NIỀM VUI CỦA THIÊN CHÚA
NƠI SỨ MẠNG TRONG CUỘC SỐNG CON NGƯỜI
Victor Cancino, S.J.
Chúa nhật lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C
Is 42,1-7; Tv 104; Cv 10,34-38 (hoặc Tt 2,11-3,7); Lc 3,15-22
Nhóm Sao Biển chuyển ngữ từ Americamagazine.org
Vào cuối mùa Giáng sinh, chúng ta khép lại chu kỳ này với bài Tin mừng Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa. Chỉ mới vài tuần trước, trong Chúa nhật III mùa Vọng, Giáo hội đọc bài Tin mừng hôm nay với niềm mong chờ hy vọng Đấng Mêsia đến. Luca viết: “Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: “Gioan có phải là Ðấng Kitô không?” (Lc 3,15). Khi đó, trọng tâm đặt nơi niềm hy vọng, nơi lời hứa xưa đã khuấy động mọi tâm trí hướng theo một hướng nhất định, nơi lòng khao khát sâu xa. Ngày hôm nay, Chúa nhật lễ Chúa chịu phép rửa, đoạn Tin mừng này không hướng chúng ta chú tâm vào niềm mong chờ nhưng vào sự hoàn tất, vào Đấng Kitô đã thực sự đến, Đấng mà Chúa Cha gọi là “Con yêu dấu của Cha.” Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu nhận thấy sứ vụ của mình được chứng thực trong niềm vui của Thiên Chúa. Kitô hữu ngày nay có vinh dự thực hiện sứ mạng tương tự cùng với Đức Giêsu.
Làm thế nào lời chứng thực ở đây khác với những lời chứng nhận khác trong Tin mừng Luca? Chẳng hạn, thiên thần Gáprien loan báo cho Đức Maria rằng Mẹ sẽ sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu (Lc 1,31). Một khung cảnh cảm động diễn ra khi đứa con trong bụng bà Elisabét nhảy lên vui sướng khi nghe lời chào của Đức Maria. Tiếp sau đó là bài ca của Mẹ công bố thời kỳ thương xót dành cho Israel, thời mà “kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư” (Lc 1,53). Lúc Đức Giêsu được sinh ra, thiên thần Chúa báo tin vui cho những người chăn chiên đang ở ngoài đồng, “Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít” (Lc 2,11). Thậm chí, các cụ già trong đền thờ cũng nói tiên tri về con trẻ này. Ông Simêon tiên báo “chính mắt con đã thấy ơn cứu độ,” còn bà tiên tri Anna chúc tụng Thiên Chúa vì trẻ Giêsu sẽ mang ơn cứu độ đến cho Israel (Lc 2,29-38).
Đức Giêsu còn cần lời xác nhận nào hơn cho sứ mạng của mình?
Mỗi khung cảnh trong Tin mừng Luca như đã đề cập ở trên đều có nghĩa riêng của nó, và mỗi cảnh chứa đựng một giá trị thần học nào đó. Tuy nhiên cảnh Đức Giêsu chịu phép rửa lại có sự khác biệt. Chúa Con được Chúa Cha chứng thực mà không qua trung gian nào. Chẳng hạn, trong khi Đức Giêsu cầu nguyện, các tầng trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu. Chính Thiên Chúa chứng thực mà không qua trung gian hay sứ giả nào.
Hình ảnh như thể chưa đủ, còn có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha” (Lc 3,22). Một cách dịch khác có thể là “Con làm Cha vui thích!” Do đó, lời chứng thực này khác với những lời chứng nhận trước đó trong Tin mừng Luca. Chỉ trong khung cảnh này, Đức Giêsu đã trưởng thành, sẵn sàng đảm nhận công việc của mình. Chỉ ở đây, tiếng Thiên Chúa phán trực tiếp không qua trung gian. Và chỉ nơi đây, Đức Kitô tìm thấy lời an ủi: “Con làm Cha vui thích,” hoặc “Con đẹp lòng Cha.” Lời chứng thực này cũng chứa đựng thông điệp Giáng sinh. Đức Giêsu, được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đến từ Thiên Chúa Đấng vui thích ở giữa nhân loại đến nỗi chính Con của Ngài đến sống với chúng ta. Đó là “sự vui thích” nơi điều thiện và điều khiêm tốn.
Việc Thiên Chúa “vui thích nơi Đức Giêsu” chính là nét đặc trưng của lời chứng thực qua Thánh Thần. Không có tiếng nói nào quan trọng đối với Đức Giêsu cho bằng tiếng của Chúa Cha. Trong khung cảnh Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu nghe được niềm vui trong tiếng nói của Chúa Cha, và đó là tiếng nói mà chính chúng ta có thể cũng khao khát được nghe vào một ngày nào đó. Cầu mong cho mỗi người cũng trở nên vui thích nơi Đấng vui thích ở giữa con người.
Cầu nguyện:
Chúng ta có cảm nhận được sứ mạng trong đời sống thường ngày?
Chúng ta có cần làm mới lại lời chứng thực khi nhận phép rửa hay không?
Làm thế nào cộng đoàn đức tin của chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần hiện xuống?