"AI THEO TA KHÔNG ĐI TRONG TỐI TĂM"
Một trong những giác quan mà chúng ta thường quý trọng nhất, đó là đôi mắt. Rất đau khổ cho những ai mất đi ánh sáng của đôi mắt. Bởi thế đáng thương cho một người mù. Người mù phải sống trong bóng tối. Thế nhưng có khi người mù mà lại sáng, kẻ sáng lại là người mù. Kẻ có mắt lại không thấy. Kẻ mù lại thấy rõ.
Trước đây ở Nữu Ước, một thành phố lớn của Hoa Kỳ, đang lúc đêm, lúc nhộn nhịp nhất, bổng dưng cúp điện. Một sự rối loạn xảy ra. Nhiều người bị kẹt trên thang máy lơ lửng. Các xe điện dưới lòng đất phải đứng yên tại chỗ. Trên đường phố, các xe cũng nối đuôi nhau và bị kẹt không thể di chuyển.
Một người đàn ông tên John cũng bị kẹt trong đêm đen đó. Anh ta bị lạc, quờ quạng và sợ hãi. Anh đi đụng vào một người lạ. Anh xin lỗi, nói với người này vài câu. Không ngờ rằng người này lại là một người biết anh, gợi ý giúp dẫn đưa John về nhà.
John ưng thuận và đi theo người đàn ông lạ ấy xuyên qua các con đường tối đen. Người lạ nói: “Anh hãy đi sát tôi, tôi hứa sẽ dẫn anh về đến nhà.” Họ tiến đi cách từ từ, cẩn thận. Người lạ có vẽ thông thạo đường đi và không e sợ. Điều này làm John ngạc nhiên: “Quái lạ tối đen như thế này mà anh ta vẫn đi được dễ dàng”. Cuối cùng họ về đến nhà và John nhận ra người lạ. Đó là người mù trong xóm của anh. Chỉ lúc đó anh mới nhận ra rằng nguời đã dẫn anh đi trong đêm đen chính là một người mù. Chỉ trong đêm đen, người mù mới có thể biết được đường đi. Lý do là người mù, đã không dùng đôi mắt của mình để tìm đường, nhưng dùng cách khác để dò đường, dùng cách khác để thấy.
Như vậy, trong trường hợp này, kẻ có mắt lại không thấy, kẻ mù lại thấy. Suy nghĩ thêm về cái mù tâm linh, thì lại càng rõ ràng hơn. Đôi khi, kẻ tưởng mình sáng suốt thì lại là kẻ mù tối.
Câu chuyện người mù trong Tin Mừng hôm nay, không chỉ là câu chuyện chữa cái mù thân xác, đúng hơn, là câu chuyện chữa mù tâm hồn. Sau khi được Đức Giêsu chữa mù thân xác, người mù còn được chữa mù tâm linh. Anh đã thấy nhiều hơn các luật sĩ, biệt phái, những kẻ lãnh đạo tôn giáo đương thời. Anh ta đã thấy được sự tốt lành thánh thiện nơi Đức Giêsu và tin ở Ngài.
Những người biệt phái có đôi mắt, thấy rõ nhưng Chúa Giêsu gọi họ là những người mù. Và đáng buồn thay là họ cố chấp giữ cái mù họ và chối từ sự giúp đở từ Chúa Giêsu.
Còn có nhiều cái mù khác bên cạnh cái mù thể thể xác. Những hình thức mù đó chúng ta có thể kể ra ở đây. Chẳng hạn như :
- Tính ích kỷ là cái mù đối với nhu cầu của kẻ khác.
- Sự dửng dưng chai đá là cái mù đối với đau khổ ta gây ra cho kẻ khác.
- Sự kiêu hãnh là cái mù đối với những lỗi lầm của chúng ta.
- Thành kiến là cái mù đối với sự thật.
- Duy vật là cái mù đối với những giá trị tâm linh.
Tất cả những cái trên đóng vai trò như một màn chắn cửa sổ. Nó không cho người ngồi trong nhà nhìn thấy ra bên ngoài. Chúng ta có thể có đôi mắt tốt nhưng không thể thấy những gì là tốt, là đẹp, là chân lý. Tất cả chúng ta đều có những cái mù. Bởi thế, chúng ta có thể hiểu điều Helen Keller, một người mù từ nhỏ, đã nói: Tai họa lớn nhất có thể giáng xuống trên một người không phải là người đó sinh ra bị mù, nhưng là anh ta có mắt nhưng không thấy.
Chúng ta cũng có thể nhận ra sự kiện mù hay không mù tâm linh cách rõ ràng hơn khi so sánh một em bé có đức tin với một nhà khoa học không có đức tin. Em bé nhỏ có đức tin đó, có thể thấy nhiều hơn là một nhà khoa học thông minh nhất nhưng không có đức tin.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là câu chuyện về đức tin. Đỉnh cao của câu chuyện là lúc người mù tin vào Đức Giêsu. Những người mù nhất lại là những người không tin vào Đức Giêsu. Họ đã từ chối nhìn thấy.
Đức Giêsu đã nói: Ngài đến là để mở mắt người mù. Ngài đã mở mắt cho ông Giakêu trưởng ban thu thuế, mở mắt cho người phụ nữ tội lỗi, cho người trộm lành, cho tất cả những ai muốn tìm thì tìm được con đường về nhà Cha.
Niềm tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta thấy trong bóng tối. Ngài như người bạn đường dẫn chúng ta đi trong đêm tối. Chúng ta hãy đi sát vào Ngài. Chúng ta hãy đặt hoàn toàn tin tưởng vào Ngài, Đấng đã nói rằng: “Ai theo Ta không đi trong tối tăm nhưng luôn có ánh sáng ban sự sống.”
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng