MÙA VỌNG VÀ MÙA CHAY: VỪA GIỐNG NHAU
CÁCH LẠ THƯỜNG, VỪA KHÁC NHAU VỀ BẢN CHẤT
Victor Cancino S.J
Chúa nhật II mùa Vọng C
Br 5,1-9; Tv 126; Pl 1,4-11; Lc 3,1-6
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Americamagazine.org
Ở một số khía cạnh, các bài đọc và lời nguyện trong thánh lễ mùa Vọng có những nét tương đồng với mùa Chay. Phụng vụ Thánh lễ trầm lắng hơn. Như trong mùa Chay, thánh lễ mùa Vọng không có kinh Vinh danh. Chủ tế mặc phẩm phục màu tím, biểu thị cho thời gian chuẩn bị mừng lễ. Giống như trong mùa Chay, bí tích Hòa giải cũng được cử hành trong mùa Vọng để chuẩn bị cho ngày đại lễ. Vào Chúa nhật II mùa Vọng năm C, các bài đọc gợi lên những chủ đề giống như khi khởi đầu mùa Chay. Nhận ra những điểm tương tự này rất hữu ích, nhưng xác định những điểm khác nhau giữa hai mùa phụng vụ này có thể giúp chúng ta đi sâu hơn vào mùa Vọng – mùa đổi mới niềm hy vọng.
Các bài đọc trong Chúa nhật tuần này mở đầu bằng một chu kỳ quen thuộc: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi” (Br 5,1). Dân Israel ngày xưa rất quen thuộc với những gì mà các học giả Kinh thánh gọi là “chu kỳ cứu độ” hay “chu kỳ đệ nhị luật”: tội lỗi, hình phạt, sám hối và trở về. Chu kỳ này xuất hiện nhiều lần trong Kinh thánh, đặc biệt là trong các sách ngôn sứ. Sám hối là một chủ đề quan trọng trong các bài đọc của Chúa nhật này. Chẳng hạn, bài đọc I trích từ sách ngôn sứ Barúc dựa trên chu kỳ cứu độ và kêu gọi dân Israel trở về cùng Thiên Chúa sau một thời gian sống trong tội lỗi. Khác với mùa Chay, khi việc sám hối chuẩn bị cho Giáo hội suy ngẫm về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, thì trong mùa Vọng, các chủ đề về sự sám hối mở ra một không gian để chiêm ngắm cuộc quang lâm của Chúa Kitô.
Bài Tin mừng Chúa nhật mở đầu bằng một lời loan báo như khởi đầu cho mùa Chay, khi thánh sử Luca dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” (Lc 3,4). Lời loan báo này ám chỉ đến biến cố xuất hiện bất ngờ của Chúa Giêsu trong lịch sử nhân loại, như Gioan Tiền hô đã tiên báo. Trong khi mùa Chay tập trung vào việc “sửa đường Chúa cho ngay thẳng,” thì trong mùa Vọng, câu Kinh thánh này có ý khơi dậy sự mong đợi hơn là sự phục hưng một dân tộc sa ngã.
Sám hối và hòa giải đều cần thiết trong cả mùa Chay lẫn mùa Vọng. Nhưng sự khác biệt giữa hai mùa phụng vụ này trở nên rõ ràng trong bài đọc II. Thánh Phaolô nói: “Điều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của anh em ngày càng gia tăng trong sự thông cảm và am hiểu, để anh em xác nhận những điều quan trọng hơn” (Pl 1,9-10). Với mùa Vọng, thánh Phaolô đang mời gọi các tín hữu chú ý đến những gì đang xảy ra nơi thế giới rộng lớn hơn chứ không chỉ tập trung vào tội lỗi cá nhân. Lời mời gọi khẩn thiết của Phaolô về một nhận thức rộng lớn hơn là một nơi hữu ích để chúng ta tập trung vào lời cầu nguyện của mình trong những ngày chủ động chờ đợi này.
Trong mùa Vọng, trí tưởng tượng của chúng ta được soi sáng và đổi mới. Thiên Chúa đang làm điều gì? Chắc hẳn là một điều rất kỳ diệu đối với những ai dành thời gian nhận ra điều gì là giá trị trong thời điểm này.
Cầu nguyện
Mùa Vọng thực sự có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
Làm thế nào để lời cầu nguyện của thánh Phaolô có thể trở thành lời cầu nguyện của chúng ta?
Những giá trị nào trong xã hội cần được lưu tâm nhiều hơn vào lúc này?