CHÚA BA NGÔI và ĐỨC MARIA - Lm. Phaolô Trần Xuân Lãm

Thứ tư - 29/05/2024 21:52  915
 
 
CHÚA BA NGÔI và ĐỨC MARIA 
2


“Thánh Thần sẽ đến cùng Bà, quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ Bà. Do đó, Đấng Thánh bởi Bà sinh ra gọi là Con Thiên Chúa”
(Lc 1,35)
DẪN
Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân đã viết:
“Thiên Chúa là Ðấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên "khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ... để chúng ta được nhận làm nghĩa tử (Gl 4,4-5). Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria".[1]
Thiên Chúa đã làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, hôm nay chúng ta cũng đến với Thiên Chúa qua Mẹ Maria, như lời của Thủ Bản Legio Mariae nói: “Bản tính loài người kết hợp với Chúa Ba Ngôi, chính Đức Mẹ đã kết hợp với mỗi Ngôi một cách hết sức đặc biệt. Ta phải tìm hiểu phần nào ba mối liên kết của Mẹ, tuy thấu hiểu ý mầu nhiệm của Chúa là một ơn rất đặc biệt, ơn đó chúng ta vẫn đạt đến.”[2]
NỘI DUNG
  1. Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Ba Ngôi trong Mầu Nhiệm Nhập Thể.
Mẹ Ma-ri-a, đại diện nhân loại là thụ tạo ưu tú, đón nhận Ba Ngôi Thiên Chúa.
Trong những bài học Giáo Lý hỏi thưa, chúng ta vẫn đọc: Từ muôn thuở và một cách hoàn toàn nhưng không, Thiên Chúa đã chọn Ðức Maria làm Mẹ của Con mình. Ðể chu toàn sứ mạng này, Mẹ đã được ơn vô nhiễm ngay từ lúc được thụ thai. Ðiều này có nghĩa là, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và đón nhận trước công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, Ðức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được thụ thai.
Khi gọi là Con Thiên Chúa làm người thì Thiên Chúa Cha đã chuẩn bị cho Con Một của Mình là Chúa Giê-su làm người nơi cung lòng Trinh Nữ Mẹ Maria.
Con Thiên Chúa làm người là do quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Mẹ đã đầy tràn Chúa Thánh Thần để Mẹ đón nhận Con Thiên Chúa. Mẹ đã trình bày con người nhân loại của mình với tất cả vẽ đẹp tinh tuyền mà ‘Thánh Thần sẽ đến cùng Bà, quyền phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ Bà. Do đó, Đấng Thánh bởi Bà sinh ra gọi là Con Thiên Chúa”.
Thật hạnh phúc khi Thiên Chúa Ba Ngôi lại hiện diện trong biến cố nhân loại, đánh dấu bước ngoặc hồng ân cho con người: Thiên Chúa thực hiện lời hứa ơn cứu độ.
Mẹ Maria tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, và với trọn tâm hồn Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa.
Mẹ đã ở đó, Mẹ đón nhận và Mẹ đã thực hiện lời hứa cứu độ.
  1. Đức Maria hiện diện trong mầu nhiệm Ba Ngôi.
Thủ bản Legio Mariae đã viết: “Đức Mẹ là Ái Nữ của Chúa Cha, là Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.”[3]
“Ái Nữ của Thiên Chúa” được thể hiện cụ thể bằng lời của sứ thần:
“Mừng vui lên”, điều đầu tiên Đức Maria nhận từ thiên sứ: Bà có lí do để vui mừng vì bà được Thiên Chúa sủng ái, trao cho Bà một sứ mạng. Tuy nhiên, điều làm cho Đức Maria bối rối về chính lời sứ thần: “Hỡi Đấng đầy ân sủng” (Người được sủng ái). Đây là danh hiệu lạ không có trong Cựu Ước.
Linh mục Đa-minh Đinh Viết Tiên, đã viết, khi nói Đức Maria là Nữ Tỳ của Thiên Chúa rằng:
“Thiên Chúa tình thương đã tuyển chọn người nô tỳ trở thành người phục vụ Vua Tình yêu. Hẳn Mẹ đã hiểu khi tự nhận mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, vì những người nghèo được sống trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa:
Là nô lệ của Thiên Chúa, bị tình yêu của Người cầm giữ, Đức Maria đã đặt tự do của mình, hoàn toàn trong tay Chúa. Là nữ tỳ của Thiên Chúa, Mẹ thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Với tư cách là Mẹ của Chúa Giêsu (Đấng Cứu Thế), Mẹ đứng đầu các gia nhân. Mẹ là người nữ tỳ được sủng ái nhất.”[4]
“Là Mẹ Thiên Chúa” được mạc khải rất cụ thể:
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc. Trong buổi Truyền Tin, chính sứ thần Gabriel đã quả quyết: “Người sẽ thụ thai và sinh con... trẻ sẽ sắp sinh sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1,31-35). Được Thánh Thần linh hứng, bà Elisabeth cũng đã lên tiếng: “Bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi” (Lc1,43).
Niềm tin vào chức phẩm cao quí là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria đã có từ đầu Giáo Hội. Chính thánh Phaolô đã viết: “Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai con của Người, sinh bởi người Nữ” (Gl 4,4).
Công đồng chung Ephêsô (năm 413) đã thêm phần sau của kinh Kính mừng: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”. Hợp với niềm hân hoan của dân Chúa dịp công đồng Êphêsô bế mạc, niềm tôn kính dâng lên Mẹ Thiên Chúa ngày một thêm sâu đậm.
Năm 1931, dịp kỷ niệm 1500 năm công đồng Ephêsô, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, kính trọng thể trong khắp Giáo Hội vào ngày 11 tháng 10. Chính Đức Giáo Hoàng Piô XI đã viết:
 "Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một nguồn nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa." (Lux Veritatis 1931).[5]
Đức Maria là Đền Thờ Chúa Thánh Thần được biết đến:
“Không có gì lạ, nếu các giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc thụ thai, Đức Trinh Nữ thành Nazareth được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã kính chào là “Đầy ơn phước” (Lc. 1,28).
  1. Đức Maria tiếp tục công cuộc cứu độ trong huyền nhiệm Thân Thể Chúa Ki-tô.
Thánh Louis Maria Grignon De Monfort đã viết:
- Chúa Cha chỉ ban Chúa Con qua Đức Mẹ.
- Chúa Con xưa kia đã nhập thể vì chúng ta qua Đức Mẹ bởi phép Chúa Thánh Thần
- Hằng ngày Người lại được tái tạo và sinh lại cũng bởi Đức Mẹ với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần.
- Nhờ Đức Mẹ đã tạo nên những người con mới của Nhiệm Thể.
Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân đã viết:
“Đức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm Mẹ... Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu chuộc không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời... Vì thế trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian” ( LG, số 62).
KẾT
Đức Maria là con đường dẫn tới Đức Kitô: Do chức phận làm mẹ hằng kết hiệp khắng khít với Con mình, Đức Maria đã góp phần vào việc quy hướng cặp mắt và con tim của các tín hữu tới Đức Kitô.
Đức Maria cũng giúp cho chúng ta khám phá ra ở cội nguồn của toàn thể công trình cứu độ là tác động chủ tể của Chúa Cha.
“Người đã được trao tặng chức vụ và phẩm giá là Thân mẫu của Con Thiên Chúa, và vì thế trở thành ái nữ của Chúa Cha và Đền thờ của Chúa Thánh Thần” (HT 53).
Sự cao cả vô biên của Thân mẫu Chúa là một hồng ân của tình thương mà Chúa dành cho tất cả mọi người. Khi tuyên xưng Người là “kẻ có phúc” (Lc 1,48), mọi thế hệ tuyên dương những “kỳ công” (Lc 1,49) mà Đấng Toàn năng đã thực hiện nơi Người nhằm tới toàn thể nhân loại khi Chúa “nhớ lại lòng khoan dung” (Lc 1,54).
Mang lấy lá cờ Đạo Binh Đức Mẹ, chúng ta sống và loan truyền Mầu Nhiệm Ba Ngôi trong sứ vụ và trong đời sống thường ngày!
Tháng Hoa, ngày 25/05/2024
Lm. Phao-lô Trần Xuân Lãm
 

[1] Hiến Chế Lumen Gentium, số 52.
[2] Thủ Bản Legio Mariae, số lề 76.
[3] Thủ bản, số 81.
[4] Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, Đức Maria, Nữ Tỳ của Thiên Chúa, Nguồn: https://daminhtamhiep.net/2014/10/duc-maria-nu-ty-cua-thien-chua/
[5] https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-01-01-duc-mariame-thien-chua-43715.
 
3
5

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập214
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm197
  • Hôm nay29,151
  • Tháng hiện tại585,830
  • Tổng lượt truy cập50,998,437

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây