CÓ CŨNG NHƯ KHÔNG.

Thứ bảy - 26/11/2016 04:45  4782

CÓ CŨNG NHƯ KHÔNG 
“Hãy làm như không có gì cả”. (1Cr 7, 9-21)
 
Thiên Chúa đã tạo dựng con người và mọi sự từ hư vô. Nguồn gốc con người từ không. Và rồi từ con người trở về không. Không nhưng không phải là không, mà là nguồn của mọi sự . Đây cũng là một triết lý vừa siêu hình vừa mang đậm giá trị nhân sinh của Lão Tử: tất cả đều xây dựng trên chữ VÔ.
VÔ : một triết lý siêu hình
VÔ và HỮU chỉ là hai mặt của một thực tại. Đạo trời tự biểu lộ ở hai phương diện hữu hình và vô hình . Ở giới hữu hình, thì Đạo là nguyên lý cấu tạo, là mẹ sinh ra vạn vật. Ở giới vô hình thì Đạo là cái thể siêu linh của trời đất và người. Đạo chính là đối tượng tuyệt đối mà muôn vật phải đi tới.
Lão tử nói:“VÔ, danh thiên địa chi thủy. HỮU, danh vạn vật chi mẫu” (Đạo không tên là gốc của trời đất, Đạo có tên là mẹ của vạn vật). VÔ là nguyên lý của vạn vật và là đặc điểm của Đạo, có nghĩa là vô cực, vô hình: “Thiên địa vạn vật sinh ư hữu, hữu sinh ư vô”.
Như vậy, Vô không phải là đối lập của Hữu, mà chính là nguồn mạch của Hữu. Ở cái Vô thì tự nhiên thấy một sự tinh ròng. Ở cái Hữu thì xem xét thấy nhiều sự tinh vi. Đó là hai dạng thái mang tên khác nhau, nhưng cùng phản ảnh một thực tại duy nhất. Đồng một thực thể mà phát sinh hai tên gọi dị biệt, nên gọi là Huyền. Hết cặp huyền này qua cặp huyền khác là tới cảnh giới tuyệt diệu của vũ trụ vạn vật. Muôn vật từ cõi Vô mà tới Hữu. Trong cõi Hữu, muôn vật lại va chạm, sinh sinh hóa hóa không ngừng, rồi lại trở về cõi Vô, tức là trở về gốc Đạo, trường cửu ở cõi Vô.

VÔ : một triết lý sống

Lão Tử cho thấy Đạo nằm giữa cặp tương đối: Danh và Thực; Có và Không; Đồng và Dị. Cả những khái niệm đối chọi: hữu hạn và vô hạn, chẳn và lẻ, đơn và đa, phải và trái, nam và nữ, động và tĩnh, thẳng và công, sáng và tối, tốt và xấu, tứ giác và đa diện, bao giờ cũng đi đôi từng cặp thành chuỗi biện chứng mâu thuẫn. Do đó thánh hiền hành xử theo đạo tự nhiên, đạo VÔ VI. Vô vi là con đường giải thoát khỏi mọi dục vọng, để đi sâu vào cõi chân thân và qua chân thân để đạt tới Đạo.
Vô vi là làm như không làm, nghĩa là sống và làm việc theo đường lối tự nhiên của đạo: dường như không làm gì, nhưng không việc gì lại không làm được: “Vô vi như vô bất vi”. Làm như không làm, đó là cách hành động theo qui luật tự nhiên bình thường nhưng hiệu quả phi thường.
Vô vi là cái gì cũng  mà như khôngkhông mà là không ở bên ngoài nhưng  ở bên trong hoặc ngược lại.
Trên phương diện hành xử và ngôn từ cũng thế: “Xử vô vi chi sự. Hành bất ngôn chi giáo”. Đâu phải làm mà người ta theo, nói người ta nghe. Thái độ sống biểu hiện từ cái tâm mới là quan trọng. Đức mà đầy đủ nơi trong , thì người ở ngoài được cảm hóa, đâu cần phải nhiều lời.
Về mặt tiêu cực, vô vi là không hành động theo tính cách bề ngoài hỗn độn náo nhiệt; không chạy theo hình thức, lễ nghi, tập tục, khuôn khổ do con người bày biện ra; không bị gò bó bởi dư luận, hoàn cảnh; không bị lệ thuộc vào thành kiến, thói quen.
Về mặt tích cực, vô vi là trở về với tính đơn sơ hồn nhiên, sống thành thực với lòng mình, với Đạo trong một luật lệ thiên nhiên theo cách thể hiện của trời đất. Vô vi như thế lại mở ra con đường muôn ngả: vô dục, vô tư, vô tranh, vô danh, vô cầu.
Có cũng như không : hướng đi của đời sống tinh thần
Từ quan điểm trên, nếu nhìn sự vật trong cảnh giới tương đối, phải thừa nhận rằng: cuộc sống có nhiều cái có cũng như không. Mọi điều chúng ta sở hữu cũng đều như vậy: có đó rồi mất đó. Chẳng có gì tồn tại dưới ánh mắt nhân sinh. Tất cả chỉ là sự chóng qua trong phút chốc như một ảo ảnh. Một trăm năm phận người có nghĩa gì đâu. So với vô tận thì sự xuất hiện của một con người chỉ là một đốm sáng lóe lên rồi tan vào cõi hư không : “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, kiếp phù du trông thấy cũng nực cười”. Bám níu vào cuộc sống này hóa ra chẳng phải là bám níu vào một ảo ảnh sao?
Vì thế, có cũng như không. Nói lên điều đó không phải để phủ nhận một sự hiện hữu tiêu cực của đời sống làm người, nhưng khơi dậy một lối sống tích cực, một tinh thần sống mới mà chính Thánh Phaolô cũng đã nói: “…những người có vợ hãy sống như không có, ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cor 7, 29-31).
Qua đó, trong ý nghĩa hiện sinh, con người dấn thân từ bỏ không ngừng trong cõi Vô thường này, không bám víu vào bất cứ điều gì trong cõi nhân sinh, để tâm hồn được thật sự thanh thoát sống trong thế giới khác của cõi tâm linh: sống với tất cả nhưng không thuộc về cái gì cả; thực hiện tất cả nhưng không sở hữu điều chi cả. Vì thế, cảm nhận “cuộc đời rồi có cũng như không” không phải là một phủ nhận mà là một đón nhận.
-   Phủ nhận cái tiêu cực để đón nhận cái tích cực.
-   Phủ nhận cái để đón nhận cái Không, để rồi từ cái Không, Chúa làm nên cái : “Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có” (Rm 4, 17).
Thực tại vô biên của sự hiện hữu là cái chứ không phải cái Không, nhưng trong chính cái Không đã là cái , tức là Có Cái Không. Đó chỉ là tình trạng chuyển đổi chứ không loại trừ, cùng tương ứng tác tạo chứ không phân hủy. Đây cũng chính là nguyên lý âm dương điều hoà trật tự vũ trụ một cách ngoại tại và trong sự hiện hữu của con người một cách nội tại. Bởi vì con người cũng chính là một tiểu vũ trụ, nhưng đồng thời lại siêu vượt trên chính vũ trụ. Vì thế, trong mọi tương quan và biến động của xã hội, cần giữ cái Tâm cho quân bình, để luôn thấu triệt mọi lẽ vận hành của cơ trời.
Mọi sự có cũng như không, không có gì tồn tại vĩnh viễn. Con người thấy đó mất đó, khỏe đó bệnh đó, có vinh có nhục, có sướng có khổ, thay đổi không ngừng. Để khi đắc thời được thế, không kiêu căng; khi sa cơ thất thế cũng không quá phiền não, u sầu, thất vọng.
Chỉ khi hoà nhập vào sự sống thâm sâu của Đức Kitô, con người mới có khả năng nối kết giữa không, giữa thực , giữa thường vô thường, giữa bảnngã, đồng thời khám phá ra đường nẻo thực hiện chân tính vô biên của mình.
Thật ra tất cả đều là nhận thức. Nhưng trong sự nhận thức ngoại thường này thì thế giới bên ngoài không còn là một tác động ảo tưởng nữa, không còn là một sự đối chọi tương phản nữa. Cũng vậy, nơi bản thân con người không còn là một giằng co xâu xé nữa giữa mọi hoạt động, giữa mọi ý thức, giữa mọi lựa chọn… nhưng là một sự hòa hợp hòa nhập vào sự sống của chính Thiên Chúa, để thực hiện trọn vẹn chân tính vô biên của mình trong Đức Kitô, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

 
 
Lời nguyện
Lạy Chúa! Mọi sự có đó rồi mất đó.
Chẳng có gì tồn tại trong cõi vô thường này.
Phận người cũng thế, hữu sinh hữu diệt.
Nếu con chỉ lo bám víu vào cuộc sống này,
chỉ lo xây dựng gia tài vật chất này,
thì hóa ra con bám víu một ảo ảnh,
và xây dựng đời mình trên ảo mộng.
Lời Chúa mời gọi hãy sống cho thanh thoát,
có cũng như không, chẳng lệ thuộc điều chi.
Có cũng như không là tinh thần nghèo khó,
như thể hoa sen giữa bùn không nhuốm tanh.
Có cũng như không là trong tâm tình mến,
luôn biết cho đi chẳng luyến tiếc điều gì.
Xin cho con chỉ cậy trông và hy vọng vào Chúa,
đừng mong gì nơi cuộc sống thế gian này.
Xin cho con luôn ngước nhìn về Chúa,
để tâm hồn luôn thanh thoát, bình an
dù có hay không, dù được hay mất,
thì chính Chúa mới là tất cả mà thôi. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Nguồn: gpcantho.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập77
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm54
  • Hôm nay18,416
  • Tháng hiện tại748,944
  • Tổng lượt truy cập57,536,977

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây