Tô màu cho cuộc sống bằng tình yêu và hy vọng

Thứ bảy - 12/05/2018 04:45  2104
 
Thập tự Trắng của họa sĩ Marc Chagall, bức tranh yêu thích của Đức Phanxicô  

 

Trích sách “Hiểu Giáo hoàng Phanxicô”, Andrea Riccardi, nhà xuất bản Emmanuel

Đối với Bergoglio, ngài chỉ đi tìm cái gì hiệp nhất và để qua một bên cái gì gây chia rẽ, như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII dạy, đó là con đường chính yếu phải đi nếu muốn thực hiện một cuộc gặp gỡ đích thực. Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã đào sâu con đường này – mục vụ và ngoại giao – do giáo hoàng Roncalli đề nghị, một phương pháp mà dưới mắt ngài không khoan dung cũng không hòa giải dễ dàng. Đối với Bergoglio, Giáo hoàng Gioan-Phaolô II là chứng nhân lớn lao cho giá trị của đối thoại. Trong một tác phẩm ngài hướng dẫn viết về cuộc gặp gỡ giữa Giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Fidel Castro, hồng y quan sát cách giáo hoàng Ba Lan thực hiện cuộc “hành hương đối thoại trong chiều hướng mở Giáo hội ra với nhân loại, mời nhân loại mở ra với chân lý”. Theo Bergoglio, Giáo hoàng Gioan-Phaolô II là gương mẫu sứ vụ giáo hoàng về đối thoại: “Vai trò của Giáo hội, đặc biệt là của vị đại diện Chúa Kitô là giải phóng, đối thoại và tham dự để xây dựng hiệp thông giữa con người và Giáo hội. Theo cách này, đối thoại được xem như kênh hiệp thông giữa Giáo hội và quần chúng, dựng lên một khí cụ nền tảng để xây dựng hòa bình, cổ vũ cho sự trở lại và kiến tạo tình huynh đệ”.

Giáo hội của Bergoglio sống trong “văn hóa của gặp gỡ mà đối thoại là phương pháp hàng đầu, tìm chia sẻ trong tương thuận, đồng ý, tìm điều hiệp nhất thay vì gây chia rẽ hay chống đối”. Gặp gỡ và đối thoại là xây dựng cùng yếu tố văn hóa chung. Đối thoại nảy sinh trong chân tình khi người này nghĩ người kia có một cái gì đáng kể để nói dưới một hình thức khác, khi mình nghĩ có thể học một cái gì từ người kia. Một trong những cội rễ sâu xa của tính dửng dưng mà các quan hệ giữa con người phải hứng chịu là sự thiếu thích thú về người khác, nghĩ người kia chẳng có giá trị gì với mình, chẳng có gì đáng để nghe. Não trạng thực dụng làm hại thêm cho việc không thích quan tâm đến người khác: nếu giao thiệp với họ mà không có lợi thì quan tâm đến họ làm gì. Trước khi là Giáo hoàng Phanxicô, chúng ta đã thấy Bergoglio có xác quyết chắc nịch này: “Phải nhất quán với thông điệp chúng ta nhận từ Thánh Kinh: tất cả mọi người là hình ảnh của Chúa, dù họ có là tín hữu hay không. Điều đó đã đủ để họ có mọi đức hạnh, mọi giá trị”.

Nói rằng tất cả con người là hình ảnh của Chúa không phải là một khẳng định theo lý thuyết: đó là một minh triết sống, một khôn ngoan để chúng ta khám phá giá trị nơi người khác, để làm phong phú các tiếp xúc, tỏ ra kính trọng trong nghĩa kính trọng võ bọc cuộc sống của người khác. Tìm giá trị của người khác là một nghệ thuật rất khó nếu mình ở bên ngoài đời sống của họ hoặc mình dửng dưng với họ. Giá trị của người khác được thấy trong chính kinh nghiệm sống của mình. Đó không phải là một nguyên tắc để tuyên bố. Giám mục sử gia Cataldo Naro đã viết về đề tài này: “Để yêu thương thì cần phải ngưỡng phục. Con người yêu vì ngưỡng phục, vì người đó lôi cuốn mình và mình thấy đẹp”. Mỗi người có điều gì đó đáng ngưỡng phục dù thoạt nhìn chúng ta chưa thấy. Và đó là nghệ thuật của gặp gỡ và đối thoại. “Người khác có nhiều chuyện để cho tôi”, đó là điều Bergoglio xác quyết.

Nhưng cũng có sự từ chối đối thoại. Nếu chúng ta nhìn vào đời sống của Giáo hội chúng ta sẽ thấy một phần lớn các nhiệt thành của tinh thần đại kết và đối thoại sau Công đồng Vatican II đã biến mất. Sau tất cả những năm này, người ta tự hỏi, đâu là kết quả của sự cam kết của Giáo hội trong việc đối thoại? Cuối cùng thì thu gọn vào một chân trời chật hẹp hoặc người khác (dù họ có khác biệt gì chăng nữa) trở nên nhạt nhòa và mất ý nghĩa. Người ta chỉ chú tâm vào thế giới riêng của mình. người khác trở nên quá nhiều, quá xâm lấn, không có ích cho mình, mình chẳng thấy thích thú gì. Không thực hành hạnh đối thoại, ý nghĩa về người khác không còn. Điều này đúng với con người cũng như đúng với cộng đoàn. Trong thế giới toàn cầu, trong thành phố toàn cầu, đứng trước sự đánh mất ý nghĩa và sự hỗn loạn văn hóa, cần phải đầu tư rất nhiều vào đối thoại và gặp gỡ.

Một khía cạnh khác rất bị coi thường của đối thoại giữa tín hữu Kitô chính là vấn đề “người nghèo”. Người ta sẽ hỏi người nghèo có liên quan gì đến đối thoại – có phải người nghèo trước hết là một vấn đề xã hội không? Tình yêu người nghèo kết hiệp các tín hữu Kitô lại với nhau, nhưng cũng kết hợp những người có thiện tâm lại với nhau. Chắc chắn tinh thần đại kết của đức ái làm cho tín hữu Kitô gần với các tín ngưỡng khác và được nhận ra trong việc phục vụ những người yếu kém nhất. Đức Phanxicô đã nêu rõ, những người không công giáo, không kitô này đã làm những điều rất tốt, đã gây một phản ứng tiêu cực nơi một vài người công giáo, họ cho rằng những người này không phải là người “của mình”. Đức Giáo hoàng nói thêm: “Làm điều tốt, tất cả, tôi nghĩ đó là con đường tốt để đi đến hòa bình. Nếu mỗi người trong phần của mình đều làm điều tốt cho người khác thì đó là chúng ta đã gặp nhau, khi làm điều tốt, chúng ta làm chầm chậm, adagio adagio, piano piano, văn hóa này là văn hóa gặp gỡ: chúng ta thật sự cần…”. Cùng nhau làm điều tốt là xây dựng hiệp nhất. Khám phá giá trị của điều tốt được thực hiện nơi người không phải là người của mình làm chúng ta lớn lên trong sự tôn trọng và quan tâm đến người khác.

Đối thoại không phải là một chiến thuật nhằm để có được một cái gì hay tạo sức ép tinh thần: nó là sự nhận biết người khác có một cái gì để cho, rằng chúng ta được đặt để để cùng sống chung và trước hết là phải nói chuyện với nhau. Qua đối thoại, không cần lên lịch trước, chúng ta tái xây dựng cuộc sống hàng ngày hay xây dựng ở những chân trời rộng lớn hơn của cuộc sống chung. Đối thoại được thực hiện qua các cuộc gặp gỡ, qua các câu chuyện tình cảm, các quan hệ, cả một cụm kinh nghiệm khác nhau không thể lên chương trình trước cũng như không thể dàn dựng. Nhưng đâu là hiệu năng của những việc này? Đôi khi ngay cả trong Giáo hội, người ta cũng tự hỏi đâu là hiệu năng và kết quả của đối thoại. Gặp gỡ và đối thoại luôn cần thiết vì sự hiện diện của người khác sẽ biến mất khỏi chân trời của chúng ta. Trong một thế giới rộng lớn vô danh, các chuyện thù địch thì xảy ra như tia chớp, các thành kiến thì ngày càng lớn dần. Ngày nay, đứng trước sự toàn cầu hóa và sự loại bỏ khoảng cách địa lý – nhưng không loại bỏ khoảng cách văn hóa và nhân bản -, nhu cầu gặp gỡ và đối thoại lại càng lớn hơn. Từng cá nhân, từng nhóm, từng cộng đoàn đôi khi tách nhau bằng những khoảng cách lạnh lùng do phớt lờ, do khinh bỉ, dù họ không sống xa nhau. Chính trong sự ngăn cách lớn lao này, về văn hóa, nhân bản hay địa lý, mà làm cho sự xa lạ với người khác, các thù địch nguy hiểm lớn lên.

Họa sĩ Marc Chagall, người Nga gốc Do Thái, tác giả các bức tranh đượm tinh thần tôn giáo đã làm cho thế giới biết đến hình ảnh người Do Thái ở Đông Âu, một hình ảnh bị biến mất với Thế Chiến Thứ Nhì, tương tự như triết gia Do Thái Martin Buber đã làm với văn hóa của người Do Thái phái hassidim. Năm 1973, trong ngày khánh thành viện bảo tàng cống hiến cho tác phẩm của mình, họa sĩ Marc Chagall khẳng định: “Nếu mọi cuộc đời phải đi đến đường cùng không tránh được thì chúng ta, trong cuộc đời của mình, phải tô cuộc đời với màu sắc yêu thương và hy vọng”. Khi thực hành nghệ thuật gặp gỡ, mỗi người chúng ta, dù là người đơn sơ nhất cũng “tô” cho cuộc đời xám xịt của mình, phải bước qua những khoảng cách đôi khi rất lớn giữa môi trường, giữa con người, giữa thế giới. Tất cả các tiến trình cá nhân này gần như bị đứt mạch, khác nhau, thậm chí ngược nhau đều trả lời cho một thực tế của cùng hoạch định thân thiết: tô đậm màu cho tình yêu và hy vọng, nêu cao khí chất của nhân loại, để làm cho thế giới này thân thiết hơn, nhân bản hơn.

Không cần phải có một dự án hay một phối hợp để quy tụ các sáng kiến khác nhau của gặp gỡ. Điều cần là nó phải nhiều nhất có thể, vì nó sẽ làm lớn lên sự hiệp nhất giữa các nơi chốn và giữa các con người. Trong tác phẩm Chốn thiêng liêng, với một bối cảnh chắc chắn là hơi khác, linh mục thần học gia Dòng Tên Teilhard de C-hardin đã nêu lên một yếu tố quan trọng của vai trò người tín hữu Kitô: “Nối kết công trình cá nhân với công trình của tất cả các người thợ chung quanh mình. Bên cạnh mình, là chen chúc không biết bao nhiêu thế giới cá biệt… Phải làm nóng lên sức nóng riêng của mình bằng sức nóng của tất cả các lò lửa này”. Đức ái, “nguyên tắc và hiệu quả của mọi liên kết thiêng liêng” làm nổ ra các “hang hóc trong đó các hạt ghen tương cá nhân muốn cô lập và sống một cuộc sống vô vị”. Không một gặp gỡ nào, không một đối thoại nào dù nhỏ dù phụ mà lại hoài đi.

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn: phanxico.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm84
  • Hôm nay13,682
  • Tháng hiện tại668,196
  • Tổng lượt truy cập52,837,144

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây