CNMC III A
Thờ phượng Chúa trong Thần Khí và Sự Thật
Bài Tin Mừng cho thấy một điều lạ: Đức Giêsu đi tới gặp một phụ nữ bên bờ giếng để xin nước uống vì mõi mệt, vì khát nước. Sao Ngài lại xin trong khi Ngài đang có. Ngài đang có nước, mà lại nước hằng sống! Nếu Ngài có nước hằng sống, thì cứ lấy ra mà uống đi, cần gì phải xin!
Và người khác cũng có thể nói: Chúa Giêsu dư sức làm phép lạ để có nước uống. Ví dụ Ngài chỉ cần đưa tay ra thì nước giếng đã phọt lên tay Ngài. Phải chăng Chúa Giêsu xin nước là chỉ để tìm dịp làm quen, như một kỷ thuật để đến gần người khác gợi chuyện và sau đó rao giảng cho họ về nước hằng sống.
Người ta vẫn nghĩ rằng Chúa Giêsu rất khôn ngoan về khoa sư phạm, Ngài chỉ tìm cách gợi chuyện để rao giảng mà thôi. Và kết quả là rất thành công, khiến cho cả làng ra đón tiếp và tin Ngài.
Tuy nhiên chúng ta cứ hãy suy nghĩ đến nước hằng sống Chúa nói hôm nay, cũng như những lần khác Chúa Giêsu hứa ban cho Mình và Máu Ngài, tức là Bí Tích Thánh Thể. Hẳn là câu chuyện không đơn giản ở chỗ dùng kỷ thuật gợi chuyện để rao giảng mà thôi.
Hãy xem, Chúa có cho nước hằng sống không? Người phụ nữ đã xin: "Thưa ông, xin cho tôi nước ấy, để tôi khỏi chết khát và khỏi phải đến đây lấy nước". Nhưng Chúa Giêsu lại nói lãng qua chuyện khác: "Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây". Rồi sau đó Chúa Giêsu lại nói đến chuyện thờ Thiên Chúa đích thực là trong Thần khí và Sự Thật.
Tuy nhiên, chuyện lạ lùng đã xảy ra: người phụ nữ nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và sau đó cả làng đều tin.
Vậy thì nước hằng sống mà Chúa Giêsu đã ban cho họ chính là Đức Tin. Đó là tin rằng Ngài là Đấng Cứu Thế. Chúa đã cho người phụ nữ và cả làng ơn đức tin, cũng là nước hằng sống mà họ muốn có.
Tin Ngài là Đấng Cứu Thế lại liên hệ sâu xa đến việc thờ phượng Thiên Chúa. Rõ ràng là khi tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng mà Thiên Chúa Cha ban cho chúng ta vì yêu thương, thì lúc đó chúng ta thể hiện sự tôn thờ kính mến Thiên Chúa. Khi chúng ta tin vào Đức Giêsu, cùng với cả cuộc đời Ngài vâng phục là chết trên thập giá vì tình yêu thương, thì chính lúc đó chúng ta tôn thờ Thiên Chúa.
Hôm nay Chúa Giêsu nói, tôn thờ Thiên Chúa đích thực không phải sự tôn thờ trên núi này hay trên núi nọ mà là trong Thần Khí và Sự Thật. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng đơn thuần là thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý, hiểu như là trong tinh thần thì khác với thể xác, trong chân lý thì khác với trong gian dối. Các nhà Kinh Thánh thấy rằng, nó không đơn giản như vậy, vì tác giả Tin Mừng Thánh Gioan viết rất sâu xa.
Đó là sự thờ phượng Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu Trong Sự Thật cũng là trong Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là Sự Thật, như có lần Ngài nói: Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Cả mầu nhiệm nhập thể cứu độ cũng là Sự Thật, Sự Thật cứu độ, cần phải tin để được sống đời đời.
Trong Thần Khí hay trong Tinh Thần cũng có nghĩa là trong Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta tin và sống đức tin mạnh mẽ. Chính nhờ Chúa Thánh Thần ban ơn để ta tin vào Sự Thật là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Tin vào Chúa Giêsu, cũng có nghĩa là tin Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại chính Con Một Ngài, vì yêu thương thế gian.
Để dễ hiểu, hãy nghĩ đến sự thờ phượng Chúa trong Thánh Lễ. Cử hành Thánh Lễ cũng là cử hành hiến tế của Đức Giêsu lên Thiên Chúa Cha. Đó là sự thờ phượng của Chúa Giêsu. Ngài, nhờ tay linh mục dâng hiến tế, thực hiện trong Chúa Thánh Thần, Đấng Thánh hóa lễ vật. Chúng ta dự lễ, có nghĩa chúng ta được dự phần thờ phượng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, nhờ công nghiệp vô cùng quý giá của Chúa Giêsu, như lời đọc của linh mục chủ tế "chính nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời'.
Chính đức tin và sự thờ phượng trong Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần đem lại cho ta nước hằng sống, tức là sự sống đời đời.
Tuy nhiên đức tin với kiểu chỉ nói "lạy Chúa", "lạy Chúa" mà không thực hiện Lời Chúa thì cũng không mang lại được sự sống đời đời. Đức tin phải thể hiện bằng việc làm, bằng cuộc sống.
Đức tin của người phụ nữ Samaria ít nhất cũng thấy được là chị đã làm chứng cho Đức Giêsu cho những người Samari khác trong thành. Chị đã thuyết phục họ bỏ qua đi những kỳ thị ghen ghét lẫn nhau để đến với Đức Giêsu và tin Ngài là Đấng Cứu Thế.
Người phụ nữ cũng như dân Samaria thừa biết “người Do Thái không được giao tiếp với người Samaria”. Vậy mà khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, họ đã vượt qua “hố sâu ngăn cách” ấy cũng như vượt trên "tự ái dân tộc” để đến gặp Đức Giêsu và xin Ngài ở lại với mình.
Trong thực tế đời sống, không dễ chút nào trong việc vượt qua những rào cản của tự ái của mặc cảm của sự cách biệt để ta đến với người anh em để sống yêu thương vâng phục như Đức Kitô; không dễ chút nào trong việc thoát khỏi xiềng xích trói buộc của tội lỗi mà trở về cùng Chúa.
Chính khi gặp gỡ Đức Kitô, sống trong Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần, thì chúng mới có khả năng dẹp bỏ những rào cản những khó khăn này. Nói một cách khác, trong mọi hoàn cảnh người Kitô hữu phải liên kết với Chúa Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần để sống đức tin, để thờ phượng Thiên Chúa. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đang thờ phượng Chúa cách đích thực, trong Tinh Thần và Chân Lý.
JB. Lê Ngọc Dũng