- Bát Nhật có nghĩa là tám ngày. Trong tiếng Latin, danh từ Bát Nhật là Octo, là tám (tiếng Anh là Octave, trong âm nhạc từ này được dùng để chỉ quãng tám, có nghĩa là tám nốt nhạc do re mi fa sol la si do, và octave được gọi là những nốt nhạchoàn hảo). Theo Kinh Thánh Cựu Ước, các đại lễ của dân Do Thái thường được tổ chức kéo dài thêm suốt một tuần sau đó và sẽ chấm dứt vào ngày thứ tám (Lv 23, 34-36, Dân Số 29,35...).
- Theo Phụng vụ của Hội Thánh, Tuần Bát Nhật sẽ là tuần để đặc biệt mừng những lễ quan trọng. Xưa kia, Hội Thánh đưa ra nhiều Tuần Bát nhật để mừng kính, gọi là Tuần Bát Nhật đặc biệt (như Phục Sinh, Lễ Chúa Hiển Dung, Lễ Thánh Tâm Chúa...), Bát Nhật thường (Mẹ Vô Nhiễm, kính thánh Giuse, kính các thánh nam nữ...), và tuần Bát Nhật đơn (kính thánh Anh Hài, kính thánh Gioan tông đồ...). Đến năm 1955, Đức Giáo hoàng Piô XII rút lại chỉ mừng kính ba Bát Nhật: Bát Nhật Giáng sinh, Phục Sinh và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (trên các tông đồ dưới hình lưỡi lửa). Và ngày nay, Hội Thánh chọn hai Bát Nhật mà thôi, đó là Bát Nhật Phục Sinh và Giáng Sinh. Hai Bát Nhật ấy sẽ được chấm dứt với hai Lễ Trọng: Với Bát Nhật Giáng Sinh, chấm dứt vào ngày 1 tháng 1 (là Lễ đầu năm, trọng kính Đức Maria - Mẹ Thiên Chúa); Với Bát Nhật Phục Sinh, ngày chấm dứt là ngày thứ tám, từng được gọi là Chúa Nhật áo trắng, và từ ngày 30.4.2000, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chọn ngày này cũng là ngày Chúa Nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót (thánh nữ Faustina được Chúa mặc khải).
- Theo Hội Thánh xa xưa, những người muốn gia nhập đạo trong suốt mùa Chay sẽ được học hỏi giáo lý, và ngay đêm vọng Phục Sinh họ sẽ lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Đến Tuần Bát Nhật, Hội Thánh lại quy tụ họ với nhau hầu bồi dưỡng thêm lời giảng dạy về phép Thanh Tẩy cũng như các mầu nhiệm mà tân tòng đã nhận lãnh. Hay nói cách khác, Tuần Bát Nhật Phục Sinh là tuần để suy tư sâu về Bí Tích Thanh Tẩy dành cho người lớn (Rm6,3-5). Thời điểm này cũng là lúc hâm nóng và gợi lại cho toàn thể Kitô hữu nữa. Còn tuần Bát Nhật Giáng sinh thì suy tư về mầu nhiệm nhập thể (Kitô học) của Chúa Kitô (và sẽ kết thúc trong ngày kính Đức Mẹ Maria, người đã đóng vai trò quan trọng trong mầu nhiệm Nhập Thể). Lm. Khất Tuệ
Nguồn: thanhlinh.net