ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên
1-Dẫn nhập
“Kinh Thánh không dạy chúng ta làm thế nào để nói về Thiên Chúa, nhưng dạy những gì Chúa nói với chúng ta; Kinh Thánh cũng không chỉ dẫn cho chúng ta cách tìm thấy con đường dẫn tới gặp Chúa, nhưng là cách thế Chúa đã tìm thấy con đường tới gặp chúng ta” (Karl Barth).
Lời nhận định trên đây của Karl Barth chứng minh Thiên Chúa chủ động ngỏ lời với chúng ta. Ngài cũng “đi bước trước” và có sáng kiến đến gặp gỡ con người. Mạc khải là đặc tính chung của ba tôn giáo lớn: Đạo Do Thái, Đạo Hồi và Đạo Kitô. Hành động mạc khải được định nghĩa là “vén một bức màn” để nhờ đó con người thấy được Thiên Chúa và ý định của Ngài. Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini) đã khẳng định: Điểm mới lạ của Mạc Khải Kinh Thánh đến từ sự kiện: Thiên Chúa tỏ mình cho mọi người biết qua cuộc đối thoại mà Ngài muốn thiết lập với chúng ta (số 6). Mạc khải là một hành động qua đó Thiên Chúa tự truyền thông bản thân mình cho nhân loại (Auto-communication) để con người hiểu biết về Ngài và những gì Ngài muốn làm vì yêu thương con người.
Suốt bề dày lịch sử, bằng nhiều cách thế khác nhau, Thiên Chúa tự tỏ mình ra cho con người.Tuy vậy, nếu trong thời Cựu ước Thiên Chúa chỉ tỏ mình qua các trung gian, thì đến thời sau hết – như cách nói của tác giả thư Do Thái – Thiên Chúa tỏ mình qua chính Con một của Ngài. Ngôi Lời đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta, Thánh Gioan đã khẳng định như thế (Ga 1,14).“Lời không chỉ nghe được, không chỉ có một tiếng nói, nhưng giờ đây, Lời có một diện mạo, để nhờ đó mà chúng ta có thể nhìn thấy: Đức Giêsu Nadarét” (VD số 12). Nếu mạc khải là đặc điểm chung của Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo, thì nhập thể là là đặc tính riêng của Kitô giáo. Qua mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã trở nên gần gũi con người. Với Đức Kitô, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, con người có thể tâm sự với Chúa và thưa với Ngài: “Lạy Cha chúng con ở trên trời!”. Nếu đối với Do Thái giáo, mạc khải có nghĩa là những hành động của Thiên Chúa để trợ giúp dân riêng của Ngài, và đối với Hồi giáo, mạc khải là lời của Chúa được viết thành văn bản (trong kinh Coran), thì đối với Kitô giáo, mạc khải đã mang một khuôn mặt lịch sử. Thiên Chúa tỏ mình ra nơi một con người. Ngài đã mạc khải gương mặt của mình nơi Chúa Giêsu Nagiarét.Nơi Chúa Giêsu, con người thấy Chúa Cha, như lời Người khẳng định: “Ai thấy Thày là thấy Cha”. Triết gia Schelling đã viết: “Nội dung Kitô giáo chính là Đức Kitô, không phải do những gì Người nói, những là chính bản thân Người và những việc Người làm. Kitô giáo, trước khi là một giáo thuyết, đã là một sự kiện (un fait), giáo thuyết chỉ là diễn tả của sự kiện này. Thánh Gioan đã viết: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18). Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể để “kể chuyện” về Chúa Cha. Vì thế, lời chứng của Người là xác đáng và cụ thể.
Tông huấn Lời Chúa khẳng định: Kitô giáo không phải là một “tôn giáo của Cuốn Sách”: Kitô giáo là “tôn giáo của Lời Thiên Chúa”, không phải là “lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động”. Vì thế Sách Thánh phải được công bố, nghe, đọc, đón nhận và được sống như là Lời của Thiên Chúa liên kết với Thánh Truyền của các Tông Đồ (số 7). Đại Hội Kinh Thánh được tổ chức với mục đích cùng nhau tái khám phá sự phong phú thiêng liêng của Lời Chúa, đồng thời cổ võ và mời gọi mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam đọc, học hỏi, suy niệm và thực hiện Lời Chúa.
Nhân dịp Hội nghị Thường niên kỳ I tại Mỹ Tho (tháng 9-2018) Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Nha Trang, Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh – trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã đề nghị một chương trình “Mục vụ Kinh Thánh”, nhằm cổ võ các tín hữu học hỏi và sống Lời Chúa.
Theo lời mời của Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Kinh Thánh, đề tài thuyết trình này mang tựa đề “Các hoạt động Mục vụ Kinh Thánh trong Giáo phận”. Người thuyết trình không phải là một chuyên viên Kinh Thánh. Nội dung dưới đây bao gồm một vài suy tư mang tính thực hành, dựa trên giáo huấn của Giáo Hội, nhất là Hiến chế Tín lý về Mạc Khải (Dei Verbum) và Tông huấn Lời Chúa (Verbum Domini). Vì không phải là chuyên viên trong lãnh vực này, nên xin các Đấng bậc và các vị chuyên môn cảm thông và bổ khuyết.
2-Mục vụ Kinh Thánh: Một khái niệm ít được biết đến
Một số anh em Kitô hữu thuộc các giáo phái khác Công giáo thường nhận định rằng: Người Công giáo nói về Kinh Thánh rất hay, nhưng ít đọc Kinh Thánh một cách nghiêm túc, trong khi đó, những người anh em này, tuy ít nói về Kinh Thánh, nhưng siêng năng đọc và suy tư Lời Chúa.
Từ trước tới nay, chúng ta thường nói đến “mục vụ gia đình”, “mục vụ giới trẻ”. Chúng ta cũng thường nói đến những khái niệm mục vụ bí tích, hoặc mục vụ truyền giáo, nhưng rất ít khi chúng ta nói đến “mục vụ Thánh Kinh”, trong khi đó, việc giúp cho người khác đọc, hiểu, và sống Lời Chúa lại rất quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu. Nếu mục vụ nói chung được định nghĩa như “sự chăm sóc và phục vụ các linh hồn, giúp đỡ họ đạt được những nhu cầu thiêng liêng”, thì việc giúp các tín hữu đọc, hiểu và sống Lời Chúa rất xứng đáng được gọi là “Mục vụ Kinh Thánh”.
3- Các hoạt động Mục vụ Kinh Thánh trong Giáo phận
Đề tài gồm 2 ý tưởng:
1*Mục vụ Kinh Thánh: tức là những hoạt động nhằm giúp người tín hữu đón nhận Lời Chúa, học hỏi và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống cụ thể.
2*Trong Giáo phận: Phạm vi những hoạt động vừa nói tới được áp dụng là Giáo Hội địa phương, tức là một Giáo phận.
Nói đến Giáo phận, là nói đến đàn chiên được trao phó cho một Giám mục coi sóc và phục vụ. Giáo phận cũng là một gia đình, có Giám mục là người Cha. Tông huấn về dạy Giáo lý Catechesi Tradendae đã chỉ định Giám mục là giáo lý viên đầu tiên trong giáo phận (số 16). Thánh Irenê gọi các Giám mục là người gìn giữ Giáo lý tông truyền. Giáo Hội mong ước Giám mục phải là người đầu tiên đón nhận Lời Chúa. Tông huấn Verbum Domini đã viết: “Để nuôi dưỡng và thăng tiến đời sống thiêng liêng của mình, vị Giám mục luôn luôn phải dành chỗ “ưu tiên cho việc đọc và suy niệm Lời Thiên Chúa (số 79). Là người đứng đầu Giáo phận, Giám mục phải là người cổ võ việc học Kinh Thánh, đồng thời cũng là người kiểm soát để việc đọc và chú giải Lời Chúa được thực hiện trong tinh thần chung của Giáo Hội và tâm tình lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần.
Tuy vậy, nói như thế không có nghĩa Giám mục là người duy nhất lãnh trách nhiệm này, mà đó là bổn phận của mọi thành viên trong gia đình Giáo phận. Công đồng Vatican II đã viết: “Tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những ai phục vụ Lời Chúa cách chính đáng, với tư cách là phó tế hoặc giảng viên giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng; nếu không, sẽ có người trong họ thành “kẻ rao giảng Lời Thiên Chúa bên ngoài uổng công, bởi vì họ không lắng nghe Lời đó trong lòng” (Thánh Augustinô), trong khi họ phải thông truyền, nhất là trong phụng vụ thánh, những kho báu vô tận của Lời Thiên Chúa cho các tín hữu đã được giao phó cho họ. Cũng vậy, thánh Công đồng nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi ki-tô hữu, nhất là các tu sĩ, học được “sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh (Hiến chế tín lý về Mạc khải - Dei Verbum, số 25).
Việc chăm chú đón nhận Lời Chúa đã được thực hành ngay từ thời sơ khai. Sách Tông đồ Công vụ đã diễn tả điều này: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng thamn dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Nghe Lời Chúa là một trong bốn trụ cột làm nên sự vững mạnh của đức tin nơi đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Hai ngàn năm đã qua, Giáo Hội lớn lên và phát triển cũng theo chiều hướng đó.Lời Chúa phải được đón nhận bằng khối óc, được yêu mến bởi con tim và được rao giảng qua ngôn từ cũng như hành động. Vì vậy, mục vụ Kinh Thánh trong Giáo phận là đề nghị một chương trình gồm 3 phần: Học hỏi Lời Chúa, Cầu nguyện với Lời Chúa và Rao giảng Lời Chúa.
3.1-Đón nhận bằng khối óc: học hỏi Kinh Thánh
Nhìn vào thực tế, chúng ta đầu tư quá nhiều tiền bạc, thời gian và công sức cho những công trình xây dựng, mà ít để ý đến việc in ấn tài liệu và việc tổ chức các khóa học hỏi dành cho người giáo dân. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phản đối hay tẩy chay những công trình vật chất, mà là đề nghị có sự quân bình trong nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống đức tin.
Ai chúng ta cũng biết rằng việc đào tạo rất cần thiết để có những tín hữu trưởng thành. Ước mong các giáo phận nên tổ chức các khóa học hỏi Kinh Thánh, giúp cho người tín hữu hiểu biết những kiến thức căn bản về Lời Chúa, nhờ vậy họ có thể sống Lời Chúa trong đời sống cụ thể.
Thượng Hội đồng Giám mục về Lời Chúa (năm 2012) ước mong các Giáo Hội địa phương có những “trung tâm đào tạo” dành cho giáo dân và các thừa sai, tại đó người ta học cách hiểu, sống và loan báo Lời Thiên Chúa. Cũng vậy, ở nơi nào có nhu cầu, nên thiết lập những học viện chuyên môn trong ngành nghiên cứu Kinh Thánh để đào tạo những nhà chú giải có sự hiểu biết thần học vững chắc và nhạy bén với các bối cảnh trong đó họ thi hành sứ mạng (x.VD, số 75).
Để có một chương trình học hỏi Kinh Thánh, trước hết phải nói đến tài liệu. Ước mong Ủy Ban Kinh Thánh của Hội đồng Giám mục sẽ xuất bản những tài liệu học hỏi phù hợp với trình độ và mọi lứa tuổi.Hiến chế Dei Verbum cũng đề nghị phổ biến những bản dịch kèm theo chú giải “cần thiết và đầy đủ”, hầu giúp tín hữu dễ dàng tiếp cận Lời Chúa (x. DV 25).
Tại một số giáo phận, trong các kỳ thi giáo lý thường phát phần thưởng là cuốn Tân Ước cho các em, nhưng sau khi nhận phần thưởng mang về, hầu như chẳng bao giờ các em đọc. Vì thế, học hỏi Kinh Thánh không chỉ nhằm chuyển tải những kiến thức có liên quan đến lãnh vực này, nhưng còn giúp cho người tín hữu yêu mến Lời Chúa.
Những kiến thức về Kinh Thánh là nền tảng để hiểu biết Giáo lý. Hiến chế Dei Verbum đã khẳng định: “Việc nghiên cứu Thánh Kinh phải trở nên linh hồn của khoa thần học. Chính lời Thánh Kinh nuôi dưỡng cách tuyệt hảo và làm tăng triển cách trọn vẹn thừa tác vụ Lời Chúa, bao gồm việc giảng thuyết của các chủ chăn, việc dạy Giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài giảng phụng vụ có một chỗ đứng đặc biệt” (DV 24).
Các lớp học Kinh Thánh cũng cần mang nội dung giúp cho các tín hữu khôn ngoan phân định để cảnh giác với lối cắt nghĩa Lời Chúa một cách tùy tiện, tự do, thậm chí xuyên tạc Lời Chúa. Người tín hữu cũng cần thận trọng trước những phong trào được mệnh danh là “mạc khải tư” vẫn tồn tại và gây hoang mang cho nhiều người. Tông huấn Lời Chúa đã lưu ý: “Kinh Thánh là lời ngỏ riêng tư với từng người, nhưng cũng là một Lời có sức xây dựng cộng đoàn, xây dựng Giáo Hội. Vì thế, bản văn thánh phải được luôn luôn tiếp cận trong tinh thần hiệp thông Giáo Hội. Thực thế, phải luôn luôn tiếp cận với bản văn thánh trong sự hiệp thông Giáo Hội” (VD 86).
Một nguy hiểm đối với việc đọc và chú giải Kinh Thánh là thuyết bảo thủ. Quả vậy, chủ thuyết "duy văn tự" được kiểu đọc bảo thủ đề cao trong thực tế là một phản bội cả đối với nghĩa văn tự lẫn nghĩa thiêng liêng, vì mở đường cho đủ kiểu lèo lái, chẳng hạn phổ biến những cách giải thích Kinh Thánh chống Giáo Hội (VD 44).
3.2-Yêu mến bằng con tim: Cầu nguyện với Kinh Thánh
Như thánh Augustinô đã nói: “Lời cầu nguyện của bạn chính là lời bạn thưa với Thiên Chúa. Khi bạn đọc Sách Thánh, thì chính Thiên Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, thì chính bạn nói với Thiên Chúa”. Công đồng Vatican II nhắn nhủ chúng ta: “Nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh” (DV 25).Tông huấn Lời Chúa khẳng định: “Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta đi vào một cuộc đối thoại với Đức Chúa: Vị Thiên Chúa đang nói dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài” (VD 24).
Người giáo dân của chúng ta có thói quen chỉ cầu nguyện bằng việc đọc kinh mà ít khi suy niệm Lời Chúa. Tại miền Bắc, trải qua nhiều năm thiếu vắng linh mục, các nhà thờ không có thánh lễ, vì vậy người giáo dân không được nghe giảng Lời Chúa. Từ tình trạng khó khăn này, hình thành nơi nhiều thế hệ tín hữu khái niệm chỉ biết đọc thuộc lòng một số kinh “chiều hôm ban sáng”. Cuốn “Sách các phép” dành cho các linh mục, được phát hành vào thời Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, cũng lược bỏ phần Lời Chúa đến mức chỉ còn tối thiểu phần cần thiết để các Bí tích thành sự.
Để Lời Chúa hướng dẫn người tín hữu trong tâm tình cầu nguyện, cần soạn thảo những bài đọc Sách Thánh phù hợp cho các giờ chầu Mình Thánh, các buổi cầu nguyện theo chu kỳ các tháng trong năm (Tháng Thánh Giuse, Tháng Dâng hoa Đức Mẹ, Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tháng Mân Côi...), các giờ cầu nguyện trong khi viếng xác hoặc nguyện giỗ.
Tông huấn Verbum Domini số 87 đã viết: "Người ta đã lưu ý nhiều nhất đến phương pháp Lectio Divina, là lối đọc có khả năng mở các kho tàng Lời Thiên Chúa ra cho tín hữu , và như thế cũng tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô , Lời hằng sống của Thiên Chúa". Theo một số tác giả chuyên môn, phương pháp cầu nguyện này thường chia làm 5 bước: 1*Lectio (đọc); 2*Meditatio (suy niệm); 3* Oratio (cầu nguyện); 4* Contemplatio (chiêm ngưỡng); 5*Actio : hành động.
Từ nhiều năm nay và tại một số địa phương, có những nhóm giáo dân đã được thành lập theo mô hình những cộng đoàn cơ bản (Communautés de base). Những nhóm này gặp gỡ nhau hằng tuần để cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa. Cũng nên phát triển những cộng đoàn này, từ những thành viên của các hội đoàn đạo đức hay những phong trào tông đồ giáo dân (như Legio Mariae, Huynh đoàn Đaminh giáo dân, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm...). Tuy vậy, để những buổi gặp gỡ này có hiệu quả đích thực và bảo đảm tính “chính thống”, cần có sự hiện diện và giúp đỡ của cha xứ hay các tu sĩ.
Để lời cầu nguyện được hoàn hảo, chúng ta cần có ơn Chúa Thánh Thần, vì nhờ Ngài mà chúng ta có thể thân thưa với Chúa Cha “Abba, Cha ơi!”. Thật vậy, không có tác động hữu hiệu của “Thần chân lý” (Ga 14,16), người ta không thể hiểu lời Chúa nói. Như Thánh Irênê nhắc nhở: “Những ai không thông phần vào Thánh Thần thì không kín múc từ cung lòng của Mẹ Giáo Hội thức ăn ban sự sống, họ không lãnh nhận được gì cả từ nguồn rất tinh tuyền phát xuất từ Thân Thể Đức Kitô”... Còn Thánh Grêgôriô Cả thì nhấn mạnh cách gợi ý công trình của chính Chúa Thánh Thần trong việc hình thành và giải thích Kinh Thánh: “Chính Ngài đã tạo ra ngôn từ trong các Sách Thánh, chính Ngài mở Sách Thánh ra” (VD 16).
Hiện nay, ở Việt Nam không còn tình trạng thiếu linh mục như trước đây, nên khi cử hành Bí tích (ví dụ Bí tích xức dầu bệnh nhân, thường có đông giáo dân tham dự), cần chú trọng đến việc đọc và chú giải Lời Chúa.
3.3-Rao giảng Lời Chúa bằng ngôn từ và hành động
Vì toàn Dân Thiên Chúa là một dân tộc “được sai đi”, Thượng Hội Đồng Giám mục năm 2008 đã tái khẳng định rằng “sứ mạng loan báo Lời Thiên Chúa là bổn phận của mọi môn đệ Đức Giêsu Kitô, như hệ quả của phép Rửa của họ” (VD 94).
“Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Rao giảng Tin Mừng làm nên sức sống của Giáo Hội. Mới đây nhất, Tài liệu kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục tháng 10-2018 tiếp tục khẳng định: “Loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của Giáo Hội. Là tác nhân rao giảng Tin Mừng, Giáo Hội không chỉ là một tổ chức có hệ thống và phẩm trật; Giáo Hội trước hết và trên hết là một dân tộc đang trên đường lữ hành tiến về Thiên Chúa. Giáo Hội chắc chắn là một mầu nhiệm ăn rễ sâu trong Ba Ngôi, nhưng Giáo Hội tồn tại một cách cụ thể trong lịch sử như một dân tộc lữ hành và như là những người loan báo Tin Mừng, vượt lên trên mọi hình thức tổ chức, dù điều này cũng cần thiết. Tôi muốn vắn tắt bàn đến cách hiểu này về Hội Thánh mà nền tảng tối hậu là ở sáng kiến tự do và yêu thương của Thiên Chúa (số 111).
Rao giảng Tin Mừng trước hết là rao giảng Lời Chúa qua các bài giảng trong Phụng vụ. Điều này liên quan đến các linh mục. Tông huấn Lời Chúa khẳng định: các linh mục là những thừa tác viên của Lời Chúa. Linh mục được thánh hiến và được sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mỗi người vâng phục đức tin và dẫn đưa các tín hữu đến chỗ hiểu biết và hiệp thông ngày một sâu xa hơn với Mầu nhiệm Thiên Chúa, đã được Chúa Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta (x. số 80). Trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành một chương (chương III) để nói về về tầm quan trọng của công việc này. Ngài cũng đưa ra những lời khuyên cụ thể về nội dung cũng như phong cách của các linh mục, nhằm giúp các tin hữu được nuôi dưỡng tín hữu bằng Lời Chúa. Tông huấn Lời Chúa cảnh báo các nhà giảng thuyết: “Phải tránh những bài giảng mơ hồ và trừu tượng, che giấu mất tính đơn giản của Lời Thiên Chúa, cũng như phải tránh những kiểu nói lan man lạc đề vô bổ rất có thể lôi kéo chú ý đến người giảng hơn là chú ý đến trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng” (VD 59).
Việc rao giảng Lời Chúa cũng cần áp dụng nhữnng tiến bộ của kỹ thuật hiện đại trong lãnh vực truyền thông (Websites. Facebook...). Mỗi ngày có biết bao độc giả, nhất là giới trẻ “lướt web”. Những trang web sẽ trở thành dụng cụ và môi trường loan báo Lời Chúa, nếu chúng ta làm cho chúng trở thành những điểm hẹn quen thuộc và hấp dẫn đối với độc giả mọi lứa tuổi và mọi trình độ văn hóa. Cần cổ võ khuyến khích các tác giả luôn nghiên cứu và tạo ra những “sản phẩm” hấp dẫn mang nội dung kiến thức về Kinh Thánh.
“Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Rao giảng Lời Chúa không chỉ dừng lại ở những bài diễn thuyết. Lời Chúa cần phải được loan báo bằng chính đời sống của mỗi cá nhân tín hữu và cả các cộng đoàn. Giáo Hội vừa là một cộng đoàn loan báo Tin Mừng, vừa là cộng đoàn chứng tá sống động để diễn tả giáo huấn của Chúa Giêsu. Vì thế, đời sống đạo đức, tình đoàn kết bác ái và những hoạt động từ thiện sẽ là những “hành động biết nói” để giới thiệu Tin Mừng cho mọi người.Tông huấn Lời Chúa đã viết: “Tính hỗ tương này giữa Lời và chứng tá phản ảnh cách thế Thiên Chúa dùng để tự thông truyền chính mình trong công cuộc Nhập thể của Ngôi Lời của Ngài. Lời Thiên Chúa đến với mọi người “qua cuộc gặp gỡ với các chứng nhân đang làm cho Lời nên hiện diện và sống động”. Đặc biệt, những thế hệ trẻ cần được khai mở vào Lời Thiên Chúa “qua việc gặp gỡ và làm chứng chân chính của người lớn, qua ảnh hưởng tích cực của bạn bè và qua cuộc đồng hành vĩ đại của cộng đoàn Giáo Hội” (VD 97).
Một trong những “từ khóa” người ta có thể thấy dễ dàng trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, đó là “đi ra”.Tại một số cộng đoàn Kitô hữu, đời sống đức tin rất sốt sắng, nhưng chỉ gói gọn và khép kín trong một làng. Những sinh hoạt tôn giáo sầm uất ấy không hề tác động đến thiểu số đang sống bên cạnh. Những Kitô hữu được coi là sốt sắng ấy chẳng quan tâm gì đến những người lương dân đang sống cách mình có vài trăm mét. Đời sống đức tin của xứ đạo vì thế không có sức lôi cuốn những người lương dân. “Đi ra” không chỉ diễn tả một không gian, nhưng còn là một thái độ, một tâm tình của người loan báo Tin Mừng, hầu thoát ra khỏi chính con người của mình. Đi ra để từ bỏ quan niệm lỗi thời, khép kín, độc đoán, ích kỷ. “Đi ra” có nghĩa là chấp nhận người anh chị em, mặc dù còn nhiều khác biệt. Trong huấn từ dành cho Hội đồng Giám mục Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Ad Limina, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nói thêm: Một số quan niệm và lối sống hẹp hòi còn muốn “nhốt” Chúa trong một không gian như một nhà thờ, một xứ đạo, mà không để Ngài đi đến với người khác. Vì vậy, “đi ra” – theo Đức Thánh Cha, còn là mở cửa, khai lối để Chúa đến với muôn dân.
“Phúc Âm hóa người rao giảng Phúc Âm”. Đó là tựa đề một cuốn sách được phát hành cách đây vài năm. Quả vậy, người rao giảng Phúc Âm cũng phài là người đón nhận Lời Hằng Sống cho chính mình, để canh tân thánh hóa bản thân. Lời Chúa trước khi được loan báo cho người khác, phải được cảm nhận và được sống nơi chính người rao giảng, nếu không, lời rao giảng có nguy cơ trở thành thanh la não bạt, phèng phèng cho vui tai rồi chóng rơi vào quên lãng.
Kết luận
Trên đây là một vài suy tư và đề nghị, để hướng tới một chương trình Mục vụ Kinh Thánh trong các Giáo phận. Để thực hiện được chương trình này, cần có nỗ lực cố gắng của mỗi chúng ta, của mọi thành viên trong Cộng đồng Dân Chúa. Kitô giáo là “tôn giáo của Lời Thiên Chúa”, không phải là “lời được viết ra và câm lặng nhưng là Lời nhập thể và sống động”. Vì thế Sách Thánh phải được công bố, nghe, đọc, đón nhận và được sống như là Lời của Thiên Chúa liên kết với Thánh Truyền của các Tông Đồ (VD số 7).
“Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí của Ngài cho họ" (Ds 11,29). Khi có người thắc mắc phân bì, ông Môisen, vị thủ lãnh của Do Thái đã trả lời như vậy. Điều ước mong của ông Môisen đã được thực hiện nơi chúng ta, là dân đã được thanh tẩy và là dân tư tế vương hoàng. Vâng, mỗi chúng ta đều là một ngôn sứ để đón nhận, sống và rao giảng Lời Chúa. Một chương trình Mục vụ Kinh Thánh, nếu được thực hiện chu đáo, sẽ giúp chúng ta thực hiện sứ mạng cao cả này. Xin Mẹ Maria, Đấng đã cưu mang Ngôi Lời nhập thể, Đấng đã lắng nghe và suy niệm Lời Chúa trong lòng, giúp chúng ta biết sống như Mẹ, nhờ đó, chúng ta được gọi là người có phúc.
+ Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội