Học hỏi Phúc âm Chúa nhật III Phục sinh năm C

Thứ bảy - 04/05/2019 04:25  1219

Ga 21,1-19

 

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ, phụ trách

 

1. Trong Tin Mừng Gioan, từ chương 1 đến chương 20, có chỗ nào nói rằng các môn đệ làm nghề đánh cá không? Đọc Ga 21,1-3. Hãy cho thấy nhóm bảy người này đã có một tình bạn thân thiết.

2. Đọc Ga 21,5. Qua câu hỏi này, Chúa Giêsu có biết họ đã chẳng bắt được cá không?

3. Đọc Lc 5,4-6 và Ga 21,6. Nhờ đâu họ được mẻ cá lớn?

4. Ai là người nhận ra Đấng Phục Sinh đầu tiên? Đọc Ga 20,6-8. Khi nhận ra, người ấy làm gì?

  Còn khi Phêrô nhận ra, anh ấy làm gì? Các môn đệ khác làm gì? Tại sao có sự khác biệt như vậy?

5. Đọc Ga 21,9-13. Khi dọn bữa sáng cho các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh đã đem lại cho họ những điều gì? Tại sao Ngài lại cần cá các ông mới bắt được?

6. Đọc Ga 21,14. Hai lần hiện ra trước của Chúa Giêsu là những lần nào?

7. Phêrô có được Chúa Giêsu tha thứ tội chối Thầy chưa? Đọc Ga 21,15-17. Đâu là điều kiện để trở nên người mục tử lãnh đạo trong Giáo hội?

8. Chúa Giêsu mời Phêrô “Hãy theo Thầy”. Theo Thầy có dễ không? Đọc Ga 21,18-19.

 

CÂU HỎI SUY NIỆM

Qua bài Tin Mừng này, bạn học được gì nơi cách cư xử của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ, đặc biệt với Phêrô, người đã chối Chúa?

 

 

PHẦN TRẢ LỜI

1. Trong 20 chương đầu của Tin Mừng Gioan ta không thấy nói đến chuyện các môn đệ của Đức Giêsu làm nghề đánh cá. Ở chương 21,1-3 chúng ta mới thấy nhóm bảy môn đệ của Đức Giêsu là những ngư phủ. Họ rủ nhau đi đánh cá ở biển hồ Tibêria. Nơi hồ này, Đức Giêsu đã gọi các môn đệ đầu tiên, trong đó có ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê (x. Mc 1,16-20). Giờ đây có thể nói họ trở lại nghề xưa, sau một thời gian dài theo Thầy Giêsu. Khi họ “đang ở với nhau,” Simôn Phêrô đã kín đáo đề nghị cùng nhau đi đánh cá. Sáu người kia đã mau mắn đáp lời. Rồi họ cùng nhau đi đánh cá suốt đêm, nhưng không bắt được gì. Chúng ta nhận thấy đây là một nhóm bạn thân thiết, hòa hợp, ở với nhau, làm việc được với nhau và cùng nhau chấp nhận những thất bại.

2. Theo văn phạm tiếng Hy Lạp, câu hỏi ở Ga 21,5 là câu hỏi mà Đức Giêsu chờ một câu trả lời phủ định từ phía các môn đệ: “Không”. Như thế Ngài đã biết tình cảnh thất bại của họ rồi. Ngài hỏi để mà hỏi thôi (tương tự như ở Ga 5,6). Ga 21,5 có thể được dịch sát hơn như sau: “Này các con, các con không có cá sao?” hay “Này các con, có cá gì không?”

3. Ga 21,6 cho thấy các môn đệ đã vâng lời một người lạ đứng trên bờ. Họ đã thả lưới bên phải mạn thuyền và đã có được một mẻ cá rất lớn: 153 con cá lớn nằm gọn trong lưới không bị rách và được kéo vào bờ. Còn ở Lc 5,4-6, các ngư phủ đã vâng lời Thầy Giêsu chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Và họ đã bắt được một mẻ cá lớn, chất đầy hai thuyền gần chìm, khiến lưới suýt bị rách. Trong cả hai trình thuật, sự vâng phục khiêm tốn đã đưa đến những mẻ cá lạ lùng: lớn lao, bất ngờ và không cần nhiều công sức.

4. Sau mẻ cá lạ lùng, người môn đệ Chúa yêu là người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu dưới dạng người đàn ông đứng trên bãi biển. Chính người môn đệ này đã báo cho Phêrô biết xác tín của mình: “Chúa đó !” (Ga 21,6). Nhưng sau đó anh ấy không làm gì cả. Ngược lại, khi Phêrô nghe biết là Chúa, ông vội khoác áo ngoài vào và nhảy tùm ngay xuống biển để bơi vào bờ. Ông nôn nóng muốn mau mau gặp Chúa (Ga 21,7). Năm môn đệ còn lại điềm tĩnh chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá (Ga 21,8). Như thế có sự khác biệt trong phản ứng của bảy môn đệ. Có người nhậy bén hơn, có người nồng nhiệt hơn, và cũng có người bình thản hơn trước mẻ cá lạ. Không thể đòi mọi người có cùng một phản ứng như nhau, dù Phêrô và người môn đệ Chúa yêu đều yêu mến Chúa.

5. Khi dọn bữa sáng cho bảy môn đệ ngay trên bờ biển (Ga 21,9-13), Chúa Giêsu đã cho họ nhiều điều. Ngài để ý đến nhu cầu thân xác của họ: họ có đống lửa để sưởi ấm, có cá và bánh để ăn cho no sau một đêm vất vả. Hơn nữa, Ngài còn để ý đến nhu cầu tinh thần của họ: họ được hạnh phúc vì biết Thầy mình đã sống lại, đang hiện diện gần bên họ, đang chuẩn bị bữa sáng để phục vụ họ, đang mời họ đến mà ăn, đang trao tận tay bánh và cá cho họ. Thầy Giêsu cũng cần ít cá mà các môn đệ mới bắt được (Ga 21,10), có thể vì Thầy muốn sự cộng tác của họ, dù cá này đến từ dấu lạ của Thầy.

6. Gioan 21,14 cho biết đó là lần thứ ba Chúa Giêsu tỏ mình cho các môn đệ. Có hai cách tính xem đâu là hai lần hiện ra trước đó của Ngài. Cách 1: lần đầu Ngài hiện ra với các môn đệ, không có mặt ông Tôma (Ga 20,19-23); lần thứ hai sau đó một tuần, Ngài LẠI hiện ra với các môn đệ cùng với ông Tôma (Ga 20,26), lần thứ ba Ngài LẠI hiện ra với các môn đệ ở hồ Tibêria (Ga 21,1). Cách 2: lần đầu Ngài hiện ra với bà Maria Mácđala (Ga 20,11-18); lần thứ hai với các môn đệ trong phòng đóng kín (Ga 20,19-29); lần thứ ba với các môn đệ ở hồ Tibêria (Ga 21,1-14).

7. Phêrô đã ba lần chối Thầy bên đống lửa ở dinh thượng tế (Ga 18,15-18.25-27). Đấng phục sinh hiện ra cho ông cơ hội ba lần tuyên xưng tình yêu bên đống lửa ở bờ hồ Tibêria (Ga 21,15-17). Điều kiện cần để trở nên vị mục tử trong Giáo hội là lòng yêu mến đối với Vị Mục Tử Giêsu. Không yêu mến Vị Mục Tử này thì cũng chẳng được Ngài giao phó đoàn chiên của Ngài cho.

8. Chúa Phục Sinh lặp lại lời mời với Phêrô: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19.22). Trước đây mấy năm, Phêrô đã nghe lời mời này, từ hồ này. Nhưng bây giờ ông thấm thía hơn sau khi ông đã chối Thầy và thấy Thầy bị đóng đinh. Đấng Phục Sinh cho ông biết số phận như Thầy đang chờ ông (Ga 21,18-19) chỉ vì ông là mục tử phải chết vì đàn chiên. 


Nguồn: cgvdt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ducchasi
 
closedbible
 
suy 5
 
thanhthan06sm 1
 
gdphanxicoxavie
 
lichconggiao2
 
giolecacnhatho adv2 copy
 
giolecacnhatho adv2
 

Tin mới nhất

Kết nối

 

 

 

Thống kê

  • Đang truy cập98
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay22,817
  • Tháng hiện tại677,331
  • Tổng lượt truy cập52,846,279

Copyright © [2018] Giáo phận Nha Trang. All rights reserved.
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Nha Trang
Email: gpnhatrangbtt@gmail.com
Địa chỉ: 22 Trần Phú - HT 42, Tp. Nha Trang - Khánh Hoà
Phone: (84) 258.3523842 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây