Suy niệm chú giải Lời Chúa Chúa nhật II Mùa vọng - Lm. Đặng Quang Tiến

Thứ tư - 30/11/2016 17:41  1555
CHÚA NHT II MÙA VỌNG A
Nước Trời Đã Gần Bên(Mt 3,1-12)
  1. Ngữ cảnh
Mátthêu bắt đầu nói về Chúa Giêsu từ chương 3 trong tương quan với Gioan Tẩy Giả (3,1-12). Theo sau đoạn này là hai biến cố quan trọng: Chúa Giêsu chịu phép rửa (3,13-17), và chịu cám dỗ (4,1-11). Sau đó, sứ vụ của Chúa Giêsu bắt đầu cách chính thức (4,12-17) với lời rao giảng: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (4,17).
Đoạn này có thể chia thành ba phần: Sứ vụ và con người của Gioan Tẩy Giả (3,1-6); Gioan ngỏ với người Pharisêu và Xađốc (3,7-10); Gioan loan báo Đấng sẽ đến và sứ vụ trổi vượt của Người (3,11-12). Chủ đề chính của đoạn này là “sám hối”, metanoeō (3,2.8) và “phép rửa” baptizō (3,1.7.11[2x]). Gioan rao giảng sự sám hối vì “Nước Trời đã gần đến” (3,2), và ông thanh tẩy bằng nước cho những ai tỏ lòng sám hối (c.11). Chúa Giêsu sẽ xuất hiện ở câu 3,13. Gioan Tẩy Giả xuất hiện trước khi Người đến để chuẩn bị lòng dân đón tiếp Người.
 
  1. Giải thích bản văn
Sứ vụ và con người của Gioan Tẩy Giả (3,1-6)
Có thể chia các câu này ra làm 3 phân đoạn nhỏ: Gioan xuất hiện và lời rao giảng của ông (3,1-2); những đặc tính nơi Gioan (3,3-4); dân chúng đến với Gioan (3,5-7).
  • Gioan xuất hiện và lời rao giảng của ông (cc. 1-2)
 Trong hai câu đầu tiên Mátthêu giới thiệu ngay khung cảnh, thời gian và lời rao giảng của Gioan (c. 1). Gioan xuất hiện (c. 1), paraginomai, động từ này cũng được dùng cho Chúa Giêsu (3,13). Mátthêu muốn gắn liền sứ vụ của Gioan với sứ vụ của Chúa Giêsu (4,17). Chỉ dẫn thời gian “trong những ngày ấy” ám chỉ lúc Gioan xuất hiện thì Chúa Giêsu đang còn ở Giuđê (x. 2,1). Khung cảnh “trong sa mạc xứ Giuđê” đặt con người Gioan và lời loan báo của ông liên hệ đến Isaia, người loan báo kế hoạch cứu độ mới của Thiên Chúa cho dân Ítraen (x. Is 40,1-11).
 Lời kêu gọi của Gioan là “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (3,2; 4,17; 10,7). Đặc điểm của Mátthêu là đặt việc sám hối liên hệ với Nước Trời, chứ không trực tiếp với việc tha tội (x. Mc 1,4; Lc 3,3). Động từ metanoeō theo nguyên tự có nghĩa là “thay đổi tâm trí” “thay đổi cách hiểu/cách suy nghĩ”; trong meta-noeō  meta có nghĩa là “thay đổi”, “chuyển sang”, “biến đổi” (x. 21,29.32; 17,2); và noeō có nghĩa là nhận thức bằng tâm trí, là hiểu biết. Mátthêu dùng động từ noeōnày ở thể phủ định trong lời Chúa Giêsu khiển trách hoặc người Pharisêu hoặc các môn đệ của Người, vì họ không hiểu đúng theo cách của Chúa (x. 15,17; 16,9.11). Liên quan đến động từ metanoeō, trong 11,20-21 Chúa Giêsu trách dân thành Khoradin và Béthxaiđa vì họ đã thấy những việc kỳ diệu Người thực hiện, nhưng họ không “sám hối”, vì họ đã không hiểu/nhận raNgười là ai, mặc dù họ đã thấy những việc kỳ diệu Người thực hiện (x. 11,20.21; 12,41). Cũng thế, trong 12,41 Chúa Giêsu lại khiển trách “thế hệ này” vì họ đã không “sám hối” khi nghe lời Người rao giảng. Lý do duy nhất là vì họ không nhận Người là “cao trọng hơn Giôna”.
Cách nói “Nước Trời” là theo cách dùng của người Do thái để tránh gọi tên “Thiên Chúa”. Mátthêu dùng cách nói này đến 24 lần, trong khi “Nước Thiên Chúa” chỉ bốn lần (12,28; 19,24; 21,31.43). Ý nghĩa của hai cách nói này giống nhau (x. 19,23-24). Động từ egizō, “gần đến”, chỉ một sự kiện đang đến giai đoạn cuối cùng và sắp hoàn tất. Khi Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem là lúc Người sắp kết thúc của công cuộc cứu chuộc (21,1; 26,45-46); cũng thế về mùa gặt (21,34). Như thế, “Nước Trời đến gần” là giai đoạn cuối cùng trong chương trình cứu chuộc và không còn một nước nào khác nữa. Nước Trời này chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy, sám hối là thay đổi cách suy nghĩ để nhận ra Nước Trời đang đến và có điều kiện đi vào Nước Trời. Đó cũng chính là nhận ra và tin vào Chúa Giêsu.
  • Những đặc tính nơi Gioan (cc. 3-4)
Câu 3,3 trích dẫn từ phần mở đầu của sách Isaia 40,1-11. Đoạn mở đầu này loan báo thời kỳ cứu độ mới cho dân Ítraen. Tiếng kêu “dọn đường cho Chúa” ngỏ đến một tập thể. Hình ảnh “bạt lối Người đi” nói đến việc tiến vào khải hoàn của một vị vua. Theo sau lời kêu gọi dọn lối sửa đường, Isaia loan báo việc Thiên Chúa đến để cứu độ dân Người (Is 40,4). Mátthêu mô tả Gioan Tẩy Giả theo hình tượng của Isaia là thắt lưng bằng da thú vật (3,4; 2 V 1,8) để xác nhận ông chính là Isaia mà các ngôn sứ loan báo là phải đến trước để dọn đường cho Đấng Kitô (x. 11,14). Như thế sự cứu độ mà Isaia đã loan báo nay sắp được thực hiện. Như Isaia đã chỉ chuẩn bị đường cho Thiên Chúa, Gioan Tẩy Giả cũng thế. Đấng sắp đến không phải là một ngôn sứ, mà là Thiên Chúa. Tuy nhiên, Gioan còn hơn mọi ngôn sứ thời Cựu ước, khi ông loan báo cùng một sứ điệp Chúa Giêsu và các tông đồ sẽ làm là “Nước Trời đang đến gần” (3,2; 4,17; 10,7). Làm như thế ông được thông phần vào sứ vụ của Chúa Giêsu thời Tân ước, và được nhận là “còn hơn một ngôn sứ nữa!” (x. 11,9).
  • Dân chúng đến với Gioan (cc. 5-6)
Tote, “bấy giờ”, mở đầu câu 5, liên kết đoạn này lại với câu 3,2. Nghe lời Gioan rao giảng dân chúng kéo đến với ông. Mátthêu kể tên Giêrusalem, Giuđê và vùng dọc theo sông Giođan (c. 5); nghĩa là cả miền Giuđê. Khi Chúa Giêsu đến rao giảng, dân chúng sẽ kéo đến với Người, không chỉ từ các vùng này mà cả Galilê và vùng Thập Tỉnh nữa (4,25). Chú ý ở đây là Mátthêu phân biệt “dân chúng từ Giêrusalem” với “tất cả Giêrusalem với vua Hêrôđê” (x. 2,3). “Tất cả” bấy giờ có cả ngườiPharisêu và Xađốc nữa (c. 7). Họ đến để chịu phép rửa tại sông Giođan trong khi xưng thú tội lỗi (c. 6). Tên Gioan “Tẩy Giả” liên kết với việc thanh tẩy ông làm và sông Giođan. Việc xưng thú tội của dân chúng được xem là kết quả của lời rao giảng “hãy sám hối” của ông (c. 2; 3,11). Trong Cựu ước, sông Giođan gợi lại giai đoạn sau cùng của thời gian 40 năm lưu lạc trong sa mạc: vượt qua sông để vào đất hứa, theo sự chỉ huy của Giôsuê (Gs 3-4). Giôsuê là tên bằng tiếng hípri, cùng tên với Giêsu bằng tiếng aramaic, có nghĩa là “Chúa cứu độ” (x. 1,21). Như thế, sông Giođan có ý nghĩa đặc biệt trong kế đồ cứu chuộc của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng sẽ bước xuống sông Giođan để dẫn đầu cuộc xuất hành mới này (3,13-17).
Gioan ngỏ với ngườiPharisêu và Xađốc (3,7-10)
Sau dân chúng là ngườiPharisêu và Xađốc. Họ cũng đến xin chịu phép rửa (c. 7a); và Tin Mừng chỉ ghi lại lời của Gioan ngỏ với họ (cc .7b-10). Gioan đặt vấn đề với họ về sự phán xét trên họ (c. 7b); từ đó ông kêu gọi họ sám hối (c. 8) và thay đổi cách suy nghĩ (c. 9). Sau cùng là một dụ ngôn (c. 10).
Gioan gọi ngườiPharisêu và Xađốc một cách ẩn dụ là “loài rắn độc” (c. 7b). Mátthêu ưa thích cách gọi này và dùng nó nhiều lần. Ở câu 12,34, cách gọi này ám chỉ lòng dạ xấu xa của người Pharisêu đến nỗi không thể sinh ra bất cứ điều gì tốt lành; và ở 23,33, Chúa Giêsu dùng cách nói tương tự như Gioan ở đây, hàm ý những điều bất chính họ đã làm. “Trốn cơn thịnh nộ” mang ý nghĩa cánh chung, và tương tự như “tránh án hoả ngục” (23,33). Bởi đó, Gioan có lý do để nói với họ về sự phán xét trên họ, kêu gọi họ sám hối và sinh quả phúc.
Trước tiên bằng một mệnh lệnh, Gioan kêu gọi họ sinh quả phúc (c. 8); trạng từ oun (c. 7) liên kết câu hỏi ở trên với các câu tiếp theo. Trong khi ở 12,34, đặt ra câu hỏi là người Pharisêu làm sao có thể sinh quả tốt được khi lòng dạ họ xấu xa; bởi đó, quả tốt đầu tiên họ được mời gọi làm là sám hối. Sám hối phải được biểu lộ ra để không bị rơi vào mơ hồ (x. 7,21-23), và quả phúc là thước đo của lòng sám hối “xem quả thì biết cây” (7,20); bởi đó hoa quả và lòng sám hối phải “tương xứng” với nhau. Việc sinh quả tốt gắn liền với sự phán xét như được nói đến trong dụ ngôn ở câu 10, và những nơi khác trong Tin Mừng (7,16-20; 12,33; 21,43).
Hoa quả trước tiên của việc sám hối là thay đổi cách suy nghĩ, mē dozete, “các ngươi đừng tưởng/đừng cho là” (c. 9); ý nghĩ ấy chỉ là hão huyền (x. BAGD, dokeō, 1.a). Gioan cho người Pharisêu và Xađốc thấy là Nước Trời đang đến sẽ mở ra cho mọi kẻ tin, chứ không chỉ cho “con cháu của Ápraham” theo máu huyết. Nước Trời sẽ không đồng nhất với dân Ítraen, không còn bị hạn chế trong một dân tộc hay một quốc gia. Lòng tự hào “là con cháu của Ápraham” (Lc 3,8; Ga 3,7) phải kèm theo việc sám hối (c. 8), vì sám hối là điều kiện tiên quyết và cần thiết để thuộc về Nước Trời đang đến (cc. 1-2); bằng không họ sẽ bị thay thế (c. 9), ngay cả bị loại trừ theo như dụ ngôn ở câu 10. Hình ảnh Thiên Chúa lấy các viên đá gầy nên con cháu cho Ápraham lấy từ Is 51,1-2; và đây cũng là lời hứa Thiên Chúa đã làm với Ápraham (St 12,1-3).
Dụ ngôn nói đến sự phán xét có tính cách cánh chung (c. 10), ngỏ với người Pharisêu và Xađốc, nên có những từ xác định rõ ràng hơn so với 7,19. Từ rhiza, “gốc” (cây) ám chỉ là không phải những cành cây sẽ bị chặt, và từ dendron, “cây”, số nhiều và có mạo từ chỉ định, chỉ người Pharisêu và Xađốc. Sự đe dọa cây bị chặt tận gốc có thể được thực hiện một cách chắc chắn ngay bây giờ, nếu cây không sinh quả phúc – nghĩa là không theo lời kêu gọi của Gioan mà sinh “quả sám hối” (c. 8); các động từ chính của câu ở thì hiện tại và kèm theo trạng từ ēdē, “ngay bây giờ”. Vậy đối với người Pharisêu và Xađốc, chỉ khi nào biết sinh quả sám hối, nghĩa là thay đổi tâm trí theo ý muốn của Thiên Chúa, họ mới có thể thuộc về Nước Trời.
Gioan loan báo Đấng sẽ đến và sứ vụ trổi vượt của Người (3,11-12)
Sau cùng Gioan loan báo về Đấng đang đến, phép rửa Người sẽ làm (c. 11), và một dụ ngôn (c. 12). Câu 11 có thể chia làm bốn phân đoạn, Gioan và Chúa Giêsu luân phiên nhau làm chủ ngữ: “Tôi rửa anh em…”, “Người cao trọng hơn tôi…”, “Tôi không đáng…”, “Người rửa anh em…”. Gioan nêu bật sự trổi vượt của Đấng đang đến trong so sánh với chính mình (c. 11); men… de chỉ sự tương phản và mọi nhấn mạnh đặt ở vế sau (x. BDF, § 447-5). Trong tất cả, Gioan đều thú nhận sự thua kém của mình. Đấng đang đến cao trọng hơn ông. Lời loan báo về Đấng đang đến cũng là loan báo về Nước Trời.
Theo văn mạch, phép rửa sám hối mà Gioan làm được hiểu là phép rửa đòi hỏi lòng sám hối, như lời Gioan kêu gọi sám hối (c. 2) và như đòi hỏi ông đã ngỏ với dân chúng và những người Pharisêu và Xađốc (c. 8), để chuẩn bị cho Đấng đang đến.
Khác với Luca, Tin MừngMátthêu nhấn mạnh bản thân “Đấng đang đến”, ho erkhomenos, có mạo từ chỉ định. Đàng sau nhấn mạnh này, Mátthêu ngầm cho biết là giữa dân Ítraen người ta đang mong đợi một đấng thiên sai. Gioan loan báo Đấng này đang đến với những việc Người sẽ làm, nhưng chân tính của Người vẫn chưa được tỏ lộ; bởi đó về sau chính Gioan cũng thắc mắc và sai các môn đệ ông đến đặt câu hỏi với Chúa Giêsu, “có phải Ngài là Đấng đang đến?” (11,3). Mãi đến khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, “Đấng đang đến này” mới được nhận diện là chính Chúa Giêsu (21,9; 23,39), và công cuộc cứu chuộc gắn liền với căn tính của Người.
Đấng đang đến sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Phép rửa của Chúa Giêsu hay “nhân danh Chúa Giêsu” (Cv 19,15) sẽ thay thế phép rửa của Gioan khi Nước Trời đến. “Trong Thánh Thần và lửa” chỉ xuất hiện ở đây trong Tin Mừng; “nước và Thánh Thần” (Ga 3,5); trong sách Công Vụ Tông Đồ, Luca nói đến biến cố Thánh Thần ngự xuống với hình lưỡi lửa (Cv 2,2-4), và chỉ “trong Thánh Thần” (Cv 1,5; 11,16). Đây là Thánh Thần của Chúa Giêsu, và đã ngự xuống trên Người (3,16; Ga 1,33), cũng là Thánh Thần của Chúa Cha (10,20); do đó phép rửa trong Thánh Thần là phép rửa đưa người lãnh nhận vào trong Thiên Chúa Ba Ngôi, trong Nước Trời (28,29; Ga 3,5).
“Lửa”, pyr, là biểu tượng của sự thanh luyện và phán xét, như được dùng trong hai dụ ngôn trong đoạn này (3,10.11) và ở những nơi khác trong Tin MừngMátthêu (7,19; 13,40.50; 18,9). Lửa cũng là biểu tượng của Thánh Thần (Cv 2,3). Thánh Thần cũng làm việc thanh luyện, xua trừ ma quỉ, diệt trừ tội lỗi (12,28tt) và ban sự sống mới (28,19).
Vậy việc “Đấng đang đến” sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần và lửa được ví như những hình ảnh trong dụ ngôn ở câu 12. Động từ baptizō, cũng như các động từ chính trong câu 12 đều ở thì tương lai, và “Đấng đang đến” cũng là chủ ngữ của câu 12 này, liên kết hai câu này lại với nhau. Phép rửa của Chúa Giêsu vừa đưa người lãnh nhận vào trong Nước Trời, vừa hủy diệt tội lỗi nơi họ, tương tự như việc Người sảy sạch lúa có một hiệu quả kép là vừa thu lúa vào kho lẫm, và vừa thiêu đốt trấu lép đi.
Kết luận
Chúa Giêsu đến để dẫn dân Người vào Nước Trời. Chỉ ai biết sám hối, nghĩa là thay đổi tâm và trí theo ý Thiên Chúa, và tin vào Đấng đang đến mới có thể gia nhập vào cuộc xuất hành này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập151
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm114
  • Hôm nay18,838
  • Tháng hiện tại673,352
  • Tổng lượt truy cập52,842,300

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây