LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Lòng Chúa Thương xót vừa mới lại vừa cũ: Cũ vì Kinh Thánh đã nói về Lòng Thương xót từ thời Cựu Ước chẳng hạn trong TV 117: "Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa vẫn nhân từ, muôn ngàn đời Cbúa vẫn trọn tình thương ..." Mới vì lễ kính Lòng Chúa Thương xót được ĐGH Yoan Phaolô lập từ năm 2000 khi ĐGH phong hiển thánh cho nữ tu Faustina vào ngày 30/4/2000 và ĐGH Fanxicô lập ra năm thánh ngoại thường về Lòng Thương xót Chúa vào năm 2015.
Nói về Lòng Thương xót chúng ta không thể không nói tới ĐGH Yoan Phaolô II và Sr Faustina
- ĐGH Yoan Phaolô sinh 18/5/1920 tại nước Balan, ngài có cha mẹ đạo đức và một người anh, khi lên 9t thì mẹ Ngài qua đời, và hai năm sau thì anh cũng mất, gia đình chỉ còn cha và ngài. Ngài nói về cha như sau: "Có đêm khi tôi thức giấc thì thấy cha đang quì cầu nguyện bên giường". Thời điểm dó nước Balan bị quân đội Đức chiếm đóng và Phát xít Đức không có cảm tình với đạo Công giáo, nên ngài muốn đi tu thì phải tu chui. Ngài được chịu chức linh mục năm 38t, lên chức Giám mục 48t và lên ngôi Giáo hoàng năm 58t. Ngài cảm nhận Thiên Chúa là Cha giầu Lòng Thương Xót và mình có nhiệm vụ công bố Lòng Thương xót đó cho toàn thế giới vì thế Thông điệp thứ hai của triều đại Giáo hoàng ngài là thông điệp mang tên "Thiên Chúa giầu LTX"(Dives in misericordia) đưa tới việc thúc đẩy tôn kính Lòng Thương xót Chúa. Ngài qua đời 02/4/ 2005 áp lễ Lòng Thương xót Chúa và người ta nghe được câu nói cuối cùng của ngài trước khi tắt thở là: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa".
Chị Faustina cũng sinh tại nước Balan vào năm 1905 là con thứ Ba trong gia đình có 10 người con: 2 trai và 8 gái. Chị chỉ học chưa hết lớp Ba vì phải về chăm sóc gia súc cho cha mẹ, 15 tuổi xin đi tu nhưng bị từ chối, 20t được vào tu dòng Đức Mẹ Nhân lành. Vì trình độ văn hóa thấp nên chỉ được nhận với tư cách là trợ sĩ, nhưng vẫn được mặc áo dòng và có ba lời khấn. Chị được giao các công tác là làm bếp, làm vườn và giữ cổng. Chị rất có lòng kính mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Chị nói :"nếu không có Thánh thể thì tôi đã sa ngã rồi!" Cha mẹ chị là người công giáo đạo đức, cần cù và lo giáo dục con cái rất chu đáo. Chúa mặc khải cho chị: "Ta chọn con vì con là người kém cỏi và thiếu khả năng. Nhưng qua đó kế hoạch của Ta sẽ được hoàn tất". Chị được Chúa gọi là:"Tông đồ của Lòng Thương xót". Chúa cho chị hiểu được những mầu nhiệm trong đạo với trình độ như là những nhà Thần học thông thái khiến cha linh hướng của chị rất bỡ ngỡ. Chị thú nhận Lời Chúa là ánh sáng trên con làm con mỗi ngày một hiểu về Chúa hơn. Cha linh hướng yêu cầu chị ghi lại nhật kí. Chị nói: tôi rất khổ sở khi phải dùng bút với nét chữ nguệch ngoạc để nối ráp từng từ lại với nhau, nhưng chị đã làm tốt công việc này, viết tương đương 600 trang đánh máy, cũng không cần sửa chữa và không sai lỗi chính tả.
Chị đã viết về Lòng Thương xót và những mầu nhiệm cao cả nhất, khuyến khích các linh hồn tin tưởng nơi Lòng Thương xót Chúa vì thế chị cũng được gọi là thư kí của Lòng Thương xót Chúa. Chị bị chứng lao phổi, chấp nhận đau khổ bệnh tật và qua đời ngày 05/10/1938, hưởng dương 33 t. Chị được phong chân phúc ngày 28/4/1993 và phong thánh ngày 30/4/2000 nhân lễ đầu tiên kính Lòng Thương xót Chúa. ĐGH Yoan Phalo II nói: "Thánh Faustina là quà tặng TC ban cho thời đại chúng ta và nhân loại chỉ được bình an khi quay về Lòng Thương xót Chúa".
Sứ điệp về Lòng Thương xót Chúa là Lòng Thương xót Chúa thì bao la như đại dương lớn hơn tội lỗi con người dù rất nhiều và vực thẳm tình yêu Chúa thì lấp đầy vực thẳm tội lỗi con người. Thiên Chúa là tình yêu và Lòng Thương xót. ĐGH Yoan Phaolô II cũng nói Lòng Thương xót là danh hiệu của Thiên Chúa.
Việc tôn kính Lòng Thương xót Chúa được thể hiện qua những việc như sau:
1) Tôn kính ảnh tượng Lòng Thương xót qua bức họa Chúa dạy chị Faustina nhờ một họa sĩ vẽ lại. Bức họa này cho ta thấy 5 dấu đinh của Chúa và nguồn ân sủng qua hai tia sáng mầu đỏ và trắng nhạt xuất phát từ trái tim Chúa.
2) Làm tuần 9 ngày trước lễ kính Lòng Thương xót Chúa và Rước lễ trong ngày lễ kính Lòng Thương xót (Chúa nhật II Phục sinh)
3) Lần chuỗi Lòng Thương xót Chúa
Chúa Giêsu biểu lộ Lòng Thương xót qua việc Chúa tỏ 5 dấu đinh vì thế Chúa chọn ngày lễ kính Lòng Thương xót vào CN II PS là ngày Phúc Âm nói về việc Chúa tỏ vết đâm nơi cạnh sườn và dấu đinh nơi tay chân cho ông Tôma và các tông đồ được thấy. Trong công thức ban bí tích giải tội có nhắc đến lòng Lòng Thương xót khi linh mục đọc :"Thiên Chúa là Đấng hay thương xót đã dùng sự chết, sự sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và banThánh Thần để tha tội..."
Thiên Chúa là Đấng giàu Lòng Thương xót nên Chúa cũng muốn con cái Chúa phải sống lòng thương xót. Chính CG đã tuyên phúc như sau: "Phúc cho những ai có Lòng Thương xót vì họ sẽ được xót thương". Trong cuộc sống đời này chúng ta hãy thể hiện Lòng Thương xót với anh em thì chúng ta mới đáng được Chúa đón nhận khi đến trước Tòa Chúa phán xét. Ý thức được điều này nên thánh Gioan Thánh Giá đã nói: "Vào cuối cuộc đời, chúng ta sẽ được Chúa xét xử tùy theo Lòng Thương xót và tình yêu của ta đối với anh em".
ĐGH Yoan Phaolô II đã thích ứng Lời Chúa Giêsu với thời đại chúng ta hiện nay như sau:"Vì xưa Ta là thai nhi, các ngươi đã không phá thai,Ta là cụ già xấu xí các ngươi đã yêu thương chăm sóc"...
Mẹ Têrêsa Calcutta là người được lãnh giải thưởng Nobel; khi Mẹ tiếp phái đoàn các giáo sư Thụy sĩ tới thăm và tìm hiểu nơi chăm sóc bệnh nhân của tu hội Nữ Thừa sai Bác ái do mẹ sáng lập, trước khi ra về các giáo sư xin mẹ cho một lời khuyên. Mẹ nói: "Các ông trở về và hãy sống tình yêu ngay tại gia đình mình. Hãy nở nụ cười với nhau ngay tại gia đình mình". Chúng ta ghi nhớ lời Mẹ Têrêsa : hãy nở nụ cười với nhau tại nơi mình đang sống, tại cộng đoàn mình... Chúng ta noi gương Mẹ chiếu giãi tình yêu và Lòng Thương xót Chúa nơi những người xấu số, những người bị bỏ lại đàng sau. Virus Covid 19 làm cho biết bao nhiêu gia đình khốn khó. Các Linh mục và tu sĩ cũng bị ảnh hưởng nhiều. Các cha xứ bị giới hạn vì giáo dân không được tới nhà thờ được đông như trước, nhà trẻ của các Srs cũng phải tạm thời đóng cửa; từ đó kéo theo những phiền lụy khác có thể ảnh hưởng cả đến đời sống cộng đoàn. ĐGH Fanxicô khuyên chúng ta không phải chỉ tránh virus Corona mà còn phải tránh virus thờ ơ, ích kỉ nữa. Chị Faustina có thưa cùng CG: "Người có Lòng Thương xót thường bị người đời cho là ngây thơ". Chúa Giêsu trả lời: "Con đừng bận tâm tới điều này, hãy thương xót mọi người".
Trong Tông huấn Misericordiae Vultus "Khuôn mặt của Lòng Thương xót", ĐGH Fanxicô viết: Lòng Thương xót phải thấm nhuần vào đời sống và mọi hoạt động của Giáo hội. Các linh mục và tu sĩ thấm nhuần Lòng Thương xót trước rồi mới loan truyền và làm lan tỏa Lòng Thương xót cho giáo dân.
Khi Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng ở hội đường Nazaret, Chúa trích đọc lời Tiên tri Isaia:"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Người xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó... công bố năm hồng ân của Thiên Chúa". Chúa Giêsu dừng ngay tại đây chứ không đọc tiếp câu "và ngày báo oán của Thiên Chúa" để cho ta thấy Lòng Thương xót của Thiên Chúa không có thực hiện sự báo oán như lời tiên tri Isaia.
Khi Chúa Giêsu tiếp súc với những có lầm lỗi, Chúa quên tội lỗi của họ: như tội của Madalena, tội của người đàn bà ngoại tình, tội của người trộm cùng bị đóng đinh với Chúa, tội của Phêrô chối Chúa, tội Phaolô bắt bớ những người tin Chúa ...Điều này chứng tỏ Lòng Thương xót Chúa và Chúa đã tha thứ hết cho họ và hướng họ tới tương lại tốt đẹp hơn.
Trong năm thánh ngoại thường về Lòng Thương xót Chúa từ ngày 8.12.2015 tới ngày 20.11.2016, ĐGH Fanxicô lấy câu Phúc âm trong Lc 6,36 làm châm ngôn của Năm thánh là: "Misericordes sicut Pater: Anh em hãy có lòng Thương Xót như Cha anh em là Đấng có Lòng Thương xót " để chúng ta noi gương Lòng Thương xót từ chính Chúa Cha. Chúng ta thấy các Cộng Đoàn Lòng Thương xót ở các giáo xứ thường đọc kinh Lần chuỗi Lòng Thương xót tại nhà thờ vào lúc 3 g chiều là giờ CG tắt thở trên Cây Thánh Giá để cầu nguyện cho những người hấp hối và người tội lỗi, nếu giữ được như vậy thì rất tốt, nhưng giờ ấy ít người có thề tới nhà thờ được: chẳng hạn như các công nhân làm sao tới nhà thờ vào giờ đó được. Đức TGM Giuse Nguyễn Năng gần đây nói ngài có đọc hết nhật kí Lòng Thương xót của chị Faustina và thấy chị khuyên nếu không tới nhà thờ được thì chỉ cần nhớ tới cuộc khổ nạn của Chúa trong một vài giây ở bất cứ nơi nào thì cũng tốt và có thể lần hạt Lòng Thương xót lúc nào cũng được. Vậy các Srs nhiều khi bận bịu nhà trẻ và mọi người nhớ điều này và chúng ta phải sống đức tin cách trưởng thành hơn: Đến với Lòng Thương xót Chúa không phải chỉ xin cho được ơn chữa lành bệnh tật mà còn phải xin ơn hoán cải cho bản thân mình và cầu nguyện cho những người tội lỗi nữa.
Chúng ta hãy quan tâm tới mầu nhiệm Thánh giá vì như ĐGM Giuse giáo phận Nha trang thường nói: "Đường Thánh giá mở ra đường hi vọng".
Chúng ta ý thức mình là người có tội cần sống trong quĩ đạo Lòng Thương xót và thực hành Lòng Thương xót nơi mình và với người khác.
Vào năm 2011, tôi có dịp đi Âu Châu vì tôi có đứa em gái út có gia đình ở nước Đức. Đứa em có đăng kí cho tôi đi hành hương Ba lan quê hương Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II và tới nhà thờ Lòng Thương xót rất lớn và tới nhà dòng của Sr Faustina. Tôi có quì trước bàn thờ thánh Faustina có bức ảnh chân dung lớn của Thánh nữ và ở chỗ bàn quì có hộp kính để hẳn đốt xương ngón tay của chị thánh cho người ta hôn kính. Tôi có hôn kính nhưng sau đó tôi thấy một ông Việt kiều cùng đi hành hương hôn kính rất chân tình rất sâu hơn tôi. Sau đó Cha trưởng đoàn có xin được một Sr ở dòng Sr Faustina tới nói chuyện về Lòng Thương xót. Sr chỉ diễn giải có một câu:"Lạy Chúa Giêsu con tín thác nơi Chúa"trong hơn 30'. Sr nói bằng tiếng Đức và Cha trưởng đoàn có dịch sang tiếng Việt, tôi cũng không nắm bắt dược nhiều nhưng tôi đi tới kết luận là sống trọn được câu:"Con tín thác nơi Chúa" cũng không có dễ. Nhà thờ Lòng Thương xót ở Ba lan xây theo kiểu mẫu rất hiện đại và đoàn hành hương có dâng Thánh lễ tại một bàn thờ phụ còn bàn thờ chính hướng ra lòng nhà thờ rất rộng chỉ dành cho các cuộc lễ lớn. ĐGH Yoan Phaolô II cũng đã tới dâng thánh lễ ở đây.
Tại nhà nghỉ dưỡng Tấn tài hiện nay có 5 cha , một thầy và 2 Srs. Trước đây ở giáo xứ thường chỉ có cha xứ và cha phó, nay về ở nhà nghỉ dưỡng phải tập quen với đời sống cộng đoàn, phải nhận là cũng có những khó khăn vì mỗi người mỗi tính nết thí dụ có linh mục cứ hay nói đi nói lại có khi tới vài chục lần cùng một câu chuyện đó, nhiều khi muốn nói: "Biết rồi khổ lắm nói mãi!" nhưng cũng phải cố gắng làm theo lời thánh Bênêditô viết trong tu luật Biển đức như sau: "tu sĩ phải lấy hết lòng yêu mến nồng nàn mà luyện tập lòng nhiệt thành tốt dẹp: nghĩa là người này coi người khác trọng hơn mình: phải hết sức kiên nhẫn chịu đựng những yếu đuối của nhau, về thể xác hoặc về tinh thần, phải thi đua vâng lời nhau, đừng ai tìm kiếm điều mình xét thấy là lợi ích cho mình nhưng nhắm lợi ích cho người khác thì hơn, phải thực thi tình Bác ái huynh đệ trong sáng, phải đem lòng yêu mến mà kính sợ Chúa, phải đem lòng bác ái chân thành và khiêm tốn mà yêu mến viện phụ của mình, phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô, Đấng muốn dẫn đưa chúng ta đến hưởng sự sống đời đời (trích tu luật Thánh Biển đức viện phụ).
Xin Chúa giúp chúng ta sống Lòng Thương xót và thực thi Lòng Thương xót đó đối với tha nhân đặc biệt trong đời sống cộng đoàn. Amen
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn