Tất niên và tân niên là hai sự kiện quan trọng của một năm 365 ngày: những ngày cuối năm và những ngày đầu năm. Tuy nhiên, nếu như không có con người thì đó cũng chỉ là những sự kiện tất yếu của dòng chảy thời gian. Vì có con người nên mới có sự kiện tất niên và tân niên. Vậy thì, con người thường nghĩ gì, làm gì vào dịp tất niên và tân niên? Đâu là những ý nghĩa của hai sự kiện tất niên và tân niên mà người người, nhà nhà thường tổ chức hai sự kiện quan trọng này? Để trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta có hai góc nhìn: góc nhìn từ những người không tôn giáo và góc nhìn từ những người Kitô hữu chúng ta.
Trước tiên, những người không tôn giáo, người vô thần, lương dân thường làm gì vào dịp tất niên và tân niên? Đối với những người sống ở thành phố, tất niên là dịp để người ta tổ chức tiệc mừng, văn nghệ, để tổng kết, nhìn lại một năm đã qua. Các nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất, công ty trong khắp thành phố thường tổ chức sự kiện tất niên để tổng kết doanh thu, rồi phát thưởng cuối năm cho các nhân viên phục vụ. Vì vậy, người ta thường gặp gỡ nhau trong dịp tất niên, để giao lưu, tổng kết, ăn uống, hát hò, và trao cho nhau những món quà … Khi tổ chức sự kiện tất niên, người ta không biết trong một năm qua mình thành công hay thất bại, nhưng trước mắt là họ mong muốn có được niềm vui qua những ly rượu, ly bia, những cái bắt tay, những lời hỏi thăm, và những bài hát văn nghệ. Điều này cho thấy, đã là con người thì ai cũng cần có niềm vui, cần có những mối quan hệ giao tiếp. Tất niên là như thế và tân niên thì cũng tương tự như vậy. Những người thành phố thường trưng bày cây kiểng trong nhà, thường tổ chức những chuyến du lịch xa như Nha Trang, Đà Lạt hay Vũng Tàu nhân dịp năm mới. Não trạng của những người ngoại đạo thành thị thường ước mong sự may mắn, thành đạt, vạn sự như ý, sức khỏe, và hạnh phúc trong cuộc sống và trong công việc. Vì thế, người ta thường trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp với những điều ước muốn như thế.
Tiếp đến, đối với những người ngoại đạo, không tôn giáo ở các miền quê thì sao? Có lẽ, họ không tổ chức tất niên linh đình, hoành tráng như những người thành phố. Tuy nhiên, những ngày cuối năm, họ cũng tranh thủ chuẩn bị bán lúa, để có tiền đi chợ tết. Họ cũng có những bữa cơm với những món ăn đạm bạc nhà quê, với những ly rượu đế, và những tiết mục hát Karaokê cây nhà lá vườn. Quả thật, nếu đã là con người cho dù có sống ở thành phố hay nông thôn, thì ai cũng có nhu cầu gặp gỡ, thư giãn, giải trí, để chia sẻ niềm vui, và tình thương. Những ngày tân niên, người ta thường đến nhà những người bà con, thân quen, để dùng một ly trà, bánh mứt, những ly rượu, ly bia, những bữa cơm với dưa cải, thịt kho tàu… và chúc nhau những lời tốt đẹp nhân dịp năm mới. Vì vậy, tân niên cũng là một ngày hội ngộ của niềm vui đối với những người không phải là Kitô hữu. Bầu khí những ngày cuối năm và đầu năm ở miền quê thật vui tươi với những tiếng nhạc xuân vang lên từ nhiều gia đình trong khắp thôn xóm.
Cuối cùng, những người Kitô hữu chúng ta thường làm gì vào dịp tất niên và tân niên? Nhiều giáo xứ thường tổ chức chương trình văn nghệ tất niên cho mọi người. Buổi văn nghệ này là dịp để bà con bổn đạo, các em thiếu nhi, giới trẻ gặp gỡ nhau và trao cho nhau niềm vui qua những tiết mục hát, múa, biểu diễn thời trang, những tràng pháo tay cổ vũ tinh thần. Điều này thật ý nghĩa đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta, bởi vì Chúa là niềm vui, Chúa là tình yêu. Vì vậy, người Kitô hữu chúng ta cần mang Chúa là niềm vui đến cho những người anh em chúng ta. Đặc biệt hơn nữa, những ngày cuối năm, nhiều giáo xứ tổ chức thánh lễ ở đất thánh, để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn của những người thân trong gia đình đã qua đời. Đây là dịp để chúng ta bày tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ, những người đã có công sinh thành, dưỡng dục, và nuôi nấng chúng ta nên người. Vì vậy, trong thánh lễ này, người ta thường thắp những nén nhang, cắm những cành bông huệ, bông vạn thọ lên mộ những người thân của mình. Những nghĩa cử như thế là những nét đẹp Tin mừng yêu thương của Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, thánh lễ cuối năm tại đất thánh, hay thánh lễ giao thừa ở nhiều xứ đạo, là dịp để chúng ta hướng về nhau và hướng về Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của sự sống, và hạnh phúc vĩnh cửu cho cuộc đời mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Hơn thế nữa, lòng hiếu thảo đối với Chúa và đối với ông bà cha mẹ của người Kitô hữu chúng ta còn thể hiện vào những ngày đầu năm. Ngày Mồng Một Tết, ngày hội ngộ của vui tươi của bà con giáo dân trong thánh lễ đầu năm mới. Chúng ta hái lộc đầu năm, với những câu Lời Chúa, mà nhiều người tin rằng đó những lời Chúa muốn nói với mình trong suốt năm mới này. Chúng ta mừng tuổi Chúa, mừng tuổi cha sở, và mừng tuổi nhau. Các em thiếu nhi mong được người lớn lì xì đầu năm mới. Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn ông bà cha mẹ nhân dịp năm mới. Ngày Mồng Ba Tết, thường được gọi là Thánh lễ cầu mùa, với ý nghĩa: chúng ta cầu xin Chúa ban cho công việc mua bán, học hành, kinh doanh, trồng trọt, mùa màng của chúng ta được phát triển tốt đẹp. Những ngày tân niên như thế thật sự đã đi sâu vào tâm thức và não trạng của những người Kitô hữu chúng ta. Thiết nghĩ, đó chính là những ý nghĩa thắm đượm chất men Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô.
Tựu trung lại, tất niên và tân niên là những ngày vui tươi, yêu thương, và thật ý nghĩa đối với mọi người: người có đạo và cũng như những người không Công giáo. Ước mong sao, con người hôm nay sẽ có được nhiều niềm vui, nhiều mối quan hệ yêu thương tốt đẹp nhân dịp tất niên và tân niên. Ước mong sao, tất niên và tân niên không chỉ dừng lại ở những niềm vui bên ngoài như ăn uống, văn nghệ, mà còn hướng đến Thiên Chúa là niềm vui, là hạnh phúc lâu bền cho người Kitô hữu chúng ta, và cho tất cả mọi người.
Tâm Thương
WGPSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn