Trong bài suy niệm ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng theo thánh Gioan đọc trong thánh lễ Chúa nhật XIX thường niên năm B, qua đó Chúa Giêsu cho biết Ngài là “bánh sự sống”. Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng cho dân chúng, những người đã thấy phép lạ hóa bánh ra nhiều. Và Ngài mời gọi những người ấy hãy tiến một bước nhảy vọt về chất lượng: sau khi nhắc lại manna Chúa dùng để nuôi cha ông họ trên đường tiến qua sa mạc, giờ đây Chúa áp dụng biểu tượng bánh cho bản thân Ngài. Chúa nói rõ ràng: “Tôi là bánh sự sống” (Ga 6,48).
Bánh sự sống có nghĩa là gì? Để sống, ta cần phải có bánh. Người đang đói thì chẳng đòi cao lương mỹ vị, nhưng xin bánh. Ai không có việc làm thì không đòi lương bổng vĩ đại, nhưng xin được “bánh” của một công nhân. Chúa Giêsu tỏ mình ra là bánh, nghĩa là điều thiết yếu, điều cần thiết để sống hằng ngày. Không phải một thứ bánh như bao nhiêu loại khác, nhưng là bánh sự sống. Nói khác đi, chúng ta, nếu không có Chúa, thì chúng ta chỉ sống vất vưởng thay vì sống thực: vì chỉ có Chúa nuôi sống linh hồn chúng ta, chỉ có Ngài tha thứ cho chúng ta khỏi sự ác mà tự sức mình chúng ta không thể vượt qua; chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta cảm thấy được yêu mến, cho dù tất cả mọi người làm cho chúng ta thất vọng; chỉ có Chúa mới ban cho chúng ta sức mạnh để yêu thương và tha thứ trong những khó khăn; chỉ có Chúa mới ban cho tâm hồn niềm an bình ta đang tìm kiếm, chỉ có Chúa mới ban sự sống mãi mãi khi cuộc sống dưới thế này chấm dứt.
“Tôi là bánh sự sống”. Chúng ta hãy dừng lại nơi hình ảnh đẹp này về Chúa Giêsu. Lẽ ra, Chúa có thể lý luận, chứng minh, nhưng - chúng ta biết - Chúa Giêsu nói qua các dụ ngôn, và qua câu nói này: “Tôi là bánh sự sống”, Chúa thực sự tóm tắt trọn cuộc sống và sứ mạng của Ngài. Ta sẽ thấy trọn vẹn điều đó sau hết, trong Bữa Tiệc ly. Chúa Giêsu biết rằng Chúa Cha yêu cầu Ngài không những cho dân chúng được ăn, nhưng còn cho chính bản thân của Ngài, bẻ mình ra, bẻ chính cuộc sống, thân mình Ngài, con tim của Ngài để chúng ta được sống. Những lời này thức tỉnh nơi chúng ta sự kinh ngạc vì hồng ân Thánh Thể. Không ai trên trần thế này, dù yêu thương người khác như bạn hữu thế nào đi nữa, có thể trở nên lương thực cho bạn. Thiên Chúa đã làm điều đó và Ngài làm cho chúng ta. Chúng ta hãy tái ngạc nhiên. Chúng ta hãy làm bằng cách thờ lạy Bánh Sự Sống, vì sự thờ lạy làm đầy cuộc sống bằng những kinh ngạc.
Nhưng trong Tin mừng, thay vì kinh ngạc, dân chúng lại lấy làm cớ vấp phạm. Họ nghĩ: “Ông Giêsu này mà chúng ta biết, chúng ta biết gia thế của ông, làm sao ông có thể nói: Tôi là bánh từ trời xuống?” (Xc vv. 41-42). Có lẽ cả chúng ta cũng lấy làm cớ vấp phạm: có lẽ chúng ta thoải mái hơn với một Thiên Chúa ở trên trời và không xen mình khi chúng ta có thể xử lý những chuyện dưới thế này. Trái lại, Thiên Chúa trở thành người để đi vào cụ thể của trần thế. Và tất cả những gì trong cuộc sống chúng ta đều được Ngài quan tâm. Chúng ta có thể kể cho Ngài những tình cảm, công việc làm, cuộc sống trong ngày, mọi sự. Chúa Giêsu mong muốn sự thân mật như thế với chúng ta. Vậy điều gì mà Ngài không muốn? Ngài là bánh và không muốn bị biến thành một thứ đồ phụ thuộc, bị lơ là và bỏ qua một bên - hoặc chỉ được kêu cầu khi chúng ta cần đến Ngài.
“Tôi là bánh sự sống”. Ít là một lần trong ngày, chúng ta dùng bữa chung với nhau; có thể là ban tối trong gia đình, sau một ngày làm việc hoặc học hành. Thật là đẹp nếu trước khi bẻ bánh, chúng ta mời Chúa Giêsu, bánh sự sống, đơn sơ xin Chúa chúc lành cho những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta không làm được. Chúng ta hãy mời Chúa vào nhà, chúng ta hãy cầu nguyện trong tinh thần gia đình. Chúa Giêsu sẽ ngồi vào bàn với chúng ta và chúng ta sẽ được no đầy nhờ một tình yêu lớn hơn.
Và Đức Thánh cha kết luận: “Xin Đức Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người, giúp chúng con tăng trưởng ngày qua ngày trong tình bạn với Chúa Giêsu, là bánh sự sống”.
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha chào thăm các tín hữu Roma và các nhóm hành hương. Ngài đặc biệt nhắc đến một số phái đoàn bạn trẻ từ Bắc Ý, đi hành hương bằng xe đạp về Roma. Đức Thánh cha không quên cầu chúc mọi người một Chúa nhật an bình và ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn