NIỀM VUI ĐÔI KHI ĐÒI HỎI MỘT QUYẾT ĐỊNH
Victor Cancino, S. J.
Chúa nhật III mùa Vọng C
Xp 3,14-18; Is 12,2-6; Pl 4,4-7; Lc 3, 10-18
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Americamagazine.org
Trong bài đọc II của Chúa nhật III mùa Vọng năm C, thánh Phaolô nói: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên!” (Pl 4,4). Lời khuyến dụ này vang lên xuyên suốt thư gửi tín hữu Philipphê. Hãy vui lên cũng là thông điệp của Chúa nhật III mùa Vọng mà truyền thống thường gọi là Chúa nhật của niềm vui (Gaudete Sunday). Niềm vui Giáng Sinh đang đến rất gần. Các bài đọc hôm nay có chung chủ đề niềm vui này. Tuy nhiên, niềm vui này phát xuất từ đâu? Dân Chúa thực sự khát khao và tha thiết nài xin Thiên Chúa. Niềm vui họ cảm nghiệm phụ thuộc vào việc họ có sẵn lòng đón nhận lời đáp của Thiên Chúa hay không, và điều này tùy thuộc vào quyết định của họ.
Những lời nhắc đến nỗi sợ, vốn xuất hiện thường xuyên trong các bài đọc của Chúa nhật I mùa Vọng, giờ đây hoàn toàn biến mất. Theo một truyền thống được chứng thực xuyên suốt Kinh thánh, sáng kiến trong đời sống thiêng liêng luôn bắt nguồn từ Thiên Chúa. Điều này được thể hiện rõ trong bài đọc I. Ngôn sứ Xôphônia nói: “Chúa đã rút lại lời kết án ngươi” và vì thế “ngươi không còn sợ khổ cực nữa” (Xp 3,15).
Chủ đề này cũng xuất hiện trong Tân ước, đặc biệt phổ biến nơi các tác phẩm của thánh ký Gioan. “Chúng ta yêu mến Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1Ga 4,19). Truyền thống đó dường như cũng ẩn sau bài Tin mừng hôm nay. Cựu ước cũng hiểu nguyên tắc này nhưng diễn đạt theo cách khác.
Việc Thiên Chúa quyết định ở với dân Israel được nhắc đến hai lần. “Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi,” và “Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi” (Xp 3,15-17). Ngôn sứ Xôphônia tin rằng việc ở lại với dân là nguồn vui của Thiên Chúa, Đấng sẽ sung sướng ca mừng trước sự đổi mới của dân (Xp 3,17). Thiên Chúa đã hai lần quyết định: ở lại với con người và vui thích ở giữa con người. Một phần niềm vui của mùa Vọng là nhận ra rằng Thiên Chúa đã có sáng kiến để con người trưởng thành trong đức tin.
Với Chúa nhật này, Giáo hội công bố một bài ca của ngôn sứ Isaia thay vì một thánh vịnh đáp ca. Ngược lại với bài đọc I, sáng kiến giờ đây lại đến từ dân. “Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người! Hỡi dân Sion, hãy nhảy mừng và ca ngợi!” (Is 12,4-6). Một lần nữa, những cụm từ này tuy đơn giản nhưng lại sâu sắc. Khả năng tạ ơn là hoa trái của suy niệm thiêng liêng. Chính việc tạ ơn là nền tảng bình an sâu thẳm, như ngôn sứ Isaia nhận ra ở đầu bài ca: “Ðây Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ” (Is 12,2). Bài ca đã cho thấy tính liên kết sâu xa của lòng biết ơn, sự bình an và niềm tin tưởng.
Bài Tin mừng mở đầu với việc dân chúng mong chờ “những lời giải đáp ổn thỏa” cho câu hỏi của cả tập thể: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Có ba nhóm khác nhau đặt cùng một câu hỏi cho Gioan Tẩy Giả. Cách riêng, một nhóm là đám đông dân chúng, trong khi hai nhóm còn lại là những đối tượng cụ thể: những người thu thuế và các quân nhân, nổi tiếng với việc tống tiền dân. Mỗi nhóm nhận được một chỉ dẫn để trở nên phiên bản tốt nhất của chính mình. Gioan Tẩy Giả trả lời cách cụ thể, khuyên bảo họ đưa ra những quyết định thực tế trong hiện tại. Ông nói: “Ai có hai áo, hãy cho người không có,” cũng như “đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi” (Lc 3,11-13). Dân chúng phấn khởi trước những câu trả lời hợp tình hợp lý và thẳng thắn này. Tiếng reo hy vọng của họ rõ ràng trong trình thuật của Luca: “Dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?”” (Lc 3,15).
Ông Gioan biết bí quyết. Thiên Chúa đã thực sự khởi xướng và thực hiện một quyết định, và kết quả đang diễn ra trước đám đông ngay cả khi họ đặt câu hỏi. Gioan biết rằng, nhờ sáng kiến của Thiên Chúa, một Đấng khác đang đến. Những lời của Xôphônia đang trở nên hiện thực ngay lúc này: “Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi,” và như ông đã tiên báo, Đấng Mêsia sẽ vui thích ở giữa dân Ngài. Đây thực sự là khởi đầu của “tin mừng” mà dân Israel, và sau này toàn thể nhân loại, sẽ được nghe. Cầu mong mỗi người chúng ta cũng biết lắng nghe, vui mừng và tạ ơn vì Đấng Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chia sẻ đồng hành với chúng ta trong niềm vui
Cầu nguyện
Chúng ta sẽ quyết định điều gì, lớn hay nhỏ, để giúp sống vui vẻ trong tuần tới?
Chúng ta cảm thấy thế nào khi cầu nguyện với Thiên Chúa Đấng vui thích ở giữa chúng ta?
Làm thế nào để tìm thấy niềm vui trong mùa Vọng và mùa Giáng Sinh?