HÀNH TRÌNH HIỆP HÀNH LÀ GÌ?
Ý TƯỞNG CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Santiago Madrigal, SJ
“Vì một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ” là chủ đề của một hành trình được khai mạc trọng thể vào hai ngày 9–10 tháng 10 năm 2021 tại Rôma và sau đó tại mỗi Hội thánh địa phương trên toàn thế giới vào ngày 17 tháng 10. Vào 07/3/2020, Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố Đại hội chung thường lệ của Thượng Hội đồng (THĐ) Giám mục lần thứ XVI, sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm 2022 với chủ đề: “Vì một Hội thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”.
Vào cuối tháng 5/2020, Đức Hồng y Mario Grech đã thông báo rằng Đại hội THĐ sẽ hoãn lại một năm, tức là đến năm 2023, một phần vì lý do y tế của cộng đồng, nhưng trên hết là để khuyến khích một cách tiếp cận khác biệt và chưa từng có tiền lệ. Đại hội được tiến hành trong ba giai đoạn, diễn ra từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 10 năm 2023: giai đoạn đầu tiên sẽ là cấp giáo phận, giai đoạn thứ hai tại các châu lục và giai đoạn thứ ba là Hội thánh hoàn vũ. Phương pháp này, vốn dự kiến việc xây dựng hai tài liệu làm việc khác nhau [một tài liệu tổng hợp từ các Hội đồng Giám mục, một từ các liên HĐGM trên thế giới] nhằm lôi kéo toàn thể Dân Chúa tham gia vào tiến trình hiệp hành này, mà các điểm chính là tham gia, lắng nghe và biện phân.
‘Câu chuyện chúng ta phải suy ngẫm’
Chúng ta hãy nhớ lại những lời đầu tiên của Đức Phanxicô từ bao lơn đền thờ thánh Phêrô, ngay sau khi được bầu làm Giáo hoàng, vào tối ngày 13/03/2013: “Và giờ đây chúng ta bắt đầu hành trình này: Giám mục Rôma và dân chúng. Hành trình của Hội thánh Rôma hướng dẫn điều khiển toàn thể Hội thánh trong đức ái. Một hành trình của tình huynh đệ, yêu thương và tin tưởng giữa chúng ta”. Đức Giáo hoàng đã sử dụng từ “hành trình” đến ba lần. Như Ủy ban Thần học Quốc tế đã gợi nhắc, đằng sau khái niệm này là hạn từ Hy Lạp Synodos, bao gồm giới từ syn và danh từ hodos, chỉ con đường mà các thành viên của Dân Chúa cùng đi. Đặt hai sự cân nhắc này lại với nhau, chúng ta có thể thấy rằng “hành trình hiệp hành” có nghĩa là phân định và tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, không chỉ trên cơ sở cá nhân, nhưng với tư cách là một cộng đoàn Kitô giáo, phù hợp với ý tưởng của thánh Gioan Kim khẩu: “Giáo hội là tên của việc đi cùng nhau”.
Những lời mở đầu trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đã nhấn mạnh rằng tính hiệp hành là khái niệm then chốt đằng sau quan niệm của ngài về tác vụ Giám mục Rôma. Đồng thời, nó cũng là nền tảng cho quan điểm giáo hội học của ngài, được hướng dẫn bởi xác tín này: “Con đường hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba”.
Nhà thần học Eloy Bueno đã viết, “trong lãnh vực Giáo hội, tính hiệp hành là một phạm trù giả định đã có, nhưng không thể phủ nhận nó vẫn là một khái niệm và thuật ngữ mơ hồ. Đức Phanxicô đã đưa ra các tiêu chí để phân định khái niệm này và vạch ra một con đường hướng về phía trước”. Mặt khác, việc nhấn mạnh tính hiệp hành, vốn gắn liền với ý tưởng về một cuộc cải tổ “Hội thánh truyền giáo đang đi ra”, đã đưa vào thân thể Hội thánh một động lực đổi mới dẫn tới việc nói đến một phương diện mới của việc tiếp nhận Công đồng Vaticanô II.
Theo đó, như tiêu đề đã gợi lên, chúng tôi muốn đi theo “con đường hiệp hành của Đức Phanxicô,” qua việc trình bày các khía cạnh khác nhau trong cách hiểu về tính hiệp hành, bắt đầu từ các bài phát biểu và văn kiện của ngài cũng như từ những thời điểm quan trọng trong triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô.
Con đường hiệp hành của Đức Phanxicô - “câu chuyện mà chúng ta phải suy ngẫm”, theo cách nói của thánh Inhaxiô Loyola - được xác định bởi hai cột mốc quan trọng này: đầu tiên, chúng ta tìm thấy văn kiện đưa ra chương trình của ngài, Tông huấn Evangelii Gaudium (EG) (24/11/2013) và thứ đến là Thượng Hội đồng Giám mục về Amazon (2019). Đại hội chung thường lệ tiếp theo của THĐ Giám mục, dành riêng bàn về tính hiệp hành, đã được công bố sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2023.
Theo lộ trình này, chúng ta sẽ tiến hành qua từng giai đoạn. Trước hết, cần phải quay trở lại các tiền đề trước đó, tức là tái khám phá hiệp đoàn tính giám mục và tính hiệp hành đã xuất hiện tại Công đồng Vaticanô II. Thứ đến, chúng ta cần chú ý đến Tông huấn Evangelii Gaudium dưới ánh sáng của câu hỏi: tính hiệp hành đã được thể hiện như thế nào trong văn kiện này?
Thứ ba, chúng ta phải quan sát hoạt động của THĐ do Đức Phanxicô thúc đẩy, bằng cách tập chú vào sự kiện: giữa đại hội ngoại lệ của Thượng Hội đồng Giám mục năm 2014 và đại hội thường lệ vào năm 2015, đều dành riêng cho hôn nhân và gia đình, là bài phát biểu của Đức Phanxicô vào ngày 17/10/2015, nhân kỷ niệm 50 năm Đức Thánh cha Phaolô VI thiết lập THĐ Giám mục qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo. Một đóng góp nữa của Đức Phanxicô cho chủ đề này đến từ Tông hiến Episcopalis Communio (EC) ngày 15/09/2018, trong đó đề xuất đổi mới hoạt động của THĐ Giám mục để phục vụ công cuộc cải tổ Giáo hội.
Công đồng Vaticanô II và việc thiết lập THĐ Giám mục
Văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế (số 6) nhắc chúng ta nhớ rằng mặc dù khái niệm tính hiệp hành, một cách rõ ràng không tìm thấy trong giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, nhưng đó là trọng tâm của công cuộc canh tân mà Công đồng đã khởi xướng và cổ võ. Trong các bản văn của Công đồng, từ synodus dùng để chỉ Công đồng đang diễn ra, vì vậy công đồng đại kết xuất hiện như một biểu hiện cao nhất của tính hiệp hành. Theo nghĩa này, với tư cách là một sự kiện và một khởi đầu mới, Công đồng Vaticanô II đã tái mở ra đề tài về tính công nghị (conciliarity) hoặc tính hiệp hành (synodality) thiết yếu của Hội thánh, bằng cách gợi nhắc việc thành lập các công nghị, công đồng giáo tỉnh và công đồng chung từ những thế kỷ đầu tiên, cũng như khuyến khích việc thúc đẩy và nuôi dưỡng các thể chế này (x. Christus Dominus, số 36).
Qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo vào ngày 15/09/1965, Đức Phaolô VI mong muốn THĐ Giám mục sẽ được đưa vào khuôn khổ chung này. Trong Sắc lệnh Christus Dominus (số 5), chúng ta thấy bản chất và chức năng của THĐ được đề ra, liên quan đến việc thừa nhận vai trò của các giám mục trong việc điều hành ở trung ương Hội thánh: “Những vị Giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, theo cách thức và tiêu chuẩn đã hoặc sẽ được Giáo hoàng Rôma ấn định, sẽ hỗ trợ vị Chủ chăn tối cao của Giáo hội cách đắc lực hơn qua một hội đồng có tên riêng là ‘Thượng Hội đồng Giám mục’, Thượng Hội đồng hoạt động nhân danh toàn thể hàng Giám mục Công giáo, nên cùng lúc cũng cho thấy rằng tất cả các Giám mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, đều tham gia vào việc chăm lo cho Giáo hội phổ quát".
Trong diễn văn ngày 18/11/1965 trước phiên họp khoáng đại của Công đồng, Đức Phaolô VI đã công bố ý định sớm triệu tập THĐ Giám mục, sau khi Công đồng kết thúc. Các quy định của THĐ đã được thông qua vào ngày 08/12/1966, và đại hội THĐ đầu tiên được tổ chức từ ngày 29/09 đến ngày 29/10 năm 1967. THĐ này nhắm đến việc gìn giữ và củng cố đức tin Công giáo, tính toàn vẹn, sức mạnh và sự phát triển cũng như sự gắn kết về mặt học thuyết và lịch sử của đức tin Công giáo. Hai năm sau, đại hội ngoại lệ đầu tiên của THĐ về sự hợp tác giữa Tòa thánh và các Hội đồng Giám mục được tổ chức. Năm 1971, đại hội thường lệ thứ hai diễn ra, đề cập đến hai chủ đề: Chức tư tế thừa tác và công lý trên thế giới. Đức Phaolô VI đã triệu tập hai đại hội khác: năm 1974, về Rao giảng Phúc âm trong thế giới hiện đại, và năm 1977, về Việc giảng dạy giáo lý trong thời đại chúng ta.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khuyến khích các THĐ Giám mục, mà ngài xem đó là một công cụ đặc quyền để thực thi quyền tối thượng. Đức Thánh cha muốn tạo động lực cho việc tiếp nhận Công đồng Vaticanô II và chuẩn bị cho Đại Năm Thánh 2000 thông qua “một loạt các Thượng Hội đồng bắt đầu sau Công đồng Vaticanô II: Thượng Hội đồng chung và các THĐ hay công nghị cấp châu lục, miền, quốc gia và giáo phận”. Vì vậy, ngài đã diễn tả trong Tông thư Tertio Millennio Adveniente (TMA) (1994), bằng cách chỉ ra rằng “Chủ đề chính của các THĐ này là việc Phúc âm hóa” mà nền tảng của nó đã có nơi Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI (x. TMA 21). Cùng năm đó, trong một cuộc phỏng vấn nổi tiếng, Đức Gioan Phaolô II đã nói đến một “phương pháp hiệp hành/công nghị”. Những kinh nghiệm công nghị này, với nhiều mức độ và phạm vi khác nhau (thường lệ, ngoại lệ, đặc biệt, châu lục và giáo phận), đã mở ra con đường dẫn đến tầm nhìn về Hội thánh theo một nguyên tắc căn bản mang tính hiệp hành. Do đó, trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, tính hiệp hành đã trở thành “một phạm trù then chốt khi giáo hội học hậu công đồng xuất hiện”.
Tiếp tục đi theo hướng này, Đức Bênêđictô XVI đã triệu tập ba THĐ. Hai lần đầu lần lượt vào năm 2005, với chủ đề Thánh Thể: Nguồn mạch và đỉnh cao đời sống và sứ vụ của Hội thánh, và vào năm 2008, với chủ đề Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh. Lần thứ ba diễn ra vào tháng 10/2012, nhắm đến việc Tân Phúc âm hóa để loan truyền đức tin Kitô giáo.
Sau cuộc từ nhiệm lịch sử của vị Giáo hoàng người Đức vào tháng 12/2013, người kế vị của ngài đã công bố Tông huấn Evangelii Gaudium (EG). Theo đó, Đức Phanxicô đã bắt đầu với một văn kiện có tính hoạch định chương trình tập trung vào “việc loan báo Tin mừng trong thế giới ngày nay”, do đó có chủ ý đi theo tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI (EN, 1975).
Từ đó có thể rút ra kết luận rằng việc đưa triều đại giáo hoàng này vào tiến trình tiếp nhận Công đồng Vaticanô II nằm trong sự liên tục của các Thượng Hội đồng Giám mục. Không phải vô cớ mà sắc lệnh Ad Gentes (AG, 07/12/1965) thiết lập mối liên hệ giữa hoạt động truyền giáo và thể chế mới do Đức Phaolô VI khởi xướng: “Loan báo Tin mừng cho toàn thế giới trước tiên là nhiệm vụ của giám mục đoàn (x. LG 23), THĐ Giám mục, tức “Hội đồng Giám mục thường trực phụ trách Giáo hội toàn cầu”, trong số các công việc có tầm quan trọng chung, phải đặc biệt lưu tâm đến một trong những công tác có liên quan đến toàn thể Giáo hội, đó là hoạt động truyền giáo, một phận vụ rất quan trọng và thánh thiện của Giáo hội” (AG 29). Như chúng ta sẽ thấy, vị giáo hoàng người Argentina này đã tạo sự thúc đẩy mới cho thể chế này, mà ngài xác định là “một trong những di sản quý giá nhất của Công đồng Vaticanô II”.
Mặt khác, điều quan trọng là phải thêm một yếu tố khác đưa chúng ta đến gần hơn với tiểu sử của Đức Phanxicô: tính hiệp hành của châu Mỹ Latinh. Đức Bergoglio xuất thân từ một truyền thống giải thích Công đồng Vaticanô II bằng cách nương theo nhịp điệu năng động mang tính hiệp hành của Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh (CELAM) và các hội nghị ở Medellín (1968), Puebla (1979), Santo Domingo (1992) và Aparecida (2007). Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Argentina, Đức Bergoglio đã tham gia Hội nghị Aparecida và được bầu làm Chủ tịch của Ủy ban soạn thảo văn kiện đúc kết. Từ Medellín đến Aparecida, lựa chọn dành cho người nghèo đã đánh dấu căn tính của Giáo hội Mỹ Latinh và Caribê. Đối với thần học truyền giáo của Aparecida, Phúc âm hóa là thông truyền sự sống trọn vẹn trong Đức Kitô. Nguồn gốc châu Mỹ Latinh của Evangelii Gaudium và tính mới lạ của triều giáo hoàng này sẽ được tìm thấy trong văn kiện đúc kết của đại hội THĐ đó.
Tính hiệp hành trong ‘Evangelii Gaudium’
Tông huấn Evangelii Gaudium là một văn kiện về thần học mục vụ, hoặc sự rèn luyện nhằm tìm cách hiểu hoạt động loan báo Tin mừng của Hội thánh dựa trên truyền thống đức tin của Hội thánh. Bergoglio đã tự trau dồi nó trong những năm giảng dạy của mình. Trong văn kiện hoạch định chương trình này, Đức Thánh cha đã đưa ra cho chúng ta “một số đường hướng giúp khuyến khích và hướng dẫn Hội thánh trong một giai đoạn mới của cuộc Phúc âm hoá” (EG 17). Ngài đã sắp xếp chúng thành bảy chủ đề sau đây: 1) cuộc cải tổ của Hội thánh trong việc mở rộng truyền giáo; 2) các cám dỗ đối với những người hoạt động mục vụ; 3) Hội thánh, hiểu như là toàn thể Dân Chúa loan báo Tin mừng; 4) bài giảng và việc chuẩn bị; 5) sự bao gồm người nghèo trong xã hội; 6) hoà bình và đối thoại trong xã hội; 7) các động cơ thiêng liêng cho việc truyền giáo. Đức Phanxicô ngay lập tức chỉ ra rằng việc lựa chọn các chủ đề này được thực hiện “dựa trên cơ sở giáo huấn của Hiến chế tín lý Lumen Gentium.” Như chúng ta có thể thấy, tính hiệp hành không xuất hiện trong danh sách các chủ đề này.
Trên thực tế, trong Tông huấn, khái niệm này chỉ xuất hiện một cách rõ ràng trong số 246, khi nói về đại kết như một sự trao đổi các ân huệ. Tuy nhiên, tính hiệp hành, giống như dòng chảy ngầm, gợi hứng cho các phần quan trọng của văn kiện này. Những lời Đức Phanxicô phát biểu trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Cha Antonio Spadaro, Tổng Biên tập của tờ La Civiltà Cattolica vào tháng 08/2013, có khuynh hướng này. Trong đó, ngài đề cập đến tính hiệp hành. Trong buổi cử hành nghi thức làm phép và trao dây pallium cho 34 tổng giám mục chánh tòa, Đức Phanxicô đã định nghĩa “con đường hiệp hành” là con đường đưa đến Hội thánh hiệp nhất “lớn lên trong sự hòa hợp với việc phục vụ của chức vụ giáo hoàng.” Khi được cha Spadaro hỏi đâu là viễn cảnh đại kết của con đường này, Đức Giáo hoàng trả lời rằng: “Chúng ta phải cùng bước đi: giáo dân, giám mục và giáo hoàng. Tính hiệp hành của các giám mục phải được thực hiện ở những cấp độ khác nhau. Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi phương pháp của THĐ Giám mục, vì đối với tôi phương pháp hiện tại có vẻ tĩnh. Điều này cũng sẽ mang giá trị hiệp nhất các tín hữu Kitô giáo, đặc biệt là với anh em Chính Thống giáo. Chúng ta có thể học được từ họ nhiều hơn về ý nghĩa của hiệp đoàn tính giám mục và truyền thống hiệp hành của giám mục”.
Từ những lời này, người ta có thể hiểu những gì được đề cập trong số 246 của Tông huấn và kết luận rằng đây không phải là những tuyên bố biệt lập. Ngược lại, tính hiệp hành thấm nhuần ý niệm về Hội thánh được thể hiện trong văn kiện hoạch định chương trình của Đức Phanxicô. Thực ra, trong chương một, nói về “sự biến đổi truyền giáo của Hội thánh” (EG 19-49) và đề xuất “một cuộc canh tân cấp thiết của Hội thánh” (EG 27), tất cả những cấu trúc của Hội thánh mà cộng đồng Kitô là hiện thân đều tái hiện: giáo xứ (EG 28), các cộng đoàn cơ bản, các phong trào và các dạng hiệp hội khác (EG 29), Hội thánh địa phương tại các giáo phận (EG 30-31), các Hội đồng Giám mục cũng như Giáo hoàng và các cơ cấu trung ương của Hội thánh hoàn vũ (EG 32). Những cấu trúc này, vốn tương ứng với các mức độ khác nhau của việc thực thi tính hiệp hành, được mời gọi để hoán cải mục vụ và truyền giáo phù hợp với trọng tâm của Tin mừng, đặc biệt là dưới ánh sáng của hình thức cơ bản của tính hiệp hành, được mô tả qua lối ẩn dụ đối với giáo hội học căn bản về một “Hội thánh đi ra” (EG 20-23). Đức Phanxicô mô tả khái niệm về Hội thánh này như một “cộng đoàn loan báo Tin mừng”, “cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng” (EG 24). Ở đây chúng ta tìm thấy khía cạnh thiết yếu nơi ơn gọi hiệp hành của Dân Chúa; nói một cách dễ hiểu, một “Hội thánh đi ra”, trong “động năng của việc xuất hành và trao ban, ra khỏi chính mình, dấn bước và gieo vãi luôn luôn mới mẻ, luôn vươn ra” (EG 21), là một “Hội thánh hiệp hành”.
Cách đọc chương đầu tiên của Evangelii Gaudium dựa trên nguyên tắc căn bản về tính hiệp hành được chứng thực bởi những suy tư nhắm đến Hội thánh địa phương tại các giáo phận như là “chủ thể chính của việc loan báo Tin mừng” (EG 30). Bên cạnh những chi tiết khác, Tông huấn khẳng định: “Giám mục phải luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo này trong Giáo hội địa phương của mình, theo lý tưởng của các cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, ở đó các tín hữu đều một lòng một trí với nhau (x. Cv 4,32)” (EG 31). Ở đây, ý tưởng về “cuộc hành trình” quay trở lại: “Để làm điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại đàng sau, và—trên hết—để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới.”
Ngay sau đó, Đức Phanxicô đã giao cho giám mục [Hội thánh địa phương] nhiệm vụ khuyến thích và tìm kiếm việc phát triển “các phương thế tham gia được đề nghị trong Bộ Giáo luật, và các hình thức đối thoại mục vụ khác, với ước muốn lắng nghe hết mọi người” (EG 31). Trong số các yếu tố này, Đức Thánh cha lưu ý đề cập đến các quy tắc liên quan đến công nghị giáo phận, hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ giáo phận, hội đồng mục vụ và tài chính giáo xứ.
Hệ quy chiếu chung cho nhãn quan về Giáo hội này là “thần học về Dân Thiên Chúa của Argentina” theo cách hiểu giáo hội học của Công đồng Vaticanô II. Điều này xuất hiện trong phần đầu tiên của chương ba - nơi phát triển quan niệm về Hội thánh với tư cách là Dân Thiên Chúa rao giảng Tin mừng (EG 111-134) - mở đầu bằng tuyên bố này: “Là tác nhân rao giảng Tin mừng, Hội thánh không chỉ là một tổ chức có hệ thống và phẩm trật; Hội thánh trước hết và trên hết là một dân tộc đang trên đường lữ hành tiến về Thiên Chúa. Hội Thánh chắc chắn là một mầu nhiệm bén rễ sâu trong Ba Ngôi, nhưng Hội thánh tồn tại một cách cụ thể trong lịch sử như một dân tộc lữ hành và như là những người loan báo Tin mừng” (EG 111; chữ in nghiêng là của tác giả). Trong phần này, Đức Phanxicô sử dụng khái niệm Hội thánh mà ngài ưa thích - “Dân trung thành thánh thiện của Thiên Chúa” - được hình thành dựa trên ý tưởng về cảm thức đức tin (sensus fidei) và ơn bất khả ngộ của Dân Chúa trong đức tin mà LG 12 đề cập.
Chúng tôi xin trích dẫn ở đây đoạn văn quyết định cho thấy thực tại của một Hội thánh hiệp hành, của “những môn đệ truyền giáo”: “Nơi tất cả những người đã rửa tội, từ người đầu tiên cho đến người cuối cùng, sức mạnh thánh hoá của Chúa Thánh Thần luôn hoạt động và thúc đẩy chúng ta truyền giáo. Dân Thiên Chúa là dân thánh nhờ sự xức dầu này của Chúa Thánh Thần, làm cho nó không thể sai lầm in credendo, nghĩa là không thể sai lầm trong đức tin, dù nó không thể tìm được những từ ngữ để cắt nghĩa đức tin ấy. Thánh Thần hướng dẫn dân Chúa trong chân lý và dẫn dân Chúa đến ơn cứu độ. Để chia sẻ tình thương nhiệm mầu của mình, Thiên Chúa ban cho toàn thể các tín hữu một cảm thức đức tin—sensus fidei—là khả năng giúp họ phân định rõ cái gì thực sự là của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thần Khí ban cho người Kitô hữu một sự đồng bản tính nào đó với các thực tại của Thiên Chúa, và một sự khôn ngoan giúp họ nắm bắt các thực tại ấy bằng trực giác, cả khi họ không có đủ phương tiện cần thiết để diễn tả nó một cách chính xác” (EG 119).
Qua cảm thức đức tin siêu nhiên, Dân Chúa là chủ thể truyền giáo thực sự đi vào lòng lịch sử nhân loại. Dưới ánh sáng của việc hiểu Hội thánh theo hướng truyền giáo, sứ điệp Tin mừng với những tác động mang tính cộng đoàn và xã hội rõ ràng phải được đọc và công bố. Đức Phanxicô đã dành một phần quan trọng của chương bốn trong lời khuyến dụ của ngài về việc bao gồm người nghèo trong xã hội (EG 186-216) và vị trí đặc biệt của người nghèo trong Dân Thiên Chúa (EG 197-201). Ưu tiên lựa chọn người nghèo có liên quan gì đến tính hiệp hành? Cộng đoàn truyền giáo, tức là Hội thánh hiệp hành đang đi ra, “có một ước muốn khôn nguôi là tỏ lòng thương xót, kết quả của kinh nghiệm bản thân của cộng đoàn về sức mạnh lòng thương vô biên của Thiên Chúa Cha […]. Một cộng đoàn đồng hành với nhân loại trong mọi tiến trình của nó” (EG 24). Hội thánh truyền giáo này phải đến với mọi người: “Nhưng phải đến với ai trước? Hôm nay và mãi mãi, ‘người nghèo là những người ưu tiên được đón nhận Tin mừng’” (EG 48). Trong một đoạn khác, Đức Phanxicô đưa ra một biện minh về mặt thần học, khi sử dụng lời của Đức Bênêđíctô XVI: lựa chọn người nghèo “hàm ẩn trong đức tin Kitô giáo của chúng ta vào một vị Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, để chúng ta trở nên giàu có với sự nghèo khó của Người” (EG 198).
Hiệp hành như một chiều kích cấu thành Hội thánh
Trong các phiên thảo luận diễn ra trước mật nghị bầu ĐHY Jorge Mario Bergoglio làm Giáo hoàng, nhu cầu về tính hiệp đoàn nhiều hơn đã được số đông các Hồng y bàn luận. Theo chân của các vị tiền nhiệm, vị tân Giáo hoàng đã nhanh chóng tiếp tục con đường hiệp hành, triệu tập một đại hội THĐ kép - ngoại lệ [2014] và thường lệ [2015] - về chủ đề hôn nhân gia đình, trong đó ngay lập tức thể hiện rõ ràng một cách thức mới, có sự tham gia nhiều hơn trong THĐ, có liên hệ đến giám mục đoàn cũng như Dân Thiên Chúa. Theo nghĩa này, chúng ta cần lưu ý những đổi mới đa dạng trong tiến trình, chẳng hạn như quyết định thay thế Tài liệu chuẩn bị (Lineamenta) bằng một bảng câu hỏi về những vấn đề cấp bách trong đời sống hôn nhân và gia đình, gửi đến cho tất cả các tín hữu.
Từ những câu trả lời mà Ban Thư ký THĐ nhận được, Tài liệu làm việc (Instrumentum laboris) đã được soạn thảo. Mỗi đại hội THĐ đưa ra Tài liệu cuối cùng (final document/tường trình đúc kết), và số phiếu cho mỗi số của Tường trình đúc kết cũng như toàn bộ Tường trình đã được công bố. Các khía cạnh khác cũng thay đổi, chứ không chỉ là phương pháp. Nhà thần học Dario Vitali nêu bật một yếu tố cơ bản góp phần làm thay đổi bầu khí diễn tiến THĐ, đó là việc sẵn sàng lắng nghe: “Lắng nghe Thiên Chúa, đến độ cùng với Ngài lắng nghe tiếng kêu của Dân Chúa; lắng nghe Dân Chúa, đến độ cùng nhịp thở với họ ý muốn mà Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta”. Đó là những ngày mà Tổng thư ký của THĐ tiếp tục làm việc trên lý thuyết và thực hành khi diễn ra THĐ.
Vào ngày 17 tháng 10 năm 2015, trong khi diễn ra Đại hội chung thường lệ Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIV, lấy cảm hứng từ lễ kỷ niệm 50 năm thành lập thể chế Thượng Hội đồng, Đức Phanxicô nói: “Ngay từ đầu sứ vụ của tôi với tư cách là Giám mục Rôma, tôi đã có ý định nâng tầm THĐ, là một trong những di sản quý giá nhất của Công đồng vừa qua [Công đồng Vatican II]”. Ngài nói thêm: “Những gì Chúa đang mời gọi chúng ta, theo một nghĩa nào đó, tất cả đã được chứa đựng trong từ ‘synod’ [cùng đi chung với nhau]. Giáo dân, linh mục, Giám mục Rôma - cùng nhau bước đi - là một khái niệm dễ diễn đạt bằng ngôn từ, nhưng không dễ để áp dụng vào thực tế.” Trong bối cảnh đó, ngài nhắc lại câu nói này của Thánh Gioan Kim Khẩu: “‘Hội thánh [church] và cùng đi chung với nhau [synod- hiệp hành] đồng nghĩa với nhau” bởi vì Hội thánh không là gì khác ngoài việc “cùng đi với nhau” của đàn chiên Chúa trên những nẻo đường lịch sử hướng về Đức Kitô”. Trong diễn từ của Đức Phanxicô, các đặc điểm cơ bản của một “Hội thánh hiệp hành” đã được phác thảo.
Một Hội thánh lắng nghe, Hội thánh với cảm thức siêu nhiên của đức tin (‘sensus fidei’)
Đức Phanxicô đã trích dẫn Công đồng Vaticanô II, trong đó mô tả Dân Thiên Chúa là toàn thể những người đã được rửa tội, “được kêu gọi để trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh” (x. LG 10), và nhấn mạnh rằng “Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu (x. 1Ga 2, 20.27), không thể sai lầm trong đức tin, và họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể Dân Thiên Chúa, khi ‘từ các Giám mục cho đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu’ đều đồng thuận trong những điều liên quan đến đức tin và phong hóa (x. LG 12)”.
Đức Thánh cha đã minh họa ý tưởng này bằng cách gợi lại những gì ngài đã viết trong Tông huấn Evangelii Gaudium (x. EG 119-120) về sự thánh thiện của Dân Thiên Chúa bởi việc xức dầu Thánh Thần, đưa ra thêm những yếu tố mới để suy tư: “Dân Thiên Chúa là dân thánh nhờ sự xức dầu này của Thánh Thần này khiến họ ‘không thể sai lầm’ (x. EG 119), [bởi vì] mỗi người được rửa tội, dù có phận vụ nào trong Hội thánh và mức độ hướng dẫn nào trong đức tin, đều là một chủ thể tích cực của việc Phúc âm hóa và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp trong khi các tín hữu khác chỉ là những người thụ hưởng thụ động” (x. EG 120). Cảm thức đức tin (sensus fidei) ngăn ngừa một sự tách biệt cứng nhắc giữa Hội thánh dạy dỗ (Ecclesia docens) và Hội thánh thụ huấn (Ecclesia discens), vì đàn chiên cũng có sự nhạy bén riêng để phân định những con đường mới mà Chúa mở ra cho Hội thánh.” Và ngài kết luận như sau: “Một Giáo hội hiệp hành là một Giáo hội lắng nghe, với ý thức rằng lắng nghe ‘nhiều hơn là nghe suông’ (x. EG 171).”
Trong bài phát biểu này, Đức Phanxicô đã đề xuất “việc lắng nghe lẫn nhau, trong đó mỗi người đều có điều gì đó để học hỏi. Giáo dân, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: người này nghe người kia; và tất cả mọi người lắng nghe Chúa Thánh Thần, ‘Thần Khí của sự thật’ (Ga 14,17), để biết những gì Ngài ‘nói với các Giáo hội’ (Kh 2,7).”
Đức Phanxicô ngay lập tức rút ra một hệ luận quan trọng từ điều này: “Thượng Hội đồng Giám mục là điểm hội tụ của sự năng động trong việc lắng nghe được tiến hành ở mọi cấp độ của đời sống Hội thánh.” Nói cách khác, toàn bộ đời sống của Hội thánh được xoay quanh bởi tính hiệp hành như một phong cách (style) và như một tiến trình không hề cạn kiệt trong các đại hội THĐ, nhưng thuộc về chính hữu thể của Hội thánh.
Các giai đoạn và cấp độ của hành trình hiệp hành
Đức Phanxicô cũng chỉ ra các giai đoạn của sự năng động lắng nghe và hiệp thông này trong một Hội thánh hiệp hành: “Hành trình hiệp hành bắt đầu bằng việc lắng nghe Dân Chúa […]. Hành trình hiệp hành tiếp tục bằng việc lắng nghe các mục tử. […] Hành trình này lên đến đỉnh điểm trong việc lắng nghe Giám mục Rôma.” Trong tiến trình này, có một tiêu chuẩn mới thực sự cần được làm nổi bật: tiến trình hiệp hành khởi đi từ Dân Chúa. Lý do là Dân này “cũng tham gia vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô” (x. LG 12). Điều này căn bản bắt nguồn từ lý do tại sao các THĐ về gia đình và về người trẻ phải được chuẩn bị bằng cách tham khảo ý kiến của Dân Thiên Chúa. Theo cách này, Đức Phanxicô giải thích, “một nguyên tắc quý giá/thân thiết đối với Giáo hội của thiên niên kỷ thứ nhất được thực hiện: “Điều gì liên hệ đến tất cả, thì phải được tất cả thảo luận” (Quod omnes tangit, ab omnibus tractari debet). Do đó, năng lực hoạt động và tư cách chủ thể của Dân Chúa cần được công nhận, cùng với hai chủ thể khác - các mục tử và Giám mục Rôma - những người thực hiện các chức năng riêng biệt.
Các mức độ thực hiện hiệp hành
Một khía cạnh tương liên với ba chủ thể này, với ba chức năng cụ thể: ngôn sứ, phân định, thực hiện - là việc xem xét ba cấp độ trong việc thực hiện tính hiệp hành. Điều đầu tiên liên quan đến các Giáo hội địa phương, nơi cần phải làm sống lại tiến trình tham gia thông qua “các cơ quan hiệp thông” đã được nói trước trong Bộ Giáo luật, bắt đầu với công nghị giáo phận (các điều 460-468) và tiếp tục với hội đồng linh mục, ban tư vấn, các hội kinh sĩ và hội đồng mục vụ (các điều 495-514).
Cấp độ thứ hai liên quan đến các giáo tỉnh và giáo miền, các công đồng địa phương và, cách đặc biệt, các Hội đồng Giám mục (các điều 431-459). Thông qua các cơ quan này, với tư cách là “những thể hiện trung gian của tính hiệp đoàn,” có thể thực hiện các bước hướng tới sự tản quyền lành mạnh của Hội thánh (như Đức Giáo hoàng đã khẳng định trong EG 32).
Cấp độ cuối cùng liên hệ đến Hội thánh hoàn vũ, nơi THĐ Giám mục, “đại diện cho các giám mục Công giáo, trở thành một biểu đạt của hiệp đoàn tính của các giám mục trong một Hội thánh hiệp hành hoàn toàn”.
Hiệp hành như một khung diễn giải thừa tác vụ theo phẩm trật
Suy tư này về THĐ Giám mục phác thảo hệ hình của một Hội thánh hiệp hành, dẫn đến tuyên bố mang tính quyết định này: “Tính hiệp hành như một chiều kích cấu thành Hội thánh, cung cấp cho chúng ta một khung diễn giải thích hợp nhất để hiểu chính thừa tác vụ theo phẩm trật”. Trong bối cảnh này, Hội thánh hiệp hành được trình bày như một “kim tự tháp ngược”, được áp dụng cho Tông đồ đoàn, cho từng giám mục địa phương và cho chính Giám mục Rôma, người có ơn gọi phục vụ dân Chúa.
Theo lý luận của sự phục vụ này, chúng ta phải luôn nhớ rằng, “đối với các môn đệ của Đức Giêsu, hôm qua, hôm nay và mãi mãi, quyền bính duy nhất là quyền bính của sự phục vụ, quyền lực duy nhất là quyền lực của thập giá: […] “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20,25-27).” Do đó, Đức Giáo hoàng kết luận như sau: “Một Hội thánh hiệp hành giống như một ngọn cờ được giương cao giữa các quốc gia” (x. Is 11,12) trong một thế giới thường giao số phận của toàn thể dân tộc vào tay các nhóm nhỏ nhưng quyền lực. Là một Hội thánh ‘hiệp hành’ với tất cả mọi người, chia sẻ những chặng đường của lịch sử, chúng ta hãy ấp ủ ước mơ về việc khám phá lại phẩm giá bất khả xâm phạm của các dân tộc và chức năng của quyền lực là phục vụ, cũng sẽ có thể giúp xã hội dân sự được xây dựng trên công lý và tình huynh đệ.”
Một nhận xét cuối cùng: nếu cho đến nay, Đức Phanxicô đã nói về tính hiệp hành trong Hội thánh (ad intra), phản ánh về hoạt động bên trong của cộng đoàn giáo hội, thì trong phần kết luận, ngài đã cho nó xuất hiện thêm chiều kích bên ngoài Hội thánh (ad extra,) tức là năng động truyền giáo của Hội thánh trong thế giới.
Chiều kích truyền giáo của tính hiệp hành xuất hiện một cách đặc biệt trong thông điệp mới nhất của Đức Phanxicô là Fratelli Tutti (2021) trong đó ngài kêu gọi tình huynh đệ phổ quát. Một Hội thánh hiệp hành, nơi chúng ta cùng nhau bước đi, trở thành sự phản ánh tốt nhất cho đề nghị này, một bức ảnh sống động của nó. Do đó, tính hiệp hành không chỉ quan tâm đến các vấn đề nội bộ Giáo hội, nhưng là một phần của mối quan hệ giữa Hội thánh và thế giới, bao gồm một động lực đi từ tính hiệp hành đến tình huynh đệ, vì Dân Thiên Chúa, trong hành trình lịch sử, muốn chia sẻ với mọi người ánh sáng Tin mừng mà không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa.
Cải cách Thượng Hội Đồng Giám mục với Tông hiến ‘Episcopalis Communio’ (2018)
Từ năm 2014 đến 2017, Ủy ban Thần học Quốc tế đã làm việc trên một tài liệu về hiệp hành với tựa đề Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ mệnh của Hội thánh, đã được đề cập ở phần đầu. Tài liệu này dự định trình bày các nguyên tắc thần học và các hướng dẫn mục vụ cho một Hội thánh đang trên tiến trình hiệp hành. Trên thực tế, “tính hiệp hành” chủ yếu chỉ một phương thức sống và làm việc cụ thể trong Hội thánh, Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành, trong tình hiệp thông huynh đệ và đồng trách nhiệm, ngay cả trước khi thành hình trong các quy trình và cơ cấu theo giáo luật cũng như trong các sự kiện hiệp hành (x. số 70).
Thứ tự của các chương tuân theo khuôn mẫu này: Chương 1 “quay trở lại các nguồn quy chuẩn trong Kinh thánh và Thánh truyền để làm nổi bật nền tảng hình ảnh hiệp hành nơi Hội thánh được tỏ lộ trong lịch sử của Mặc khải’; Chương 2 đề cập đến “nền tảng thần học của tính hiệp hành phù hợp với giáo thuyết giáo hội học của Công đồng Vaticanô II”; Chương 3 đưa ra các định hướng mục vụ “liên quan đến việc thực hiện cụ thể tính hiệp hành ở nhiều cấp độ khác nhau, trong Hội thánh địa phương, trong sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương trong một vùng, trong Giáo hội hoàn vũ”; cuối cùng, chương 4 đưa ra các định hướng mục vụ “liên quan đến sự hoán cải thiêng liêng và mục vụ cũng như sự phân định chung và tông truyền cần thiết để có kinh nghiệm đích thực về một Hội thánh hiệp hành.”
Tài liệu này tạo ra một nỗ lực nhằm kết hợp khái niệm về tính hiệp hành với các khái niệm cơ bản về tính hiệp đoàn và sự hiệp thông. Tính hiệp hành, được nói đến ở số 7 (x. số 66) trong tài liệu, có nghĩa là “sự can dự và tham gia của toàn thể Dân Chúa vào đời sống và sứ mệnh của Hội thánh” trong khi “khái niệm tính hiệp đoàn” chỉ “một hình thức cụ thể trong đó tính hiệp hành của Hội thánh được biểu lộ và thực hiện qua thừa tác vụ của các giám mục ở cấp độ hiệp thông giữa các Hội thánh địa phương trong một vùng miền và ở cấp độ hiệp thông giữa tất cả các Hội thánh trong Hội thánh hoàn vũ.” Do đó, mọi biểu hiện của tính hiệp hành đều đòi hỏi phải thi hành tác vụ hiệp đoàn của các giám mục.
Vài tháng sau khi phát hành tài liệu này, Đức Phanxicô đã công bố Tông hiến Episcopalis Communio, trong đó tóm tắt những nỗ lực của ngài nhằm liên kết tính hiệp hành và THĐ Giám mục. Bản văn này tạo nên một bản hiệu chỉnh và cập nhật Tông thư dưới hình thức Tự sắc Apostolica Sollicitudo, xác nhận thể chế do Đức Phaolô VI đặt ra là “một trong những di sản quý giá nhất của Công đồng Vaticanô II,” “mới trong thể chế nhưng rất cổ xưa trong nguồn cảm hứng của nó” (EC 1). Việc đổi mới Thượng Hội đồng mà Đức Phanxicô mong muốn đòi hỏi phải khởi động các quy trình tham vấn để làm cho giáo dân và tiếng nói của họ hiện diện nhiều hơn. Như chúng ta đã lưu ý, một Giáo hội hiệp hành là “một Hội thánh lắng nghe”, và mọi thực hành (praxis) hiệp hành “bắt đầu bằng việc lắng nghe Dân Chúa”, “tiếp đến là lắng nghe các mục tử” và “đạt đến đỉnh cao là lắng nghe Giám mục Rôma”.
Nếu hiệp đoàn tính là để phục vụ cho tính hiệp hành, thì “Thượng Hội đồng Giám mục ngày càng phải trở thành một phương tiện đặc quyền để lắng nghe Dân Chúa.” Do đó, tiến trình tham vấn liên quan đến tất cả các Hội thánh địa phương trở nên một phần không thể thiếu (x. EC 7). Điều này phải được nối tiếp bởi sự “phân định của các mục tử”, là những người chú ý đến cảm thức đức tin của Dân Chúa, phải có khả năng nhận thức các chỉ dẫn của Thánh Thần, phân biệt chúng “với các luồng dư luận thường xuyên thay đổi” (EC 7). Tông hiến đã đưa ra một quy tắc mới, phác họa việc thực thi hiệp hành trong ba giai đoạn: chuẩn bị, cử hành và áp dụng vào THĐ Giám mục.
Tính hiệp hành không thể diễn ra ở mọi cấp độ mà không có sự phục vụ của chức vụ chủ tọa bởi Giám mục Rôma, ở cấp độ Hội thánh hoàn vũ (x. EC 10). Trong quá trình xem xét lại cuộc hành trình của Đức Giáo hoàng, dấu ấn của một ý chí kiên định ủng hộ việc thực thi quyền bính giáo hoàng có tính hiệp hành và phục vụ, về “quyền ưu tiên của việc lắng nghe” trong một “Hội thánh cấu thành bởi hiệp hành” đã dần trở nên rõ ràng.
Kết luận: ‘Con đường không phải đã sẵn đó, nó hình thành khi chúng ta bước đi’
Đức Phanxicô đã đặt ra mục tiêu tiếp theo cho toàn thể Hội thánh, điều mà chúng ta có thể diễn đạt trong những câu nổi tiếng của Antonio Machado: Caminante, no hay camino, se hace camino al andar (“Hỡi lữ khách! Con đường không có sẵn đó, nó hình thành khi chúng ta bước đi”). Đó là lực đẩy của tính hiệp hành vốn đến từ rất xa. Một số lời của Đức Phanxicô vẫn cho chúng ta thấy lộ trình và nhiệm vụ, trong quá khứ gần đây nhất và hy vọng cho tương lai: “Công đồng Vaticanô II đã đánh dấu một bước quan trọng trong nhận thức mà Hội thánh có cả về chính mình và về sứ mệnh của mình trong thế giới đương đại. Cuộc hành trình này, bắt đầu cách đây hơn 50 năm, vẫn tiếp tục thúc đẩy chúng ta tiếp nhận và phát triển nó, và vẫn chưa kết thúc, đặc biệt là liên quan đến tính hiệp hành phải hoạt động ở các cấp độ khác nhau của đời sống giáo hội (giáo xứ, giáo phận, quốc gia, Hội thánh hoàn vũ, cũng như các giáo đoàn và cộng đồng khác nhau)”.
Chúng ta hãy kết luận bằng cách nhấn mạnh mục tiêu kép của tính hiệp hành: một mặt, dựa trên những nguyên tắc truyền giáo do Evangelii Gaudium vạch ra, “mục tiêu của các quá trình có sự tham gia này sẽ không chủ yếu là tổ chức Giáo hội, mà là ước mơ truyền giáo đến được với mọi người” (EG 31). Mặt khác, cùng với việc phục vụ xã hội được tái khởi động trong các Thông điệp Laudato Si' và Fratelli Tutti, tính hiệp hành ước mong hình thành một dân tộc, một cộng đồng huynh đệ và truyền giáo nhằm phục vụ công ích xã hội và chăm sóc ngôi nhà chung.
Lời chào đầu tiên của ĐGH Phanxicô, 13/03/2013.
Ủy ban thần học quốc tế, Tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của Hội thánh, 02/03/2018.
ĐGH Phanxicô, Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng hội đồng Giám mục, 17/10/2015.
E. Bueno, Eclesiología del Papa Francisco. Una Iglesia bautismal y sinodal, Burgos, Fonte, 2018, 203.
Cf. S. Madrigal, “¿Una nueva fase en la recepción del Concilio?”, in R. Luciani – M. T. Compte (eds), En camino hacia una Iglesia sinodal. De Pablo VI a Francisco, Madrid, PPC, 2020, 49-76.
Cf. Id., De pirámides y poliedros. Señas de identidad del pontificado de Francisco, Santander, Sal Terrae, 2020.
Trước hết, chúng ta nhớ lại Thượng Hội đồng ngoại lệ lần thứ hai, nó đặc biệt quan trọng vì được dành riêng để nói về việc áp dụng và cổ vũ Công đồng Vaticanô II (1985). Các Thượng Hội đồng thường lệ dưới triều Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng giải quyết các chủ đề quan trọng: Gia đình Kitô giáo (1980), Thống hối và hoà giải trong sứ vụ linh mục (1983), Ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới (1987), Đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện tại (1991), Đời sống Thánh hiến và vai trò của nó trong Giáo Hội và trong thế giới (1994), Giám mục, người phục vụ Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới (2001). Ngoài các đại hội chung THĐ, chúng ta cũng cần nhớ các đại hội đặc biệt THĐ cấp châu lục như: Liban (1995), châu Mỹ (1997), châu Á (1998), châu Đại Dương (1998), châu Âu (1999) v.v. Cf. D. Vitali, “Sinodalidad. De ‘Apostolica sollicitudo’ a ‘Episcopalis communio’”, in R. Luciani – M. T. Compte (eds), En camino hacia una Iglesia sinodal, op. cit., 33 f.
John Paul II – V. Messori, Varcare la soglia della speranza, Milan, Mondadori, 1994, 178.
E. Bueno – R. Calvo, An Iglesia sinodal: Memoria y profecía, Madrid, BAC, 2000, 41.
Cf. Francis, Apostolic Constitution Episcopalis Communio on the Synod of Bishops, September 15, 2018.
Cf. S. Madrigal, El giro eclesiológico en la recepción del Vaticano II, Santander, Sal Terrae, 2017, 295-322.
Cf. C. M. Galli, “La teología pastoral de ‘Evangelii gaudium’ en el proyecto misionero de Francisco”, in Teología, no. 114, 2014, 34f.
Cf. D. Vitali, “Un Popolo in cammino verso Dio”. Sinodalità in Evangelii gaudium, Cinisello Balsamo (Mi), San Paolo, 2018.
A. Spadaro, “Interview with Pope Francis”, in Civ. Catt. 2013 III 465f.
Cf. S. Pié-Ninot, “La eclesiología del papa Francisco”, in Revista Catalana de Teología 43 (2018/2) 503-526; C. M. Galli, “La riforma missionaria della Iglesia secondo Francesco”, in A. Spadaro – C. M. Galli (eds), La riforma e le riforme nella Chiesa, Brescia, Queriniana, 2016, 37-65.
Hình ảnh về Hội thánh mà tôi rất thích là hình ảnh dân Thiên Chúa trung tín và thánh thiện. Đây là định nghĩa mà tôi thường dùng, và hình ảnh đó cũng có trong Lumen Gentium số 12. Việc thuộc về một dân có giá trị rất mạnh mẽ về thần học. Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã cứu độ một dân. Không có một căn tính trọn vẹn nếu không thuộc về một dân. […] Dân là một chủ thể. Và Hội thánh là dân của Thiên Chúa trong cuộc hành trình xuyên qua lịch sử, với niềm vui và nỗi buồn. Do đó, với tôi, Sentire cum Ecclesia là ở dân này. Và mọi tín hữu, xét như toàn thể, đều vô ngộ trong đức tin, và biểu lộ tính vô ngộ này (infallibilitas in credendo) ngang qua cảm thức siêu nhiên nơi đức tin của cả một dân đang cùng nhau tiến bước. Đây là điều mà hôm nay tôi hiểu về ‘đồng cảm cùng Hội thánh’, mà thánh Inhaxiô đã nói tới. (A. Spadaro, Phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô).
Cf. M. Czerny, “Hacia una Iglesia sinodal”, in Razón y fe, n. 283, 2021, 161-174; 168-172.
D. Vitali, “Sinodalidad. De “Apostolica sollicitudo” a “Episcopalis communio’”, op. cit., 37.
Cf. L. Baldisseri (ed), A cinquant’anni dall’Apostolica sollicitudo. Il Sinodo dei Vescovi al servizio di una Chiesa sinodale, Vatican City, Libr. Ed. Vaticana, 2016.
Francis, Commemoration of the 50th Anniversary of the Institution of the Synod of Bishops, op. cit.
Cf. O. Condorelli, “‘Quod omnes tangit, debet ab omnibus approbari’. Note sull’origine e sull’utilizzazione del principio tra Medioevo e prima età moderna”, in Ius Canonicum 53 (2013) 101-127.
“Dân Thiên Chúa có trách nhiệm với thời điểm ngôn sứ này, các mục tử quy tụ trong đại hội THĐ có trách nhiệm phân định, trong mức độ họ hành động như người coi sóc, diễn giải và chứng nhân đích thực về đức tin của toàn thể Hội thánh; Giám mục Rôma sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng theo/trong mức độ là ‘Mục tử và Tiến sĩ của tất cả các Kitô hữu: không phát xuất từ xác tín cá nhân, mà như là chứng nhân tối cao đức tin của toàn thể Hội thánh (fides totius Ecclesiae)’” (D. Vitali, “Sinodalidad. De “Apostolica sollicitudo” a “Episcopalis communio’”, op. cit.).
Cf. O. Rush, ‘Inverting the Pyramid: The “Sensus fidelium” in a Synodal Church’, in Theological Studies 78 (2017/2) 299-325.
Cf. A. Borras, “‘Episcopalis communio’, mérites et limites d’une réforme institutionnelle”, in Nouvelle Revue Théologique 141 (2019), 66-83.
S. Pié-Ninot, “Verso un ‘ordo communionis primatus’ come primato diaconale”, in A. Spadaro – C. M. Galli (eds), La riforma e le riforme nella Chiesa, op. cit., 293-308; M. Faggioli, “From Collegiality to Synodality: Promise and Limits of Francis’s ‘Listening Primacy’”, in Irish Theological Quarterly 85 (2020) 352-369.
Francis, Letter to the People of God on the Way in Germany, June 29, 2019.