Không phải “một con cá voi” đã nuốt ngôn sứ Giôna vào bụng.
Thứ ba - 20/07/2021 09:21
1838
Không phải “một con cá voi” đã nuốt ngôn sứ Giôna vào bụng.
Daniel Esparza
Dù sinh vật nào đã nuốt vị ngôn sứ thì trong bản văn Hípri cổ nó không được gọi là “cá voi”.
Các ngôn sứ (tiếng Anh là prophet) không phải lúc nào cũng được gọi là ngôn sứ -ngay cả trong Kinh thánh. Thật vậy, ngôn sứ là một hạn từ tương đối mới. Từ này được dùng để chuyển dịch hạn từ Hípri nevi’im sang tiếng Hy Lạp vào khoảng thế kỷ thứ 3 hay thứ 2 trước công nguyên, và rồi được các Giáo hội Kitô tiên khởi đón nhận. Trong khi hạn từ Hy Lạp prophétēs (ngôn sứ) chắc chắn trình bày một điều gì đó có thể nghĩ về con người (và công việc) của ngôn sứ, thì có hai từ Hípri khác được tìm thấy trong Kinh thánh để chỉ những nhân vật này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ngôn sứ.
Prophétēs trong tiếng Hy Lạp là một từ ghép. Tiền tố “pro” thường được dịch với nghĩa là “trước”. Động từ, “phesein,” có nghĩa là “nói”, “phát ngôn”. Hai thành tố này cho thấy ngôn sứ là người có khả năng nói những điều chưa xảy ra. Một từ Hípri cổ trong sách Samuen, “ro’eh”, thường được dịch là “thị nhân”(seer) , ít nhiều cũng có cùng ý nghĩa này. Đây là lý do tại sao những nhân vật này trong Kinh thánh thường được cho là có thể báo trước (hoặc thấy trước) tương lai - nhưng thật ra không phải như vậy. Những gì mà các ngôn sứ thực sự làm lại khá bình thường. Các ngài nhắc nhở dân chúng về hậu quả do hành động của họ. Nhiệm vụ của ngôn sứ là cảnh báo.
Nhưng có một cách khác để đọc cách dịch hạn từ Hy Lạp này. Tiền tố pro cũng có thể có nghĩa là “thay mặt”, “nhân danh.” Cách dịch này thực sự gần với nghĩa gốc của nevi’im trong tiếng Hípri. Một đoạn trong sách Đệ Nhị luật dường như đã trình bày cách ngắn ngọn về con người và công việc của navi (số ít của nevi’im): “Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.” Navi là người phát ngôn. Theo lối giải thích của các Rabbi thời Trung cổ, căn ngữ của navi (ba ký tự cấu thành hạn từ này trong tiếng Hípri là nun, bet và aleph) dựa trên một gốc từ (nun-bet) có nghĩa là mở (openess)— hay đúng hơn là rỗng (hollow): vị ngôn sứ luôn “trống rỗng” để Thiên Chúa có thể nói qua ông. Ngôn sứ là “cái miệng trống rỗng” để lời của Thiên Chúa có thể lấp đầy.
Nhưng ngôn sứ Giôna thì không phải vậy.
Giôna lại làm ngược lại
Một ngôn sứ tiêu biểu đáng được gọi là navi sẽ bắt tay ngay vào công việc. Chẳng hạn, Êlia nổi tiếng với lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa toàn năng (x. 1V 19,10). Ngay khi nghe tiếng gọi, dù cảm thấy sợ hãi hay miễn cưỡng đến mức nào đi nữa, các ngôn sứ vẫn ra đi và rao truyền sứ điệp được giao phó, bằng cách sử dụng công thức ngôn sứ cổ điển “Thiên Chúa phán thế này”.
Nhưng Giôna lại làm ngược lại và vội vàng lên tàu để cố gắng tránh càng xa Thiên Chúa càng tốt. Thậm chí còn hơn thế nữa, cuối cùng khi đến Ninivê (nơi Thiên Chúa đã yêu cầu ông đến ngay từ đầu), ông hầu như không công bố sứ điệp ngôn sứ. Sứ điệp của ông chắc chắn là lời hùng biện ngắn gọn nhất, ít thuyết phục nhất trong toàn bộ Kinh thánh. Trong khi các ngôn sứ khác hăng sưa và nhiệt tâm rao giảng, khiển trách, gây ảnh hưởng và thuyết phục thính giả của mình, thì diễn từ của Giôna chỉ có một dòng duy nhất – “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ!” (x. Gn 3,4).
Lời giảng dạy đơn giản của Giôna đã có tác động. Dân thành Ninivê đã toàn tâm toàn ý hoán cải. Thậm chí họ còn mặc áo vải thô cho súc vật. Cả thành đã được cứu thoát. Nhưng Giôna còn lâu mới hài lòng. Thay vào đó, ông cay đắng phàn nàn khi biết rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ cho thành Ninivê. Tại sao Thiên Chúa lại bắt ông phải trải qua tất cả những rắc rối này ngay từ đầu? Toàn bộ công việc ngôn sứ này đã khiến ông bực bội đến nỗi ông cầu xin Thiên Chúa tước đi mạng sống của mình. Không phải một lần, mà đến hai lần. Sách Giôna kết thúc bằng việc Thiên Chúa nhẹ nhàng quở trách đầu óc thiển cận của ông.
Nhưng có lẽ không công bằng khi nói Giôna là người “thiển cận”. Rốt cuộc, ông biết rằng Thiên Chúa là “một Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (x. Gn 4,2). Đó là lý do ông bỏ trốn ngay từ đầu. Giống như tất cả các ngôn sứ tốt lành, ông có thể thấy trước những gì cuối cùng thực sự sẽ xảy ra - một Thiên Chúa tha thứ cho thành phố; vị ngôn sứ không cần phải làm gì nhiều ở đó. Vì vậy, có vẻ hợp lý khi ông hầu như không phải mở miệng rao giảng cho dân thành Ninivê. Một câu nói đơn giản sẽ làm được điều ấy. Có lẽ tốt hơn chúng ta nên mô tả Giôna là “ít nói” thay vì “thiển cận”.
Nhưng không phải các ngôn sứ phải trở nên “trống rỗng” như từ navi trong tiếng Hípri gợi ra hay sao? Giôna thì dường như lại đầy lời của mình - hầu như không có chỗ cho một lời thực sự đến từ Thiên Chúa. Làm sao ông có thể trở thành cái miệng trống rỗng để lời của Thiên Chúa được phán ra?
Bây giờ, có một diễn viên khác trong câu chuyện thực sự mở miệng. “Con cá voi” xuất hiện.
“Con cá lớn” của Giôna
Khi Giôna quyết định bỏ trốn sứ vụ của mình, ông lên một con tàu đi đến Tácsít. Một cơn bão đe dọa nổi lên, và một con tàu đắm đang dần hiện ra. Giôna kêu gọi các thủy thủ ném ông ra khỏi tàu để họ tự cứu mình. Đó là lúc “Đức Chúa khiến một con cá lớn nuốt ông Gionna. Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (x. Gn 1,17).
Bây giờ văn bản không nói “Thiên Chúa khiến một con cá voi” mà chỉ nói “một con cá lớn.” Cả hạn từ dag gadol trong bản Hípri cổ hay hạn từ kētei megalōi của bản Hy Lạp Bảy Mươi thì đều dịch là “cá lớn”. Khảo cổ học đã chứng minh rằng Địa Trung Hải từng là nơi cư trú của rất nhiều loài cá voi - người Roma đã săn bắt chúng gần như đến mức tuyệt chủng. Có thể xảy ra trường hợp là tác giả của văn bản Kinh thánh chỉ đơn giản là muốn làm tương phản giữa “cái miệng đóng kín” của Giôna với cái miệng “con cá lớn” không chỉ có thể nuốt chửng một con người mà còn đủ rỗng để cung cấp cho ông nơi trú ẩn an toàn trong ba ngày ba đêm. Điều thú vị là, trong ba ngày đó, Giôna chắc chắn luôn mở miệng - dường như ông dành thời gian ấy để cầu nguyện lớn tiếng.
Nhưng làm thế nào mà “con cá lớn” lại biến thành một cá voi chứ không phải là một trong 47 loài cá mập được tìm thấy ở vùng Địa Trung Hải? Có vẻ như lỗi thuộc về thánh Giêrônimô.
Một lần nữa, bản Bảy Mươi đã dịch hạn từ Hípri dag gadol là kētei megalōi, “con cá lớn”. Giêrônimô cũng theo hướng này, nhưng chỉ được một lần. Ngài đã sử dụng thành ngữ “piscis grandis” (tiếng Latinh có nghĩa là “con cá lớn”) khi dịch sách Giôna. Nhưng ngài lại dùng từ “ventre ceti” (bụng cá voi) khi chuyển dịch lời Đức Giêsu nói về Giôna trong chương 12 của Tin mừng Mátthêu. “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư (kétous) ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy” (Mt 12,39-40).
Động vật biển có vú (cá voi, cá heo) được gọi là “cetaceans” (bộ cá voi) - rõ ràng là bắt nguồn từ nguyên ngữ Hy Lạp kētos. Đây là hạn từ được sử dụng khá nhiều trong thần thoại Hy Lạp không phải ám chỉ cá voi hay cá heo mà để nói đến những con quái vật biển: Perseus đã giết một con quái vật để cứu Andromeda, Heracles giết một con khác để cứu Hesione. Rất có thể thánh Giêrônimô muốn làm nổi bật tính cách đặc biệt của con quái vật đã nuốt Giôna.
Thực ra, bản Bảy Mươi dùng từ kētos để chỉ loài tanninim, “thủy quái” được kể trong số những loài vật Thiên Chúa đã tạo dựng vào ngày thứ Năm như trình thuật nơi sách Sáng thế. Sau đó, có vẻ như thánh Giêrônimô đã nghĩ đến những “quái vật” nơi sách Sáng thế khi dịch các sách Tin mừng - nhưng cũng không nhất thiết sử dụng hạn từ “quái vật” này khi dịch sách Giôna.
Nguồn: https://aleteia.org/2021/07/15/jonah-was-not-swallowed-by-a-whale/
Chuyển ngữ: Phêrô Bùi Đức Trịnh