CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Hằng năm, Phụng Vụ Lời Chúa khai mở viễn cảnh về thời tận thế và Triều Đại Thiên Chúa. Như vậy, ngay từ đầu, ý nghĩa được ban cho suốt lộ trình mà Giáo Hội dẫn chúng ta đi, kể từ việc chuẩn bị Lễ Giáng Sinh cho đến lễ Chúa Ki-tô Vua: một cuộc hành trình về Nước Thiên Chúa, về thế giới không tội lỗi, được các ngôn sứ loan báo và được Chúa Ki-tô hứa vào ngày Quang Lâm của Ngài.
Đó là thực tại tương lai, vận mệnh tối hậu của nhân loại, và đồng thời đó cũng là thực tại hiện nay mà mọi người cũng như mỗi người không ngừng xây dựng. Đó là bài học mà các bài đọc của Chúa Nhật I Mùa Vọng này đề nghị cho chúng ta.
Is 2: 1-5
Bài Đọc I là sứ điệp của ngôn sứ I-sai-a, biểu dương ơn gọi của dân Ít-ra-en nói chung và của Giê-ru-sa-lem nói riêng: dạy cho muôn dân biết những đường lối dẫn đến Thiên Chúa chân thật, như vậy chuẩn bị triều đại công lý và hòa bình chung cuộc.
Rm 13: 11-14
Trong thư gởi cho các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu phải ăn ở như con cái sự sáng để chiến đấu chống lại tội lỗi, đó là cách thức duy nhất chuẩn bị cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô.
Mt 24: 37-44
Trong đoạn Tin Mừng Mát-thêu được trích hôm nay từ bài diễn từ của Chúa Giê-su liên quan đến thời tận thế và ngày Quang Lâm của Ngài, Chúa Giê-su loan báo rằng việc Ngài trở lại hoàn toàn bất ngờ sẽ ấn định vĩnh viễn số phận của mỗi người. Vì thế, mỗi người phải sống trong tư thế sẵn sàng chờ đón Chúa đến, như ông Nô-ê, bắt tay vào việc đóng con tàu, chuẩn bị sẵn sàng cho trận hồng thủy mà ông không biết ngày nào, giờ nào.
BÀI ĐỌC I (Is 2: 1-5)
Muôn dân muôn nước lũ lượt kéo nhau lên đền thờ Thiên Chúa để được lắng nghe Lời Thiên Chúa. Đó là viễn tượng hùng vĩ mà Bài Đọc I đề nghị cho chúng ta để khai mạc Mùa Vọng cũng như chu trình Năm Phụng Vụ, Năm C này.
Sấm ngôn này được định vị ở đầu tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a (thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên); chúng ta cũng gặp thấy sấm ngôn này với một phiên bản và một phần thêm vào, tại ngôn sứ Mi-kha (Mk 4: 1-5), cũng vào thời với ngôn sứ I-sai-a. Vì thế, sấm ngôn này có thể xuất xứ từ một ngôn sứ vô danh trước đó; tuy nhiên, giọng văn mang âm hưởng của ngôn sứ I-sai-a.
1.Lời Chúa quy tụ và hiệp nhất muôn dân nước:
Vị ngôn sứ thoáng thấy trong một tương lai xa, không được xác định, có thể kỷ nguyên Mê-si-a hay, xem ra có thể hơn, kỷ nguyên của thời sau hết, cuộc hành trình của muôn dân về núi Chúa, ngọn đồi Xi-on trên đó tọa lạc “Đền Thờ Chúa nhà Gia-cóp”. Tên Gia-cóp và tên Ít-ra-en được dùng thay cho nhau mà không phân biệt để chỉ tổ phụ của dân Chúa chọn (x. St 32: 29).
Chúng ta ghi nhận rằng vào đầu bài thơ của mình, vị ngôn sứ ngỏ lời với Giu-đa, tức là vương quốc Giu-đa mà Giê-ru-sa-lem là thủ đô; nhưng khi nêu lên Đền Thờ thì ông gọi “Đền Thờ nhà Gia-cóp”, theo kiểu nói này tác giả khẳng định rằng Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là Đền Thánh chung cho mọi chi tộc, trong khi chờ đợi là Đền Thờ chung cho muôn dân. Như vậy ông công bố sứ mạng hoàn vũ của Giê-ru-sa-lem; ông không nhấn mạnh các lễ tế được dâng tiến cho Thiên Chúa chân thật, nhưng lời xuất phát từ miệng Thiên Chúa, Lời Chúa phải là dấu chỉ của việc quy tụ và hiệp nhất mọi dân mọi nước.
Tính siêu việt và uy thế tâm linh của Lời Chúa này được diễn tả bởi biểu tượng ngọn núi: “Núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao”. Vào thời sau hết, núi thánh Xi-on sẽ vươn mình lên cao hơn tất cả các đỉnh núi, tức là “các nơi cao” mà lương dân thường dùng làm nơi tế tự cho các thần linh của mình.
Muôn dân muôn nước lũ lượt kéo nhau lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem không phải để chiêm ngưỡng cảnh huy hoàng tráng lệ của Đền Thờ, hay để dâng tiến lễ tế lên Thiên Chúa, nhưng để gặp gỡ Thiên Chúa và lắng nghe Lời Ngài phán dạy. Lời mặc khải của Ngài được ký thác cho Giê-ru-sa-lem: “Vì từ Xi-on, thánh luật ban xuống, từ Giê-ru-sa-lem, lời Đức Chúa phán truyền”.
Thánh luật được xem như chính Lời Thiên Chúa, như cách diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ”. Những hình ảnh “lối” và “đường” là từ vựng truyền thống của các Thánh Vịnh, nhất là Tv 119: 33-35: “Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng. Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ. Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi, vì con ưa thích đường lối đó”, và cũng của các sách minh triết.
2.Hậu cảnh lịch sử:
Không có sấm ngôn nào mà không có hậu cảnh lịch sử nào đó mà tầm nhìn của vị ngôn sứ vượt qua. Cũng vậy, Giê-ru-sa-lem phô bày một viễn cảnh về cuộc quy tụ đông đảo dân chúng vào những ngày đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, lễ Lều. Người ta đặc biệt nghĩ đến lễ Lều vào mùa thu, lễ mang tính quần chúng như lễ thu hoạch mùa màng ở nơi các dân ngoại giáo, và vào ngày lễ này những khách ngoại kiều cư ngụ ở Giê-ru-sa-lem đều được quyền tham dự (Đnl 16: 14).
Bản văn gợi lên lời giải thích này: “Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa”. Chính bằng những ngôn từ tương tự mà đám đông xướng lên những “bài thánh thi lên đền” khi cùng nhau tiến bước lên Đền Thánh (Tv 121, 122, 125, vân vân). Cũng vậy, lời khuyên bảo cuối cũng là lời mời gọi gia nhập vào đoàn rước: “Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường!”.
Thị kiến của vị ngôn sứ nhắm đến bên kia đám đông này; nó phóng chiếu lòng nhiệt thành của Ít-ra-en đối với Lề Luật vượt ra bên ngoài những biên giới của miền đất Pa-lét-tin; nó mở rộng thời gian cho đến giờ sau hết, giờ của niềm vui và bình an, thành quả sự công chính của Thiên Chúa. Chiều kích phổ quát của sứ mạng Giê-ru-sa-lem là đề tài sẽ được các môn đệ của vị ngôn sứ lập lại, hoặc I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ thời lưu đày, như: “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49: 6); hay I-sai-a đệ tam, vị ngôn sứ thời hậu lưu đày (Is 56: 7-8; 60; 66: 18-19).
3.Cung giọng thời Mê-si-a:
“Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái”. Sự kiện chiến tranh không còn nữa là một trong những biểu thị thời cánh chung; thường nhất, chính Thiên Chúa phá hủy những chiến cụ gây tang tóc cho con người (x. Hs 2: 20; Dcr 9: 10; Tv 46: 10). Ở đây, một khi nhân loại cùng tin nhận và tôn thờ một Thiên Chúa đích thật, thì lúc đó, sẽ phát sinh những tương quan mới mẻ giữa con người với nhau: không còn mâu thuẫn và đối kháng giữa người với người nữa. Và lúc ấy, chắc chắn sẽ không còn chiến tranh nữa, những vũ khí để giết hại lẫn nhau sẽ biến thành những dụng cụ để phục vụ và thăng tiến đời sống con người.
Những đường nét phác họa chân dung Đức Chúa cũng sẽ là những đường nét tiêu biểu Đấng Mê-si-a vương đế, chồi non Đa-vít, trong những viễn cảnh được ngôn sứ I-sai-a mô tả. Nếu sấm ngôn phải được quy cho vị ngôn sứ I-sai-a này, nó dể dàng được ghi ở bên cạnh chương 9, Đấng Mê-si-a sẽ “lập nên nền hòa bình vô tận” và “vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9: 6); và chương 11, Đức Chúa nhiều lần công bố rằng “cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang” (I s 11: 10).
Tất cả biểu tượng này được sử dụng nhất là trong khoa giáo lý phép rửa. Những người chịu phép rửa được gọi là “những người đã lãnh nhận ánh sáng”, “những người được ơn thần khải”.
4.Từ Giê-ru-sa-lem đến Giáo Hội:
Giê-ru-sa-lem lý tưởng, mà vị ngôn sứ loan báo, tiên trưng Giê-ru-sa-lem trên trời mà mọi dân tộc lũ lượt đưa nhau tới cho một cuộc tụ họp cánh chung vĩ đại, như sách Khải Huyền miêu tả (Kh 21: 24-26). Nhưng bài thơ này cũng giàu những linh cảm của các sách Tin Mừng. Theo thánh Mát-thêu, chính trên đỉnh núi Ga-li-lê Chúa Giê-su công bố các Mối Phúc Thật vượt lên trên mọi lề luật của con người. Cũng theo tác giả Tin Mừng này, cũng chính trên đỉnh núi Ga-li-lê Chúa Giê-su Phục Sinh gặp lại các môn đệ Ngài và truyền cho họ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28: 19-20).
Giáo Hội lại được ủy thác Lời Chúa; Giáo Hội có trách nhiệm truyền đạt sứ điệp Tin Mừng và đứng lên làm cờ hiệu tụ họp muôn dân nước.
BÀI ĐỌC II (Rm 13: 11-14)
Bản văn này được chọn vì nó minh họa tuyệt vời bản văn Tin Mừng hôm nay. Bức thư này Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Rô-ma, vào mùa xuân 57-58, chắc hẳn từ Cô-rin-tô.
1.Bối cảnh:
Vị thừa sai không hề biết mệt mỏi này ôm ấp những dự định mới: viếng thăm Giáo Đoàn Rô-ma và sau đó đi loan báo Tin Mừng cho Tây Ban Nha. Thư của thánh nhân nhằm mục đích chuẩn bị cuộc hành trình của mình và cho sáng kiến của mình một phẩm chất: tư cách vị Tông Đồ của dân ngoại (Rm 1: 15). Thánh nhân không có mối liên hệ nào với Giáo Đoàn Rô-ma: ngài đã không thiết lập Giáo Đoàn này, thật ra, người ta không biết gốc tích của Giáo Đoàn này và ai là người đã sáng lập Giáo Đoàn này. Thánh Phê-rô chắc chắn đã đến Giáo Đoàn này vào năm 60; thư thứ nhất của thánh nhân được viết từ Rô-ma.
Tuy nhiên, thánh Phao-lô có những linh cảm lành ít dữ nhiều; thánh nhân phải đến Giê-ru-sa-lem ở đó ngài biết rằng ngài có những kẻ thù không đội trời chung với ngài. Những người Do thái không tha thứ cho ngài, vì đối với họ ngài là kẻ phản đạo và bêu xấu Lề Luật; thánh Phao-lô xin các tín hữu Rô-ma cầu nguyện cho ngài. Quả thật, sau đó thánh nhân bị bắt ở Giê-ru-sa-lem vào ngày lễ Ngũ Tuần năm 58, bị giam ở Xê-da-rê trong hai năm, sau đó bị dẫn độ đến Rô-ma. Chính trong cảnh xiềng xích mà thánh nhân tiếp xúc với Giáo Đoàn này mà ngài đã mong ước được quen biết.
Thư gởi cho các tín hữu Rô-ma cốt yếu là đạo lý: hai chủ đề chính yếu được đề cập ở đây: cứu độ nhờ ân sủng và tương lai của dân Ít-ra-en. Đoạn trích hôm nay thuộc phần thứ hai của bức thư.
2. “Đã đến lúc phải tỉnh thức”:
“Đã đến lúc anh em phải thức dậy… Đêm sắp tàn, ngày gần đến”. “Đêm” và “bóng tối” ám chỉ đến những hoạt động gian ác, tội lỗi, điều quan trọng là từ bỏ lối sống xưa của dân ngoại. “Ngày” và “ánh sáng” diễn tả thời kỳ cứu độ, đây là giai đoạn quyết liệt trong lịch sử thánh, được khai mào từ ngày Đức Ki-tô Phục Sinh. Thánh Phao-lô lấy lại những hình ảnh này trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5: 8). Thánh nhân còn thêm câu trích dẫn: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ!” (Ep 5: 14).
Tất cả biểu tượng này được sử dụng nhất là trong khoa giáo lý phép rửa. Những người lãnh phép rửa được gọi “những người đã lãnh nhận ánh sáng”, “những người được ơn thần khải”.
3.Ngày cứu độ đã đến gần:
“Vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo”. Phải chăng thánh Phao-lô nghĩ rằng mỗi ngày người Ki-tô hữu tiến gần đến ngày Quang Lâm của Chúa Ki-tô? Không nhất thiết phải là như thế: công thức mà thánh Phao-lô dùng: “đêm sắp tàn, ngày đến gần” là diễn ngữ cánh chung của các sách khải huyền Do thái, để nói lên sự khẳng định chắc chắn hơn là kỳ hạn thời gian. Đối với thánh nhân, thời cứu độ không chỉ là kỷ nguyên trung gian phân cách cuộc Tử Nạn-Phục Sinh của Chúa Ki-tô với cuộc trở lại vinh quang của Ngài. Đây là thời gian mà mọi tín hữu phải nổ lực đáp trả ân sủng trong tiến trình cuộc sống hiện nay của mình. Trong một đoạn văn song song của Thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân giải thích rõ hơn tư tưởng của mình: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhũ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu… Vậy đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6: 1-2). Có thể nói là thánh Phao-lô đã nội tâm hóa ngày Quang Lâm.
Thế nên, về vấn đề liên quan đến ngày Quang Lâm, thái độ của thánh Phao-lô đã có những bước tiến triển trong bức thư này. Trong hai bức thư gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, hai thư đầu tiên của thánh Phao-lô, thánh nhân phát biểu rõ rằng thánh nhân chia sẻ với thế hệ Ki-tô hữu tiên khởi niềm hy vọng về ngày Quang Lâm sắp đến gần, dù thời gian vẫn chưa được xác định, nhưng nay mai, ngay chính trong thời của họ. Trái lại, vào lúc thánh nhân viết thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh nhân đã nghiền ngẫm một cách đau đớn về việc dân Ít-ra-en từ chối nhận ra Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a; tuy nhiên, thánh nhân thâm tín rằng “con cái của Lời Hứa” một ngày kia sẽ đạt đến ơn cứu độ sau thời lương dân. Vì thế, thánh nhân lại đưa viễn cảnh ngày Chúa Ki-tô trở lại vào tương lai rất xa.
4.Cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu:
Thánh Phao-lô nhiều lần diễn tả cuộc sống Ki-tô hữu như một cuộc chiến đấu trường kỳ chống lại sự ác; thánh nhân mượn từ vựng lúc thì ở nơi ngôn từ thể thao, lúc thì ở nơi ngôn từ quân đội như ở đây: “Chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu”. Kiểu nói “cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” được dịch theo sát từ là: “mặc lấy áo giáp mà chiến đấu”. Chiếc áo giáp đảm bảo cuộc chiến thắng không gì khác hơn là chính Chúa Ki-tô: “Quả thật, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3: 27), nghĩa là, người Ki-tô hữu phải nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, nên một với Ngài trong mọi sự và mọi lúc, và gặp thấy ở nơi sự hiệp nhất này sức mạnh chiến thắng. Nói cách khác, những người Ki-tô hữu phải giữ vững tư thế chiến đấu như những người chiến sĩ can trường: mình mặc chiếc áo giáp của Chúa Ki-tô để chiến đấu, tức là để Ngài hành động trong chúng ta đến mức chúng ta có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2: 20).
Cuộc chiến của con cái ánh sáng chống lại con cái bóng tối này xuất hiện rồi trong những bản văn trước Ki-tô giáo, như những bản văn Qumran làm chứng; một trong những thủ bản danh tiếng nhất của Biển Chết có nhan đề “luật cuộc chiến của con cái sự sáng chống lại con cái bóng tối”. Cuộc đối lập giữa ánh sáng và bóng tối cũng là một trong những đề tài đem lại cung giọng đầy kịch tính cho Tin Mừng thứ tư.
5.Một đời sống mới:
“Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày”, nghĩa là trong sự chiếu sáng của kỷ nguyên mới này, tức là kỷ nguyên của ân sủng, thời đại của Chúa Thánh Thần. Vì thế, “đừng chiều theo tính xác thịt”, chữ “xác thịt” được hiểu theo sắc thái ngữ nghĩa sê-mít để chỉ những thử thách trần thế, những ham muốn của con người yếu đuối và vị kỷ.
Chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên về những thói hư tập xấu mà thánh nhân vạch mặt chỉ tên ở đây: chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tuông. Thật thích hợp để đặt những thói hư tật xấu này lại vào trong bầu khí phóng đãng của thành phố Cô-rin-tô và cũng như nghĩ rằng thánh Phao-lô viết bức thư này vào mùa đông, thời kỳ của những lễ hội ngoại giáo ở Hy-lạp cũng như ở Rô-ma, kể cả những cuộc truy hoan thả cửa, chứ chưa nói đến những lễ hội chè chén, như lễ hội thần Saturnale của dân Rô-ma. Thánh Lu-ca, môn đệ và bạn đồng hành của thánh Phao-lô, cũng đưa ra những huấn lệnh tương tự: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời…Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21: 34-36).
TIN MỪNG (Mt 24: 37-44)
Ba Tin Mừng nhất lãm: Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca, đều định vị cuộc nói chuyện của Chúa về ngày tận thế và Quang Lâm vào sứ vụ sau cùng của Ngài ở Giê-ru-sa-lem, vài ngày trước cuộc Thương Khó của Ngài. Tại Lu-ca, cuộc nói chuyện này được nói công khai trước công chúng ngay trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem (Lc 21: 5-7); tại Mác-cô, cuộc nói chuyện này là cuộc trò chuyện riêng tư giữa thầy và vài môn đệ: Phê-rô, Gia-cô-bê, Gioan và An-rê, trên núi Ô-liu (Mc 13: 1-4). Tại Mát-thêu, Chúa Giê-su ngỏ lời với “các môn đệ Ngài”, chính xác là nhóm Mười Hai, quây quần chung quanh Ngài trên núi Ô-liu (Mt 24: 1-3). Đây là diễn từ cuối cùng trong năm diễn từ của Chúa Giê-su, được gọi là “diễn từ về thời cánh chung”.
1.Bối cảnh:
Trước đó, Chúa Giê-su đã rời bỏ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và đang trên đường đến núi Ô-liu. Vào lúc này, các môn đệ Ngài chỉ cho Ngài xem công trình kiến trúc huy hoàng tráng lệ của Đền Thờ được vua Hê-rô-đê Cả cho xây dựng lại và sắp được hoàn tất (khởi công từ năm 19 trước Công Nguyên và hoàn thành vào năm 64 sau Công Nguyên, chỉ trong vòng sáu năm trước khi bị các đạo quân Rô-ma phá hủy thành bình địa vào năm 70). Chúa Giê-su trả lời cho họ “Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó phải không? Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mt 24: 2).
Các Tông Đồ, vốn là những người Do thái mộ đạo, biết rằng họ sống điều gì mới, nhưng đồng thời chắc chắn cũng bị giao động bởi viễn cảnh này. Kinh ngạc, họ không thể không liên kết thảm họa như thế với ý tưởng về ngày tận thế. Khi đến núi Ô-liu, họ hỏi Chúa Giê-su: “Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điểm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế?” (Mt 24: 3).
Sau khi đã nói cho họ liền một mạch về các ngôn sứ giả, các cuộc bách hại, cơn gian nan khốn khó tại Giê-ru-sa-lem và những nỗi truân chuyên của thời sau cùng, Chúa Giê-su đề cập đến ngày Quang Lâm của Ngài được phác họa bởi những đường nét của “việc Con Người ngự đến”. Đoạn Tin Mừng của Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay được trích từ cuộc nói chuyện này từ câu 37, tuy nhiên phải bắt đầu từ câu 36 mới phải, bởi vì hai từ ngữ: “ngày và giờ” ở câu 36 được lập lại ở các câu 42-44 làm thành lối hành văn đóng khung và cho phân đoạn này một đơn vị thống nhất: câu 36 là phần khai đề, các câu 37-41 là phần triển khai, và các câu 42-44 là phần kết.
2. “Con Người”:
Diễn ngữ “Con Người” là đặc ngữ sê-mít, không có nghĩa gì khác ngoài một con người với điểm nhấn được đặt trên tính chất con người trần thế của mình: “một phàm nhân”. Diễn ngữ này thường được ngôn sứ Ê-dê-ki-en sử dụng và cũng được gặp thấy ở nơi khác như Is 51: 12; G 25: 6; Tv 8: 5. Ví dụ như trong Ed 2: 1: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây”, diễn ngữ: “con người” tương đương với đại từ “ngươi” để chỉ chính vị ngôn sứ, ông xem mình chỉ là một phàm nhân, qua ông Thiên Chúa sắp ký thác sứ điệp của Ngài cho dân Ngài.
Nhưng trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, “Con Người” xuất thân từ thiên giới. Vị ngôn sứ mô tả ngày khải hoàn của các thánh dưới quyền thống trị của một “Con Người” ngự giá mây trời mà đến và Thiên Chúa trao cho nhân vật này “quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7: 13-14).
Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su thích dùng tước hiệu “Con Người” theo ngôn sứ Đa-ni-en để nói về chính mình. Khi thủ đắc tước hiệu này cho riêng mình, Chúa Giê-su diễn tả vừa tính siêu việt của mình vừa nhân tính mà Ngài dự phần vào, nhờ đó Ngài có thể mang lấy số phận của nhân loại; đồng thời phải hiểu rằng cuối cùng Ngài sẽ chiến thắng.
3.Lời mời gọi hãy sống trong tư thế sẵn sàng:
Chúa Giê-su báo trước cho các môn đệ Ngài tính cách bất ngờ không thể đoán trước được của “ngày và giờ Con Người ngự đến”. Thiên hạ kinh ngạc như họ đã kinh ngạc khi trận hồng thủy bất ngờ ập đến.
Theo hình thức so sánh và dụ ngôn, Chúa Giê-su kêu gọi hãy luôn luôn sống trong tư thế sẵn sàng chờ đón ngày Ngài trở lại. Vào thời ông Nô-ê, thiên hạ vẫn lo ăn uống, cưới vợ lấy chồng, chơi bời phóng túng trong cuộc sống thường ngày mà không một chút bận lòng đến ngày phán xét của Thiên Chúa, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu mà vẫn không hay biết gì về tai họa sắp ập xuống trên họ. Việc Chúa Ki-tô trở lại để xét xử thế gian cũng xảy ra một cách đột ngột bất ngờ như thế: những người này “được đem đi” để vui hưởng hạnh phúc Nước Trời, những người khác “bị bỏ lại” để chịu án phạt. Hai người ở cùng một chỗ, làm cùng một công việc, có thể có những số phận khác nhau. Ở đây đừng hiểu các con số này theo toán học, bằng không, chúng ta có thể tin rằng chỉ một nữa nhân loại sẽ được cứu. Đây là kiểu nói đối ngẫu sê-mít: chúng ta sẽ gặp lại kiểu nói này ở nơi dụ ngôn về năm cô trinh nữ khờ dại và năm cô trinh nữ khôn ngoan.
Việc so sánh theo sau cũng nhắm đến sự mê muội này: giả như chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã tỉnh thức. Đó cũng là lời khuyên bảo của thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm” (1Tx 5: 1-2).
Các môn đệ là những người duy nhất lắng nghe những lời này; vì thế, từ nay đây sẽ là công việc của các ông: phá vỡ sự mê muội của con người và loan báo ơn cứu độ. Như vậy, cái bất ngờ của ngày Chúa đến không phải là không được báo trước, nhưng chính vì thái độ vô tâm mê muội của con người: cố chấp, nhắm mắt bịt tai trước lời cảnh giác của Ngài, lời ấy vẫn hằng vang lên trong Giáo Hội của Ngài.
Chúng ta không thể không liên tưởng đến vài ngày sau đó, hầu như cùng một nơi chốn, trong vườn Ô-liu, Chúa Giê-su sẽ nói với cũng chính các môn đệ này đến hai lần: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện…”, còn họ thì cứ ngủ mê miệt không sao mở mắt nổi.