạm trật tự của tạo thành, trật tự được trình bày trong Mười Điều Răn. Tuy nhiên không giống như việc vi phạm luật giao thông, trật tự tạo thành không do con người quyết định, nhưng do Thiên Chúa Tạo Hóa. Khi ta sống và hành động phù hợp với trật tự đó, thì đời sống nội tâm cũng như bên ngoài của ta có trật tự. Hạnh phúc và niềm vui ta cảm nhận thể hiện sự phù hợp của hành động với thánh ý Thiên Chúa.
Sự vô trật tự của tội xuất hiện khi chúng ta gắn chặt với một cái gì đó, chẳng hạn chỉ thấy mỗi “trái cấm” là hấp dẫn, còn bao nhiêu thứ trái khác trong vườn thì lại bị bỏ quên (St 3,1-7). Cũng vậy, chúng ta lãng quên hoặc dẹp bỏ tiếng gọi của Thiên Chúa, trong lương tâm, trong giáo huấn. Sách Giáo Lý gọi là “sự quyến luyến lệch lạc với một số điều tốt đẹp nào đó” (số 1849). Do đó, tội tự bản chất là quay lưng với Thiên Chúa, tránh mặt Chúa, không nghe tiếng Ngài: “Cũng như tội đầu tiên, tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa, vì ao ước muốn sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác” (số 1850). Nói như thánh Augustinô, tội là “yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa”.
J. Pieper nhận xét độc đáo rằng yếu tính của tội được minh chứng qua sự kiện này: chúng ta không bao giờ phạm tội với “hết linh hồn, hết sức lực”, nhưng luôn có sự e dè nào đó. Chỉ khi làm điều lành, chúng ta mới tận hiến toàn bộ sức lực và tâm hồn. Khi làm điều xấu, không bao giờ ta cảm thấy thoải mái, nhưng đúng hơn là bị xâu xé giữa cái mình đang làm và cái mà mình nhìn nhận là tốt và góp phần mang lại hạnh phúc đích thực.
Một khía cạnh khác của tội là nó làm cho chúng ta mù quáng trước những liên hệ này. Thảm kịch của tội là nó thúc đẩy một người tìm cách biện hộ cho mình (St 3,8-13). Nguy hiểm lớn nhất là sự cứng lòng, không hối cải. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể vạch trần tội lỗi, làm cho trái tim chúng ta hoán cải, và “nên công chính để được sống đời đời nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5,12).
ĐHY Christoph Schönborn
Nguồn: hdgmvietnam.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn