Trong truyền thống Kinh Thánh dầu ô liu có một tầm quan trọng rất lớn. Nó đã không chỉ là dấu hiệu của niềm vui, sự giầu có và niềm hạnh phúc, mà còn được coi như là một phương dược có khả năng đem lại sức khỏe, hay làm dịu các đau đớn của thân xác và củng cố sức mạnh cho con người nữa. Trong bài ca mừng hôn lễ Quân vương, tác giả Thánh Vịnh 45 viết: ”Ngôi báu Thiên Chúa tặng ban cho ngài sẽ trường tồn vạn kỷ, vương trượng ngài, vương trương công minh; ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Chúa là Thiên Chúa của ngài đã tôn phong ngài vượt trổi các đồng liêu mà xức cho dầu thơm hoan lạc” (Tv 45,7-8). Chương 27 sách Châm Ngôn thì nói: ”Dầu và hương thơm làm phấn khởi lòng người, tình bạn ngọt ngào giúp tinh thần thêm vững mạnh” (Cn 27,9). Còn ngôn sứ Isaia miêu tả ơn gọi của vị ngôn sứ trong chương 61 như sau: ”Thần Khí của Giavê là Thiên Chúa ngự trên tôi, vì Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin cho người nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Giavê, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta. Người sai tôi đi yên ủi những kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Sion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày lễ hội thay tâm thần sầu não” (Is 61,1-3).
Khi báo cho dân Israel biết Thiên Chúa sẽ chấm dứt các năm đi đầy bên Babihlonia và cho họ hồi hương, ngôn sứ Giêrêmia tả cuộc sống sung túc tại quê cha đất tổ và viết trong chương 31: ”Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Sion, lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc Giavê. Nào lúa thơm rượu mới dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thỏa thuê như vườn cây tưới nước, họ chẳng còn mỏi mệt héo hon” (Gr 31,12). Tác giả thánh vịnh 91 thì khẳng định Thiên Chúa là Đấng công minh chính trực ”xức dầu thơm mát” cho thân thể người công chính (Tv 91,11).
Còn tác giả Thánh vịnh 104 chúc tụng tình yêu thương của Thiên Chúa Tạo Hóa đối với con người như sau: ”Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104,15).
Trong khi tác giả thánh vịnh 133 thì ca ngợi cảnh anh em trong gia đình sống thuận hòa như sau: ”Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau, như dầu qúy đổ trên đầu, xuống râu xuống cổ áo chầu Aharon” (Tv 133,1-2).
Trong thời cựu ước cùng với bò, dê, cừu, bồ câu và chim cu gáy và tinh bột, dầu ô liu là một trong các sản phẩm trong các lễ vật tín hữu Do thái dâng cho Thiên Chúa như tả trong sách Lêvi. Dầu ô liu cũng được dùng để xức trong các lễ nghi phong chức tư tế, như ông Môshê đã làm đối với ông Aharon (Xh 29,7), hay trong trường hợp của các Thượng Tế được xức dầu thánh hiến (Lv 21,10).
Nhất là trong cuộc sống thường ngày người xưa dùng dầu để băng bó các vết thương. Trong chương 1 ngôn sứ Isaia tả cảnh thảm thương của dân Israel như sau: ”Từ bàn chân cho đến đỉnh đầu, chẳng còn nơi lành lặn: vết bầm, vết đánh, vết thương còn mới, chưa có ai lau chùi, chưa có ai băng bó, chưa có ai thoa dầu” (Is 1,6). Ngôn sứ Edekiel miêu tả những săn sóc mà Thiên Chúa dành cho Israel là một bé gái mới sinh đã bị bỏ rơi ngoài đồng như sau: ”Ta đã lấy nước tắm rửa, gột sạch máu me, rồi xức dầu thơm cho ngươi” (Ed 16,9). Trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu thánh sử Luca kể rằng khi thấy người bị cướp đánh trọng thương nằm giữa đường từ Giêrusalem tới Giêricô, ”ông ta chạnh lòng thương, lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10,33-34).
Dầu ô liu cũng thường được dùng để xoa bóp, gia tăng sức mạnh cho da và các cơ bắp trên thể con người. Chính nhờ các phẩm chất của nó và do ơn thánh Chúa ban, người được xức dầu thánh hiến có thể làm được các điều ngoại thường. Điển hình như biến cố ông Saul đựơc ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương như kể trong chương 10 sách Samuel I (1 Sm 10,1-6), hay vụ ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương cho chú bé Davít con ông Giêssê, như trình thuật trong chương 16 sách Samuel I (1 Sm 16,1-13; x. 2 Sm 23,1-2). Đấng Cứu Thế cũng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và giao cho các nhiệm vụ cao qúy, như ngôn sứ Isaia đã miêu tả trong chương 61. Văn bản này đã được Đức Giêsu áp dụng cho chính Người và sứ mệnh cứu thế của Người, khi giảng dậy trong hội đường làng Nagiarét (Lc 4,18-19). Qua các văn bản nói trên chúng ta có thể nói rằng việc xức dầu giống như phương cách Thần Khí của Thiên Chúa, thấm nhập và biến đổi các người được Thiên Chúa tuyển chọn, và ban cho họ sức mạnh và các khả năng đặc biệt cần thiết thích hợp với ơn gọi của họ: ơn gọi là vua, là tư tế hay là ngôn sứ.
Liên quan tới Thần Khí thánh Gioan hai lần nói về ciệc ”xức dầu (chrisma), mà Kitô hữu đã nhận được và nó cho phép họ phân biệt giáo lý thật với giáo lý giả. Thánh nhân viết trong chương 2 thư thứ I như sau: ”Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết” (1 Ga 2,20). Và thánh nhân lập lại trong câu 27 cùng chương: ”Phần anh em, dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy đỗ nữa. Nhưng vì dầu của Người dạy đỗ anh em mọi sự - mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá - thì theo như dầu ấy đã dạy anh em, anh em hãy ở lại trong Người” (1 Ga 2,27).
Mặc dù không loại trừ việc quy chiếu về bí tích Rửa Tội, ở đây thánh Gioan đề cập tới Chúa Thánh Thần, mà tín hữu đã lãnh nhận qua bí tích Rửa Tội. Nó là bí tích dẫn đưa tín hữu ”vào trong tất cả sự thật”. Thánh Gioan ghi lại các lời Chúa Giêsu dặn dò các tông đồ trong bữa Tiệc Ly và viết trong chương 14 như sau: ”Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).
Xa hơn Chúa Giêsu nói: ”Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với các con từ nơi Chúa Cha, Người là thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26). Cũng trong khung cảnh của Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói thêm với các tông đồ: ”Thầy còn nhiều điều phải nói với các con. Nhưng bây giờ các con không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến Người sẽ dẫn các con tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho các con biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho các con. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho các con” (Ga 16,12-15).
Như thế, thời gian của Giáo Hội là thời gian hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần sẽ thay Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ các Tông Đồ, ban cho các vị sự khôn ngoan, sức mạnh giúp loan báo, làm chứng và sống theo Tin Mừng, soi sáng, nhắn nhủ và giúp các ông nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã nói với các ông.
Qua những gì trình bầy cho tới nay chúng ta nhận ra bối cảnh đức tin trong lễ nghi xức dầu cho các bệnh nhân, trong đó nổi bật lời cầu nguyện: cầu nguyện chúc tụng cũng như cầu nguyện nài xin ơn khỏi bệnh cho những anh chị em đau yếu. Ở đây là trường hợp của tín hữu bị bệnh nhưng rất ý thức được tình trạng yếu liệt của mình nên sai người đi mời các ”presbyteroi”, tức các ”trưởng lão” hay các “linh mục”, các ”thừa tác viên của Chúa” có nhiệm vụ lo lắng, chăn dắt và hướng dẫn cộng đoàn tín hữu được giao phó cho các vị. Như thế, mỗi khi các tín hữu bị bệnh đều có thể sai người đi mời các linh mục tới xức dầu và cầu nguyện cho họ để họ được lành bệnh.
Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân như vậy là bí tích có mục đích tái tạo sức khỏe trên thân xác cũng như tinh thần. Nhưng từ từ tín hữu đánh mất đi ý nghĩa đó và hiểu sai nó là bí tích dành cho người sắp chết. Vì thế thay vì mời các linh mục ngay khi người thân mới bị đau yếu, thì người ta chờ cho tới khi bệnh nhân sắp chết, không còn làm gì được nữa, mới đi mời linh mục. Và thế là bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân để chữa lành lại trở thành bí tích dọn mình và tiễn xưa người chết. Và người ta lo âu buồn phiền, khi có người thân chết mà không nhận được bí tích xức dầu. Đôi khi người bệnh đã chết rồi mà thân nhân cứ nài nẵng linh mục ban bí tích xức dầu cho họ. Tất cả đều sai lạc với ý nghĩa và mục đích của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.
Ngày nay nhiều cha xứ thường tổ chức lễ Xức Dầu cho các bệnh nhân và những người già trong toàn giáo xứ mỗi năm vài lần, đặc biệt trước mùa hè và trước mùa đông, là hai thời điểm thường có nhiều người già được Chúa gọi về Nhà Cha. Trong thánh lễ sau bài giảng, có nghi thức ban bí tích Xức Dầu cho các bệnh nhân và người già.
Mục đích là để tái lập ý nghĩa đích thật của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, giúp tín hữu tìm lại được sức khỏe, gây ý thức cho mọi người về bổn phận đối với các bệnh nhân và người già cả, cũng như tránh cho nhiều người nỗi sợ hãi chết mà không được xức dầu.
Những ngày lễ như thế trở thành lễ toàn giáo xứ cầu nguyên cho các bệnh nhân và người già cả, có sự hiện diện của các con cái và thân nhân bao quanh họ trong sự liên đới, qúy trọng, lóng biết ơn và tình yêu thương. (Thần Học Kinh Thánh bài 1135)
Linh Tiến Khải
=============
Bí tích xức dầu bệnh nhân
Cho tới nay chúng ta đã tìm hiểu ba bí tích khai tâm kitô là Rửa Tội, Thánh Thể và Thêm Sức. Bí tích Rửa Tội khiến cho tín hữu được gia nhập Giáo Hội, trở thành con cái Thiên Chúa và chi thể mình mầu nhiệm Chúa Kitô, và là anh chị em với nhau trong đại gia đình của Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể ban cho họ Mình và Máu Chúa Kitô là lương thực dưỡng nuôi, củng cố và thánh hóa cuộc sống của tín hữu. Bí tích Thêm Sức ban cho họ bẩy ơn của Chúa Thánh Thần giúp họ sống tin cậy mến, khôn ngoan, cẩn trọng, tiết độ, can đảm, mạnh mẽ và hiên ngang làm chứng cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Sau đó khi tín hữu trưởng thành và chọn cuộc sống gia đình, thì bí tích Hôn Phối ban cho họ các ơn thánh cần thiết và phúc lành của Thiên Chúa để sống ơn gọi là chồng vợ và cha mẹ. Nhưng nếu họ chọn đời thánh hiến trong ơn gọi linh mục, thì bí tích Truyền Chức thánh khiến cho họ trở thành một thừa tác viên thay mặt Chúa Kitô chăn dắt, giảng dậy Tin Mừng và cử hành các bí tích để ban phát ơn thánh Chúa cho các anh chị em khác. Họ tiếp tục chức vụ mục tử của Chúa Kitô mục tử, và trở thành một Kitô khác để tiếp nối công trình tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô giữa xã hội loài người và trong lòng thế giới.
Hôm nay chúng ta tìm hiểu bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Người xưa thường dùng bốn từ để tóm tắt bốn chặng trong cuộc sống con người: sinh, lão, bệnh, tử. Con người sinh vào đời, lớn lên, già nua, bệnh tật rồi chết đi. Mà khi nói tới bệnh tật, khổ đau và cái chết là chúng ta bước vào trong một vấn đề hằng thách đố trí thông minh và khả năng suy tư của con người cũng như lòng tin của nó.
Lý trí con người coi khổ đau và cái chết là điều gây vấp phạm, bởi vì trong một thế giới tràn đầy trật tự, hài hòa và ý nghĩa, khổ đau và nhất và cái chết xảy ra như một yếu tố phá rối, ám chỉ sự thất bại thê thảm của con người. Và xem ra chúng không biện minh cho thái độ nào khác hơn là sự nổi loạn chống lại một cái gì phi lý, không thể hiểu được, hay là sự chịu trận và chấp nhận một định mệnh đối với cái hạn hẹp khômg thể vượt qua được của thân phận là người. Khổ đau, bệnh tật và cái chết lại càng gây khó chịu, khi khoa học xem ra đã bắt đầu vượt qua được mọi hàng rào của điều có thể hiểu biết được, hay ít nhất là người ta luôn luôn yêu sách hay có cảm tưởng và hy vọng là như vậy.
Thật ra, khi đứng trước vấn đề của bệnh tật, khổ đau và cái chết, cả đức tin cũng tìm thấy lý do để bị xáo trộn, bởi vì tất cả những điều này xem ra làm lu mờ hình ảnh của Thiên Chúa toàn năng, nhân lành và là bạn của con người. Người công bằng trong các xét xử của Người và là Đấng không muốn làm cho con cái Người đau khổ, là Đấng yêu mến sự sống, chứ không yêu thương cái chết. Trường hợp các khổ đau của ông Giốp cho thấy cả đối với một tín hữu kiên trì xác tín, không chịu nghi ngờ lòng tin của mình, vấn đề đau khổ cũng gây ra khó khăn và cả sự nổi loạn nữa: Khó mà có thể đóng khung vào lược đồ cho rằng Thiên Chúa cho phép khổ đau và cái chết, và là Đấng cũng đã không giải thoát cho Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Người khỏi cái chết: ”Lậy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
Tuy nhiên, chính kinh nghiệm của Chúa Kitô vén mở cho chúng ta thấy ý nghĩa của khổ đau và cái chết, bởi vì nơi Người các biến cố thê thảm này không chỉ trở thành dụng cụ cứu độ, mà cũng là sự thăng hoa các năng lực nội tại của con người và sự hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa. Đức Giêsu đã không muốn cứu rỗi chúng ta bằng cách ở bên ngoài tình trạng khổ đau của chúng ta, nhưng Người đã dìm mình trong đó, cho tới chỗ uống tới giọt cuối cùng của chén đắng khổ đau, để nói với chúng ta rằng, tuy là một hạn hẹp, khổ đau và cái chết không phải là một sự ”vô lý”. Đúng hơn chúng là hậu qủa của tội lỗi và của sự vô trật tự, đã do chính con người đưa vào lòng thế giới; nhưng con người có thể tự giải thoát khỏi tình trạng đó, theo gương của Đức Kitô và nhờ vào cái chết và sự phục sinh của Người.
Sau khi Đức Giêsu đã đi qua khổ đau và cái chết, đối với cả tín hữu khổ đau và cái chết không chỉ chiếm hữu được ý nghĩa thử thách và thanh tẩy, mà cũng là sự chắc chắn của chiến thắng trên tội lỗi, là lý do đã gây ra khổ đau và cái chết cũng như trên các hậu qủa tàn hại của chúng trên cuộc sống con người trên thế giới.
Chính trong bối cảnh này chúng ta có thể hiểu được một cách dễ dàng sinh hoạt chữa lành tật bệnh của Đức Giêsu, là Đấng chữa lành mọi thứ bệnh tật và cho cả kẻ chết sống lại. Và Người cũng đã ban quyền ấy cho các môn đệ Người, như thánh sử Mátthêu ghi lại trong chương 10. Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi rao giảng rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến, và Người nói: ”Các con hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma qủy. Các con đã được cho không, thì cũng phải cho không như vây” (Mt 10,8-9).
Quyền nói trên là sự khẳng định và minh chứng cho thấy Nước Thiên Chúa đã đang hoạt động trong lịch sử, bởi vì bệnh tật và cái chết đã bị thua, cả khi chỉ là một phần và như là việc diễn tả trước sự tái lập thời sau hết, khi ”sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
Trong khi chờ đợi, mặc dù còn phải ở trong các kìm kẹp của khổ đau và cái chết, kitô hữu vẫn biết trao ban cho chúng một ý nghĩa thanh tẩy khỏi tội lỗi, và tín thác nhiều hơn vào Chúa của mình, mà không để cho mình bị đánh ngã trong nội tâm, như thể là sắp bị nuốt trửng bởi vực sâu của hư vô. Mẫu gương của kitô hữu vẫn sẽ luôn luôn là Đức Kitô, Đấng ”phó thác nơi bàn tay của Thiên Chúa Cha” hơi thở và linh hồn của Người (Lc 23,46).
Điều này có nghĩa là chính trong những lúc khổ đau cam go nhất và trong nguy hiểm của cái chết, tín hữu không cảm thấy các chóng mặt của sự lạc lõng, và cả sự sợ hãi hay các chao đảo của đức tin, và vì thế chính lúc đó họ cần sự trợ giúp của toàn cộng đoàn dân Chúa: trợ giúp bằng tình yêu thương liên đới, bằng các lời khích lệ, ủi an, và bằng lời cầu nguyện cho người anh chị em khổ đau và đang chết.
Khi chú ý tới tình trạng này, chúng ta có thể hiểu một cách tốt đẹp hơn văn bản thư thánh Giacôbê, trong đó thánh nhân xin tín hữu không chỉ cầu nguyện cho người anh chị em đau yếu, mà còn chu toàn một lễ nghi đặc biệt là ”xức dầu, để trợ giúp người ấy trong các khó khăn thể lý và tinh thần của họ. Thánh Giacôbê viết trong chương 5: ”Ai trong anh em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ầy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát, vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực” (Gc 5,13-16).
Ở đây tác giả phải kể lại một thực hành khá phổ biến trong Giáo Hội thời xa xưa, và vì thế ông không dài dòng miêu tả các chi tiết. Do đó chúng ta có thể không biết một vài chi tiết khác. Dầu sao đi nữa, chúng ta cũng có được một vài cử chỉ và lời cầu nguyện, được làm ”nhân danh Chúa” bởi các vị hữu trách cộng đoàn để trợ giúp người bệnh.
Việc xức dầu để chữa bệnh đã được nhắc tới trong các Phúc Âm. Kể lại việc Chúa Giêsu sai nhóm Mười Hai Tông Đồ, cứ hai người một, ra đi rao giảng Tin Mừng, chương 6 Phúc âm thánh Máccô ghi rằng: ”Các ông trừ được nhiều qủy, xức dầu cho nhiều người đau ốm, và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13).
Dĩ nhiên là chúng ta phải chú ý đến toàn bối cảnh: ở đây không phải chỉ có việc xức dầu là chữa khỏi bệnh, làm như thể nó là một thứ thuốc thần hiệu, nhưng nhất là còn có việc chấp nhận lời loan báo Tin Mừng cứu độ và lời cầu nguyện nữa. Trong viễn tượng kinh thánh, vật chất và tinh thần, khổ đau và tội lỗi trộn lẫn với nhau. Một lối sống buông thả vật dục chắc chắn sẽ tàn phá sức khỏe thân xác và sức khỏe tinh thần của con người và dẫn đưa tới các bệnh tật trên thân xác cũng như trong linh hồn. Vì thế theo gương Chúa Giêsu Kitô các tông đồ cũng săn sóc con người cụ thể có thân xác, tinh thần và linh hồn là ba thực thể cấu tạo nên con người: soma, psiche và pneuma. Nước Thiên Chúa phải trở thành thực tại trong tất cả mọi chiều kích cuộc sống con người, cả trong khổ đau nữa.
Việc xức dầu cho các bệnh nhân với dầu ô liu do các tông đồ thực hiện là một cư chỉ biểu tượng. Nó muốn diễn tả một loại chất liệu có khả năng làm êm dịu các đau đớn do bệnh tật gây ra trên thân xác, và đã ban ơn chữa lành chỉ do quyền năng mà Chúa Kitô đã ban cho các vị và do quyền năng của việc loan báo Tin Mừng cứu độ.
(Thần Học Kinh Thánh bài 1134)
Linh Tiến Khải
Nguồn: thanhlinh.net